THANH KHÍ TƯƠNG TẦM
Giáo sư Trần Văn Khê
(Hội đồng Quốc tế Âm nhạc thuộc Unesco)
--“Năm nay, ông có dịp đi về Việt Nam theo chương trình của Trung tâm nghiên cứu khoa học Pháp. Ông biết có loại nhạc truyền thống Việt Nam nào từ trước đến giờ chưa có ra dĩa hát để chúng tôi có thể ưu tiên ghi trên danh sách dĩa Unesco sẽ được xuất bản trong hai năm tới đây 1977 - 1978 chăng?”. Ông A-lanh Đa-nhê-lu (Alain Daniélou) - Tổng biên tập dĩa hát Unesco hỏi tôi trong một buổi họp.
--"Unesco đã xuất bản hai dĩa lớn Việt Nam I về truyền thống ca nhạc Huế; Việt Nam II truyền thống ca nhạc Miền Nam, nhưng chưa có dĩa nào Miền Bắc cả.
--"Nếu Ông cố gắng ghi âm được nhạc truyền thống Miền Bắc, truyền thống chính cống chớ đừng có những loại ca múa rập ràng như chúng tôi có dịp nghe trong chương trình mang tên rất hấp dẫn là "ca múa dân tộc" mà thật ra là nhạc ngoại lai, thì chúng ta sẽ có dịp xuất bản vài dĩa hát Việt Nam trong hai năm tới đây.
--"Tôi sẽ cố gắng. Nhưng không biết tôi có thể ghi âm những loại nhạc đúng truyền thống Miền Bắc như hát Quan họ trong dân gian, hát Chèo trong loại nhạc sân khấu và Ca Trù trong loại nhạc thính phòng chăng? Vì đây là lần đầu tiên tôi đến miền Bắc nước Việt sưu tầm, nghiên cứu trên thực địa sau hơn 30 năm xa nước".
Trong dịp khác tôi sẽ thuật lại cho các bạn nghe mấy chuyến đi thăm quê hương Quan Họ và mấy lần gặp gỡ với Đội Chèo Trung Ương. Hôm nay, xin kể lại các bạn nghe mấy lần tôi tiếp xúc với các nghệ nhân trong giới Ca Trù tại Hà Nội vào tháng tư năm 1976 mà đối với tôi là những kỷ niệm đẹp trong cuộc đời nghiên cứu Âm nhạc của tôi.
***
Trong phòng họp của Hội Nhạc sĩ Việt Nam chiều nay, nhạc sĩ Đỗ Nhuận - Tổng thư ký của Hội có mời, ngoài các nghệ nhân nổi tiếng trong giới Ca Trù, anh Nguyễn Xuân Khoát - một nhạc sĩ lão thành vừa là Chủ tịch Hội Nhạc sĩ, vừa là một nhà chuyên môn nghiên cứu Ca Trù từ mấy chục năm nay để gặp tôi từ Pháp mới về tới Việt Nam được vài tuần lễ.
Nhạc sĩ Đỗ Nhuận "chủ trì" buổi họp và giới thiệu mọi người:
- Hôm nay có anh Trần Văn Khê từ Pháp mới về, anh là một Giáo sư Tiến sĩ về Âm nhạc học, chuyên gia nghiên cứu Âm nhạc truyền thống Việt Nam. Anh có ý định tìm hiểu Ca Trù, Quan Họ và Hát Chèo, nếu được phép của các lãnh đạo sẽ in thành dĩa hát của Unesco để giới thiệu Âm nhạc truyền thống của chúng ta trên thế giới.
Anh Khoát và tôi thì khỏi giới thiệu với anh. Nhưng các cụ nghệ nhân thì tôi chỉ giới thiệu sơ bộ rồi tuỳ tiện anh muốn biết thêm điều gì các cụ sẽ bổ sung.
Bà cụ đối diện với anh là Bà Quách Thị Hồ, bên cạnh là bàNguyễn Thị Phúc, ông đang lên dây đàn đáy là ông Đinh Khắc Ban, cụ mặc áo veston trắng, tóc râu bạc phơ là cụ Trúc Hiền Nguyễn Như Lâm, một tay trống cầm chầu lão luyện. "Các cụ nghệ nhân vào bực nhứt trong giới Ca Trù tại Hà Nội". Tiếp theo anh Đỗ Nhuận, tôi đứng dậy chào các cụ và nói:
- "Kính thưa các cụ nghệ nhân, thưa các bạn,
Tôi là một Nhạc sĩ trong gia đình bốn đời chuyên đàn Tài Tử theo phong cách miền Nam . Chúng tôi chưa có dịp học hỏi tìm hiểu truyền thống Ca Trù. Hôm nay được anh Đỗ Nhuận bố trí cho tôi gặp anh Khoát và các cụ để tôi có dịp học hỏi về Ca Trù. Xin cám ơn anh Đỗ Nhuận có công tổ chức buổi gặp gỡ hôm nay. Xin cám ơn các cụ không ngại đường xa đến đây để chỉ giáo cho chúng tôi về Ca Trù".
- "Ông đừng dạy quá lời". Bà Quách Thị Hồ nói: "Chúng tôi làm gì dám dạy ông Giáo sư Tiến sĩ về Âm nhạc. Tôi chỉ là một người hát Ca Trù, Hát Ả Đào, từ năm lên 6 đã học hát với mẹ tôi là bà Vương Thị Xuyến. Mẹ tôi ngày xưa nổi tiếng là người hát rất hay. Khi thi với những người từ nhiều tỉnh lên dự mẹ tôi đã được tất cả mọi người chấm là "đầu xứ". Nhưng chỉ vì cái phách "nhụt tay" (tức là hơi kém "tròn trịa") mà bà cụ bị đánh tuột xuống "Á nguyên" (tức là hạng nhì). Bà cụ hận mãi nên sau này khuyên tôi phải luyện phách cho thật giỏi. Tôi nghe theo lời mẹ tôi nên không những học với mẹ mà còn học với dì và cứ nghe tiếng phách của ai là cố nhớ và học.
- "Bà Hồ ngày nay là đệ nhất tay 'phách' không thể ai sánh được" - anh Khoát nói.
Bà Hồ năm nay (1976) 65 tuổi, bà Phúc 70 tuổi. Hai bà trông còn khoẻ mạnh.
- "Tôi thì không may mắn như bà Hồ được học hát trong gia đình, (bà Phúc tiếp lời). Năm 12 tuổi tôi mới bắt đầu học hát. Năm 20 tuổi mới được mời đi hát. Con gái tôi Trần Thị Tuyết cũng thích hát lắm. Nhưng tôi chỉ dạy cho cháu ngâm thơ thôi. Học Ca Trù rất công phu mà chẳng biết để làm gì". Bà Phúc vừa nói vừa mỉm cười.
- "Chị Tuyết ngâm thơ trên Đài Tiếng Nói Việt Nam đấy. Anh có dịp thì đón nghe chị ấy ngâm thơ. Hay lắm!", anh Đỗ Nhuận khen.
- "Tôi thích Ca Trù từ lâu rồi", anh Khoát nói: "Tôi đã học hát và gõ phách với bà Hồ trong hơn 6 tháng. Sau vì đi kháng chiến 9 năm không có dịp hát nên "mất cả tay".[1] Người anh họ của bà Hồ dạy tôi đàn Đáy nhưng tôi làm sao sánh được ông Ban. Ông ấy đã chuyên nghiệp lại theo đàn cho bà Hồ hát từ lúc còn trẻ".
Trước khi đến Hà Nội để gặp các nghệ nhân Ca Trù, tôi đã đọc nhiều bài hoặc sách viết về Ca Trù. Không kể hết nhưng tôi cũng xin nhắc lại những bài của:
+ Nguyễn Đôn Phục: Khảo luận về cuộc hát Ả Đào. Tạp chí Nam Phong số 70 tháng 4 dương lịch năm 1923.
+ Phạm Quỳnh: Văn chương trong lối Ả Đào. Nam Phong số 69 tháng 3 năm 1923.
+ Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề: Việt Nam Ca Trù biên khảo. Saigon 1962.
Tôi có nghe mấy dĩa hát về Ca Trù, loại dĩa Béka và Columbia 78 vòng. Tôi đã nghe bà Quách Thị Hồ hát bài Tỳ Bà Hành, thơ của Bạch Cư Dị đời Đường do Phan Huy Vịnh dịch ra Việt ngữ (theo ý kiến của đa số học giả văn học) trong dĩa "Tiếng hát Việt Nam" số DH 5844 và 5845. Bà Nguyễn Thị Phúc hát lối Gửi thư cũng trong dĩa "Tiếng hát Việt Nam" số 5843 và hát theo lối "Huê tình - Sa mạc - Bồng mạc" trong dĩa số DH 5740. Lúc ấy thì "Văn kỳ thinh, bất kiến kỳ hình". Nay tôi lại được gặp cả hai cụ bà nghe tận tai, thấy tận mắt cách đánh phách. Trước khi hát bà Quách Thị Hồ cho tôi xem cái phách.
Phách là một miếng tre hay miếng gỗ. Gõ phách dùng hai cái dùi, gọi là phách cái, phách con. Một dùi tròn chuốt nhọn, một dùi chẻ làm hai theo chiều dài. (Hai phách gợi hình ảnh của dương vật và âm vật: ”linga” và “yoni” theo cách nhìn của người Ấn Độ - lời bình của tác giả bài nầy). Khi gõ dùi chẻ hai xuống "đòn gỗ" gọi là "lá phách", gõ dùi tròn xuống là "tay ba", khi gõ phách thì phải "một tay thấp một tay cao; một tiếng nhẹ một tiếng mạnh; một tiếng đục một tiếng trong". Hai tiếng cùng đánh trong một lúc gọi là “chát”. Nếu không dự buổi toạ đàm hôm nay, tôi không thể hình dung được cái tế nhị trong cách đánh phách. Bà Hồ thấy tôi chăm chỉ nghe và ghi vào sổ tay những lời giảng, bà rất thích và giảng thêm. Thường thì có 4 khổ phách: Khổ lá đầu; Khổ sòng đàn; Khổ giữa; Khổ xếp.
Trước khi vào câu hát, đánh lá đầu, vào sòng đàn. Lúc nghỉ, đánh khổ xếp.
Một bài Hát nói có 3 khổ:
Khổ đầu có 2 câu “lá đầu” và 2 câu “xuyên thưa”.
Khổ giữa có 2 câu “thơ” và 2 câu “xuyên mau”.
Khổ xếp có 3 câu: Câu “dồn”, câu “xếp” và câu“keo”.
Nhiều khi người đàn muốn thử người hát và tay phách thì đàn theo “phách chẵn”.
Lúc đầu học đánh “chân phương”, sau phát triển cho có vẻ bay bướm (ông Ban gọi là “biến tấu”). Hát cũng vậy, khi thì hát chân phương - cũng gọi là “Hát khuôn” - khi hát “hàng hoa”. Trong buổi toạ đàm hôm nay với các cụ nghệ nhân, tôi học thêm biết bao điều hay mà trong sách vở có khi không tìm được.
Ông Đinh Khắc Ban cũng giới thiệu cho tôi biết cây Đàn Đáy. Tôi không nhắc lại truyền thuyết của cây Đàn Đáy này. Chỉ nhắc lại rằng Đàn Đáy có được là nhờ một thư sinh tên Đinh Lễ (có vài nghệ nhân giáo phường làng Lỗ Khê, nơi còn Đền thờ hai vị Tổ của truyền thống Ả Đào cho rằng thư sinh ấy là ông Đinh Dự - gặp hai tiên ông dạy cho đóng đàn và truyền nghề đàn. Đàn có thể làm tiêu tan tật bệnh và nhờ vậy mà Đinh Lễ đã trị cho Bạch Hoa tiều thư, con gái Quan Bạch Đình Sa khỏi bệnh cảm và sau đó kết duyên cùng Bạch Hoa tiểu thơ).
