Năm 1987, Nhà Văn Hóa Tân Bình mời tôi nói chuyện về “Âm Nhạc truyền thống Việt Nam trong đời sống Âm Nhạc thế giới”. Một thính giả nghe tôi nói chuyện và ghi lại thành thơ thất ngôn tứ tuyệt những điều tôi nói trên sân khấu. Khi tan buổi họp, thính giả ấy đón tôi ngay cửa ra vào, trao cho tôi bản chép tay 15 bài thơ tứ tuyệt, tất cả là 60 câu đúng với số tuổi 60 của tôi. Lời thơ giản dị nói lên được cảm xúc cúa tác giả - là một người dân Việt - trước những thành công của tôi. Tôi đã giữ kỹ 15 bài thơ đó và hôm nay cho đăng trên Blog để chia sẻ với các bạn đọc xa gần lòng xúc cảm của tôi và để các bạn đọc được nhiều câu thơ đậm tình dân tộc.
Một người góp phần làm đẹp quê hương
Kính tặng GSTS Trần Văn Khê trong dịp về thăm quê hương năm tròn 60 tuổi
Linh hồn nhạc Việt đã hồi sinh
Ánh sáng âm thanh thoắt hiện hình
Thế giới năm châu từng cảm nhận
Tiếng đờn truyền thống Việt Nam mình!
Âm nhạc Việt Nam quá tuyệt vời
Thang âm Nhạc ngữ sống muôn đời
Bốn ngàn năm sáng tưng bừng ấy
Gieo nặng năm châu vạn ý lời
Một nền âm nhạc quá tinh vi
Quyến rũ năm châu đến lạ kỳ
Ai đã một lần nghe nhạc Việt
Tâm hồn hoà điệu đến mê ly.
Lịch sử Quê hương bỗng rạng ngời
Qua dòng Âm nhạc thắm muôn đời
Hồn quê nồng đượm vào âm hưởng
Gởi đến muôn phương nét tuyệt vời
Chín trang Âm nhạc đã thành công (1)
Giờ được tuyên dương thật thỏa lòng
Nhạc sĩ kiên cường như chiến sĩ
Đấu tranh bằng nhạc quá uy hùng
Đờn Cò mang tiếng sóng Tiền Giang
Kỷ niệm vinh quang bóng Rạch Gầm
Hình bóng Mỹ Tho càng rực rỡ
Băm hai năm trước hiện hào quang (2)
Đất nước thương yêu ấp ủ tài
Luận đề Nhạc Việt bỗng ngời soi (3)
Lời ru tiết tấu êm đềm đó
Vang vọng thiên thu mọi cảnh đời
Bờ tre đất Việt quá thân yêu
Nét nhạc quê hương thật diễm kiều
Càng lắng lòng nghe Hồn Nhạc Việt
Càng thêm yêu nước biết bao nhiêu
Tấm lòng đất nước thấm lời ca
Nghe nhạc mà ai mắt lệ nhoà
Tiếng hát đã thành tâm sự đẹp
Cho đời sống Việt nở đời hoa.
Truyền thống dân ca Việt lẫy lừng
Bốn ngàn năm phút bỗng hồi xuân
Đờn Anh réo rắt reo muôn hướng
Đất nước ngời lên đẹp vạn lần.
Tiếng hát thiên thu đượm tấm lòng
Âm thanh Nhạc Việt nở hoa hồng
Bốn phương đón nhận Hồn Quê Việt
Qua những âm giai đã nhập thần
Từ năm 49 đã oai hùng (4)
Địa vị thứ hai quá lẫy lừng
Thế giới đón chào Âm Nhạc Việt
Tiếng đàn Anh đã thấm muôn lòng
Anh hát Anh hò sao thấy thương
Hồn Anh đã nhập với quê hương
Càng già tiếng hát càng mê lạ
Tiếng hát nồng hơn cả vị gừng!
Con người tình cảm của non sông
Rung động thiên thu vạn tiếng đờn
Đờn Cò, Đờn Nguyệt, Đờn Tranh ấy
Réo rắt hồn anh quá tuyệt trần
60 năm ấy đẹp vô cùng
Anh sống tuyệt vời với núi sông
Anh trẻ như hồn thơ mãi trẻ
Tiếng đờn tuyệt diệu thật vô song
Thuận Hoá
29-10-1981
(Hội trường Tân Bình, đêm nghe Nhạc sư Trần Văn Khê nói chuyện về Âm Nhạc Việt Nam trong đời sống Âm nhạc Thế giới)
(1) Khi chuẩn bị bài “Lịch sử Âm nhạc thế giới” cho Bách Khoa Từ điển La Pleiade, Ông Roland Manuel không có dành trang nào cho Âm nhạc truyền thống Việt Nam cả vì Ông nghĩ rằng Âm nhạc truyền thống Việt Nam cùng một lọai với Âm Nhạc Trung Quốc. Khi Ông tham dự buổi bảo vệ luận án Tiến Sĩ của tôi tại Trường Đại học Sorbonne, ông mới thấy tầm quan trọng của Âm Nhạc Truyền Thống Việt Nam. Ông mời tôi đến gặp Ông và đề nghị: “ Số trang dành cho các truyền thống châu Á đã được qui định và không thể thay đổi. Tôi chỉ còn một cách là xén bớt mỗi truyền thống một trang. Chỉ tìm được 9 trang, Nếu Ông chịu viết về Âm Nhạc Ttruyền Thống Việt Nam trong 9 trang thì chúng tôi sẽ đăng bài ấy vào Bách Khoa Từ điển”. Tôi nhận lời và nhờ vậy trong Bách Khoa từ điển La Pleiade, lần đầu tiên có bài viết về Âm Nhạc truyền thống Việt Nam mà chỉ có 9 trang thay vì mấy chục trang như các truyền thống lớn khác.
(2) 32 năm trước là năm 1949. Năm đó tôi tham dự “Liên hoan Thanh niên thế giới” tại Budapest, dùng đàn tranh, đàn cò, tham dự cuộc thi về Nhạc khí dân tộc , được sắp Giải nhì cùng hạng với đàn Morinkhuur (Mã đầu cầm).
(3) Năm 1958 tôi bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ với đề tài “Âm Nhạc truyền Thống Việt Nam” tại Đại học Sorbonne Paris.
(4) Nhắc lại năm 1949, năm tôi được Giải Nhì trong cuộc thi quốc tế về Nhạc khí dân tộc Budapest.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét