Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

Chữ VISAGE trong đời sống và trên sân khấu Việt Nam

CHỮ VISAGE
(Diện mạo; Mặt mũi; Nét mặt)
TRONG ĐỜI SỐNG VÀ TRÊN SÂN KHẤU VIỆT NAM
 
Nghệ thuật hóa trang Hát Bội Việt Nam - Ảnh: Đức Huy
Chữ Visage có thể dịch ra bằng tiếng Việt là diện mạo, mặt mũi hay nét mặt.
Nét mặt thường thể hiện nội tạng và nội tâm của con người. Nét mặt là một yếu tố quan trọng để diễn tả tình cảm của một nhân vật trên sân khấu.
Ta thường nghe nói “Hữu ư tâm xuất hình ư diện” tức là ta có gì trong tim ta thì nhìn trên mặt có thể đọc được.
1. Sự xuất hiện có thể được diễn tả bằng màu sắc:
a. Màu xanh:
- Nội tạng con người không được tốt, có thể bệnh hoạn hay sức khỏe kém (Mặt mày xanh xao vàng vọt).
- Nội tâm con người đang sợ sệt (Nghe nói chuyện đó làm tôi xanh mặt; Vừa nghe bom nổ mà mặt nó đã xanh dờn; Mặt nó xanh như tàu lá).
b. Màu vàng:
- Nội tạng con người không được tốt (Mặt mày xanh xao vàng vọt) hay đang bị đau gan, màu vàng thể hiện trên mặt, có khi trên cả mình mẩy tay chân.
c. Màu hồng:
- Nội tạng con người đang khỏe mạnh (Nét mặt hồng hào).
- Nội tâm con người hơi bẽn lẽn và e lệ (Cô thiếu nữ đó vừa thoáng gặp người tình thì đôi má ửng hồng)
d. Màu đỏ:
- Nội tạng con người đang say rượu (Cậu đó mới uống có một ly rượu mà mặt đã bắt đầu đỏ gay; anh bạn đó quả quyết là mình không say nhưng mặt mày và đôi mắt đỏ gay)
- Nội tâm con người đang giận dữ (Vừa nghe một câu trái tai mà anh bạn đó đã thấy nổi giận đến đỏ mặt).
e. Màu tím:
Có lẽ đây là màu đỏ thật đậm đến gần như tím, trong nội tạng thì không có trạng thái nào gây ra màu tím, chỉ có nội tâm khi nào giận dữ mà có ý muốn đè nén thì người ta thường nói nghe nói câu trái tai hay làm tổn thương đến danh dự thì sau khi giận đỏ mặt cố đè nén cơn giận người ta thường thấy màu tím (mặc dầu nó đã dằn cơn thịnh nộ những có lẽ cơn giận chưa nguôi nên thấy nó còn tím mặt).
f. Màu nâu sậm: (gần như đen)
Con người dày dạn gió sương nên người ta thường nói (cậu đó trông đen đúa vì làm chuyện cực khổ ngoài đồng áng).
g. Màu trắng:
Thường dùng để khen người thanh niên nam hay nữ có vẻ đẹp bề ngoài, có phần sang trọng hay có chút đài các, một con người sống trong nhung lụa chớ không phải dang nắng dầm mưa (cậu đó mặt hoa da phấn; cậu đó là một trang bạch diện thư sinh; cô đó mặt trắng như dồi phấn môi đỏ tợ pha son; cô đó mặt mày coi trắng trẻo dễ thương).
Thường dùng như thế nhưng có khi dùng để chê một người có nét mặt không hồn (cậu đó mặt trông bạch chảng).
2. Có thể được vẽ ra bằng những nét vẽ đơn sơ.
a. Nét ngang diễn tả nét mặt bình thản, không buồn cũng không vui.
b. Nét dấu ˆ diễn tả nét mặt đang buồn.
c. Nét dấu ˇ diễn tả nét mặt đang vui.
3. Thể hiện ra bằng những bắp thịt trên mặt.
a. Các bắp thịt được giãn ra đều đặn là sức khỏe tốt, tâm hồn bình thản.
b. Các bắp thịt bị căng ra hay nhăn nhó là bị đau đớn trong nội tạng, bị sạn trong thận, sạn trong mật, sưng ruột dư, thần kinh tọa, nội tâm không được bình yên đang bị day dứt vì một nỗi buồn không nguôi, đang nhớ người hay nhớ những chuyện buồn trong dĩ vãng.
4. Bằng những tính từ thường dùng trong ngôn ngữ.
a. Để diễn tả nét mặt bình thản của một người hiền hậu thì người ta thường nói ông đó có nét mặt nhân từ, phúc hậu, nghiêm trang, đằm thắm.
b. Nếu là một nét mặt của người có từ tâm, thiện tâm như một nhà sư, một linh mục thì có thể nói nét mặt của người có vẻ an nhiên tự tại, có điểm chút gì huyền bí.
c. Với một con người được cho là đẹp trai hay đẹp gái thì thường nói cậu đó có nét mặt khôi ngô, thanh tú, cô đó có nét mặt yêu kiều, diễm lệ; lúc vui thì nét mặt hân hoan, hớn hở, rạng rỡ, tươi tỉnh, phấn khởi, rạng ngời; lúc buồn thì nét mặt ủ ê, tiều tụy, bơ phờ, phờ phạc hay bi thảm, đau đớn.
d. Diễn tả về người đang giận dữ thì nét mặt hầm hầm, cau có, quạu quọ.
e. Nét mặt đang sợ thì có vẻ kinh hoàng, hốt hoảng.
f. Nét mặt người đang lo lắng thì có vẻ lo âu, ưu tư, ngơ ngác, khắc khổ.
g. Nét mặt của người tâm địa không tốt có vẻ láu cá, khinh khỉnh, đần độn, gian manh.
h. Để tỏ lòng khinh dễ và coi thường một người thì thường hay nói người đó có bộ mặt mâm, mặt mùng, mặt mền, mặt mẹt.
- Không bao giờ dùng chữ gương mặt mà dùng chữ bộ mặt hay bản mặt.
- Đối với người không phải là bạn thân thiết thì thường nói tôi với anh ấy chỉ là bè bạn ngoài mặt thôi, chữ Hán thường dùng là một diện hữu chứ không phải là thân hữu.
- Cũng có người ngoài mặt không tỏ ra vẻ thân thiện, nhưng thuộc về hạng xấu mặt mà tốt lòng.
5. Nét mặt trên sân khấu:
- Khi lên trên sân khấu, muốn cho khán giả biết nội tâm của diễn viên thì trước hết phải có cách vẽ mặt, có khi nói là dậm mặt hay kẻ mặt.
- Cách dậm mặt trong truyền thống Việt Nam đều theo những ước lệ sau đây:
a. Màu sắc:
+ Màu đỏ, màu hồng dùng để dậm mặt những vai tuồng Trung (thuộc loại chánh diện như Đổng Kim Lân hay đặc biệt là vai Quan Công).
Người trung mặt đỏ đôi tròng bạc
Đứa nịnh râu đen mấy sợi còi”
      Diễn viên hóa trang nhân vật Quan Vân Trường (tức Quan Công) - mặt đỏ
+ Màu trắng hồng là kép Văn chính diện như Triệu Khánh Sanh, kép Võ như Triệu Tử Long.
+ Màu trắng bợt hay màu mốc dùng cho những vai nịnh như Triệu Văn Oán, Đổng Trác.
 
Hóa trang nhân vật tướng nịnh (mặt trắng bợt)
 
Hóa trang nhân vật tướng nịnh (mặt mốc)
+ Màu đen đậm đà chỉ có vai Bao Công, một con người ngay thẳng, đứng đắn. Màu đen nhạt chỉ có Uất Trì Cung, một người chân thật. Màu nâu đen cho những nhân vật ngư phủ.
 
Diễn viên hóa trang nhân vật Bao Công (mặt đen đậm đà)
+ Màu xanh lá cây đậm dùng cho những vai đặc biệt như hồn ma hiện về, hay một nhân vật linh thiêng. Có khi chỉ vẽ theo đuôi con mắt màu xanh, hình con mắt như chim bay và cánh chim tạo nên những loại mắt tròng xéo đỏ như Hoàng Phi Hổ.
 
Hóa trang kép võ (các nhân vật như Hòang Phi Hổ, Dương Chấn Tử...) - Mắt tròng xéo
b. Màu mè:
- Diễn viên không phải chỉ biết nói lối và hát các làn điệu trong hát Chèo, hát Bội, ca cho mùi trong hát Cải lương mà còn phải biết cách diễn xuất bằng cách thể hiện tâm trạng của nhân vật qua nét mặt và đôi mắt, cách đó trong giới nhà nghề được cho là biết làm màu mè.
- Thông thường phải biết thể hiện hỉ, nộ, ái, ố (mừng, giận, thương, ghét); ai lạc (buồn, vui).
- Khi làm màu mè đi đến đỉnh cao nhất thì người ta thường khen đào kép đó đóng tuồng rất có “thần”. Thần là cái tâm hồn và sức sống ở bên trong, đóng tuồng đúng điệu không khó bằng đóng tuồng có thần. Một nghệ sĩ danh tiếng của Trung Quốc Mei Lan Fang (tiếng Việt đọc là Mai Lan Phương – là một người Thầy lớn trong Kinh kịch Trung Quốc), khi tuổi ông gần đến 70, ông còn đóng được vai đào 18 tuổi và người mộ điệu không ngại đi cả ngàn cây số để xem ông biểu diễn.
 
Nghệ sĩ Kinh kịch bậc thầy của Trung Quốc - Mai Lan Phương (Mei Lanfang 梅兰芳) trong vai đào 18 tuổi vẫn hấp dẫn được đông đảo khán giả đến xem ông biểu diễn
 
Chân dung nghệ sĩ tài danh Mai Lan Phương (1894 - 1961)
Ông đã dạy học trò như sau:
Thủ nhi sở chí
Khí tắc sở chí
Nhãn đáo tâm tùy
Thần hữu sở qui
Khí thần câu toàn
 
Cách biểu diễn bàn tay rất đẹp của nghệ sĩ Mai Lan Phương
(1Bàn tay đi đến nơi đến chốn có nghĩa là biểu diễn bàn tay rất đúng, rất đẹp / 2Thì đã nắm được bí quyết, diễn được cá tính trong cách diễn điển hình chung / 3Mắt nhìn đâu thì tim hướng về đó / 4Thần trong diễn xuất có chỗ để về, tức là biểu diễn có thần / 5Khí và thần đều được hoàn hảo, vẹn toàn thì diễn xuất đạt được thành công).
Khí và thần trong cách biểu diễn ánh mắt của nghệ sĩ Mai Lan Phương
Trên các sân khấu của Châu Á, trừ ra trong kịch Noh của Nhựt Bổn, người đóng vai chính Shite đều mang mặt nạ, nên diễn xuất bằng nét mặt không quan trọng.
                                               Sân khấu Noh Nhựt Bổn
Còn trong nghệ thuật Pansori Triều Tiên thì diễn viên độc nhất trên sân khấu phải biết hát rất chỉnh (điệu thức và tiết tấu) còn phải biết diễn xuất có thần, nhất là một diễn viên phải đóng 2, 3 vai trong một vở.
     
        Nghệ thuật hát Pansori Triều Tiên (một người thủ diễn nhiều loại vai)
Trong các phong cách vũ cổ điển của Ấn Độ, nhất là trong Bharata Natyam, trong các sân khấu Kuthiyattam và Kathakali của Miền Nam Ấn Độ, chương trình tập luyện cho nét mặt rất tế nhị, tinh vi và phong phú.
Chẳng những điệu bộ phải tinh vi mà nét mặt cũng cần phải diễn xuất trong nghệ thuật múa cổ điển Ấn Độ Bharatanatyam
Kính thưa quí vị, chữ Visage đã gợi trong tôi những hình ảnh và cảm nghĩ mà tôi vừa ghi lại ở trên. Ngang qua nét mặt của quí vị, tôi sẽ nhận thức được bài tham luận của tôi có làm cho quí vị vừa lòng, đồng ý, tán thưởng hay thất vọng.
Kính chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.

Bình Thạnh, ngày 07-11-2007
Trần Văn Khê
8 CommentsChronological   Reverse   Threaded
Add a Comment
   
samsao85 wrote on Sep 25, '09
Cháu xin tự giới thiệu cháu là sinh viên kiến trúc. Cháu tên Hà Duyên
Cháu không biết phải nói gì về sự công hiến to lớn của bác.Cháu tin rằng những cống hiến của bác chắc chắn được thế hệ trẻ sẽ biết yêu nghệ thuật dân tộc như thế hệ trước đây đã có.
Cháu mong muốn được bác góp ý về một vài điều mà cháu suy nghĩ mãi mà chưa được gì. Cháu sinh ra vùng đất Khánh Hoà, từ bé cháu hay nghe bà hát bội, lúc đó tuy còn rất nhỏ nhưng cháu cảm nhận được bà mê tuồng như thế nào. Trong tâm hồn đứa nhỏ đó, không biết hát bội là gì mà bà phải mê đến vậy, cháu thấy hơi buồn vì câu hỏi đó luôn hiện diện mỗi khi bà hát... Có lẽ vì bà mà cháu cảm thụ được một phần nhỏ nào đó nghệ thuật nhân gian.
Cháu hiện đang làm đề tài tốt nghiệp và chọn đề taì " Câu lạc bộ tuồng Liên Khu V' mục đích bảo tồn và phát triển văn hoá tuồng trong khu vực. Chức năng của đề tài bao gồm biểu diễn, học tâp, trưng bày và giao lưu ngoài trời. Cháu muốn tạo ra nét đặc trưng trong công trình, nhưng cháu lại không hiểu được nét đặc trưng của nghệ thuật tuồng là ở đâu.
Do đó cháu rất mong với sự biết uyên bác về nghệ thuật âm nhạc, sân khấu dân tộc, kính mong được bác cho vài lời khuyên để cháu có thể định hướng được nên làm gì.
Kính mong bác giúp đỡ! Cháu xin chúc bác luôn luôn mạnh khoẻ, được nhiều niềm vui mỗi ngày. Cháu có gì nói không đúng kính mong bác bỏ qua ạ!
 
trantruongca wrote on Jun 15, '09, edited on Jun 16, '09
Ngọc Hân con,
Chữ Visage là tiếng Pháp.
Những ước lệ trong bài nầy là ước lệ của Hát Bội, Hát Tuồng VN. Trong các nước châu Á có vài điểm khác biệt.
Hội thảo do hội những người nói tiếng Pháp (Association des amis francophones).
Thầy TVK
 
lengochan wrote on Jun 14, '09
Thầy giữ gìn sức khỏe. Con mong Thầy ngày nào cũng khỏe mạnh. Con bận rộn không qua thăm Thầy được.
Con Ngọc Hân
 
lengochan wrote on Jun 14, '09
Thưa Thầy,

Chữ Vesage là từ của ngôn ngữ nào vậy Thầy? Ấn Độ? Trung Quốc hay Nhật Bổn?
Những ước lệ màu sắc trên mặt diễn viên trong bài này là màu sắc ước lệ của riêng Tuồng Việt Nam hay là ước lệ chung của các bộ môn nghệ thuật Tuồng của các nước Đông Á?
Thưa Thầy chẳng hay bài tham luận này của Thầy ở hội thảo nào?

Con Ngọc Hân
 
mimikhanhvan wrote on May 29, '09
Thầy ơi!

Con gặp Thầy một ngày làm việc
Nét mặt nào cũng đậm tình thương
Dẫu sắc diện có khi thay đổi
Tâm hồn kia vẫn đẹp như thường!

Lúc Thầy khỏe "hồng hào" thần thái
Khi Thầy đau chống chọi "xanh xao"
Nói chuyện Nhạc mặt mày "rạng rỡ"
Cơn đau như bay biến cõi nào!

Thầy chẳng phải Quan Công, Bao Chửng
Mai Lan Phương cũng chẳng giống đâu
Chỉ có một Văn Khê duy nhứt
Rất tài hoa và rất nhân từ!

(còn nhiều nét mặt của Thầy nữa mà con giữ bí mựt, sẽ nói cho Thầy biết sau, hihihi!)

Con ôm hôn Thầy nhiều chúc Thầy luôn khỏe mạnh, sắc diện luôn "tươi vui", "an nhiên tự tại".

Con của Thầy - KV
 
trantruongca wrote on May 29, '09, edited on May 29, '09
Khánh Vân ơi!
Thầy đọc lại bài Thầy viết thấy nhờ tư liệu con đã tìm trên mạng đã làm cho bài viết của Thầy thêm tính chất sống động. Thầy rất vui. Ôm hôn con nhiều để cám ơn con.
Thầy Khê của con
TVK
 
trantruongca wrote on May 29, '09, edited on May 29, '09
Hải con trai cưng của Ba,
Ba rất vui khi con đọc bài viết của Ba ghi cảm nhận của con. Bài đó Ba viết cho một cuộc hội thảo do người Pháp tổ chức nhân dịp Ba nhìn qua ngôn ngữ VN và cách dặm mặt trong hát bội.

Bài viết của Ba, Khánh Vân tìm tư liệu trên mạng để minh họa và làm cho bài viết thêm phần sống động.
Ba rất vui
Ba của con TVK
 
tranquanghai wrote on May 29, '09
Kính thưa Ba,
Bài viết rất công phu. Nói lên đặc trưng của màu sắc trong đời sống , trong ngôn ngữ và trong kịch nghệ hát tuồng .
Hun Ba nhiều
Con
TQH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét