Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

Khoảng trống phía sau Thầy Khê

Khoảng trống phía sau Thầy Khê

Chuyến đi về Vĩnh Kim (Tiền Giang), quê hương của giáo sư - tiến sĩ Trần Văn Khê, là một phần quan trọng của bộ phim tài liệu "Trần Văn Khê - người truyền lửa" (kịch bản Nguyễn Thị Minh Ngọc, đạo diễn Phạm Hoàng Nam, Hãng phim Phương Nam sản xuất).


GS.TS Trần Văn Khê hát lại những bài nhạc tài tử trên dòng sông quê nhà. Ngồi bên ông là nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng. Cảnh trong phim Trần Văn Khê - người truyền lửa - Ảnh: Duy Anh


Đó chính là nơi sau khi mồ côi cha mẹ (mẹ là bí thư đầu tiên của chi bộ Đảng đầu tiên ở Vĩnh Kim, hi sinh), ông đã sống với cô Ba, cậu Năm... - những người bà con ruột thịt rất giỏi về đờn ca tài tử. Nhờ vậy từ 6 tuổi, ông đã chơi đàn kìm rất hay, được đề nghị ra Mỹ Tho “đấu xảo” ở một hội chợ nhưng gia đình không cho, sợ ông sớm sinh thói kiêu căng.

Trước mộ phần cha mẹ ở nhà thờ họ Nguyễn Tri (họ mẹ của ông, từ một nhánh của tổng đốc Nguyễn Tri Phương), Thầy Khê rưng rưng nhớ lại thuở ấu thời. Trưởng thành trong một dòng họ hai bên nội ngoại nổi tiếng khắp vùng về ca nhạc tài tử (ông cố là Trần Quang Thụ, một nhạc sĩ cung đình Huế), thậm chí có gánh hát riêng là Đồng Nữ Ban, Thầy Khê vẫn còn nhớ như in những bài ca, tuồng tích được viết riêng cho gánh hát này ngày xưa. Ông hào hứng ngồi hát cho con cháu nghe một bài Kim Tiền trong vở "Giọt lệ chung tình" của ông cậu Nguyễn Tri Khương viết cho tiểu đồng, bị cà lăm mà vẫn đúng nhịp làm mọi người cười ngất.

Rồi trên thuyền xuôi dòng Sầm Giang về hướng Rạch Gầm như cách nay 69 năm (1940) ông đã tổ chức một chuyến du ngoạn trên sông nghe nhạc tài tử cho hai nhà thơ Xuân Diệu (lúc đó đang làm việc ở Sở Thương chánh Mỹ Tho) và Huy Cận, Thầy Khê nhắc lại thuộc lòng bài thơ Xuân Diệu tặng ông:

Hỡi lòng ta nhớ Vĩnh Kim
Vầng trăng Chợ Giữa cái đêm buông thuyền
Rì rào dừa nước hai bên
Dòng sông mát lạnh ấm hiền lòng sông
Chúng ta trẻ lắm cùng chung
Say thơ mê nhạc đắm cùng thiên nhiên
Ấy đêm nhạc trỗi trên thuyền
Tiếng ca tài tử tiếng huyền tài năng...

Và Thầy còn nhớ luôn câu hò mà người lái đò trêu chọc một cô gái trên bờ mở cửa đứng nhìn theo:

Hò ơ... Gió đưa con buồn ngủ lên bờ
Mùng ai có rộng cho tôi ngủ nhờ một đêm...

Thật khó hình dung bộ nhớ siêu đẳng của người Thầy nay sắp bước qua tuổi 89 (sinh 24-7-1921). Ông thuộc lòng hầu như tất cả sự kiện đã đến với đời mình, đặc biệt những gì về đời sống âm nhạc dân tộc, máu thịt của ông từ thuở nằm nôi...

Trên con đường làng mát rượi với hai hàng cây hai bên, một ông già 88 tuổi đơn độc tự lăn chiếc xe lăn đi về phía trước. Tấm lưng ông xa dần, khoảng trống phía sau ngày càng dài ra...

Đạo diễn hài lòng hô “Cắt!”, chấm dứt ngày làm việc thứ hai của đoàn làm phim ở Vĩnh Kim. Cảnh quay này dự định đưa vào đoạn kết của bộ phim. Càng làm việc với Thầy Khê, càng kính nể sự uyên bác của ông (ba bằng tiến sĩ, lưu loát nhiều ngoại ngữ, đã đi qua 68 nước dự hàng trăm cuộc hội thảo về âm nhạc truyền thống thế giới...), những người làm phim càng thêm e ngại dù biết thầy rất nhiệt tình truyền vốn cho lớp học trò đi sau: sẽ khó tìm được ai nối bước sau ông. Một khoảng trống sẽ rất lớn và hầu như không thể bù đắp.

NGUYỄN THANH ĐỨC
(theo Tuổi Trẻ)
Link:
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=326433&ChannelID=10


Add a Comment
   
trantruongca wrote on Jul 20, '09, edited on Jul 21, '09
Hải con trai cưng của Ba,

Con rất khiêm tốn. Tuy con đặc biệt nghiên cứu về cách hát đồng song thanh, nhưng con và Bạch Yến cũng đã góp phần phổ biến rộng rãi ANTTVN trên thế giới. Ba rất quí công việc của hai con.

Hôn 2 con nhiều
Ba của 2 con TVK
 
sondacuongnhan wrote on Jul 20, '09, edited on Jul 20, '09
kính dâng Thầy đôi dòng cảm xúc, chia sẻ cùng nỗi xúc động của chị Viên Trân !

HỒN NHẠC VIỆT
Kính dâng GS.TS Trần Văn Khê

Đàn ngân tha thiết những cung lòng
Non nước trời Nam rạng cõi Đông
Mười sáu dây rung tình Lạc Việt
Năm cung nhạc trỗi khí Tiên Rồng
Lời quê mến mãi còn ra sức
Điệu nước thương nhiều vẫn góp công
Tuy sức đã mòn theo tuế nguyệt
Mà tinh thần vẫn tựa Xuân phong

BD 20.07.2009
sơn dã cuồng nhân N.Đ


vientran wrote on Jul 16, '09
Kính thưa Thầy thương yêu!
Viên Trân viết tặng Thầy mấy dòng thơ cảm xúc khi đọc bài này. Rất thương Thầy tuổi cao,sức yếu về thăm lại nơi chôn nhau,cắt rốn với một nỗi buồn bâng khuâng vì thời gian,một tâm tình cô độc vì chỉ còn lại một mình ngày về thăm lại quê xưa.



Vĩnh kim sông rộng tình dài

Ai buông tiếng hát u hoài cung tơ

Xuồng chao,nắng của ngày thơ

Sóng xô,gió lộng đôi bờ rạch xưa

Quê hương nhớ mấy cho vừa

Chuyện ngày tháng cũ như mưa trong lòng

Đò ơi! Cách trở mấy sông ?

Quê ơi! Cách biệt muôn trùng đại dương!

Người về,nhà cũ yêu thương

Xuồng về bến cũ lệ vương trên đàn

Hò… ơ..

“ Ngó lên sở thượng thêm buồn

Muốn chăm cội rễ ngặt đường xa xôi “

Hò… ơ..

Chiều nay khói cuộn lên trời

Thương người về xứ mồ côi một mình

Nắng mờ,xa khuất bóng hình

Có người tóc bạc,trọn tình với quê.



14/7/2009

Viên Trân

siphubacha wrote on Jul 14, '09
Thầy thương yêu!
Khoảng trống phía sau thầy..? Anh em chúng con sẽ phải suy ngẫm, một thử thách không nhỏ!
Ôm thầy thật chặt!
NMQTÂBT
 
tranquanghai wrote on Jul 14, '09
Kính thưa Ba,
Đoạn phim về Vĩnh Kim rất hay với những gì Ba kể lại đoạn đời thời thơ ấu của Ba. Đây là một cuốn phim rất có giá trị để đời sau biết Ba đã làm gì trong cuộc đời . Tuy con không có may mắn được hấp thụ nền nhạc cổ VN và làm được những gì Ba đã và đang cống hiến cho nhạc Việt , nhưng con sẽ cố gắng làm đẹp cho Việt Nam ở những lĩnh vực khác .
Hun Ba nhiều
Con
Tran Quang Hai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét