Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

GSTS Trần Văn Khê: Tết Việt Nam vẫn là… Tết Việt Nam!



GSTS Trần Văn Khê: Tết Việt Nam vẫn là… Tết Việt Nam!


“Tôi nghĩ tạm thời chưa thể nói đến hội nhập lâu dài sẽ khiến cho Tết của nước mình sẽ thế nào. Đó là nói hội nhập của WTO. Chứ mở cửa thì lâu rồi, Tết cổ truyền chỉ có mấy hôm, thật ra cũng không là vấn đề gì lớn cho chuyện… hội nhập. Tôi nghĩ con người Việt Nam hôm nay mới là điều đáng nói”. GS TS Trần Văn Khê bày tỏ.
Thưa GS, người xứ mình đang có xu hướng chi nhiều tiền bạc, thời gian cho Tết. Ăn kỹ hơn và chơi cũng kỹ hơn. Song vẫn có ý kiến là dường như hương vị Tết không còn giống như… ngày trước.
GSTS Trần Văn KhêKhông phải dựng cây nêu, đốt pháo (hoặc bắn pháo bông!) là Tết. Tôi không phải là người nệ cổ. Giá trị truyền thống thì phải giữ. Mà giá trị đó là gì?. Suốt cả năm làm việc, Tết là khoản thời gian để con người ta nghỉ ngơi.
Một ngày đầu năm mới, người ta thắp nén nhang trên bàn thờ tổ tiên, nhớ lại ông bà của mình. Trong những ngày Tết, người ta không to tiếng với nhau, không đòi nợ nhau… Nghĩa là trong mấy ngày này tất cả đều muốn mang đến những điều tốt.
Đi thăm họ hàng, bè bạn cũ mà cả năm vì bận rộn làm ăn mình không có dịp gặp. Tôn sư trọng đạo cũng là dịp để thể hiện. Ông bà nói mùng 1 Tết Cha, mùng 2 Tết Mẹ, mùng 3 Tết Thầy. Tính văn hoá của Tết Việt Nam là không khí đầm ấm, thân thuộc trong gia đình, dòng tộc.
Như vậy văn hoá Tết của người dân mình vẫn giữ, không vì chuyện hội nhập mà thay đổi đi. Điều đáng nói hơn là con người của mình phải biết ứng xử thế nào để tiếp tục phát huy cái hay của ông bà để lại.
Thưa GS, có ý kiến nếu "khép" cửa "ăn" Tết, thì Tết Việt hiển nhiên sẽ không đượcai biết đến. Và sẽ không trở thành sản phẩm văn hoá phi vật thể trong mối quan tâm của cộng đồng quốc tế?
GSTS Trần Văn Khê: Tôi nghĩ để tiếp thị hình ảnh Việt Nam, Tết chỉ là một vấn đề. Tôi đã giới thiệu với bạn bè các nước về những câu hát, đồng dao, những bài ca của Việt Nam mà chúng ta hát trong lúc làm việc, hát khi nghỉ ngơi...
Tôi luôn nghĩ rằng khi đã đi ra ngoài thì mình là đại diện cho hình ảnh của Việt Nam, cho quê hương cho nên tôi luôn cẩn trọng trong lời ăn, tiếng nói, cách ăn mặc, cư xử. Tôi cố gắng và luôn tận dụng các cơ hội để tạo ấn tượng của người Việt Nam với bạn bè thế giới.
Ấn tượng của người nước ngoài về người Việt Nam là dịu dàng, nhẹ nhàng, thùy mị, kín đáo, không ồ ạt, không ồn ào. Đó là những nét hay, nếu ồn ào quá, ồ ạt quá thì có khi lại không hay.
Tôi muốn nói đến nụ cười. Giờ thì đỡ rồi, chứ trước đây khi cần đến thủ tục hành chính tại Sứ quán của mình, tôi thấy anh em rất ít khi cười. Các cô tiếp viên hàng không của mình cũng vậy. Anh tài xế taxi, chủ khách sạn, nhân viên nhà hàng… tất cả là những người Việt Nam đầu tiên mà khách nước ngoài tiếp xúc, trước khi họ tiếp xúc với chính quyền. Tôi thấy tất cả đều cần có nụ cười và có những ứng xử đúng theo công việc mà mình đang làm.
Như vậy điều quan trọng là mỗi người phải học, phải trang bị cho mình những kiến thức về lịch sử, văn hoá, âm nhạc, ẩm thực... Trang bị cho mình bản sắc của dân tộc để có thể giới thiệu với tất cả bạn bè.
Trang bị “bản sắc dân tộc”, đây là điều không dễ, vì đó là cả một quá trình giáo dục…
GSTS Trần Văn Khê: Đến dự một buổi hoà nhạc, tôi thấy vẫn có nhiều khán giả không hẳn đến để thưởng thức. Tiếng vỗ tay cũng không có nhiều ý nghĩa tán thưởng. Nghệ sĩ trên sân khấu thì ra sức trổ tài. Phía dưới không ít khán giả trò chuyện riêng. Tôi nghĩ khi đi coi chương trình văn nghệ cũng cần có nét văn hoá.
Ra đường, tôn trọng luật đi đường. Lên xe buýt, biết kính nhường người lớn tuổi, trẻ em, phụ nữ… Những điều đó cũng là nét văn hoá cần thiết cho hội nhập. Tôi biết là có nhiều khách nước ngoài rất sợ đi bộ dạo phố Việt Nam vì xe cộ chạy ít tôn trọng luật lệ quá.
Nói về bản sắc dân tộc, tôi có ý nghĩ là người xứ mình đang cố gắng chứng minh cho khách nước ngoài đến đây thấy rằng, đã làm giống như thế nào về một sản phẩm nào đó của xứ người. Thay vì phải tự hào giới thiệu cái hay của chính mình.
Tôi nghĩ Việt Nam không thiếu rượu ngon. Rượu Làng Vân, Minh Mạng Đệ nhất tửu, … đều có thể giúp chọn ra một loại nào đó để nâng thành quốc tửu dùng đãi bạn bè quốc tế. Có thể rượu ấy nặng độ, nhưng chắc chắn khách sẽ thích thú dùng thử hơn so với dọn cho khách món Vang mà Việt Nam không thể nào qua mặt được rượu Vang của Pháp.
Trung Quốc có rượu Mao Đài. Nhật Bản có Sa Kê. Đó chính là thể hiện bản sắc dân tộc.
Âm nhạc cũng vậy. Tại sao khách đến với mình, ta không mời họ thưởng thức Nhã nhạc Cung đình, đờn ca tài tử, ca trù… Có thể họ không hiểu được nội dung khi thưởng thức, song họ sẽ thích thú vì đây là cái riêng của Việt Nam.
Tôi không bảo thủ, nệ cổ. Truyền thống cũng sẽ thay đổi, không có truyền thống nào bất di bất dịch, nhưng sự thay đổi là từ bên trong đi ra chứ không phải vay mượn bên ngoài và áp đặt vào.
Vay mượn bên ngoài và áp đặt sẽ chịu một nguyên tắc chung là phù hợp hay không phù hợp. Nếu phù hợp nó sẽ đơm hoa kết trái, không phù hợp thì nó sẽ bị đào thải. Nếu nó không bị đào thải thì nó sẽ giết chết bản sắc dân tộc mình. Nó sẽ không phải là sự bổ sung mà làm biến chất, không phải làm giàu mà là thay thế. Đó là những điều mà tôi nghĩ rằng đáng quan tâm ở hôm nay.
Cảm ơn GS. Kính chúc GS luôn mạnh khoẻ!
Nguyễn Ngọc Tâm (thực hiện)
1 CommentChronological   Reverse   Threaded
Add a Comment
     
lengochan wrote on Mar 1, '09
Thưa Thầy,

Quả là những điều tuy nhỏ mà không nhỏ? Văn hóa là bản sắc của chúng ta, mà nhiều người cứ loay hoay lấy văn hóa nước giàu mà áp đặt. Biết chừng nào mới giác ngộ cái đẹp của dân tộc, của ông bà để lại

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét