TỪ “DẠ CỔ HOÀI LANG” ĐẾN “VỌNG CỔ NHỊP 32”
Vào những năm 10 của thế kỷ XX, trong giới Cải lương Tài tử các nghệ nhân bắt đầu nghĩ đến việc sáng tác những bài bản mới để làm phong phú hơn di sản những bài xưa để lại.
Từ năm 1917, tại Vĩnh Long, Kinh lịch Trần Quang Quờn (thường được gọi là thầy Ký Quờn) có sáng tác vài chục bài bản mới theo các hơi dùng trong đờn Tài tử và Cải lương như “Hiệp điệp xuyên hoa” nghĩa là một bầy bướm hút nhụy hoa, “Cứ hổ báo nhập trọng địa” (hơi Bắc) nghĩa là con hổ và con beo vào trong vùng nguy hiểm, “Dạ bán chung thinh” (hơi Ai Oán) nghĩa là nửa đêm nghe tiếng chuông chùa. Và mãi tới năm 1920, tại Bạc Liêu bài “Dạ Cổ Hoài Lang” được ra đời và mọi người đều công nhận bản này của cụ Cao Văn Lầu (thường được gọi là ông Sáu Lầu) sáng tác lời và nhạc.
Nhiều nhà nghiên cứu đã viết về xuất xứ bài Dạ Cổ Hoài Lang, lý do tác giả đặt bản nhạc và bài ca đó và bài được ra đời đúng năm nào. Tôi chưa có đủ điều kiện để xác nhận hai điểm đó. Tôi chỉ trích ra một số ý kiến và thử xem ý nào có thể gần sự thật nhất theo suy nghĩ của tôi nhưng tôi thấy rõ vì sao mà bài “Dạ Cổ Hoài Lang” được nhiều người ưa thích, phổ biến rộng rãi và được phát triển không ngừng đến ngày nay.
Trong bài tham luận này, tôi sẽ chia ra hai phần:
- Phần thứ nhứt: Xuất xứ và phát triển bài “Dạ Cổ Hoài Lang”
- Phần thứ nhì: Tại sao bài “Dạ Cổ Hoài Lang” được phổ biến rộng rãi
A. XUẤT XỨ VÀ PHÁT TRIỂN BÀI “DẠ CỔ HOÀI LANG”
1. Xuất xứ bài “Dạ Cổ Hoài Lang”:
Đến nay, rất nhiều người đều cho rằng ông Sáu Cao Văn Lầu là tác giả bài “Dạ Cổ Hoài Lang”. Về năm sinh của tác giả và năm ra đời của bài “Dạ Cổ Hoài Lang” cũng có nhiều điều khác biệt. Cho nên xuất xứ của bài này vẫn còn nằm trong nhiều giả thuyết. Nhưng theo chúng tôi thì ông Sáu Lầu sanh tại xã Thuận Lễ (nay là Thuận Mỹ), tỉnh Tân An, năm 1890. Lên năm tuổi, ông theo cha về Bạc Liêu. Năm 21 tuổi ông cưới vợ. Tám năm sau vì vợ không sanh con, nối dòng, mẹ của ông buộc ông phải ly dị. Năm 29 tuổi, xa vợ buồn, ông đặt bài “Hoài Lang” (Nhớ bạn). Ông Bảy Kiên đề nghị thêm hai chữ Dạ Cổ (Nghe tiếng trống ban đêm) - Theo bài của Thanh Cao phỏng vấn Ông Sáu Lầu đăng trong báo Dân Mới.
2. Phát triển của bài “Dạ Cổ Hoài Lang”:
Lời ca của Bài “Dạ Cổ Hoài Lang”, nhịp đôi có nhiều “dị bản”. Thông thường nghệ sĩ Cải lương ca bài sau đây và coi đó là lời ca chánh thức:
1. Từ là từ phu tướng
2. Báu kiếm sắc phán lên đàng
3. Vào ra luống trông tin nhạn
4. Năm canh mơ màng
5. Em luống trông tin chàng
6. Ôi ! gan vàng thêm đau
7. Đường dầu xa ong bướm
8. Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang
9. Còn đêm luống trông tin bạn
10. Ngày mỏi mòn như đá Vọng Phu
11. Vọng phu vọng (?) luống trông tin chàng
12. Lòng xin chớ phụ phàng
13. Chàng là chàng có hay
14. Đêm thiếp nằm luống những sầu tây
15. Biết bao thuở đó đây sum vầy
16. Duyên sắc cầm đừng lợt phai.
17. Là nguyện - cho chàng
18. Hai chữ an - bình an
19. Trở lại - gia đàng
20. Cho én nhạn hiệp đôi.
Khi Phạm Duy chép lời bài “Dạ Cổ Hoài Lang” có một vài chỗ thay đổi như:
Câu 5: Luống trông tin chàng
Và trong một dị bản khác thì chép:
Câu 5: Trông luống trông tin chàng
Tôi không vội khẳng định là lời ca nào đúng nhứt. Nhưng đứng về mặt ngôn ngữ thì có nhiều điều làm tôi phải suy nghĩ. Tôi xin tuần tự đưa ra những nhận xét của tôi:
1. Từ là từ phu tướng (không có gì đổi)
2. Báu kiếm sắc phán lên đàng: theo tôi chữ “báu” là tiếng Nôm thường không ghép chung chữ “kiếm”. Nếu có ghép thì nói là “kiếm báu” vì thế mà hai chữ “bảo kiếm” (hay là “bửu kiếm”) theo tôi là đúng hơn. Chữ “sắc” là chiếu chỉ của nhà vua. “Phán” là quyết định của nhà vua nhưng thường trong các truyện Tàu dịch ra tiếng Việt thường là những câu “sau khi nghe triều thần tâu Vua thì Vua phán rằng...”. Thường dùng chữ “phán” là có mặt ông Vua mới dùng. Còn chữ “phong” là phong tước, phong lộc, ban ơn cho triều thần. Trong từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh có cụm từ “sắc phong” mà không có “sắc phán”. Huống chi câu nhạc là “líu, công, líu, công, xê, xàng” nếu chữ đàn “liu” để ca chữ “sắc” thì chữ “cống” phải thấp hơn chữ “liu” một chút mới dễ ca. Bởi vậy “sắc phong” dễ ca hơn “sắc phán”.
Nhưng xét ra ngôn ngữ thì tôi có một nhận xét khác: chữ “lên đường” đúng giọng người miền Nam hơn “lên đàng” là ngôn ngữ thường dùng ở miền Trung hay miền Bắc. Như cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đặt ra bài “Lên Đàng” là lúc ông đang ở tại Hà Nội. Trong ngôn ngữ, ông có dùng một số từ miền Bắc trong một số bài ca. Một số nhạc sĩ miền Nam trong đó có Tôn Thất Lập, trong những bài “Hát cho đồng bào tôi” có bài “Xuống đường”. Nhưng nếu dùng chữ “đường” thì không cùng một vần với những câu sau:
Luống trông tin chàng
Năm canh mơ màng…
Và dài theo phía dưới:
Phụ nghĩa tào khang
Chớ phụ phàng v.v…
3. Vào ra luống trông tin nhạn: Về thanh giọng và câu ca thì “tin nhạn” không ổn vì theo bản đờn, chữ chót là chữ Hò, nếu để chữnhạn, khi ca cho đúng thì nghe ra chữ Xự. Nếu muốn dùng chữ nhạn thì nên đọc là nhàn. Theo dị bản “vào ra luống trông tin chàng” cũng có nghĩa và cũng dễ ca.
Hai chữ “vào ra” cũng không thực đúng giọng miền Nam. Trong những bài ghi cho quần chúng thường có câu “vô ra thong thả”. Khi đặt tên con cũng dùng chữ “vô ra” bằng chứng là tên hai nhạc sĩ đồ đệ của ông Nhạc Khị là “Bảy Vô”, “Tám Ra” nhưng chữ “vào ra” lại dễ ca hơn “vô ra” vì câu đờn là hò, xê, hạp với “vào ra” hơn “vô ra”.
4. Năm canh mơ màng: có dị bản ghi “đêm năm canh mơ màng”. Hai câu đều được cả.
5. Em luống trông tin chàng: có dị bản “trông luống trông tin chàng” thì theo tôi câu sau đúng phong cách người Việt hơn vì vào những năm 1919 và 1920 ít có người vợ nào xưng “em” với chồng mà thường nói “tôi” với “mình”.
6. Ôi gan vàng thêm đau: có dị bản “ôi tim vàng thêm đau”. Theo tôi, khi đau khổ, người Việt thường nói “bầm gan tím ruột” nên tôi thấy dị bản “ôi gan vàng quặn đau” thì chữ “quặn đau” dễ ca hơn “thêm đau” vì câu đờn là “liu, liu, xàng, xệ, liu”. Vậy chữ “quặn đau” gần với chữ đờn hơn.
7. Đường dầu xa ong bướm: có dị bản để “Đường dù xa ong bướm”. Chữ “dù” là không phải tiếng “dầu” của miền Nam và “ong bướm” thường chỉ mối tình không chính thức như “ong bướm hút nhụy hoa”. Vợ chồng xa nhau không ai nói “ong bướm xa nhau” mà có thể dùng “loan phụng”. Vì vậy mà câu trong dị bản “chàng dầu say ong bướm” tức là trong khi đi xa nếu chàng có vài mối tình vụn vặt thì cũng xin “đó đừng phụ nghĩa tào khang”. Theo tôi phù hợp hoàn cảnh của người vợ trong bài ca.
8. Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang: Không thay đổi
9. Còn đêm luống trông tin bạn: Chữ “còn” là tiếng đệm. Các dị bản khác chép lại: “Đêm luống trông tin nhạn” hay “Đêm luống trông tin bạn” đều đúng cả. Theo tôi, chữ “tin nhạn” phù hợp hơn chữ “bạn” vì trong xã hội Việt Nam cổ người vợ không dám xem chồng như bạn. Thường dùng chữ “phu quân”. Và chữ “nhạn” còn có nghĩa mong tin người ở xa nhắn tin về.
10. Ngày mỏi mòn như đá vọng phu
11. Vọng phu vọng luống trông tin chàng: hai câu này không đổi
12. Lòng xin chớ phụ phàng: có dị bản ghi “Xin chàng chớ phụ phàng” thì câu sau rõ nghĩa hơn.
13. Chàng là chàng có hay: có dị bản “chàng ôi chàng có hay”. Hai câu đều được.
14. Đêm thiếp nằm luống những sầu tây: Tất cả các bản đều giống nhau.
15. Biết bao thuở đó đây sum vầy?
16. Duyên sắc cầm đừng lợt phai: Chữ sắc nên viết lại thành sắt, vì đây là đờn cầm, đờn sắt chứ không phải sắc diện, sắc đẹp. Đa số đều giống nhau chỉ có trong dị bản của Phạm Duy hai chữ chót là “tình thương” không cùng vần với “sầu tây”, “sum vầy”. Vì thế tôi nghĩ rằng “Duyên sắt cầm đừng lợt phai” đúng hơn.
17. Là nguyện cho chàng: có dị bản chép “Thiếp nguyện cho chàng”. Hai câu đều được. Nhưng câu “Là nguyện cho chàng” gần câu đờn hơn.
18. Hai chữ bình an: Có dị bản “Đặng chữ bình an” theo tôi câu sau có chữ “đặng” không phải cách nói người miền Nam “được chữ bình an”. Vì vậy mà câu “hai chữ bình an” dễ ca hơn.
19. Trở lại gia đàng
20. Cho én nhạn hiệp đôi.
Sau những nhận xét trên tôi đề nghị các bạn xem lại dị bản sau đây rồi nên có một Ủy ban để quyết định dị bản nào là phù hợp với tinh thần của bản “Dạ Cổ Hoài Lang” và đúng với ngôn ngữ người Việt thời đó:
1. Từ là từ phu tướng
2. Bửu kiếm sắc phong lên đàng
3. Vào ra luống trông tin nhàn
4. Năm canh mơ màng
5. Trông luống trông tin chàng
6. Ôi gan vàng quặn đau !
7. Chàng dầu say ong bướm
8. Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang
9. Đêm luống trông tin nhạn
10. Ngày mỏi mòn như đá Vọng Phu
11. Vọng phu vọng luống trông tin chàng
12. Xin chàng chớ phụ phàng
13. Chàng ơi ! Chàng có hay ?
14. Đêm thiếp nằm luống những sầu tây
15. Biết bao thuở đó đây sum vầy ?
16. Duyên sắt cầm đừng lợt phai.
17. Là nguyện cho chàng
18. Hai chữ an bình an
19. Trở lại gia đàng
20. Cho én nhạn hiệp đôi.
Năm 1922, ông Phạm Công Bình đặt vở tuồng “Tối độc phụ nhân tâm” trong đó bài “Dạ Cổ Hoài Lang” theo nhịp hai.
Năm 1925, theo ông Trương Bỉnh Tòng (“Nhạc tài tử, nhạc sân khấu cải lương”), ông Huỳnh Thủ Trung, tự Tư Chơi sáng tác lời ca cho bài “Vọng cổ” nhịp tư mang tên” tiếng nhạn kêu sương”:
“Nhạn đành kêu sương nơi biển Bắc
Én cam khóc hận dưới trời Nam”
Ông Bùi Trung Tín, dẫn theo lời của ông Giáo Thinh, thì năm 1927, môt thầy đồng nghiệp với ông Giáo tại Vĩnh Long sáng tác năm 1927 bài “Con nhạn kêu sương” tên khác mà lời giống như lời trong bài “Tiếng nhạn kêu sương” Vọng cổ nhịp tư.
Năm 1935, Năm Nghĩa ca bài “Văng vẳng tiếng chuông chùa” Vọng cổ nhịp 8. Ngoài ra có bài “Gió bấc lạnh lùng”.
Năm 1938, Nhạc sĩ Vĩnh Bảo đờn cho cô Năm Cần Thơ ca Vọng cổ nhịp 16. Dĩa Beka thâu Vọng cổ nhịp 8, nhịp 16. Sáu Hải (Lê Kim Hải) chuyên đặt lời cho Vọng cổ nhịp 16 như bài “Bầu tâm sự”, “Tình cao thượng” do cô Ba Bến Tre ca. Các bài khác như “Gió bấc lạnh lùng”, “Tôi khóc đã mấy năm rồi” cũng rất nổi tiếng.
Năm 1946 cô Tư Sạng ca bài “Mẹ dạy con” Vọng cổ 16.
Năm 1948 Út Trà Ôn ca bài “Tôn Tẫn giả điên” Vọng cổ nhịp 16. Ngoài Út Trà Ôn ra các nghệ sĩ Tám Thưa, Bảy Bé cũng là những người ca Vọng cổ hay.
Năm 1955 Vọng cổ 32 được phổ biến rộng rãi tới ngày nay.
B. TẠI SAO BÀI VỌNG CỔ ĐƯỢC PHỔ BIẾN RẤT RỘNG RÃI?
1. Nét nhạc của bài “Dạ cổ hoài lang” có mấy chỗ giống như nét nhạc của bài “Hành Vân” đang được thịnh hành. Không quá đơn giản và quen thuộc như “Hành Vân”, mà cũng không dài như “Tứ Đại” và những bài oán trong đờn tài tử. Bài “Dạ Cổ Hoài Lang” lại mang hơi của cách ru em miền Nam nên dễ đi vào lòng người.
2. Lời ca bài “Dạ Cổ Hoài Lang” được những người có chồng đi đánh giặc bên Pháp rất thích vì trong bài ca có cảnh chồng ra biên ải và vợ thì ở lại nhà.
3. Bài “Dạ Cổ Hoài Lang” vừa đặt ra đã có nhiều gánh Cải lương giới thiệu nó, có nhiều nghệ sĩ danh tiếng ca Vọng cổ cô Hai Đá, cô Ba Bến Tre, cô Bảy Phùng Há, Năm Châu và Tư Út.
4. Bắt đầu có dĩa hát như hãng Pathé-Phono; Beka; Columbia in thành dĩa, công chúng có thể mua về nghe Vọng cổ.
5. Các Đài phát thanh được thành lập và đã phát trên sóng những bài Vọng cổ.
6. Bản thân nhạc Miền Nam đã có tính cách động, có thể biến hoá dễ dàng theo phong cách “chân phương hoa lá”. Bài “Dạ Cổ Hoài Lang” nhờ đó mà phát triển rất mau.
Kết luận:
Nhờ nét nhạc phù hợp với cách ru em và đờn ca miền Nam, nhờ lời ca hợp với hoàn cảnh của nhiều người chinh phụ có chồng đi lính sang Pháp, và nhứt là nhờ ngoại cảnh thuận tiện như: việc thành lập Cải lương; kỹ nghệ dĩa hát và Đài phát thanh phổ biến, nên bài “Dạ Cổ Hoài Lang” như diều gặp gió, đã được phổ biến và phát triển rất mau. Khi bài “Dạ Cổ Hoài Lang” trở thành “Vọng cổ nhịp tám” đến sau, thì đã trở nên một sáng tác “tập thể”, chớ không còn là sáng tác riêng của cụ Cao Văn Lầu.
Dầu sao, uống nước vẫn nhớ nguồn, chúng ta vẫn nhớ ơn người sanh ra bài “Dạ Cổ Hoài Lang” lần đầu. Ngoài cụ Cao Văn Lầu, có lẽ cũng nên nhắc lại tên vài người đã hợp sức với cụ Sáu Lầu đổi tên “Dạ Cổ Hoài Lang” và đặt lời ca.
Kính chúc Hội thảo thành công.
Bình Thạnh, ngày 22-07-2009
GSTS Trần Văn Khê
trantruongca wrote on Aug 3, '09
Ba rất vui khi đọc lờicomment của con va con đã để bài nầy trên mang của con .
Hôn con nhiều lắm. Ba của con thương con TVK |
tranquanghai wrote on Aug 2, '09
một bài viết rất công phu về nguồn gốc bài Dạ cổ hoài lang biến đổi theo thời gian trở thành bài Vọng cổ nhịp 32 .
Rất hữu ích cho việc nghiên cứu bài này để thống nhất hóa bài chính xác qua những dị bản . |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét