Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

Ngôi nhà của “VIỆT NHẠC CHI BẢO”


Ngôi nhà của “VIỆT NHẠC CHI BẢO”
 
Về sống tại quê nhà là dự tính lớn nhất trong cuộc đời một con người đã cống hiến hết mình cho âm nhạc dân tộc Việt Nam. Ông đã về với một kho báu văn hóa được chắt chiu suốt cả một đời nghiên cứu. Người đó chính là Giáo sư Trần Văn Khê.
Cuối năm 2004, Giáo sư Trần Văn Khê - nhà văn hóa lớn của Việt Nam về để ở lại với quê hương. Như con chim hồng hạc luôn tìm về phương Nam ấm áp, như chiếc lá bao đời rụng về cội về nguồn, ông đã thực hiện được tâm niệm lớn nhất cuộc đời mình. Kho tàng vị giáo sư già mang theo không gì khác hơn là toàn bộ hành trang nghề nghiệp quý báu đã chắt chiu, tạo dựng được qua hơn nửa thế kỷ sống và làm việc ở nước ngoài, đóng gói trong 465 thùng giấy. Ông về nhưng vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu của mình với sự trợ giúp của những nghiên cứu sinh trẻ, những học sinh, sinh viên. Ông về một mình, nhưng “không cô đơn vì đã có âm nhạc”.

Một ngôi nhà mới
Ngôi nhà Giáo sư Trần Văn Khê nằm trên một con đường tương đối yên tĩnh, có thể nói là hiếm hoi của thành phố sôi động này. Bao bọc lấy ngôi nhà là khu vườn do chính nghệ nhân Út Tài - một nhà tạo mẫu sân vườn nổi tiếng - thiết kế. “Phía trước trồng cau, phía sau trồng chuối theo ý tôi là điển hình của ngôi nhà Việt Nam. Còn về hoa, tôi yêu nhất là hoa dạ lý. Trong một lần ở Pháp, tình cờ ghé nhà một người bạn, mùi dạ lý đã dâng trong lòng tôi một niềm nhớ quê hương da diết” - Giáo sư kể. Cô Út Tài biết ý ông nên trồng hoa dạ lý, ngọc lan và cây lài trắng nhỏ cạnh cửa sổ phòng ngủ để có hương thơm cho vị giáo sư già mỗi ngày. Tuổi tác chỉ có thể ngăn cản được phần nào việc đi đứng trong con người này, nhưng không thể làm ngưng được niềm đam mê nghiên cứu vốn dĩ đã là một phần cuộc sống. 

Được gặp giáo sư trong căn nhà khang trang trong những ngày đầu xuân, chúng tôi bị mê hoặc bởi lối nói chuyện đầy thuyết phục và sự uyên bác trong từng câu chữ, thêm vào đó còn có chất lửa luôn toát ra trong từng lời nói của ông. Giáo sư Trần Văn Khê kể cho chúng tôi nghe về những hiện vật được trưng bày trang trọng trong phòng khách. Những câu chuyện tuy tự nhiên mộc mạc nhưng vẫn nồng nàn một tình yêu. 


… Chỉ có tình thương để lại đời (*)Tranh
Giáo sư Trần Văn Khê chỉ vào những bức tranh đẹp và kể: “Đây là một trong những món quà mà tôi rất thích. Thích ở chỗ đây là quà tặng của những người trẻ không cho biết danh tánh, chỉ nói họ thuộc lớp thanh niên Thành phố đã hiểu rất rõ công việc của tôi. Bốn chữ “Việt Nhạc Chi Bảo” mà họ đã nhờ một danh bút thư họa viết tặng, tôi xem đó như một phần thưởng trọn đời cho sự nghiệp âm nhạc của mình. Và tôi tin vào lớp trẻ sẽ không quay lưng với âm nhạc dân tộc. Tôi nhớ một lần trong buổi nói chuyện về âm nhạc truyền thống Việt Nam tại trường Đại học Cần Thơ, ban tổ chức đã tặng tôi bức tranh một cô gái đàn tranh. Hơn ba ngày nói chuyện của tôi thu hút được 4.500 lượt sinh viên đến nghe, kể cả những hôm trời mưa rất to mà nhiều em vẫn sẵn sàng đứng dưới mưa để nghe cho đến hết. Tôi vốn thích hội họa và cũng có tìm hiểu chút ít về bộ môn nghệ thuật này. Vào ngày 7/4/1973, tại Paris, tôi vô cùng xúc động khi nhận được bức tranh của một người bạn thân từ thuở hàn vi là họa sĩ Lê Bá Đảng. “Cầu chúc anh hạnh phúc mãi mãi”, lời nói ấy chân thành như tình bạn thâm niên. Đó cũng là lời động viên trong sự nghiệp hoạt động của tôi”.

Mỗi một kỷ vật được treo trang trọng trên tường, tự chúng gắn bó với ông trong suốt những chặng đường giao lưu, giảng dạy. Kia là bức thư họa của Vũ Hối lấy ý thơ của “hiền muội” Tôn Nữ Hỷ Khương, xa xa là hai bức tranh do hai vị sư trụ trì cảm mến giáo sư khi được nghe trình bày về âm nhạc Phật giáo. Chữ “Diệu” do thầy Đại Đức Minh tặng và một tranh Phật thỉnh từ Ấn Độ của thầy trụ trì chùa Chơn Không tại Honolulu - Mỹ.
Đàn


Gắn bó cả cuộc đời với âm nhạc truyền thống như một “thiên duyên”, Giáo sư Trần Văn Khê được sinh ra và lớn lên trong một gia đình hai bên nội ngoại đã bao đời thấu hiểu và giảng dạy nhạc truyền thống. Giáo sư bâng khuâng quay lại thuở thiếu thời: “Khi còn trong bụng mẹ tôi đã được nghe mỗi ngày tiếng sáo của cậu Năm. Đến lúc 6 tuổi tôi đã biết đờn kìm (đàn nguyệt), 8 tuổi biết đánh đờn cò (đàn nhị), 12 tuổi đờn tranh… Lúc 7 tuổi tôi đã theo gánh hát cải lương của cô Ba tôi là bà Trần Ngọc Viện lập ra. Do đó, việc tôi gắn bó với âm nhạc kịch nghệ truyền thống đúng là nhờ duyên trời. Trên tường tôi treo bốn nhạc khí căn bản trong đờn ca tài tử chính là bộ: tranh, kiềm, tì (tì bà), độc (đàn bầu). Cây đờn tranh là cây đờn của thế kỷ XIX. Cả gia đình trao cho tôi đem ra Hà Nội và khi sang Pháp tôi đã mang nó theo. Đến 1949, tại Liên hoan Thanh niên quốc tế Budapest, trong cuộc thi nhạc cụ dân gian, tôi đã dùng đờn tranh để dự thi và đoạt hạng nhì”. Từng loại nhạc cụ rung lên những thanh âm như để hòa theo những giai thoại nhẹ nhàng giữa vị giáo sư tài hoa và tình cảm của những người trao tặng.


Sách và tư liệu
Giáo sư Trần Văn Khê tiếp tục: “Những gì tôi thâu thập được để phát huy rất phong phú. Những tư liệu đó có giá trị tàng ẩn, cần được nghiên cứu, phân tích, diễn giải, trong đó có tài năng biểu diễn của Quách Thị Hồ (cụ đã mất), của cô Bảy Phùng Há, của nghệ sĩ nhân dân Võ Sĩ Thừa, NSND Năm Đồ… Khi họ còn khỏe đã minh họa cho tôi khi giải thích về những nét độc đáo trong nghề nghiệp, nay thì người mất, người chẳng còn nhanh nhẹn như xưa, người đã mất, nhưng với tôi họ là những người bạn vô cùng quý. Và những công trình nghiên cứu về bài bản tài tử Nam bộ, bài U-Lan do Đức Khổng Tử sáng tác cho đàn guqin (cổ cầm) còn có trong đĩa hát tôi mua được từ lâu ở Bắc Kinh nay khó tìm thấy được trên thị trường. Có nhiều đĩa 33 vòng hiếm hoi về truyền thống của châu Á, những cây đờn cũ kỹ đem lại giải thưởng quốc tế cho tôi đối với tôi có một giá trị lớn, nhưng nếu người khác không nắm rõ được nội dung thì đó chỉ là những vật tầm thường. Có những băng hình tôi thu được những buổi chầu văn, lên đồng, những buổi nói chuyện của tôi ở các nước, có những băng tiếng tôi thu khi đi điền dã giữ lại tiếng đàn hát của những nghệ nhân nay không còn trên đời này…”.
Ước nguyện của Giáo sư Trần Văn Khê
“Văn hóa nước ta vừa phong phú, vừa đầy tính nhân văn cao cả. Thí dụ cây đờn bầu chỉ một dây mà đánh ra bao nhiêu âm thanh uyển chuyển, “nửa bầu chứa cả một trời âm thanh” như nhà thơ Văn Tiến Lê đã viết. Xét về góc độ kinh tế, học nhạc dân tộc rất công phu nhưng khi hành nghề lại không nuôi dưỡng được cuộc sống của nghệ nhân nên thực tế có tình trạng âm nhạc ngày nay không còn là một nghệ thuật mình phụng sự mà biến thành một món hàng người ta mua bán. Ngoài đồng, ta không còn nghe câu hò, điệu lý, trong nhà cũng ít thấy tiếng hát ru. Vì vậy, bây giờ phải làm thay đổi tư duy này cùng với việc nâng cao tinh thần trách nhiệm, học tập, đào tạo, bồi dưỡng về âm nhạc dân tộc một cách căn cơ, bài bản. Tôi may mắn còn sống và đem tất cả những tài liệu này về Việt Nam. Và tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, phân tích, xếp loại cho có hệ thống. Công việc đó đòi hỏi thời gian nhiều năm. Bao giờ hoàn chỉnh mới nghĩ đến việc trưng bày hiện vật và tư liệu trong nhà lưu niệm. Hiện nay công việc chuyển tư liệu từ cassette ra CD, băng video VHS ra DVD còn quá nhiều nên các bạn có lòng ưu ái đừng sốt ruột khi tài liệu chưa hoàn thành và nhà lưu niệm đã quyết định nhưng chưa khánh thành trong nay mai…” - giọng ông hào sảng.
Chúng tôi chần chừ không muốn về nhưng thấy cũng cần để giáo sư nghỉ ngơi. Một chặng đường dài hoạt động không mệt mỏi của ông trôi qua, lời ông vẫn nhẹ như không. Bác Tươi - người hơn 11 năm cận kề bên giáo sư lại mang ra cho chúng tôi những quyển sổ đi đường. Những quyển bìa màu xanh ông ghi lại đầy đủ những gì diễn ra trong một ngày, đã gặp ai, làm gì, đi đâu… Và đó lại là một câu chuyện khác về chân dung một con người mà Giáo sư Vũ Khiêu đã viết tặng trong một câu đối
“Thâu tóm tinh hoa trời đất lại
Nêu cao văn hiến nước non này” .
(*): Trích thơ Tôn Nữ Hỷ Khương
Theo Doanh Nhân Sài Gòn Cuối Tuần
8 CommentsChronological   Reverse   Threaded
Add a Comment
     
trantruongca wrote on Mar 27, '09
Ngọc Hân con,

Thầy có đọc 2 lời góp ý của con. Thầy nhận thấy con quan tâm đến tương lai sự nghiệp tinh thần của Thầy. Thầy cũng đã nghĩ tới nên công việc của Thầy hiện nay là hiện đại hóa và hệ thống hóa các tư liệu đem về. Những tư liệu ấy cũng cần có sự giải thích của Thầy mới có thể chuyển lại cho thế hệ mai sau.

Cám ơn con và chúc con khỏe mạnh!

Thầy Trần Văn Khê
trantruongca wrote on Mar 27, '09
Quỳnh Hạnh con,

Thỉnh thỏang Thầy được tin con và gia đình con. Thầy không bao giờ quên là con đã ghi tên soạn luận văn cao học và tiến sĩ với đề tài Âm Nhạc Việt Nam lúc Thầy còn tại chức. Sau này, Francois Picard là môn sinh của Thầy thay Thầy chỉ đạo nghiên cứu cho con. Tiếc là cậu đó chỉ biết nhạc Trung Quốc mà không hiểu thấu Âm Nhạc Việt Nam. Nhưng lúc Thầy còn sinh tiền, con có thể tham khảo ý kiến của Thầy trong việc sọan luận án của con. Thương chúc con và gia đình được khỏe mạnh và mong con luôn nhớ lời Thầy đã dặn con: trong công việc nghiên cứu và phổ biến kết quả công trình nghiên cứu nên trung thực với mình, với người, và động cơ thúc đẩy công việc của mình không phải là danh là lợi mà là tình thương không bờ bến đối với văn hóa và bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Thầy Trần Văn Khê
trantruongca wrote on Mar 27, '09
Hải con trai cưng của Ba,

Ba rất vui khi con có ý mong ngôi nhà của Ba được "khánh thành" nhưng thật ra chánh quyền đã có ý muốn "khánh thành" từ lâu nhưng Ba muốn về đây sống một cuộc đời thỏai mái của một người công dân, chớ nếu "khánh thành" sớm quá nhà này sẽ biến thành ra "chi nhánh" của bảo tàng viện. Ba sẽ thành ra một "hiện vật" của bảo tàng viện. Ai muốn gặp Ba phải đi qua 5,6 cửa thì cuộc đời không còn lý thú. Hiện nay Ba sống cuộc đời hòan tòan tự do như một người công dân nước Việt mà được rất nhiều ưu đãi của chánh quyền và tình thương của nhân dân. Nhưng sau khi Ba vĩnh viễn ra đi thì căn nhà này sẽ trở thành "Nhà lưu niệm Trần Văn Khê" chứ không phải "Bảo tàng viện Trần Văn Khê".

Hôn con nhiều lắm
Ba của con TVK


lengochan wrote on Mar 25, '09
Tối nay con xem trên tivi có chương trình do MC Quyền Linh phỏng vấn Thầy về ngôi nhà, con thấy Thầy nay hơi yếu mà vẫn cố gắng trả lời thật nhiều. Thương Thầy quá!
Chương trình quay phim không sắc nét & đẹp lắm. Dù vậy căn nhà vẫn toát lên vẻ đơn giản mà sang trọng, chứa đựng nhiều bảo vật âm nhạc.
Con Ngọc Hân
lengochan wrote on Mar 1, '09
Mỗi ngày con đều dành ít thời gian để nghĩ về kho tàng của Thầy. Chỉ có một mong ước duy nhất là sau này kho tàng của Thầy sẽ được bảo tồn thật tốt và những người yêu âm nhạc, văn hóa Việt Nam có thể tiếp xúc để học hỏi và nghiên cứu
tranquanghai wrote on Feb 23, '09
Môt bài viêt rât hay vê nguyên vong cua Ba tai Viêt Nam . Hy vong ngôi nhà Viêt nhac se duoc khanh thanh trong môt tuong lai rât gân .
Hun Ba nhiêu
Con
tran quang hai
quynhhanh wrote on Feb 23, '09
Rât cam dông khi thây Sinh Nhât Thây Trân van Khê co su hiên diên cua Thây Pham Duy (ao veste white). Thây Trân van Khê la giao su day vê Musicologie cho Quynh Hanh va co cho QH cuôn sach cua Thây viêt bang chu Phap vao nam 1980 va Thây Pham Duy la thây day vê Nhac Ngu (langage musicale) cho Quynh Hanh vao nhung nam 1963-64 Conservatoire de Saigon. Thoi gian trôi qua nhanh qua. Nhung cac thê hê tre vân tiêp tuc con duong âm nhac Dân tôc, Cô truyên ma 2 vi Thây da day nam xua cho chung em.
Quynh Hanh, Nha Van Hoa Cô Truyên Vietnam, Paris Xuan Ky Suu 2009
hphamtsnqd wrote on Feb 23, '09
Cảm ơn bạn đã viết bài này về Gs Trần Văn Khê
antoniuspham2006@yahoo.com
Westminster, California

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét