Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

XẨM CHỢ VÀ XẨM CA TRÙ

XẨM CHỢ VÀ XẨM CA TRÙ
Có rất nhiều bạn hỏi tôi “Ca Trù, Hát Xẩm và Hát Văn có giống nhau không ?”. Đó là 3 loại thanh nhạc khác hẳn nhau từ nội dung đến hình thức. Trong hai kỳ trước tôi đã cùng các bạn tìm hiểu “Ca Trù là gì ?”. Hôm nay, mời các bạn đi nghe Hát Xẩm với tôi nhé !
Hát Xẩm
Năm 1941, lúc tôi học Y tại Hà Nội, tôi thường đến chơi với bạn Lưu Hữu Phước. Một hôm, Phước nói : “Chiều nay tôi có gọi mấy người Hát Xẩm đến nhà hát cho chúng mình nghe”. Đó là lần đầu tiên tôi được nghe Hát Xẩm. Trong ba người đi đến, có hai người mù và một người còn thấy đường dẫn dắt hai người kia. Một người hát, một người đàn Nhị, một người gõ nhịp. Những người đó được gọi là “chị Xẩm” hay “bác Xẩm”. Chị Xẩm hát rất nhiều bài, tôi không còn nhớ chị ca bài nào, chỉ còn nhớ mang máng mấy câu :
Sông kia nước chảy đôi dòng
Đèn khêu đôi ngọn anh trông ngọn nào”
và ấn tượng nhất đối với chúng tôi là những điệu ngâm Sa mạc và Bồng mạc, sau mấy tuần lễ thấm nhuần với hơi Hát Xẩm, một buổi chiều Lưu Hữu Phước giới thiệu cho tôi biết bài “Ai nhớ ai” mà anh vừa sáng tác :
“ …………………………
Dài đêm dài ai nhớ ai
Tưởng nhớ tới bóng hồng mê hồn
Tưởng nhớ ai thường hát véo von
Ai hỡi thấu chăng nỗi lòng ?”
mà hơi hướng của bản này hoàn toàn theo điệu Sa mạc. Năm 1944, khi chúng tôi từ Trường đại học Hà Nội “xếp bút nghiên về Nam”, tôi có đến chơi với Nhạc sĩ Lê Thương và nghe anh hát một bài anh sáng tác cho trẻ em :
“Có con dế mèn
…………………
Hát Xẩm không tiền
Nên nghèo xác xơ”
                                       
Tôi hỏi anh Lê Thương : “Hát Xẩm là gì hở anh ?”, thì Lê Thương say sưa kể cho tôi nghe về cuộc đời của những người Hát Xẩm, những người khiếm thị, nay đây mai đó, làm nghề Hát rong, lấy tiếng hát nuôi thân, những người đó không phải là hành khất, ăn mày ăn xin ở đầu đường xó chợ, họ là những người “nghệ sĩ dân gian” mà sân khấu chỉ là sân nhà ga, bến đò, góc chợ, hay là sàn nhà của những khách mời đến biểu diễn tại gia, rồi Nhạc sĩ Lê Thương dạy tôi hát một bài mà tôi còn nhớ đến nay, anh nói với tôi đây là một bài Xẩm Huê Tình, mà cũng gọi là Xẩm Cô Đầu :
“Cá thời vàng, cá thời vàng
Nước trong xanh lơ lửng con cá vàng
Cây ngô (là) ngô cành bích,
Con chim phượng hoàng nó đậu cao … nó đậu cao
Tiếc cho em phận gái má (thì) đào
Tiếc cho em (là) em phận gái, má (thì) đào
Tham đồng (là) đồng bạc trắng,
nên gá vào (là vào) cho chú đen (là) Tây đen
Duyên tơ hồng ai khéo duyên (là) se duyên
Bức tranh (là) tranh Tố nữ, đứng bên ông tượng (là) đồng
Chị em ơi ! ba bảy đường chồng”
rồi thì tôi bị lôi cuốn vào phong trào thanh niên tiền phong và đi vào vùng kháng chiến ở chợ Thiên Hộ, bị bệnh trĩ rất nặng, chịu giải phẫu tại nhà thương Grall, rồi sang Pháp vừa để lánh mặt, vừa để trị bệnh, từ đó tôi quên hẳn những điệu Hát Xẩm, đến năm 1953, khi trong nhà dưỡng Lao ở Airer-Sur-l’Adour, tôi bắt đầu tìm hiểu các loại nhạc dân gian của Việt Nam, tôi có đọc được bài của nhà nghiên cứu Pháp Ernest Le Bris viết về Hát Xẩm Huế với tựa là “Musique Annamite” : lesmusiciens aveugles de Hue. Lơ Tứ Đại Cảnh (tức là Âm nhạc Việt Nam : những Nhạc sĩ khiếm thị tại Huế. Bài Tứ Đại Cảnh) Nhạc sĩ thuật lại một buổi gặp gỡ với các người nghệ sĩ mù được gọi là những người “Xẩm Xoan” đi hát rong trên các đường phố Huế và giới thiệu bài “Tứ Đại Cảnh”. Ông rất thích loại hát này, đã gây một ấn tượng khá sâu sắc vào lòng của ông. Bài đó đã được đăng trong tạp chí của những người bạn Cố đô Huế (Bulletin des Amis du Vieux Hue) số tháng 7 tới tháng 12 dương lịch năm 1927, trang 137-148.
Tôi liên tưởng đến những người hát rong trong Miền Nam, đi từ làng này qua làng kia để nói thơ Lục Vân Tiên, nói thơ Sáu Trọng, thơ Cậu Hai Miên, Bạch Viên Tôn Các, Thoại Khanh Châu Tuấn, những người nghệ sĩ khuyết thị đó phụ hoạ lời ngâm thơ của mình bằng cây đờn Độc Huyền thô sơ.
Và khi ấy, tôi đã xếp loại Hát Xẩm Miền Bắc, Xẩm Xoan Miền Trung và Nói Thơ Miền Nam trong một nhóm nghệ sĩ khuyết thị hát rong. Mà tôi cũng chưa biết được giá trị của Hát Xẩm Miền Bắc như thế nào. Đến năm 1987 tôi được mời về dự Hội thảo Khoa học về chương trình SKPVAT (Sưu tầm, Khai thác, Phát huy vốn Âm nhạc truyền thống) được tổ chức tại Hà Nội trong 3 ngày liền, các đại biểu được nghe những đoàn đến từ nhiều nơi của đất nước Việt Nam. Năm đó, lần đầu tiên tôi được nghe tận tai, thấy tận mắt nghệ nhân Hà Thị Cầu giới thiệu lối Hát Xẩm và cụ tự hoạ lời ca của nình bằng cây Đờn Nhị với những ngón đàn độc đáo, đầy nghệ thuật, tôi vô cùng ngạc nhiên và xúc động. Cuộc gặp gỡ với cụ tuy ngắn ngủi (2 tiếng đồng hồ) đã cho tôi thấy một nghệ thuật có chiều sâu, bài bản rất phong phú, nội dung không phải chỉ là tình hiếu thảo, tình mẫu tử, tình phu thê, kể cả tình đôi lứa, mà còn bao gồm những đề tài mới như bài Hát Xẩm về Tàu điện ở Hà Nội. Tôi hỏi cụ có ai đang học để tiếp nối nghệ thuật của cụ không ? thì cụ trả lời với nụ cười chua chát : “thời buổi này ai mà học Hát Xẩm ông à ! thanh niên chỉ thích hát những bài tân nhạc và tự đệm bằng ghi-ta.”
                                Nghệ nhân Hà Thị Cầu
                                  Nghệ nhân Hà Thị Cầu
Sau đó, tại Viện Âm nhạc Hà Nội tôi gặp cháu Tuyết Hoa ngỏ ý muốn học Hát Xẩm với bà cụ Hà Thị Cầu, hôm đó có cả Nhạc sĩ Thao Giang cùng đi với cháu. Cháu đã đờn cho tôi nghe một điệu Hát Xẩm bằng Đờn Nhị, tôi rất tin tưởng rằng cháu có thể tiếp thu nghệ thuật Hát Xẩm được, nên tôi đã ghi tên cháu vào danh sách những người nghệ sĩ trẻ Việt Nam để xin học bổng của Giáo sư Odon Vallet, do Giáo sư Trần Thanh Vân và Kim Ngọc phân phối. Trong 2 năm liền Tuyết Hoa đã đến học với cụ Hà Thị Cầu và tại Viện Âm nhạc Hà Nội Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan đã cho xe đón cụ Hà Thị Cầu từ tỉnh lên Hà Nội và hôm đó cụ đã biểu diễn một số bài Hát Xẩm. Cụ vừa đàn vừa hát, có bài cụ hát cháu Tuyết Hoa đàn phụ hoạ. Bà cụ cười và nói : “Con bé này nó đàn giống tôi lắm, tôi rất vui vì sau này tôi không còn đàn được nữa, tiếng đàn của cháu Tuyết Hoa cũng có mang chút hơi hướng tiếng đàn của tôi”.
                                    Nhạc sĩ Thao Giang
                                     Mai Tuyết Hoa
Trong mấy năm sau, Thao Giang - Tuyết Hoa, với sự cộng tác của các nghệ sĩ Thanh Hoài, Xuân Hinh và Thanh Ngân đã lập ra một gánh Hát Xẩm, hàng tháng hát trên đường phố Hà Nội, đã ghi âm thành dĩa CD làm cho tôi tin rằng một nghệ thuật dân gian mà được tuổi trẻ quan tâm, thích thú, tìm hiểu, học hỏi, luyện tập để đem ra biểu diễn cho quần chúng nghe, trong đó có một số thanh niên, thì nghệ thuật đó đang tìm được một hơi thở mới. Riêng tôi, rất tiếc vì tôi chưa thấy được một băng ghi âm, ghi hình nào của cụ Hà Thị Cầu để lưu lại cho đời sau, một hình ảnh của một nghệ nhân Hát Xẩm có thể nói là độc nhất vô nhị của truyền thống Việt Nam.
Khi tôi viết xong bài này, thì trên blog của sĩ phu Bắc Hà (Bùi Trọng Hiền) có đăng một bài rất đầy đủ, thi vị về nghệ thuật Hát Xẩm mà nhà nghiên cứu Dân tộc Âm nhạc học đã để tựa “ngày xửa ngày xưa”, trong đó tác giả đã ghi lại một truyền thuyết nhắc lại dưới đời nhà Trần có hai ông hoàng Trần Quốc Toán và Trần Quốc Đỉnh được vua cha sai đi tìm ngọc quí trong rừng, ai tìm được sẽ nối ngôi vua và hoàng tử Đỉnh đã tìm được, nhưng bị hoàng tử Toán ám hại và đoạt ngọc. Hoàng tử Đỉnh bị mù loà, từ chốn rừng sâu đã tự tạo ra một cung đnf tiếng hát mà theo nhà khảo cứu là bước đầu của nghệ thuật Hát Xẩm.
Tôi không ghi lại nhiều chi tiết rất thú vị bài của Bùi Trọng Hiền nhưng mời các bạn vào blog của nhà nghiên cứu đó thì sẽ biết thêm nhiều chi tiết rất thú vị trong Hát Xẩm.
Sau hai bài về nghệ thuật Ca Trù là một nghệ thuật rất cao trong nền Âm nhạc Việt Nam thuộc loại nhạc thính phòng, có tính chất bác học và nghệ thuật, hôm nay các bạn vừa tiếp cận với Hát Xẩm, là một nghệ thuật dân gian thuộc loại hát rong và lần tới chúng ta sẽ tìm hiểu Hát Chầu Văn, là một loại nhạc dính liền với tín ngưỡng Việt Nam, một sinh hoạt văn hoá, trong đó thơ, nhạc đi liền với các điệu múa và những trang phục lộng lẫy, đặc biệt của các bà đồng.
Bình Thạnh, ngày 05-09-2007
GSTS Trần Văn Khê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét