Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

Học mà chơi (Lớp thể nghiệm dạy Âm nhạc Dân tộc truyền thống Việt Nam cho Cấp Tiểu học với phương pháp Sư phạm mời của GSTS Trần Văn Khê)


Tôi đã dạy Âm nhạc truyền thống Việt Nam cho học sinh Cấp Tiểu học, tại Trường Trần Hưng Đạo, đồng thời trao cho các Giáo viên nguyên tắc phương pháp sư phạm mới của tôi.
Tôi đã viết tờ báo cáo rành rọt, đầy đủ chi tiết gửi cho Unesco bằng tiếng Pháp, có bản dịch ra tiếng Việt.
Báo Tuổi trẻ có phỏng vấn tôi và viết lại bài “Tường thuật Chương trình dạy thể nghiệm của tôi”.
Nhưng theo tôi, chưa có bài nào ngắn gọn, đầy đủ, văn phong giản dị, dí dỏm, đầy thi vị, vừa thuật lại những kỷ niệm dạy học trong ba tuần lễ, vừa tóm tắt nội dung phương pháp Sư phạm mới của tôi bằng bài viết sau đây của Nguyễn Thị Minh Châu:
HỌC MÀ CHƠI
- Dân gian là ai ?
- Dạ thưa thầy, dân gian là mình.
- Mình là ai vậy ?
- Là thầy, là tụi con.
Mình cũng làm ra được những câu ca dao giống như người xưa, vậy đúng dân gian cũng “là thầy, là tụi con” rồi ! Một phát hiện bất ngờ từ cái lý lẽ rất trẻ thơ làm ánh lên vẻ thích thú trong những cặp mắt thông minh trong sáng. Vẫn là những em nhỏ tuyển chọn ở độ 8 đến 10 tuổi, mặt mày hết sức trang nghiêm trong lễ khai mạc chương trình thể nghiệm đưa âm nhạc cổ truyền vào tiểu học[1] - không nghiêm trang sao được, vì đây không những là lần đầu tiên các em được tiếp xúc mà còn vinh dự được làm học trò của một nhân vật tầm cỡ quốc tế, giáo sư Trần Văn Khê ! Vẫn là những học sinh ngoan ngoãn, quen tuân thủ kỷ luật trong lớp tay khoanh trên bàn chăm chú nghe giảng, nhưng chỉ vài giờ sau, vài buổi sau các em như được thoát ra khỏi cái vỏ cứng nhắc thụ động để trở lại làm đứa trẻ hồn nhiên đối đáp và ganh đua, hào hứng bắt chước và kiếm tìm trong cuộc chơi bao nhiêu điều mới lạ.
Thực ra lúc đầu bọn trẻ vẫn ngồi im re dù vị Giáo sư già nói ngay “Thầy đến đây không phải để dạy mà để chơi với các con”. Ông bày cho các em vỗ tay theo nhịp từ dễ đến khó, rồi tập cho hai nhóm cùng “hòa tấu” luân phiên nhóm này “cầm chịch” theo nhịp một, nhóm kia chẻ nhịp đôi. Các em vỗ tay lên mặt bàn, vừa ngó nhau nghe nhau vừa cười rạng rỡ. Âm thanh rộn rã của dàn nhạc gõ có một không hai này đã xóa hết cái vẻ rụt rè ban đầu và làm bừng lên một không khí vui chơi tập thể. Cứ thế, phòng học biến thành phòng chơi, nhạc cụ cổ truyền là những món đồ chơi, bài học về âm nhạc cổ truyền là trò chơi, thầy giáo là người cùng chơi. Người hướng dẫn trò chơi muốn đưa các em đến với tiết tấu trước khi tiếp xúc với giai điệu, theo đúng quy luật tự nhiên, con người ta có thể cảm nhận được mạch đập trái tim từ trong bào thai và muôn vàn tiết tấu cuộc sống ngay khi mới chào đời : nhịp thở ra hít vào, bàn tay mẹ vỗ về, cánh tay mẹ đong đưa, chân đi tới đi lui 
Trò chơi tiết tấu càng thêm rôm rả với chiếc trống trong tay, các em làm quen dần từ nhịp trường canh đến nhịp đôi nhịp tư và khó thêm chút nữa là nhịp ngoại nhịp chỏi. Tập phân biệt âm sắc cao thấp, sáng tối, trong đục tương ứng với dương và âm qua các lối gõ trên mặt trống, tang trống hay bìa trống ..., tập đánh trống bằng miệng “tong táng tịch” để luyện lỗ tai và trí nhớ trước khi có phản xạ của bàn tay, các em còn thi nhau đặt ra hàng loạt câu trống miệng để đố nhau gõ lại trên trống thật. Lớp học biến thành gánh hát Bội, các con đứa nào đứa nấy mặc sức sáng tạo theo cách của mình để cùng hợp lại thành dàn trống tưng bừng đệm cho thầy diễn vai thầy Rùa. Những pha “vui thiệt vui” đó đã làm cho hát Bội cũng như hát Chèo không còn là những khái niệm xa vời vợi với các em nữa.
Từ tiết tấu chuyển dần tới cao độ, mỗi em có một thanh tre ứng với các bậc hò xang xê. Gõ một mình mãi một độ cao cũng chán, hai đứa cùng chơi “tàng tang” cũng mau nhàm, ba đứa hợp lại “tàng tang táng” loạn xạ một hồi nghe có xôm hơn mà vẫn chưa hay. Thầy kêu cả ba tới nghe thầy hát cho nhớ rồi gõ lại, vẫn chỉ ba bậc đó thôi mà ra bài ra bản đàng hoàng và rất vui. Các em lại tự đúc kết một chân lý thật giản dị như dân gian:
Một thanh làm chẳng nên đàn
Ba thanh chụm lại nên dàn nhạc tre.
Không đặt câu ca dao có sẵn lên miệng trò, thầy luôn khơi gợi cho trò chẳng những tự tìm thấy câu ca dao xưa, mà còn biết “chế” ra câu mới theo cách xưa, rồi từ những câu ca dao đó mỗi đứa tùy hứng ngâm nga, tự nhiên thành câu hát. Những thanh tre, những món đồ chơi rất giản đơn giúp cho các em dễ dàng nhớ được các chữ nhạc cổ truyền, và như một trò chơi chữ nghĩa, các em đua nhau đặt lời mới bằng cách thay từ cùng dấu giọng với hò xự hò, xang xự xang  trên giai điệu bài Long hổ hội.
Vỗ tay gõ trống, làm thơ đặt vè, hát hò múa võ rất nhiều trò để vui chơi và thi thố. Bọn trẻ thả sức thể hiện mình, chủ động đối thoại với thầy, hồn nhiên bày tỏ cảm nghĩ của mình và rất tự tin khi được quyền quyết định nhiều chuyện. Các em tự chọn ra bức tranh đẹp nhất lớp trong cuộc thi vẽ cây đàn cổ truyền và người thắng cuộc được quyền chọn lấy phần thưởng, hoặc mười ngàn, hoặc gói kẹo. Thầy lặng người khi em từ chối cả kẹo lẫn tiền và xin:
- Thầy cho con tấm ảnh của thầy, đằng sau ghi thầy tặng con vì con đã vẽ cây đàn đẹp nhất để con mang về khoe ba mẹ.
Giờ giải lao trò cũng không chịu rời thầy, đứa đòi tháo vòng cổ tặng thầy, đứa mang củ khoai lang “con ăn thấy ngon quá phần thầy một củ”, thầy bóc ăn mà thấy lòng ấm áp tình thương. Chúng thương thầy là chúng bắt đầu biết thương âm nhạc cổ truyền, chúng tự hào về bản thân cũng biết làm như dân gian là chúng bắt đầu biết tôn trọng và tự hào về vốn cổ. Riêng cái việc các em tự đặt tên gọi cho nhóm của mình là “Đồng quê” và “Dân ca” cũng đủ thấy tấm lòng dành cho thầy đã dẫn dắt tới ý thức về nguồn ở những con người nhỏ bé này:
- Nếu không vì biết thầy tha thiết với nhạc cổ truyền, thì các con lấy tên gì ?
- Coca cola!
Ai nghe cũng bật cười, cười rồi lo trước cái nguy cơ trẻ thơ có thể từ bỏ đồng quê và dân ca, đánh đổi cội nguồn bằng nền văn minh coca cola lúc nào không hay.
20 tiết trong vòng 10 ngày được “chơi” cùng Giáo sư Trần Văn Khê, bọn trẻ biết nhiều hơn cả năm học ở trường. Các cô giáo cũng vậy, dù không nhanh nhạy như con nít (nên các cô cứ năn nỉ “đừng dạy tụi con chung với lũ nhỏ, mắc cỡ lắm !”), nhưng ba tuần lễ được làm học trò của Thầy Khê và được học ở Thầy cách làm Thầy, các Cô hiểu biết về âm nhạc dân tộc Việt Nam nhiều hơn bốn năm đèn sách tại Trường Sư phạm. Điều quan trọng nữa là các Cô được tai nghe mắt thấy những nguyên tắc dạy học “rất Trần Văn Khê”: học mà chơi, chơi mà học, học từ gần đến xa, từ đơn giản đến phức tạp, từ cụ thể đến trừu tượng, có sáng tạo chứ không vẹt, nhận biết qua tai và trí nhớ trước khi đọc bằng mắt
Tình cờ gặp các Cô đến thăm Thầy, tôi thấy các Cô giáo quấn quýt bên Giáo sư chẳng khác gì con nít (thì chính bản thân các Cô cũng còn quá trẻ, tuổi đời cách Thầy trên dưới nửa thế kỷ). “Cho con ôm Thầy một cái !” - mỗi lần vòng tay ôm là một số đo, ba lần ôm đủ số đo ba vòng và hôm sau Thầy nhận được món quà là chiếc áo thổ cẩm vừa như in.
Xem cuốn băng ghi lại toàn bộ chương trình thể nghiệm của Giáo sư Trần Văn Khê mới hiểu hết được tình cảm quyến luyến mà các em nhỏ và các Cô giáo trẻ dành cho ông. Tôi tiếc cho đứa con gái 8 tuổi của tôi chưa bao giờ được “chơi mà học” như vậy. Và tiếc cho bao nhiêu em bé, cho cả một thế hệ trẻ con của chúng ta chẳng biết đến bao giờ mới được “học mà chơi” ?
13-01-2005
Nguyễn Thị Minh Châu


[1] Chương trình thí điểm của UNESCO do giáo sư Trần Văn Khê thực hiện với một lớp gồm 20 học sinh tiểu học và một lớp 20 giáo viên tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh hè năm 2004.
2 CommentsChronological   Reverse   Threaded
Add a Comment
     
trantruongca wrote on Oct 17, '08
Ba co lam bao cao trong chi tiet cho Unesco
Bao Tuoi tre co tuong thuat nhung khong bang bai cua Minh Chau ngan gon ma day du . Lai cach viet rat hay co gia tri van chuong
Ba rat vui duoc comment cua con
Hon con nhieu
Ba cua con TVK
tranquanghai wrote on Oct 16, '08
Bài rât hay cho thây viêc lam cua Ba dành cho thê hê sau .
Hun Ba nhiêu
Con
Tran Quang Hai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét