Thứ Hai, 22 tháng 10, 2012

VỀ TÊN CÂY ĐÀN TRANH

VỀ TÊN CÂY ĐÀN TRANH
檀箏
                                      Hải Phượng & cây đàn Tranh Việt Nam
Nhiều nhạc sĩ hay nhạc học giả thấy chữ “tranh” có bộ trúc đầu và phía dưới có chữ “tranh” là “giành”, nên nhắc lại truyền thuyết hai người giành nhau một cây đàn “sắt” , đập bể đàn ra làm hai cây. Phân nửa cây đàn sắt vì thế mang tên là “tranh”.
Cố Giáo sư Nguyễn Hữu Ba ngày còn sinh tiền, khi nói đến xuất xứ của đàn tranh cũng nhắc lại việc “giành đàn”.
Ông Nguyễn Đức Mai khi viết bài về Ngũ tuyệt ban nhạc thính phòng cổ nhạc Huế” đăng trong số Canh Thìn 2000, Báo Thế kỷ XXI, bên Mỹ (có lẽ căn cứ theo tài liệu nghiên cứu của cụ Ưng Dụ) cũng nhắc lại việc hai anh em giành nhau cây đàn cầm (có lẽ cây đàn sắt đúng hơn vì đàn cầm chỉ có 7 dây).
Trong các nhà nghiên cứu về đàn Zheng, theo tôi, chỉ có cô Lucie Rault đưa ra nhiều tài liệu nhứt về chuyện “giành đàn”, thường là cây đàn “sắt”.
Đàn “sắt”, theo tương truyền, do vua Phục Hy chế ra, tức vào khoảng gần 3.000 năm trước Tây lịch. Đàn sắt từ đó đến nay còn giữ số dây 25. Hình dáng đàn sắt và đàn tranh giống nhau, nên đàn tranh cũng có tên “tiểu sắt”, đàn sắt nhỏ.

                                 
                                                 Đàn sắt 瑟
Cô Lucie Rault có ghi trong Luận án của cô mấy truyền thuyết sau đây :
1. Dưới thời vua Huyền Tông đời Đường (713-741), Lưu Huống, trong quyển “Đại nhạc linh bích ký” có viết :
“Tranh dữ sắt chính đồng, nhi huyền thuyết thiếu. Tần nhân hữu nhứt sắt nhí tranh. Mông Điềm trung phân chi linh. Các thủ bán cố tranh danh nhiên”
(Đàn tranh và đàn sắt giống nhau, nhưng dây ít hơn. Người đời Tần có một cây đàn sắt mà giành nhau, nhưng dây ít hơn. Người đời Tần có một cây đàn sắt mà giành nhau. Mông Điềm ra lịnh chia mỗi người lấy một nửa. Vì vậy mà người ta gọi đàn đó là đàn tranh)
Trong bài này, không nói rõ người đời Tần là trai hay gái và có họ hàng với nhau thế nào. Lại có thêm tên ông Mông Điềm đứng ra phân xử.
2. Vua Tống Nhân Tôn sai Đinh Độ (990-1053) soạn từ điển “Tập vận” về cây đàn tranh, Đinh Độ có viết : “Tần tục bạc ác, hữu phụ tử tranh sắt giả, các nhập kỳ bán, cố đương thời danh vi tranh”
(Dân tộc nước Tần hay gây gỗ. Có hai cha con giành nhau một cây đàn sắt, đập bể đàn mỗi người lấy một nửa. tại vậy mà người thời ấy gọi là đàn tranh)
Có bản ghi đầy đủ hơn :
“Tần nhân bạc nghĩa. Phụ tử tranh sắt nhi phân chi. Cố dĩ vi danh tranh Thập nhị huyền cái phá nhị thập ngũ huyền nhi vi chi dã”
(Dân Tần hay gây gỗ. Hai cha con giành nhau cây đàn sắt và đập bể làm hai. Tại vậy mà người ta gọi là tranh. Đàn tranh có 12 cây, do đập bể cây đàn 25 dây mà làm ra).
Vào thế kỷ thứ XVII, một thầy dạy “Gagaku” (Nhã nhạc) bên Nhật Bổn tên Oka Shoma (Cương Xướng Danh) trong quyển Gakudo Rui shu (Nhạc đạo loại thư) có viết :
“Hoặc ký văn : Tần nữ tỷ muội tranh sắt, dẫn phá nhi lưởng phiến. Kỳ nhất phiến hữu thập tam huyền vi tỉ phân. Kỳ nhất phiến thập nhị huyền vi muội phân. Tần Hoàng kỳ chí danh hiệu vi tranh”
(Sách Hoặc ký có viết : Hai chị em đời Tần giành cây đàn sắt, đập đàn bể thành hai miếng. Người chị lấy miếng có 13 dây, người em lấy miếng có 12 dây/Vua Tần nghe chuyện lạ như vậy gọi tên tranh cho nửa cây đàn sắt).
Có nơi chép :
“Tần hữu Uyển Vô Nghĩa giả dĩ nhứt sắt truyền nhị nữ. Nhị nữ tranh, dẫn phá chung vi nhị khí. Cố hiệu danh”
(Đời Tần có người tên Uyển Vô Nghĩa lấy một cây đàn sắt cho hai người con gái. Hai người con giành cây đàn đập ra làm hai cây.Tại vậy mà đàn mang tên Tranh).
Chuyện giành đàn theo mỗi tác giả, mỗi đời mà có hơi khác nhau. Nhưng chung qui việc xảy ra ở nước Tần. Hai người khi thì cha con, khi thì chị em giành nhau một cây đàn, đập bể đàn làm hai. Vì vậy mà đàn mang tên là “Tranh”. Theo đó ta thấy rằng người sử gia cho rằng đất nước Tần hay gây gỗ, lại không biết tôn ty trật tự, cha con giành nhau, chị em giành nhau. Cây đàn đó là đàn sắt 25 dây.
Nguồn gốc đàn Tranh Việt Nam là đàn “Tranh” giống như đàn “Sắt” từ Trung Quốc truyền sang nước Việt, có thể từ đời Trần hay trước nữa, dùng trong dân dã dưới dạng đàn 9 dây, 15 dây, 16 dây và từ xưa đến giờ thay đổi kích thước, số dây, từ dây tơ sang dây cước (dây đồng) đến dây thép. Nhưng qua 7, 8 thế kỷ, người nước Việt dùng nó, tạo cho nó một phong cách đặc thù trong thủ pháp, ngón đàn, tay nhấn nhá, trong thang âm điệu thức, trong bài bản. Đàn Tranh đã thành nhạc cụ hoàn toàn mang tính dân tộc Việt Nam, vì đã được người Việt ưa dùng, truyền từ đời này đến đời kia hàng 7, 8 trăm năm, phù hợp với quan điểm thẩm mỹ của người Việt và nói rất rõ ngôn ngữ âm nhạc Việt Nam.
                 Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo đàn Tranh Việt Nam
                     Giáo sư Trần Văn Khê đàn Tranh Việt Nam
                  Nhạc sĩ Phạm Thúy Hoan đàn Tranh Việt Nam
                              Hải Phượng đàn Tranh Việt Nam
                       Nguyễn Thanh Thủy đàn Tranh Việt Nam
Lần sau chúng tôi sẽ ghi lại những đoạn đường chúng tôi đi tìm nguồn gốc cây đàn Tranh Việt Nam qua tài liệu khảo cổ và lịch sử.
Trần Văn Khê

Nhạc Việt và ý chí độc lập dân tộc

Nhạc Việt và ý chí độc lập dân tộc


Lịch sử không phải những kiến thức khô khan, giáo điều. Trong các bộ môn nghệ thuật gần gũi với cuộc sống như âm nhạc, hội họa, thi ca..., tiền nhân luôn gửi đến chúng ta những câu chuyện thú vị và ẩn chứa nhiều bài học. 

Trò chuyện với Tuổi Trẻ về lịch sử từ góc tiếp cận âm nhạc, GS.TS Trần Văn Khê cứ đau đáu về việc làm sao để những thông điệp từ quá khứ được gửi gắm vào hiện tại...

Tiếng trống đồng từ thuở sơ khai

* Xin GS bắt đầu từ buổi sơ khai của nhạc Việt. Âm nhạc của chúng ta khi ấy ra sao?

- Nếu xét lịch sử từ thời kỳ cổ đại thì chúng ta thuộc các dân tộc vùng Đông Nam Á chứ không phải vùng Đông Á. Văn hóa của vùng này là văn hóa đồng thau nên tất cả nhạc khí quan trọng nhất đều là những nhạc khí bằng đồng. 

Tiêu biểu ta có trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Đông Sơn là thời kỳ người Trung Quốc chưa xâm lấn nước ta. Những hình chạm trên mặt trống đồng Ngọc Lũ không hề có nhạc cụ nào có dây tơ hay sáo vốn là đặc trưng của văn hóa ty trúc mà chỉ có những cây khèn, sênh gõ và những dàn cồng. 

Nghĩa là từ thuở sơ khai, người Việt thuộc nền văn hóa đồng thau, khác với văn hóa ty trúc cho đến khi bị xâm lấn, cai trị dưới chính sách đồng hóa văn hóa của Trung Quốc.

Trên chân cột chùa Phật Tích (chùa Vạn Phúc, Bắc Ninh) có chạm hình của những nhạc công thời nhà Lý. Vua Lý Thái Tổ vốn được sinh trong chùa và trong triều đại này Phật giáo là quốc giáo nên nhạc công trong chùa cũng có thể là nhạc công cung đình. 

Trong dàn nhạc này có chạm cây sênh, có sáo ngang, sáo dọc, đàn tranh, đàn nhị, có cây đàn giống như đàn nguyệt nhưng lại chỉ có ba dây và có cả đàn tỳ bà như những cây đàn tỳ bà ở động Đôn Hoàng bên Trung Quốc. 

Đây chính là ảnh hưởng rõ ràng của Trung Quốc sau cả ngàn năm cố gắng đồng hóa người Việt. 

Đến đời nhà Trần, theo sách An Nam chí lược của Lê Tắc thì âm nhạc VN chia thành đại nhạc dành cho nhà vua và tiểu nhạc dành cho quan lại, dân gian. Trong dàn đại nhạc có sự xuất hiện của kèn tất lật (kèn pili) của nhà Đường, có trống phạn cổ, tức trống cơm xuất xứ từ Chiêm Thành. Tức là dù Bắc thuộc, ta vẫn tiếp thu những nền văn hóa khác nhau để chắt lọc ra những nét tinh túy nhất. 

Thời này chúng ta chứng kiến tình thương dân, tầm nhìn chiến lược, tài chính trị, ngoại giao của đức vua Trần Nhân Tông. Sự liên kết với Chiêm Thành là để tạo ra một lực lượng đối kháng với quân Nguyên. Nhà vua biết rằng mộng thôn tính nước ta của giặc Nguyên vẫn còn đó dù đã bị đức thánh Trần Hưng Đạo đánh tan tành. Chính từ sau cuộc hôn nhân của Huyền Trân công chúa, văn hóa Việt đã có nhiều sự giao hòa với văn hóa Champa. 

Tại Huế có hơi Nam, hơi Oán giống như của người Chăm. Phụ họa cho bài dân ca Ai nhiu lơi của người Chăm là cây đàn cà-ting giống như cây đàn bầu của người Việt. Theo sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn có nhắc đến sứ nhà Nguyên khi sang VN có thấy cây đàn nhất huyền cầm (đàn bầu). Trong bài tường thuật của sứ nhà Nguyên cũng có nói đến chuyện sứ nghe tiếng trống đồng mà sợ đến rụng rời, muốn bạc tóc.

Những thời kỳ rực rỡ của nhạc Việt

* Thưa GS, qua nhiều thời kỳ của âm nhạc VN, GS cho rằng thời kỳ nào là rực rỡ nhất?

- Hãy để tôi nói với các bạn về âm nhạc đời nhà Lê. Sau khi vua Lê Thái Tổ - Lê Lợi chiến thắng giặc Minh, nhà vua bèn giao cho Nguyễn Trãi nghiên cứu và định ra các qui chuẩn cho nhạc cung đình Việt. 

Chưa có người nào thuộc giới văn nhân làm quan nói chuyện âm nhạc sâu sắc bằng cụ Nguyễn Trãi. Cụ nói: "Nếu nhân dân không được sung sướng, hạnh phúc thì âm nhạc sẽ ai oán buồn, tức là ta đã mất cái gốc của âm nhạc. Xin bệ hạ hãy nuôi dân, thương dân, để cho trong nước đừng có tiếng ta thán thì ta không mất cái gốc của mình vậy"

Chính cụ Nguyễn Trãi là người đầu tiên nói rằng trong âm nhạc có hình thức bên ngoài, tức nhạc cụ, cách ăn mặc, cách biểu diễn... và cái gốc là tâm trạng đưa ra. Cụ muốn mọi người dân đều hạnh phúc để không có âm ta thán vang lên trong tiếng nhạc.Với cụ Nguyễn Trãi, gốc của âm nhạc chính là nhân dân. 

Đến thời vua Lê Thánh Tông, điểm đặc biệt là dần dần giáo phường của dân gian lại lấn vào cả đồng văn, nhã nhạc, nghĩa là sức ảnh hưởng của nhân dân đã đi vào cả nhã nhạc cung đình. Đầu thế kỷ 15, một mặt có những người trong chính quyền vọng ngoại, muốn đem nhạc nhà Minh vào nhạc Việt nhưng cũng có những người như cụ Nguyễn Trãi, Lương Thế Vinh đã chống lại hành động này. 

Âm nhạc đến thế kỷ 15 có một sự thay đổi rất lớn. Thay đổi này thật ra không chỉ riêng ở VN mà ở nhiều nước khác cũng nổi lên phong trào xây dựng bản sắc dân tộc. Chẳng hạn ở Triều Tiên, vua Sejong không bằng lòng dùng chữ Hán mà định ra chữ viết riêng cho nước này, thay đổi cả âm nhạc vì không muốn chịu sự ảnh hưởng từ Trung Quốc. 

Các samurai Nhật Bản cũng chế ra nhạc sarugaku, dengaku và sau này trở thành kiểu kịch nô. Tất cả những điều đó nhằm chống lại sự bành trướng từ bên ngoài. Cũng thời gian này ở miền Bắc xuất hiện ca trù - thể loại nhạc đặc sắc chỉ của riêng VN và cây đàn đáy.

Theo sách Khâm định Đại Thanh hội điển sự lệ của Trung Quốc, sau khi thắng trận Đống Đa, vua Quang Trung (do một vị triều thần đi thay) sang thăm Càn Long, một dàn nhạc của VN tham gia diễn tấu.

Biên chế của dàn nhạc ấy hoàn toàn giống với biên chế dàn nhã nhạc của chúng ta hiện giờ. Biên chế này nhà Thanh gọi là An Nam quốc nhạc. Sau này khi vua Gia Long lên ngôi, đổi tên nước là VN, dàn nhạc này được gọi là VN quốc nhạc.

PHẠM THÀNH NHÂN 
(báo Tuổi Trẻ)

Nhạc sử: vấn đề lớn còn bỏ ngỏ

Sự phát triển của âm nhạc VN gắn liền với những sự kiện lịch sử, qua những cuộc trao đổi văn hóa, chịu ảnh hưởng văn hóa. Nhưng dù chịu ảnh hưởng, dù bị cố đồng hóa, âm nhạc Việt Nam vẫn tạo được bản sắc riêng của mình để tiếp tục tiến đến ngày hôm nay. Những cây đàn bầu, đàn đáy, đàn nguyệt Việt Nam hay ca trù, tuồng, bài chòi, chầu văn, nhạc tài tử, cải lương... cho thấy ý chí độc lập của dân tộc ta vững bền qua hàng ngàn năm lịch sử và tôi tin rằng sẽ còn mãi vững bền. Tìm hiểu nhạc sử cũng là một vấn đề lớn mà chúng ta còn bỏ ngỏ. 

(GS Trần Văn Khê)

TÂM SỰ CÂY ĐÀN ĐÁY

TÂM SỰ CÂY ĐÀN ĐÁY
Các bạn có biết rằng từ lâu tôi có nhiều mặc cảm đối với các bạn nhạc khí Việt Nam được dùng trong đất nước Việt Nam không?
Thứ nhứt, tôi có mặc cảm không “đồng thân, đồng thủ”. Cần đàn so với thùng đàn thì quá dài. Tôi thấy mình lỏng khỏng như cây tre miễu và có rất nhiều người còn cho tôi là thứ “dị hình, dị dạng”.
Thứ nhì, tôi ít được ai biết đến, chỉ có những người sành điệu Ca Trù ở miền Bắc nước Việt, còn từ Thanh Hóa vào Nam chẳng ai biết tôi, duy chỉ có vùng nhỏ tại Phú Nhuận (Saigon) thì tôi được xóm Cô đầu sử dụng.
Thứ ba, trong tất cả các cây đàn chỉ có tôi là bị thiệt thòi, chỉ có kép đàn ông ôm tôi trong tay mà từ mấy trăm năm nay không có một bóng hồng nào nâng niu tôi như đã nâng niu anh đàn Kìm!
Và sau khi đất nước trở lại thanh bình, những nhạc khí khác được đem ra lau chùi và lần lần tham gia vào cuộc sống âm nhạc trong nước. Riêng tôi phải chịu nằm trong xó vì Ca Trù không được đánh gíá đúng mức. Ca nương thường bị coi như một khách “bán phấn buôn hương”. Người thích nghe Ca Trù mang tiếng là “khách làng chơi” nếu không phải “phường trên bộc, trong dâu”.
Trong nước chỉ có cố Giáo sư Nguyễn Hữu Ba là người chụp nhiều ảnh của tôi để đưa vào tư liệu nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam của ông. Nhưng ông chuyên về nhạc Huế nên tôi chỉ được xếp vào hàng tư liệu mà không được ông sử dụng. Ngoài Bắc, có nhạc sĩ Đỗ Nhuận tìm hiểu Ca Trù và đã nhờ nhạc sư Đinh Khắc Ban giải thích về những kỹ thuật đặc thù của tôi mà có rất ít cơ hội giới thiệu tôi và nghệ thuật Ca Trù với những người nhạc sĩ khác.
Thuở ấy, ít người nghiên cứu về Ca Trù và không còn những cuộc biểu diễn Ca Trù trong các sinh hoạt tại gia hay trong đình làng. Tôi có cảm giác rồi đây mình sẽ bị chìm trong quên lãng.
Nhưng từ năm 1976, khi Giáo Sư Trần Văn Khê về nước, ghi âm Ca Trù để giới thiệu cho bạn bè thế giới ngang qua đĩa hát mang nhãn hiệu Unesco (Trung tâm văn hóa Liên hiệp quốc) thì tôi mới có dịp được ghi âm vào máy có kỹ thuật âm thanh nổi (stéreo) và trong một số thư viện đại học Âu Mỹ đều có đĩa hát về Ca Trù sánh vai với các truyền thống lớn ở châu Á. Tôi bắt đầu được theo Giáo Sư Trần Văn Khê trong các buổi giới thiệu của ông. Tôi được ông rọi hình cho sinh viên trường đại học Sorbonne Paris, trường đại học Hawaii at Manoa tại Honolulu và nhiều trường khác trên Âu Mỹ. Tuy là ông giới thiệu bằng tiếng Anh và tiếng Pháp nhưng tôi cũng hiểu qua là ông không tiếc lời ca ngợi tôi và bắt đầu từ đó tôi hết bị tự ti mặc cảm, mà có lẽ còn rơi vào trong “tự tôn mặc cảm”. Không thích thú sao được khi ông nói rằng đa số nhạc khí Việt Nam từ các nước khác du nhập vào như chị đàn Tranh, chị đàn Tỳ Bà, anh đàn Nhị đều có gốc từ Trung Quốc, như anh Trống Cơm có gốc từ miền Nam Ấn Độ (trống Mridangam), còn tôi cũng như anh đàn Bầu, hay đàn Độc Huyền có nguồn gốc Việt Nam. Chúng tôi lại có cả một truyền thuyết từ dân gian nói lại sự ra đời của chúng tôi.
 
                          Đờn Đáy và Đờn Bầu (Độc Huyền) có nguồn gốc Việt Nam
Riêng tôi nghe thuật lại thì theo ông Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề, dưới đời nhà Lê có ông Đinh Lễ, người có công với vua Lê Lợi, một hôm đi dạo trong một khu rừng nhỏ gặp hai tiên ông (có khi nói rõ ra đó là hai vị trong Bát tiên là Lý Thiết Quải và Lữ Động Tân) cho một miếng gỗ ngô đồng và một bức vẽ hình cây đàn mà nói rằng: “Đây là cây đàn trên thượng giới, con dùng gỗ cây ngô đồng mà đóng cây đàn theo hình vẽ trên đây. Cây đàn đó sẽ giúp con cứu nhân độ thế”. Đinh Lễ nghe theo lời dạy, về đóng một cây đàn, tiền thân của tôi bây giờ, đem ra đàn thử thì chim chóc nghe tiếng đàn đều bay lại đậu trên cây. Khi Đinh Lễ đến bờ sông đàn, thì nhiều loại cá cũng lội đến mà nghe tiếng đàn. Trong làng, khi tiếng đàn của Đinh Lễ vang lên thì dân chúng ai cũng đến mà nghe. Lạ thay, người buồn thấy lòng vui trở lại, người bịnh thì tìm lại được sức khỏe.
Tiếng đồn lan rộng ra các làng gần bên. Khi chàng đến châu Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, ngồi bên suối gảy đàn, dân chúng thấy tiếng đàn linh nghiệm rủ nhau đến trình với quan châu Bạch Đình Sa. Năm ngoài bốn mươi tuổi ông này mới sinh được một con gái đặt tên là Hoa, nhan sắc tuyệt vời. Năm lên mười, Bạch Hoa tiểu thơ một hôm đi chơi với mẹ trúng phong rồi bị câm. Ông bà đã tìm khắp nước mà không có lương y nào điều trị được. Năm cô mười chín tuổi, nhan sắc tuyệt vời mà chỉ buồn là không nói năng gì được. Khi Bạch Công nghe dân chúng bảo có chàng trẻ tuổi có cây đàn mầu nhiệm trị được các bịnh tật, ông cho gia nhân mang lễ vật đến mời chàng Đinh Lễ về nhà để đàn chữa bịnh cho Bạch Hoa. Sau khi thi lễ, chàng so dây và đàn một khúc. Tiểu thư đang ăn cơm sau rèm trúc nghe tiếng đàn bỗng ngưng ăn, lấy hai chiếc đũa gõ lên án thư theo đúng nhịp đàn. Khi tiếng đàn dứt khúc, nàng buông đũa mà nói to lên: “Tiếng đàn hay quá !”. Thị tì báo cho Bạch Công, ông vô cùng mừng rỡ và nài chàng đàn thêm một khúc nữa. Bạch Hoa tiểu thơ lại dùng đũa gõ nhịp. Bạch Công mời chàng vào nhà trong để tương kiến với tiểu thơ. Tiểu thơ đứng dậy chào vui vẻ như gặp người quen đã lâu. Ông bà rất vui khi thấy bắt đầu từ ngày đó, Bạch Hoa bắt đầu nói năng như xưa.
Bạch Công có lần hứa rằng ai chữa cho con gái lành bịnh có thể gả con cho người đó. Khi bàn việc thành lập hôn nhân giữa Đinh Lễ và Bạch Hoa, ai cũng tán thành.  
Lễ vật hoa quả được trưng bày trong phòng hoa chúc sáng choang nhờ hàng trăm ngọn bạch lạp. Khi bước vào phòng, trước một tiểu thư trang sức lộng lẫy, chàng họ Đinh tưởng mình lạc lối đào nguyên, ôm đàn khảy lên một khúc nhạc mừng, miệng ca bài Tân hôn mà hai câu đầu là:
Động phòng hoa chúc dạ
Kháng lệ khánh kỳ duyên
Có nghĩa là :
Trong đêm động phòng hoa và đuốc sáng choang
Mừng lứa đôi sánh duyên đẹp đẽ lạ lùng
Rồi kết thúc bằng hai câu :
Khước giao trần tục phối tiên nga
Bách niên Đinh Bạch nhứt gia
Có nghĩa là :
Xui nên khách trần tục sánh duyên cùng người tiên
Hai họ Đinh và Bạch sum họp một nhà và cùng nhau sống trăm năm.
Bạch Hoa tiểu thơ vừa gõ nhịp, vừa hát theo tiếng đàn. Sau lễ cưới đôi vợ chồng trẻ trở về sống ở làng Cổ Đạm và lập nghiệp nơi đó.
                                                               Ca Trù ngày xưa
Thật ra nếu phải lần tìm gia phả, tôi cũng không thể biết ai đã chế tác ra tôi bởi vì theo lời truyền miệng các nghệ nhân trong giáo phường Lỗ Khê thì người đầu tiên chế tạo ra tôi không phải Đinh Lễ mà là Đinh Dự. Đinh Lễ và Đinh Dự cũng đều là người có công với người anh hùng áo vải Lê Lợi đã đánh đuổi quân Minh và lập nên nhà Lê. Giáo Sư Trần Văn Khê khi đi tìm nguồn gốc của tổ tiên tôi đã đọc nhiều quyển sách và đã có ghi lại nhiều truyền thuyết làm cho ông băn khoăn tự hỏi là chân lý ở nơi nào? Khi đọc quyển Vũ Trung tùy bút của Phạm Đình Hổ trong đoạn nói về hát ả đào không thấy nói chi đến nguồn gốc, chỉ có đoạn ghi rằng hát ả đào dưới triều Cảnh Hưng đã thất truyền, sau đến cuối đời Lê chỉ có ả đào già mới hát được những điệu cổ. Nếu đem bắt những ả đào non hát thử thì lè lưỡi xin chịu không hát được”. Cụ chỉ cho biết rằng lối hát ả đào bắt đầu có từ đời Hồng Đức (1470-1497). Đến năm 1919, cụ Hoàng Yến trong khi nghiên cứu âm nhạc tại Huế đã đăng trong Tạp chí của những người bạn cố đô Huế (Bulletin des amis du vieux Huế) số tháng 7 và tháng 9/1919, có nhắc lại việc ả đào làng Cổ Đạm huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, mỗi năm tế tiên sư đều khấn vua Hán Võ Đế, Đông Phương Sóc và Lý Thiết Quải vì căn cứ theo một truyền thuyết thì Lý Thiết Quải là một vị trong Bát tiên đã chế ra cây đàn Đáy. Theo Nguyễn Đôn Phục trong bài khảo luận về “Cuộc hát ả đào” được đăng trong Tạp chí Nam Phong (tháng 4/1923 - trang 277): Khi xưa có bà Mãn Đào Hoa công chúa, con ông Bạch Đinh Xà đại vương  chế ra âm luật và các bộ hát ả đào để dạy đời. Lúc hát ả đào còn thạnh, mỗi năm hai lần vào mùa xuân và mùa thu có hát chầu để tế tiên sư mà tiên sư của ả đào là Đông Phương Sóc và Lữ Động Tân. Trong một loạt bài về hát ả đào đã được đăng trong các số Bách khoa 81- 82, thì năm 1960, sau khi đọc lại một số truyền thuyết về hát ả đào, Giáo Sư Trần Văn Khê đã tỏ ra nghi ngờ về sự xác thực về những truyền thuyết đó. “Đông Phương Sóc là một văn sĩ Trung Hoa đời Hán, Lữ Động Tân là một người tu tiên đắc đạo đời Đường xét ra chẳng có lý gì gán cho hai ông chế ra lối hát ả đào”.
                                                            Một canh hát Ả Đào
Nếu theo truyền thuyết của hai tác giả Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề ghi lại thì hai vị tiên ông Lý Thiết Quải và Lữ Động Tân đã hiện ra và bày cho Đinh Lễ tạo ra cây đàn Đáy đầu tiên và như vậy tổ tiên của tôi là người Việt chứ không phải người Hoa thì tôi tạm yên lòng với lập luận của hai tác giả này. Thật ra không ai biết rõ hình thù và kích thước của tôi một cách rõ rệt. Trong những tư liệu còn để lại, Giáo Sư Trần Văn Khê chỉ thấy rằng ông Phạm Đình Hổ có tả hình dáng của tôi như sau :
Đàn Đáy cũng giống như đàn Tàu ba dây (tức là cây đàn Tam) nhưng đáy vuông, dọc đàn dài, trên dọc đàn gắn 16 phím tỷ với đàn 3 dây cũng hơi khác. Khi kép ra hát thì lấy dây lưng điều mà treo đàn ngang lưng để gảy với đào xướng họa, tùy theo giọng hát mau khoan mà ứng nhịp với nhau nhưng tiếng đàn thấp kém không cao hơn tiếng hát được (Phạm Đình Hổ, Vũ trung tuỳ bút, tờ 43b và 44a).
 
Câu dịch trên từ chữ Hán do Đông Châu đã đăng trong Tạp chí Nam Phong tháng 10-1927. Vừa mới nghe qua đoạn này, tôi cũng không hiểu rõ nội dung câu văn chữ Hán do Phạm Đình Hổ viết ra. Giáo Sư Trần Văn Khê cũng như tôi, tìm lại bản gốc chữ Hán để đọc lại thì thấy trong bản chữ Hán có bốn chữ “thăng, giáng, cương, nhu” dịch từ chữ ra là “lên cao, xuống thấp, cứng và mềm” thì Giáo Sư Trần Văn Khê nghĩ rằng có lẽ đó là chữ đàn hay tiếng hát “khi cao, khi thấp, khi to, khi nhỏ” chứ còn “mau khoan” tức là khi mau, khi chậm mà theo thuật ngữ âm nhạc Việt Nam thì nhịp chậm thường gọi là “hoãn điệu phách” còn mau là “cấp điệu phách”.
Phạm Đình Hổ đã miêu tả tôi cùng chung với nhạc khí khác trong một dàn nhạc mang tên là Giáo phường thường được dùng trong Cung đình để thay thế cho hai dàn nhạc Đồng Văn và Cổ nhạc, như vậy tức là cuối đời nhà Lê tôi cũng có mặt trong dàn nhạc Cung đình và khi phụ họa cho ca nương, ả đào cũng có nhiều nhạc khí khác: hai loại trống, trống cơm và trống mảnh (cũng gọi là trống cái), hai loại phách, trường cùng và cái sênh (hoặc sênh tiền), hai loại sáo, trúc và địch quản.
Trường cùng là một cái phách làm bằng tre già, hình dẹp như cây đòn gánh, dài độ ba, bốn thước ta. Phách đó do bà già gõ nhịp (Phạm Đình Hổ, Vũ trung tuỳ bút, bản dịch Đông Châu trang 367).
                                                               Phách Ca Trù
Như vậy trường cùng là tiền  thân của cỗ phách mà đào nương dùng ngày nay.
Theo cụ Hoàng Yến, người Nghệ An và Hà Tĩnh đánh đàn Đáy rất hay. Tác giả có kể lại những nhạc công nổi tiếng là: Cửu Xướng, Cửu Ninh và Cửu Đạm.
Càng đọc nhiều bài về nguồn gốc của Ca Trù của các tác giả châu Âu như Gustave Dumoutier, Georges Cordier (Pháp), Gaston Knosp (Bỉ) thì chúng ta càng thêm hoang mang vì những bài nghiên cứu có phần nào phiến diện. Vì vậy, hôm nay tâm sự với các bạn, tôi chỉ muốn nói rõ một điều là tôi tin chắc rằng tổ tiên tôi là người Việt, là Đinh Lễ hoặc Đinh Dự đã chế tạo ra tôi dưới thời nhà Lê tức là thế kỷ thứ XV. Trong giới ca trù có người cho rằng nghệ thuật ca trù có từ đời nhà Lý, tôi sanh sau đẻ muộn, không biết rõ thế nào. Nhưng phần tôi thì tôi chưa thấy những bức chạm trên gỗ hay hình vẽ nào của tôi trước thế kỷ XV. Nghệ thuật ca trù có thể có trước thế kỷ XV, nhưng tôi chỉ biết phận tôi là tổ tiên tôi đã chào đời thừ thế kỷ XV.
Trong chương trình nghiên cứu về nghệ thuật Ca Trù, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan cũng ghi lại xuất xứ của cây đàn Đáy theo sách của Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề. Trong các nghệ nhân mà nhạc sĩ đã gặp, cụ kép đàn Trần Ngọc Quế (86 tuổi - Hải Phòng) nói rằng: “Trong hát chơi cũng có hai ngón đàn là ngón “mỡ” và ngón đàn “nục nạc”. Ngón đàn “mỡ” thì ít nhấn nhá còn ngón kia thì nhấn nhá nhiều”.
Theo truyền thống xưa mà nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã ghi lại, có những câu dạo đàn đủ năm cung: nam, bắc, huỳnh, pha, nao. Khi vào đàn có bốn khổ: sòng, đơn, rải, lá đầu. Tay mặt khảy có tiếng: vê, vẩy, lia, tay trái nhấn có cách “nhấn chùn” rất đặc biệt. Kép đàn ngày nay đã bắt đầu được luyện tập theo lề lối của ngày xưa và tôi hy vọng rằng trong tương lai, tôi sẽ được nói lại những tiếng đặc thù, độc đáo, tuyệt vời của cây đàn Đáy cổ. Theo Phạm Đình Hổ thì ngày xưa, tôi có 16 phím nhưng ngày nay chỉ còn 10 hay 11 phím nhưng với số phím này, những người đàn hay như cụ Nguyễn Phú Đẹ (85 tuổi - Hải Dương) đủ làm cho người nghe thích thú. Ngoài ra, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan còn kể tên những nghệ nhân đã gặp sau này tại các nơi. Trong số đó thật ra ít có người còn biết được nghề nghiệp vì nhiều cụ cao niên nhắc lại thời kỳ xa xưa mình đã có dịp hành nghề nhưng sau mấy chục năm bỏ nghề không biết khi các cụ phải đàn cho Đào nương hát có còn giữ phong độ được như ngày xưa chăng? Trong giới trẻ ngày nay, có nhiều người biết đờn theo tiếng ca của Ca nương trong câu lạc bộ ở các tỉnh. Có hai kép đàn Nguyễn Văn Khuê và Nguyễn Mạnh Tiến đã được cụ Phó Đình Kỵ dạy đàn, có thể coi như được chân truyền.
                                                    Kép đàn Nguyễn Văn Khuê
Tôi rất ngạc nhiên là có lần tôi được một nhạc sĩ người Anh là Barley Norton ôm tôi trong lòng khảy lên những tiếng đàn phụ họa cho Ca nương Việt Nam. Tôi xúc động vô cùng vì không ngờ một người nước ngoài mà biết cách sử dụng đàn. Trong khi đó, bao nhiêu thanh niên Việt Nam lại thích ôm ghi-ta điện để biểu diễn những điệu nhạc của nước ngoài. Khi có Đài Truyền hình phỏng vấn anh Barley Norton về nghệ thuật Ca Trù thì anh nói từ khi nghe đĩa hát của Unesco về nghệ thuật Ca Trù, giọng hát của bà cụ Quách Thị Hồ, tiếng đàn Đáy của ông Đinh Khắc Ban làm cho anh thích thú Ca Trù và phải sắp đặt thời gian để sang Việt Nam tìm học cho được nghệ thuật đàn cây đàn Đáy. Anh rất tiếc rằng thanh niên Việt Nam không thấy được nét tinh vi và tế nhị của cây đàn Đáy mà bỏ cả tuổi trẻ và công sức để học đàn ghi-ta điện. Sau này nếu các nghệ sĩ đàn Đáy trẻ theo qui luật thiên nhiên sẽ qua đời thì còn ai giữ lại được phong cách đàn Đáy nữa?
                                               Tiến sĩ Barley Norton gảy đàn Đáy
Khoảng 10 năm sau này, trong các CLB ở tỉnh và tại Hà Nội có nhiều thanh niên học đàn Đáy, thiếu nữ học ca. Tôi rất sung sướng khi được cùng các bạn trẻ ấy biểu diễn Ca Trù. Tuy ngón đàn của các cậu chưa bằng các nghệ nhân nhưng tôi nghĩ rằng đây là những bước đầu và thế nào trong đám thanh niên yêu thích nghệ thuật Ca Trù sẽ có những “nghệ nhân” trẻ. Trong Nam tại TP.HCM, tôi được một phụ nữ dùng tôi để đàn theo những nghệ sĩ ngâm thơ. Một vài người mộ điệu nói rằng ngón đàn của bà ấy tươi tắn, nghe được, nhưng bà ấy học không có Thầy.
Tại miền Bắc, trong năm 2006, có một ca nương trẻ vừa học bài bản Ca Trù theo truyền thống với bà Nguyễn Thị Chúc ở Hà Tây, vừa học đàn Đáy với cụ Nguyễn Phú Đẹ ở Hải Dương. Đó là cô Phạm Thị Huệ - giảng viên dạy môn Tỳ Bà tại Nhạc Viện Hà Nội. Hiện cô là môn sinh chân truyền của hai “nghệ nhân dân gian”. Tôi vô cùng ngạc nhiên vì trong buổi mới học đàn với cụ Nguyễn Phú Đẹ, tuy cô chưa biết đàn Đáy mà đã lập lại được những câu Thầy mới đàn. Thầy ngạc nhiên và sau đó đã nhận cô làm học trò chính thức. Thầy nhiều lần đã khen cô có bàn tay vàng, học mau, nhớ lâu. Trong một buổi mạn đàm với Giáo Sư Trần Văn Khê, Thầy Nguyễn Phú Đẹ đã nói mấy câu: “Con bé này học rất mau. Mình mới đàn cho nó nghe một câu nào thì nó đã “cướp” mất câu đó của mình rồi. Tôi đã dạy nhiều học trò mà chưa gặp được đứa nào có tiếng đàn giống tiếng đàn của tôi như cô này. Tôi rất vui vì nghĩ rằng sau này dầu không còn trên đời này nữa đã có người giữ được tiếng đàn và cách đàn của tôi”.
                                                        Phạm Thị Huệ đờn Đáy
Riêng tôi, chưa bao giờ tôi được một nghệ sĩ thuộc về phe nữ, trẻ và đẹp, có sắc lại có tài cho tôi phát âm ra được những tiếng đàn vừa gân guốc, vừa bay bướm như cô Phạm Thị Huệ. Cô không phải chỉ học cho biết qua loa, thỏa tánh hiếu kỳ, mà cô quyết tâm học đến nơi đến chốn với cả tâm và trí của mình.
                                                Phạm Thị Huệ và hai người Thầy
Sau khi được hai Thầy cho làm lễ “mở xiêm áo”, cô vẫn tiếp tục học với hai Thầy, đồng thời trao lại tiếng đàn đó cho tuổi trẻ. Cô lại giới thiệu nghệ thuật Ca Trù, cách hát, cách đàn và cầm chầu cho những thính giả thanh niên các giới, nhất là cho học sinh, sinh viên. Trong một buổi giới thiệu định kỳ về nghệ thuật Ca Trù của nhóm Thăng Long do cô lập ra, dưới sự hỗ trợ của hai Thầy và nhiều chuyên gia nghiên cứu Ca Trù, cô có cho một cô học trò rất trẻ ôm đàn Đáy để phụ hoạ cho một bài hát. Tôi sung sướng, rung động dưới bàn tay non nớt của cô bé đó và lòng tràn đầy niềm tin rằng từ đây tôi sẽ không còn sợ bị chìm trong quên lãng.
                                     Các ca nương trẻ của nghệ thuật Ca Trù
     Lớp học đàn Đáy CLB. Ca Trù Thăng Long với cụ Nguyễn Phú Đẹ và các bạn trẻ
Một thành viên nữ trẻ gảy đàn Đáy của CLB Ca Trù Thăng Long "ra mắt" khán thính giả
Các nhà đóng đàn từ mấy năm sau nầy được người mới học và cả nghệ nhân đặt đóng đàn nhiều hơn trước. Những cây đàn Đáy mới được đóng cẩn thận, chạm trổ khéo, nhưng hình như chưa có cây nào có thể sánh được với những cây đàn cổ ngày xưa về mặt âm thanh?
Dẫu sao, tôi cũng rất lạc quan vì thấy nghệ thuật Ca Trù đang có được một nguồn sinh lực mới. Mấy năm gần đây, tôi được nhiều thanh niên, cả thiếu nữ, nâng niu tôi, bỏ thời gian học cách sử dụng đàn Đáy một cách nghiêm túc. Mong rằng ngọn lửa trong tim của các thanh niên thiếu nữ ấy sẽ không phải là ngọn lửa “rơm” bộc phát bộc tàn, mà là ngọn lửa thiêng sẽ cháy mãi, cháy bừng với thời gian!
Các bạn ơi! Tôi đã hết “mặc cảm tự ti” rồi! Và chỉ mong rằng trong những ngày tới đây tôi sẽ được các nhạc sĩ miền Trung, miền Nam nước Việt tìm nghe và học tập. Tôi xin cám ơn các bạn đã chịu khó nghe những lời tâm sự của tôi. Xin đọc tặng các bạn 4 câu thơ mà nhà thơ Nguyễn Hải Phương đã viết về tôi:
“Tên Em như có mà không
Ba dây dẫn sóng trăm sông về nguồn
Ca trù đổ hột phách giòn
Tuổi phai xanh, chạm tiếng đờn lại xanh!”
GSTS Trần Văn Khê
Bình Thạnh, Hè Quý Hợi
29.07.2007

Kiến tha lâu đầy ổ

Kiến tha lâu đầy ổ
Bước vào tuổi 80 tôi may mắn vẫn còn đủ sức khoẻ để tiếp tục làm việc và chưa có năm nào tôi về nước nhiều lần như trong năm 2000.

Tháng 3 tôi về Thành phố Hồ Chí Minh để dạy tại Đại học Hùng Vương, ngoài ra tôi còn được mời giảng tại nhiều nơi như Đại học Văn Lang, Đại học Văn Hiến, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Sư phạm và Nhạc viện trước đông đảo người nghe là thanh niên. Nói chuyện với lớp trẻ là điều tôi luôn thích thú vì được dịp truyền lại cho thế hệ mai sau những điều mình thiết tha muốn gìn giữ, mong các em tiếp nối những công việc tôi còn chưa làm được.

 

GS Trần Văn Khê giảng về nhạc truyền thống tại Đại học Hùng Vương

 

Tình cảm - Các học trò ĐH Bình Dương "khiêng" Thầy lên đến giảng đường


Hơn 800 sinh viên đến nghe nói chuyện về nhạc dân tộc truyền thống Việt Nam

Trong một chương trình trên Đài truyền hình do Kiều Tấn tổ chức, sau khi ca bài Nam Xuân với đề tài “Tô Huệ chức cẩm hồi văn”, tôi có mấy điều nhắn nhủ các bạn thanh niên rằng người Việt Nam làm chủ đất nước thì đồng thời văn hoá Việt Nam cũng có địa vị văn hoá chủ. Như vậy văn hoá nước ngoài là văn hoá khách. Chúng ta hiếu khách mời khách đến nhà, nhưng phải lưu ý không đưa vào ở trong từ đường hoặc dẹp bàn thờ ông bà để khách ngồi chễm chệ cho thanh niên quỳ lạy. Khách đến chơi rồi ra về chớ không thể ở luôn trong nhà chúng ta.

Văn hoá Việt
Nam
giống như cơm chúng ta ăn, không có cơm chúng ta đói; như nước chúng ta uống, không có nước chúng ta khát. Văn hoá nước ngoài có khi hấp dẫn như ớt làm cho chúng ta ngon miệng, như rượu uống cho “khoái khẩu” nhưng không ai có thể lấy ớt thế cơm, lấy rượu thế nước. Một bên là nhứt thời, một bên là trường cửu. Nếu thanh niên ý thức rõ đâu là văn hoá chủ, đâu là văn hoá khách thì có thể thoải mái chơi nhạc Pop hoặc Jazz mà không bị lôi cuốn đến quên cả văn hoá nước nhà.

Năm 2000 tôi may mắn gặp được thầy Lệ Trang tại chùa Viên Giác, một người thông hiểu tường tận về cách tán tụng theo phong cách miền
Nam. Từ trước đến nay khi nghiên cứu về cách tán tụng trong nhạc Phật giáo tôi được các thầy như thầy Nhất Hạnh, thầy Thiện Châu giảng theo phong cách miền Trung. Miền Nam thì tôi chỉ biết cách tán tụng của thầy cúng mà chưa lần nào nắm được cách tán tụng trong chùa theo kinh nhựt tụng hoặc trong các cuộc lễ như Vu Lan hay chẩn tế.

                                                 
Thầy Thích Lệ Trang

 

GS Trần Văn Khê & Thượng tọa Thích Lệ Trang

Tôi được dự một buổi lễ trung đàn từ đầu đến cuối, từ lúc niệm Phật, niệm hương rồi thầy Lệ Trang mặc áo cà sa, đội mão tỳ lư lên đăng đàn, vừa tán tụng vừa bắt ấn liên tục trong mấy tiếng đồng hồ. Đặc biệt lúc đó nét mặt Thầy trông hiền hoà thanh thản giống như trong tranh vẽ Tam Tạng đi thỉnh kinh. Sau mấy tiếng đồng hồ tập trung tư tưởng niệm kinh bắt ấn, Thầy đến bên tôi ngồi nói chuyện với nụ cười trên môi, không lộ vẻ mệt mỏi chi cả. Tôi thấy rằng điều đó rất lạ lùng mà một người bình thường không sao có thể làm được.

Tôi gặp thêm thầy Thích Huệ Quang, một nhà sư trẻ tuổi biết về âm nhạc nên có ý định đưa âm nhạc vào kinh kệ. Thầy cho tôi nghe một cuộn băng ghi âm thể nghiệm trong đó những bài tán tụng có cả nhạc khí hoà theo, khi thì đờn tranh, khi thì đờn nhị, đờn nguyệt... Việc làm này đã được các đại đức, thượng tọa hoan nghinh và khuyến khích thầy nghiên cứu sâu hơn. Tôi có góp ý rằng việc đưa âm nhạc vào tiếng tán tiếng tụng mục đích là để làm cho mọi người dễ tập trung cũng như thích thú hơn khi đọc kinh. Nhưng nếu đưa vào không khéo thì sẽ làm sai ý nghĩa của việc tụng kinh vì tán tụng không phải để nghe cho vui tai, cũng không phải để biểu diễn nghệ thuật mà là để tâm linh quán chiếu được ý nghĩa câu kinh, thấm nhuần được giáo lý. Do đó nếu đưa âm nhạc vào quá rôm rã khiến cho người ta phân tâm, lo nghe tiếng nhạc hay mà quên ý nghĩa câu kinh, hoặc tiếng nhạc không mang âm hưởng dân tộc mà bị ảnh hưởng ngoại lai thì lại càng sai lầm hơn. Thầy Thích Huệ Quang cám ơn về những lời góp ý chân tình và tặng tôi một tượng Phật để đem về đất Pháp.

Tôi cũng dự một buổi lễ đặc biệt mà phải gặp cơ duyên mới được dự, đó là ngày kỷ niệm Thánh mẫu Liễu Hạnh hiển thánh.


Công chúa Liễu Hạnh là người đã tạo ra cả một trường phái về Tam toà Tứ phủ trong Chầu văn tại Sầm Sơn (Thanh Hoá). Từ xưa đến nay một số đông người thường cho rằng “lên đồng” là một sinh hoạt mê tín dị đoan mà không chú ý đến mặt xã hội học của hình thức tín ngưỡng nầy. Nếu Đức Thánh Trần (tức Trần Hưng Đạo Đại vương) là người được dân gian tôn sùng là bực thánh nhân thì về phía nữ, Liễu Hạnh công chúa cũng là một nhân vật hiển thánh được người dân tôn thờ. Trong khi đạo Phật xuất xứ từ Ấn Độ, đạo Khổng và đạo Lão là của Trung Quốc, Thiên Chúa giáo từ Jérusalem du nhập vào nước ta thì tín ngưỡng Chầu văn hoàn toàn là của người Việt Nam.

Vào ngày 26 tháng 2 âm lịch năm Canh Dần (31.3.2000) tất cả các đền ở miền Nam hội lại tổ chức một lễ thật lớn tại đền Thuỷ Lâm Động (thuộc huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai). Đây là chuyến đi vô cùng bổ ích đối với tôi vì được dịp chứng kiến tất cả nghi thức của một buổi Chầu văn. Tôi ghi âm ghi hình lại toàn bộ để đem về nghiên cứu. Lần đầu tiên tôi được nhìn tận mắt cảnh một bà cụ đã ngoài 70 mà lên một lượt mười mấy giá, mỗi giá kéo dài khoảng gần mười phút, phải nhảy múa, phải thay xiêm đổi áo nhiều lần, hết múa đuốc rồi lại múa thanh long đao, múa kiếm. Mỗi lần cụ phát lộc thì người ngồi bên ngoài được thưởng tiền. Sau khi hầu giá hơn hai tiếng đồng hồ, bà cụ vẫn khoẻ khoắn như thường!

Trở lại Pháp vào cuối tháng 4 thì đến tháng 7 tôi lại về nước cùng với đoàn Vật lý thiên văn do Trần Thanh Vân tổ chức lần thứ hai. Các đại biểu đi theo đoàn từ ba bốn chục nước khác nhau họp tại Hà Nội để bàn về những vấn đề vật lý năng lượng cao và vật lý thiên văn. Mục đích chánh tôi đi theo đoàn là để tổ chức một đêm văn nghệ ngắn gọn trong vòng một tiếng rưỡi đồng hồ nhưng lại tập hợp đầy đủ những bộ môn nghệ thuật truyền thống Việt Nam như ca, nhạc, múa, kịch. Từ bên Pháp tôi đã gọi điện thoại liên hệ với anh Võ Văn Quân, Giám đốc Nhà hát chèo để thảo luận về một chương trình có đủ các tiết mục ca trù, chầu văn, trích đoạn hát chèo, múa bỏ bộ, độc tấu sáo, độc tấu đờn bầu, sắp xếp những tiết mục sao cho hấp dẫn. Khi tôi về đến Việt Nam thì ngày hôm sau là tổng dượt tại Nhà hát chèo, các anh chị em trong đoàn từ diễn viên đến dàn nhạc đều nỗ lực biểu diễn thật xuất sắc.

Lần đó tôi rất buồn khi biết trước đây đêm đêm Nhà hát chèo vẫn còn mở màn biểu diễn nhưng nay thì cơ sở xuống cấp đến nỗi không còn có thể sử dụng để công diễn được nữa. Trần Thanh Vân và tôi cùng nhau đi xem một vài chỗ khác nhưng nhận thấy không đủ khang trang để dùng làm nơi trình diễn cho khách nước ngoài. Rốt cuộc chúng tôi đành phải xin thuê Nhà hát lớn với giá một đêm lên đến gần 20 triệu đồng, nhưng nhờ sự can thiệp của anh Võ Văn Quân và sự thông cảm của Ban giám đốc Nhà hát, khi nghe nói buổi biểu diễn này do tôi giới thiệu âm nhạc cho phái đoàn khách nước ngoài nên có giảm được phần nào.

Trước giờ mở màn, khi đứng trên sân khấu thử ánh sáng, bỗng nhiên tôi chợt nhớ lại gần 60 năm trước, tức vào năm 1941, khi còn là một sinh viên trường Thuốc, tôi cũng từng đứng tại đây giới thiệu ba tiết mục Hò cấy lúa của Bến Tre, Hò mái nhì trên sông Hương và Cò lả tại Hội Lim miền Bắc bằng tiếng Pháp cho người Pháp lẫn Việt vốn là thầy, bạn trong trường và một số quan khách.

Mới ngày nào tôi còn là thanh niên đôi mươi mà giờ đây đã là một người xấp xỉ bát tuần. Tôi xúc động trào nước mắt, đứng im lặng mấy phút trong khi ánh đèn sân khấu rọi vào mặt mà không nói nên lời, cho đến khi có người nhắc nhở tôi mới sực tỉnh. Có một sự khác biệt lớn, lần nầy tôi không chỉ giới thiệu bằng tiếng Pháp mà cả tiếng Việt và tiếng Anh, không phải cho những người Pháp mà cho rất nhiều đại biểu trên thế giới và không chỉ giới thiệu ba tiết mục đơn sơ do những nghệ sĩ nghiệp dư trình bày mà là một chương trình được chuẩn bị công phu do những nghệ sĩ chuyên nghiệp, ưu tú và tài năng biểu diễn. Buổi biểu diễn rất thành công.

Cuối tháng 7 tôi trở qua Pháp chuẩn bị cho chuyến về Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 9 để chủ toạ cuộc liên hoan “Nhạc hội đàn tranh châu Á lần thứ nhất” do Cung văn hoá Lao động thành phố tổ chức, đồng thời dạy thêm một khoá học tại Đại học Hùng Vương.


GS Trần Văn Khê trong Nhạc hội Đàn Tranh Châu Á tại Việt Nam 2000

Cuộc liên hoan đờn tranh nầy tôi đã ao ước từ lâu vì muốn cho các cháu từng đoạt giải trong các kỳ thi “Tài năng trẻ đờn tranh” được dịp giao lưu với bên ngoài. Phạm Thuý Hoan mời được Giáo sư Thum Soon Poon dạy Cổ tranh tại Singapore và đoàn Nhựt Bổn, còn tôi liên hệ mời đoàn Hàn Quốc. Tổng cộng có ba đoàn nước ngoài và đoàn Việt Nam tham dự nhạc hội. 

 

Ba Tài năng trẻ Đàn tranh Việt Nam (từ trái qua): Hải Phượng - Vân Ánh - Thanh Thủy trong Đêm Nhạc hội Đàn Tranh Châu Á 2000

Lực lượng các đoàn đều rất hùng hậu. Phía Việt
Nam giới thiệu ba gương mặt trẻ đã đoạt giải nhứt cuộc thi đờn tranh là Hải Phượng, Vân Ánh và Thanh Thủy. Phạm Thuý Hoan là người phụ trách lo phối hợp mọi việc, tôi là cố vấn nghệ thuật kiêm chủ tọa Nhạc hội và điểu khiển buổi hội thảo. Giáo sư Thum Soon Poon dẫn đầu phái đoàn Singapore
cùng với hai người học trò - cũng là bậc thầy về đờn Cổ tranh - là cô Chow Hui Ming và Low Guan Yi. Phái đoàn Nhựt Bổn gồm bà Giáo sư Miyagi Kanami cùng hơn mười học trò đờn Koto và có thêm hai nam nhạc sĩ chuyên thổi sáo. Phái đoàn Hàn Quốc có ba người là Giáo sư Kwon Oh Sung, bà Lee Chae Suk - một đại giáo sư về đờn Kayageum - và một nữ giáo sư trẻ tuổi xinh đẹp đờn hay là Kim Sun Ok, chẳng những đánh được trống Changgo (Trượng cổ) mà còn đờn được cả Komun-ko, một loại đờn dây truyền thống Triều Tiên. 

Trong buổi hội thảo, đại diện mỗi đoàn trình bày về cây đờn của dân tộc mình. Phía Việt Nam có hai bài tham luận, một của anh Nguyễn Văn Đời, giáo sư dạy đờn tranh tại Nhạc viện và một của Phạm Thuý Hoan.

Điểm lý thú là mỗi nhạc cụ có một phong cách, cách đờn và nét đặc thù riêng, nhưng tất cả đều từ một nguồn gốc là cây đờn Cổ tranh xuất hiện từ đời nhà Tần bên Trung Hoa. Đến thế kỷ thứ VI vua Kasil của Triều Tiên dựa theo đờn Cổ tranh mà tạo ra cây đờn Kayageum. Qua thế kỷ thứ VII (năm 672), bà Ishikawa Iroko của Nhựt Bổn gặp một đạo sĩ Trung Quốc đờn cây đờn rất lạ nên theo học rồi lập ra trường phái Tsukushi Goto tại miền
Nam. Sau một ngàn năm, cây đờn lạ đó biến thành cây đờn Koto như ngày nay. Còn đờn tranh của Việt Nam
và Mông Cổ xuất hiện từ thế kỷ thứ XIII. Tất cả những nhạc cụ chung nguồn gốc đó có phong cách đờn giống nhau là tay mặt khảy còn tay trái nhấn. Tuy cùng nguồn gốc và cùng một cách đờn nhưng lại mang nhiều sắc thái khác nhau, từ cách lên dây tới thủ pháp biểu diễn, đó chính là cái đẹp trong nghệ thuật.

Điều rất vui là hầu hết báo chí đều theo dõi và viết rất nhiều bài giới thiệu, tường thuật, phê bình. Theo đánh giá của tôi, Nhạc hội đờn tranh tổ chức lần đầu tiên mà đạt được kết quả như vậy là tuyệt vời, đó là một cuộc giao lưu văn hoá rất bổ ích.

 

GS Trần Văn Khê & NS Phạm Thúy Hoan trong đêm bế mạc Nhạc hội Đàn Tranh Châu Á 2000
 
Sau khi liên hoan đờn tranh châu Á kết thúc, tôi ra Hà Nội để dự một cuộc hội thảo rất lớn với đề tài “Việt Nam trong thế kỷ XX” bàn về đủ mọi phương diện chánh trị, kinh tế, văn hoá. Tôi được sắp xếp vào Tiểu ban Văn hoá. Vấn đề tôi đưa ra là suy nghĩ về bản sắc dân tộc Việt
Nam và phát triển văn hoá như thế nào.
Nhân chuyến đi nầy tôi được dịp thưởng thức dàn trống Thăng Long biểu diễn, sử dụng toàn bộ trống Việt Nam từ lớn đến nhỏ, không phải chỉ phong phú về số lượng mà cả về chất lượng. Có những trống đánh theo tiết tấu rất đơn giản trên đó lại thêu dệt thêm những tiết tấu khác phức tạp hơn, kết lại như đan giỏ và làm thành một bài rất đẹp. Đồng thời các động tác từ cánh tay đưa lên đánh xuống đến bước tới bước lui đều phỏng theo phong cách võ Việt Nam, chú trọng đến sự phối hợp âm thanh, màu sắc và cả những động tác trên sân khấu.

Đặc biệt Đài truyền hình VTV3 có làm một đoạn phim tư liệu ngắn về chân dung của tôi để phát trên đài. Phóng viên Bảo Ngọc mất hết ba buổi đưa tôi đến Văn Miếu, đến khách sạn nơi tôi ở để quay những sinh hoạt thường ngày, phỏng vấn tôi về quan điểm phát triển văn hoá, hỏi thăm đôi nét về chuyến đi Hà Nội. Thú vị nhứt là cảnh tôi đến thăm cụ bà Quách Thị Hồ. Hôm đó thân hữu tổ chức chúc thọ cho cả bà cụ và tôi, cụ 90 còn tôi 80 tuổi, khi tôi vừa bước vào, mọi người hỏi:

- Cụ còn nhớ giáo sư Trần Văn Khê không?

Cụ không trả lời thẳng câu hỏi, chỉ nhìn tôi mà cất giọng ngâm:
Vô duyên đâu dễ chăng là
Có duyên nên khiến dù xa hoá gần

Đó là hai câu thơ trong bài cụ Trúc Hiền tặng tôi năm 1976. Ngừng một chút cụ lại ngâm thêm:
Đẹp lòng gặp lại cố nhân

Rồi nắm tay tôi lặp lại ba lần: “Cố nhân ơi! Cố nhân ơi! Cố nhân ơi”.

Tôi cầm tay cụ mà không cầm được nước mắt, nhớ lại con người tài hoa sắc sảo trước đây, nay tuy chỉ còn da bọc xương mà vẫn giữ được hơi ngâm, còn nhận ra người quen cũ để mà ngâm lên mấy câu thơ ngày xưa chứng tỏ tâm trí còn minh mẫn. Đó cũng là lần cuối cùng tôi gặp cụ Quách Thị Hồ.

Trở lại Thành phố Hồ Chí Minh, tôi bắt tay vào việc viết hồi ký với sự cộng tác của Trung tâm dịch vụ bản thảo hồi ký. Ý định ban đầu của tôi khi viết hồi ký là ghi chép lại một số công việc đã làm để cất giữ cho riêng mình, để rồi khi tôi trở về với cát bụi thì những hậu duệ còn sống sẽ tùy nghi phổ biến. Nhưng một vài bạn bè góp ý rằng như vậy lỡ có điều gì không được chính xác thì lúc đó tôi đã nằm yên dưới ba tấc đất làm sao có thể đính chánh được nữa! Tôi nghe vậy cũng hợp lý nên dự định sẽ cho xuất bản khi đang còn sống. Nhưng bắt đầu viết cả sáu bảy năm mà chưa xong một quyển, vì tôi chú ý cho công việc trước mắt nên ngày qua ngày không tập trung được, trong khi viết hồi ký đòi hỏi phải hồi tưởng lại dĩ vãng để hoàn thành một công việc cho tương lai.

Tình cờ các em trong “Trung tâm dịch vụ bản thảo Hồi ký” chủ động đề nghị hợp tác với tôi để thực hiện hồi ký. Từ nay có cả một ban thơ ký lành nghề, Ban biên tập chuyên nghiệp cộng tác nên tôi nhận lời và ưu tiên dành thời giờ cho việc thâu băng thực hiện hồi ký.

Em Lý Thị Lý - Trưởng điều hành Trung tâm - đích thân đến ghi âm, em có cách nghe làm cho người nói chuyện rất thú vị, giống như đờn Bá Nha rót vô tai Chung Tử Kỳ. Mỗi tuần lễ tôi dành năm buổi để thâu băng, thứ sáu thì chắc chắc lúc nào cũng là em Lý đến làm việc, những ngày còn lại có khi là em Doãn Phượng, có khi là Thanh Nga, toàn những người có tay nghề và biết cách nghe khiến cho người nói chuyện thấy hứng thú. 



GS Trần Văn Khê & Lý Thị Lý trong giờ làm việc thâu băng thực hiện hồi ký

Khi tôi trở về Pháp thì bản thảo được chuyển qua thơ điện tử (e-mail) để tôi sửa chữa trực tiếp trên máy vi tính rồi gởi trở lại cho Trung tâm để người biên tập gọt giũa lời văn, cắt bớt những chỗ dư, những đoạn ý trùng lắp mà vẫn giữ được phong cách viết của tôi. Nói chung công việc rất nhiều nhưng với sự tổ chức chuyên nghiệp nên mọi chuyện tiến hành rất mau, mặc dầu phải đợi thơ đi thơ lại. Bản thảo cuối cùng được gởi cho tôi đọc lần chót và thêm bớt chi tiết trước khi chuyển sang Công ty Phương Nam là cơ sở lo việc in ấn, xuất bản và phát hành hồi ký của tôi. Nhờ vậy mà chỉ trong khoảng thời gian hơn một năm tôi hoàn thành bộ hồi ký bốn quyển dày gần 1.500 trang.

                                                        Hồi ký của GS Trần Văn Khê

Ít có khi nào về Việt Nam trong thời gian rất ngắn mà tôi làm được nhiều việc như chuyến đi này, tôi có thêm nhiều niềm vui, thoả mãn ước mơ, lại có dịp tìm hiểu rất sâu sắc về mặt tôn giáo, mở rộng thêm kiến văn về tán tụng Phật giáo, biết được cặn kẽ về Chầu văn. Hai tháng đó có giá trị bằng bao nhiêu năm đọc sách và học tập. Tất cả những cuộc tiếp xúc trong nước đã giúp tôi sưu tập được rất nhiều tư liệu hình ảnh, băng vidéo, băng ghi âm. Tôi như con kiến cặm cụi tha từng hột gạo đem về chất đầy ổ với lòng mong mỏi rằng những hột gạo đó sẽ được dịp nuôi dưỡng thế hệ mai sau.

TRẦN VĂN KHÊ