Đàn Đáy cần dài, có 11 phím, 3 dây: dây “hàng”, dây “trung” và dây “tiểu”. Thùng đàn hình vuông dài, có khi hình thang mà không có đáy. Phím đầu ở giữa cần đàn, nhờ vậy mà khi tay nhấn vào phím dây bấm thì nghe giọng cao, dây buông thì, giọng trầm.
Ông Ban cho biết không xướng âm bằng những chữ Hò xự xang xê cống như trong các đàn Nhị, đàn Nguyệt. Theo sách Vũ trung tùy bútcủa Phạm Đình Hổ thì Đàn Đáy đánh ra những chữ “tính, tĩnh, tình, tinh, tung, tàng, tang”. Ông Ban cho biết trong cách học Đàn Đáy, câu đàn học đầu tiên để đàn theo hát là “Tính tinh tang tòng tính tinh tang”, hay là câu “Rung tung tinh rung, tinh rinh, rinh rinh”.
Ba tiếng Rinh cuối cùng là ba tiếng “Sòng đàn” - phải luyện rất lâu mới có thể đàn cho tròn trịa và đều đặn. Không thể đàn “tiếng lép”. Tinh tang thì tuy cùng một độ cao mà phải bóp vào hai phím khác nhau. Âm chữ tang thì vuông mà có hạn. Đàn có “tiếng vê”, “tiếng vẩy”, “tiếng lia”.
Nói đến đâu, minh hoạ đến đó. Rành mạch, rõ ràng.
Cụ Trúc Hiền cũng nói qua cách cầm chầu. Nhịp phách rất khúc chiết. “Cầm chầu” không phải dễ.
- "Roi chầu phải nằm thẳng mặt trống". Cụ Trúc Hiền nói: "Có lúc chấm câu, có lúc thưởng kép đàn hoặc ca nương. Muốn gọi người hát phải đánh 3 tiếng trống. Lúc nghe hát, dùng nhiều cách, nhiều khổ:“song châu” – “liên châu” – “xuyên tâm” – “chính diện” –“thượng mã” – “phi nhạn”... Người cầm chầu sành làm cho “kép” (người đàn) và “đào” (người hát) hứng thú mà đàn hát rất hay".
Cụ Trúc Hiền đánh cho tôi nghe mấy khổ trống và giảng thế nào là đúng, thế nào là sai.
- "Bây giờ xin mời các cụ hát cho nghe vài bài để anh Khê ghi âm làm tư liệu". Anh Đỗ Nhuận yêu cầu.
Bà Quách Thị Hồ và bà Nguyễn Thị Phúc hát mỗi người một bài “Bắc Phản” cung Nam chuyển sang cung Bắc. Rồi luân phiên hai cụ hátMưỡu, Hát Nói, Hát Ru, Ngâm vọng, hát loại Huê Tình, Thỏng Tỳ Bàtoàn những thể điệu lề lối của Ca Trù. Bà Hồ hát hai lần bài “Hồng Hồng Tuyết Tuyết” của Dương Khuê một lần theo cách “hát khuôn”, một lần theo cách “hàng hoa”'. Khi hát bài Hát Nói của Thi sĩ Chu Hà viết về Xuân năm Rồng, “Câu keo” là câu cuối cùng "Xuân Rồng thẳng cánh Rồng bay". Đến chữ “rồng bay” thay vì trở về chữ “tinh tang” bà cho hơi dựng lên một bực cao hơn. Ngạc nhiên, tôi hỏi:
- "Thưa bà, hôm nay khi đến chữ chót, sao bà lại cho hơi chuyển lên cao hơn thường một bực?". Nghệ nhân cười và trả lời:
- "Con Rồng bay mà cứ trầm trầm thì làm sao bay được? Phải cho hơi dựng lên cao, Rồng mới bay được chứ".
Tôi rót một ly rượu mời bà: "Thưa bà, xin mời bà một ly rượu để cám ơn bà đã đi ra ngoài truyền thống để cho con Rồng cất cánh bay cao".
Bà rất vui nên trong khi hát bài Hát Nói về tiếng đàn Tỳ Bà có hai câu:
Người viễn thú biết chăng chẳng biết
Khúc đàn này biết gảy cùng ai?
Bà lại hát: “Người viễn khách biết chăng chẳng biết” và nói: "Tôi đổi hai chữ “viễn thú” ra “viễn khách” là để tặng ông đấy".
- "Cám ơn bà. Xin mời bà ly rượu thứ hai!".
Bà Phúc thuật chuyện bà yêu cầu bạn bè đặt thơ phúng cho bà, có mấy câu bà rất thích. Nói rồi bà ngâm:
Thương ôi! Phúc hậu tài hoa thế!
Lã chã dòng châu mấy giọt tình!
Trong bầu không khí đầy thơ nhạc, cụ Trúc Hiền Nguyễn Như Lâm tức hứng viết câu thơ kỷ niệm buổi họp mặt giữa các nghệ nhân Ca Trù và chúng tôi, trong đó có tên của mỗi người. Bà Hồ ngâm liền tại chỗ với tiếng Đàn Đáy của ông Đinh Khắc Ban:
Ngày xuân gặp bạn Trần Khê
Ban đàn, Hồ hát hả hê “tính tình”
Trúc Hiền trống điểm xinh xinh
Ru hời bạn Phúc ra hình nhớ lâu
Nào nhả ngọc, nào phun châu
Lâm, Khê, Ban, Khoát nghiêng bầu tỉnh say
Trúc Hiền tặng mấy vần này.
Bà Hồ ngâm thơ “đổ hột” rất hay. Đổ hột là một cách ngân giọng rất đặc biệt trong truyền thống thanh nhạc Việt Nam. Tôi có mấy lời khen:
- "Thưa bà, mấy chữ bà ngâm “đổ hột” rất hay!". Bà trả lời:
- "Trong cách hát của chúng tôi “đổ con kiến” còn nhuyễn hơn“đổ hột” nữa !"
***
Vài tuần sau, khi được phép ghi âm để làm dĩa hát cho Unesco, chúng tôi lại gặp nhau trong phòng cách âm của Đài phát thanh "Tiếng Nói Việt Nam" để ghi nhiều bài bằng hai máy ghi âm của tôi. Cụ Trúc Hiền rất xúc động vì nghĩ rằng truyền thống Ca Trù lần này nhờ có người nghiên cứu từ xa về, sẽ được đem phổ biến trên thế giới, nên trong lúc nghỉ giải lao, cụ đã ghi lại trên một miếng giấy nháp mấy bài tặng tôi: Bắc Phản, Mưỡu và Hát Nói.
Xin trích lại mấy câu trong bài Hát Nói nhắc đến cuộc gặp gỡ giữa người nghiên cứu âm nhạc và những nghệ nhân Ca Trù:
... Bạn Văn Khê từng lịch lãm bao niên
Thì Đông Hải Tây Thiên đâu có lạ
... Khách phong lưu gặp người phong nhã
Dẫu chưa quen mà cũng đã như quen
Có duyên không hẹn mà nên
Kìa ai nghiên cứu một thiên Ca Trù
Đem tài khảo sát công phu
Đã thu giọng hát lại thu tiếng cầm
Mới hay: thanh khí tương tầm.
Trúc Hiền
Bà Hồ đọc qua mấy bài thơ thấy thích:
- "Tôi hát tặng ông Khê nhé?"
- "Bà hát đi. Ông Ban đàn theo và tôi cầm chầu". Cụ Trúc Hiền trả lời.
Tiếng hát, tiếng đàn, tiếng trống chen nhau. Tôi ghi âm mà lòng vô cùng xúc động. Mới lần đầu trong đời, tôi được thi sĩ làm thơ tặng, không phải chỉ khen mình mà tuyên dương cả công trình nghiên cứu Âm nhạc. Tôi nói với cụ Trúc Hiền:
- "Cám ơn cụ rất nhiều. Bài thơ nghe rất xúc động và giọng hát của bà Hồ, tiếng đàn của ông Ban, tiếng trống của cụ là một trong những kỷ niệm quí nhất của tôi trong chuyến về nước năm nay. Xin cụ cho tôi giữ bài thơ đó mà Cụ đã ghi trong tờ giấy nháp này".
- "Ông thích bài thơ ấy thì tôi rất vui. Nhưng để tôi về chép lại trên một tờ giấy khác, tấm giấy này bẩn lắm".
- "Thưa cụ, tuy là cụ cho rằng miếng giấy bẩn, chớ đối với tôi, nó có một giá trị đặc biệt. Bao nhiêu tình cảm của cụ trong lòng đã trào ra đầu ngọn bút. Cụ ghi lại trên mảnh giấy này. Nó giữ lại những gì sôi động, nồng nàn nhất trong lòng của cụ. Tôi xin giữ nó trong sổ ghi chép những tư liệu đã thu thập được lần này".
- "Ông sang Pháp và đã sống bên ấy hơn một phần tư thế kỷ, đúng 22 năm, mà còn giữ tình cảm như người Việt, thật là quí".
Cụ trao cho tôi mảnh giấy hơi nhàu, lại có vết nước trà hay rượu phía sau. Tôi vẫn còn giữ ba bài thơ chép trên mảnh giấy ấy, với bút tự của cụ Trúc Hiền và bản ghi âm tiếng bà Quách Thị Hồ ngâm ba bài thơ ấy, lại có tiếng Đàn Đáy của ông Đinh Khắc Ban phụ hoạ. Đó là món quà đối với tôi vô giá, vì có tiền, có vàng cũng không thể mua được tấm lòng ưu ái của các nghệ nhân Ca Trù. Chỉ có “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” mới có thể làm cho cụ Trúc Hiền xúc động cảm hứng thành thơ. Thơ trong giây phút đã biến thành nhạc phẩm. Thi sĩ, ca sĩ và nhạc sĩ đã chắt lọc lời thơ, điệu hát, tiếng đàn để tặng bạn tri âm. Chỉ có ba người tạo nên một không khí diệu kỳ, gây nên xúc cảm mãnh liệt trong lòng người thính giả mộ điệu.
Ca Trù quả thật là một nghệ thuật rất cao.
Tôi rất vui vì lúc tôi mới về nước vào tháng 3 năm 1976, Ca Trù còn bị coi là một bộ môn nghệ thuật không được chấp nhận trong chương trình nghệ thuật biểu diễn tại các nhạc hội hay trên đài phát thanh. Sau mấy buổi nói chuyện của tôi, trong đó tôi chứng minh rằng những “Ả đào” mà có một thời ta gọi là “Cô đầu” không phải là những hạng người “bán phấn buôn hương”, người mê thú Hát Ả đào đâu phải là “phường trăng gió dật dờ”. Ả Đào ngày xưa, trong lịch sử của chúng ta là những người trong giới nông dân... "ban ngày đi làm công việc đồng áng hoặc chăn tằm dệt vải, cũng như những cô gái con nhà lương dân khác…” (Việt Nam Ca Trù biên khảo - Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề trang 134) lúc quốc biến lại biết giết giặc Minh cứu nước như Ả Đào làng Đào Xá (Nguyễn Đôn Phục - Khảo luận về cuộc Hát Ả Đào - Nam Phong số 70 tháng 04-1923, trang 280)".
Ngày 20 tháng 04 năm 1976, tám ngày trước khi tôi lên đường trở lại nước Pháp, trên Đài Tiếng Nói Việt Nam tại Hà Nội, anh Nguyễn Xuân Khoát được mời nói chuyện về những cái hay trong Hát Ả Đào. Rồi Ca Trù được giới thiệu trên dĩa hát Unesco, dĩa ODEON số 064-18310 năm 1977, trên diễn đàn Âm nhạc Châu Á tại Bình Nhưỡng, Ca Trù được tuyển lựa và đứng trên danh sách những tiết mục xuất sắc nhứt năm 1983.
Vui thay! Ca Trù đã được gỡ oan và tìm lại được địa vị xứng đáng trong nền cổ nhạc Việt Nam .
1976-1991
Trần Văn Khê
[1] Tác giả mượn cụm từ "perdre la main" của Pháp, ngụ ý là lâu không hát nên khi hát lại không được "nhuyễn".
trantruongca wrote on Mar 27, '09
Hải con,
Ba rất vui khi đọc lời góp ý của con. Nhưng chắc con cũng đã biết rõ là Unesco hiện nay không còn vinh danh kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhơn loại như trước. Nhưng sự đánh giá đó dầu sao cũng là một dấu ấn quan trọng cho những bộ môn nghệ thuật mà ít người được biết tới. Ba rất vui được nhiều người biết như con và Xuân Diện rằng nếu không có sự kiện Ba về chẳng biết Ca Trù có được phát triển như ngày nay hay không? Ba vẫn còn tiếp tục tham gia góp ý kiến cho những người có trách nhiệm thảo hồ sơ về Ca Trù và cũng mong như con: Ca Trù sẽ có một vị trí xứng đáng trong các bộ môn nghệ thuật của thế giới. Hôn con nhiều, Ba của con Trần Văn Khê |
trantruongca wrote on Mar 27, '09
Xuân Diện con,
Thầy vừa đọc lời góp ý của con sau khi đọc bài "Thanh Khí Tương Tầm" (phần 1). Thầy rất vui khi được một người để cả cuộc đời nghiên cứu Ca Trù như con thấy được tầm quan trọng của sự gặp gỡ đó. Thầy tin rằng nếu con đọc phần 2 con sẽ xúc động như Thầy đã xúc động. Trong khi đó có rất nhiều người không để ý và trong hồ sơ gởi cho Unesco, nếu Thầy không nhắc nhở thì lúc đầu chỉ có câu "Từ năm 1945, vì nhiều lý do... Ca Trù bị chìm vào quên lãng...". Mãi đến năm 1990 chánh quyền mới quan tâm đến Ca Trù mà không có nhắc tới những sự kiện mà Thầy cho là quan trọng trong lịch sử Ca Trù: là cuộc gặp gỡ của Thầy với Bà Quách Thị Hồ. Những bài giảng của Thầy tại Honolulu được lọt vào tai và thấm vào tim của một chàng thanh niên tên Michael... nên sau này Michael đã trở thành Giám đốc Quỹ Ford tại Việt Nam, và đã không ngần ngại hỗ trợ Nghệ thuật Ca Trù về mọi mặt. Còn dĩa hát thực hiện với Cụ Quách Thị Hồ chẳng những được Unesco mua hơn 200 dĩa gởi tặng cho các Đại học Mỹ và những nhà văn hóa Châu Âu mà còn gặp được 2 "Chung Tử Kỳ" Barley Norton bên Anh, Alienor Anisensel bên Pháp nên đã được xuất hiện những luận văn Cao học với đề tài Ca Trù ở Anh và Pháp. Hiện nay Anisensel đang hòan thành luận án Tiến sĩ về Dân tộc nhạc học, sẽ bảo vệ lối tháng 10/2010. Thầy cám ơn con đã cho Thầy mấy phút ra ngoài khuôn khổ của bài viết này để nhớ lại những thời gian qua và những ngày tháng sẽ tới có liên quan đến sự phát triển và phổ biến của nghệ thuật Ca Trù. Thầy Trần Văn Khê |
nguyenxuandien wrote on Mar 27, '09
Số phận của bộ môn nghệ thuật ca trù may mắn có cuộc gặp gỡ ấy, nên mới có cái ngày hôm nay của Ca trù. Chúng con ngưỡng mộ và biết ơn Thầy!
Nguyễn Xuân Diện |
tranquanghai wrote on Mar 25, '09
Bài rất hay về cuộc gặp gỡ đầu tiên của Ba với Ca Trù vào năm 1976 và từ đó khởi sắc cho sự phục sinh của ca trù ở Việt Nam. Ngày hôm nay , hồ sơ Ca Trù đã được gởi đến UNESCO và hy vọng sẽ mang lại danh dự cho Việt Nam bằng cách có mặt trong danh sách những kiệt tác phi vật thể của UNESCO vào năm 2009. Mong thay !
Tran Quang Hai |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét