Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

Vài nhận xét về quá trình nghiên cứu DÂN CA QUAN HỌ BẮC NINH (Phần 3)

Sau khi thăm quê hương Quan họ
VÀI NHẬN XÉT VỀ QUÁ TRÌNH NGHIÊN CỨU
DÂN CA QUAN HỌ BẮC NINH
(Phần 3)
Trần Văn Khê 

* BỮA CƠM QUAN HỌ
Trước khi nghe các cụ nghệ nhân hát, anh Lê Hồng Dương mời tất cả chúng tôi về nhà con của Trung tá Ngô Thế Tình, người khi xưa hát Quan họ rất hay, nay đã hy sinh trong lúc đi bộ đội địa phương. Ngày trước cụ Tình và cụ Hiền, một cán bộ về hưu là một cặp hát Quan họ tại Thị Cầu. Nhà của cụ có ba gian. Ở giữa là bàn thờ và bàn ghế cho khách ngồi.. Hai bên có những chiếc phản, loại giường bằng ván ghép, để cho các “liền anh, liền chị” ngồi mà hát. Hôm nay có cụ Nguyễn Tuy làm nghề nấu bếp mà biết hát Quan họ từ thuở bé, đến nấu những món ăn ngon như giò, chả, canh rau, canh miến, có cả gà chọi luộc, cơm tám và rượu Vân:
“Vạn Vân có bến Thổ Hà
Vạn Vân nấu rượu, Thổ Hà nung vôi”
Dưới bếp giòn giã tiếng cười của các chị Quan họ đến giúp cụ Tuy làm bếp đãi khách. Ngoài sân phía trước nhà có bầy gà đang bươi đất tìm thức ăn và trên những cây kiểng uốn mình, lá nhẹ rung theo làn gió.
Được ăn trầu, uống trà, nghe hát buổi sáng rồi nếm các thức ăn dân tộc, thở không khí trong sạch nhẹ nhàng của thôn quê. Đã đến giờ nghe các cụ nghệ nhân hát Quan họ đối giọng như ngày xưa.
* CANH HÁT CHIỀU
Khung cảnh canh hát này có lẽ không giống như ngày xưa. Trong một gian phòng họp to, anh Lê Hồng Dương và chúng tôi ngồi bàn giữa. Bên phía tay trái của tôi, ở ngoài cửa nhìn vào thì có các cụ nghệ nhân liền anh: cụ Ba Viết (66 tuổi), cụ Ba Tuy (62 tuổi, làng Bồ Sơn), cụ Sáu Hiền (64 tuổi, làng Khúc Toại). Bên mặt của tôi các cụ nghệ nhân liền chị: cụ Hai Thái (64 tuổi), cụ Sáu Hiền (64 tuổi, làng Khả Lễ), cụ Sáu Nghiên (70 tuổi), cụ Sáu Đống (62 tuổi, làng Xuân Ổ). Các cụ ăn mặc như thường ngày, các liền anh mặc áo vải kaki, cổ sơ mi hở cổ, liền chị mặc áo ngắn màu nâu. Nhưng canh hát cũng theo truyền thống bắt đầu bằng ba bài lề lối, qua 10 bài giọng vặt rồi đến mấy bài giã bạn.
Trong canh hát đó, các liền anh bắt đầu hát trước và liền chị sẽ hát đối lại.
Cụ Hai Thái và cụ Sáu Hiền hát bài “Lên núi ăn sim”. Cụ Ba Viết và cụ Ba Tuy đối lại. Đến lượt cụ Sáu Nghiên và cụ Sáu Đống hát bài “Đường bạn kim loan” thì cụ Thà, cụ Sơn đối lại.
Lúc hát hai cụ bà nắm tay nhìn nhau chớ không nhìn phía liền anh khi hát những câu tình tứ.
“Yêu ai yêu vụng dấu thầm
Trách ông Nguyệt lão se nhầm duyên ai”
Hai cụ ông trong bài đối lại đã hát:
“Hỡi người xinh lịch kia ơi
Còn không hay đã đủ đôi cả rồi”
Sau khi bà Thái, bà Hiền hát bài “Nhang khói phụng thờ”, cụ Viết, cụ Tuy đối lại. Xong đến lượt bà Sáu Nghiên, bà Sáu Đống hát bài “Cây gạo”, cụ Thà, cụ Sơn đối lại. Trong các bài hát vặt, chúng tôi nghe được bài “Tuấn Khanh”, “Súc miệng ấm đồng”. Sau khi nghe các cụ xin hát tự do không hát đối nữa và chúng tôi được nghe nhiều bài hát rất hay như “Lấy gì làm thú giải phiền”, “Vừng đông tỏ”, “Giải nguyệt soi”, “Lênh đênh phận nổi cánh bèo”, “Xa xôi xin chớ ngại ngùng”, “Nhớ cảnh nhớ người”, “Bông hoa chùm”, “Giồng cây xin nhớ đến chồi”. Gần đến giờ cơm chiều, các cụ liền chị bắt đầu hát giã bạn:
“Bây giờ kẻ Bắc người Nam
Ngựa Hồ chim Việt biết làm sao đây”
Các cụ liền anh đối lại:
“Bây giờ rẽ phượng chia loan
Giang tay Quan họ bẻ phím đàn làm đôi”
Các liền chị hát:
“Người về em vẫn nhớ thầm
Đôi bên vạt áo ướt đầm như mưa”
Các cụ liền anh đối lại:
“Người về cởi áo cho nhau
Áo này tôi để đội đầu lấy hơi
Người về đường ấy xa xôi
Xin người ở lại mấy tôi bên này”
Thì giờ qua rất mau. Các cụ còn bao nhiêu bài hát nữa. Thể theo lời tôi yêu cầu, cụ Thà hát cho tôi nghe một bài Quan họ cụ sáng tác gần đây nói về xã hội chủ nghĩa. Bài “Con chim thước” ban sáng các chị hát để chào tôi, theo lời anh Lê Hồng Dương, do cụ Tư sáng tác vào năm 1943-1944. Năm ấy liền chị Đào Thôn có kết bạn với liền anh Thị Cầu. Một hôm trễ chuyến xe lửa, liền chị thừa dịp ghé thăm liền anh mà không có báo trước. Cụ Tư Là nghĩ ra bài “Con chim thước” để liền anh hát cho liền chị đừng ngại, bởi vì các chị tuy không báo trước mà ngày hôm qua đã có con chim thước báo tin hôm nay có bạn Quan họ đến chơi. Bài ấy được phổ biến đến ngày nay.
Ăn cơm chiều xong – lại một bữa cơm thịnh soạn không kém bữa cơm trưa – các cụ Quan họ nam làng Thị Cầu và các cụ Quan họ nữ làng Điều Thôn đến đông đủ tại nhà ông cụ Tình mà chúng tôi đã đến ban sáng.
* CANH HÁT TỐI
Bên các cụ liền anh có cụ Tụy (79 tuổi), cụ Nghiễm (67 tuổi), ông Hai Tý (52 tuổi), ông Tư Bảo (55 tuổi), ông Ba Hữu (57 tuổi), ông Hai Soạn (60 tuổi), cụ Vuốt (63 tuổi), ông Sáu Cầu (40 tuổi).
Bên các cụ liền chị có bà Hai Soạn (52 tuổi), bà Sáu Tất (58 tuổi), bà Tư Hiền (50 tuổi).
Có cả một số liền anh liền chị thuộc lứa tuổi đôi mươi ngồi nghe và các cụ cũng có cho các anh chị ấy hát.
Nhà ông cụ Tình có điện những thỉnh thoảng điện tắt nên có sẵn một cây đèn đốt bằng xăng mà trong Nam gọi là đèn “măng sông” tỏa một ánh sáng trắng và xanh nhạt. Ngoài sân trước nhà, đồng bào lối xóm nghe đêm nay có hát Quan họ như ngày xưa nên chen chúc nhau ngồi. Trong bóng tối thỉnh thoảng lóe lên vài ánh lửa hồng của mấy điếu thuốc mà các anh vừa mới đốt.
Liền chị bắt đầu bằng bài “La rằng”, do bà Hai Soạn và bà Sáu Tất hát:
“Nhớ lời hẹn ước ba sinh
Xa xôi Quan họ có thấu tình em chăng ?”
Ông Tư Bảo và ông Ba Tý đối lại bằng một bài “La rằng” khác:
“Lâm Tri chút nghĩa đèo bòng
Hỡi lòng còn nhớ hay lòng đã quên”
Rồi đến bài “Đường bạn”, “Cái ả đồng tiền” cũng đều là bài lề lối.
Khi liền chị mời xơi giầu qua bài “Cơi giầu” thì liền anh mời xơi nước qua bài “Chè mạn hảo”.
Trước khi qua giọng vặt, liền chị hát một bài giọng sổng:
“Quan họ yêu em xin đừng cho bạc thêm phiền
Nhớ câu hò hẹn trăng nguyền chưa cam”
Liền anh lại đối:
“Bây giờ nhớ lắm người ơi
              Nhớ người nỡ để bao nguôi tấm lòng”
Sang qua bài “Hạnh Nguyên Tuấn Khanh” rồi liền chị ca giọng luyện:
“Phong thư một bức
         Chữ gấm hai hàng
Thiếp với chàng
Trao nhẫn liền tay”
Liền anh cũng đối bằng giọng luyện:
“Giăng thanh gió mát
                       Chim lạc trên non
Chim lạc đàn
Kêu xáo xa xáo xác
Con vượn hót véo von
Ru con trên non Bồng”
Các cụ nghệ nhân cho cô Ninh, cô Hoa xã viên hợp tác xã thủy tinh cộng lực hát bài “Khi tương phùng, khi tương ngộ”; cô Bích, cô Nguyệt ca bài “Đò đưa”, rồi hai anh Quan họ nam còn trẻ, anh Thắng, anh Vượng ca bài “Ba Vì”; cô Trinh, cô Hải hát bài “Mười nhớ”; cô Nguyệt, cô Bích hát bài “Nguyệt gác mái đình”; cô Hoa, cô Lan hát bài “Ngồi tựa mạn thuyền”.
Đến lượt bà Sáu, bà Soạn hát bài Quan họ về Kiều. Ông Hai Tý, ông Tư Hữu hát bài “Còn giời còn nước còn non”.
Đêm đã khuya và đến lúc chia tay, hát bài “Giã bạn”. Lời lẽ tình tứ của liền chị:
“Trăm năm chỉ có một ngày
Đàn cầm sao nỡ đứt dây cho đành”
Được liền anh đối lại:
“Người về để nhện giăng mùng
(Đêm) năm canh (tôi) luống chịu lạnh lùng cả năm”
Đêm đã khuya rồi mà các cụ chưa thấy mệt và nói rằng gần mấy mươi năm nay mới có một đêm hát như thế này, vì từ  hòa bình trở lại đến nay, các cụ mới có dịp hát suốt một canh mà không sợ máy bay ném bom, mà lòng cũng không bận vì đất nước còn chìm trong khói lửa. Tôi nhìn thấy ba thế hệ liền anh liền chị dưới một mái nhà, trong một canh hát, nối hơi đổi giọng, có tiếng ngân già dặn, có hơi lên trong trẻo, sức sống của truyền thống Quan họ hiện rõ trước mắt tôi.
Sau canh hát, cùng ăn chung một bữa thanh đạm có xôi, dưa món và ra về, trong tai tôi còn vẳng nghe tiếng hát trong trẻo:
“Người về em vẫn nhớ thầm
Đôi bên vạt áo ướt đầm như mưa”
* XEM ĐOÀN DÂN CA QUAN HỌ
Hôm sau, tôi được xem đoàn Quan họ biểu diễn. Đòan thành lập từ năm 1970, để giới thiệu rộng rãi truyền thống Quan họ cho đồng bào ở ngoài vùng Quan họ và cốt làm sao cho lớp trẻ thấy yêu quí, thích thú lối ca Quan họ.
Đoàn gồm có một số liền anh liền chị còn trẻ tuổi nhưng biết được truyền thống Quan họ một cách rất sâu sắc. Các anh các chị đã thuộc mỗi người ít nhất là 180 đến 200 bài. Ty văn hóa thảo ra hai chương trình “Quan họ ngày Hội” và “Đón bạn ngày Xuân”, để “tái hiện” lại cảnh sinh hoạt văn hóa Quan họ xưa, nhằm giới thiệu những cái hay cái đẹp của sinh hoạt văn hóa trên nhiều mặt âm nhạc, văn học, phong tục, lề lối[1].
Tôi được xem chương trình “Quan họ ngày Hội” thật hấp dẫn và có nhiều cái mới. Lúc các anh các chị hát có đệm đàn, toàn là đàn dân tộc như đàn Bầu (Độc huyền), đàn Nhị (đờn Cò), đàn Nguyệt (đờn Kìm), đàn Thập Lục (đờn Tranh), ống Sáo, ống Tiêu và đàn Tam Thập Lục (hay Bán Nguyệt).
Xưa thì hát Quan họ phải có đôi nam đôi nữ. Nhưng trong chương trình có nhiều lúc chỉ hát một anh một chị hát đối. Và trong lúc hát không phải liền anh liền chị mỗi bên tự ngó mặt nhau khi hát mà liền anh nhìn liền chị, liền chị liếc liền anh. Hình thức biểu diễn sân khấu được đem ra áp dụng.
Có 6 cảnh:
1. Trống chiêng rộn rã ngày Hội.
2. Quan họ gặp nhau tại một quán nước.
3. Quan họ nam nữ hát đối dưới thuyền.
4. Ông cháu cùng đi Hội.
5. Nam nữ vào Chùa.
6. Cảnh chia tay.
Không kể tên hết được các anh chị. Chị Cải, chị Đán hát với anh Lâm, anh Trung rất hay. Hỏi lại tên mới biết lúc sáng hôm qua các chị trong đoàn: Ba Mạnh, Năm Duyên và Sáu Hạ hát bài “Con chim thước”; chị Hai Cải, chị Năm Đán hát bài “Mời ăn trầu uống nước”. Trước khi vào chương trình “Quan họ ngày Hội”, có một chương trình nhỏ gồm có đơn ca và đối ca nam nữ; chị Hai Cải hát bài “Gọi đò”; chị Hai Phúc hát bài “Hoa thơm bướm lượn” và sau đó anh Ba Trọng và chị Hai Cải hát bài “Đêm qua nhớ bạn”.
Trong chương trình “Quan họ ngày Hội”, tôi có dịp nghe nhiều bài rất hay. Các chị hát bài “Sở cầu như ý” và các anh hát bài “Bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người”. Trong cảnh quán nước có bài liền anh liền chị Mời giầu và uống trà là bài “Chè mạn hảo”.
Bài “Ngồi tựa mạn thuyền”, “Đò đưa”, “Lý cây đa”, “Lý con sáo” và ba bài “Giã bạn”, “Chuông vàng”, “Gác cửa tam quan”, trong đó có câu “Người ơi người ở đừng về” lặp đi lặp lại nhiều lần, bài “Kẻ Bắc người Nam” và bài “Con nhện giăng mùng”.
Dàn nhạc có anh Tích đàn Nhị một, anh Thắng đàn Nhị hai, chị Đua đàn Bầu, chị Sai đàn Thập Lục, anh Huynh đàn Nguyệt, anh Đình đàn Tam Thập Lục, anh Mã thổi Tiêu, anh Bát thổi Sáo. Hôm đó không có giới thiệu từng anh từng chị nên không nhớ hết tên. Chỉ có ghi lại tên các anh Trọng, Vượng, Lâm, Mùi, Toàn và các chị Cải, Đán, Phúc, Vạn, Hạ, Mạnh, Xuân.
* VÀI CẢM TƯỞNG VỀ CHƯƠNG TRÌNH “QUAN HỌ NGÀY HỘI”
Chương trình thật súc tích và trong lúc xem các anh các chị “diễn” mấy lớp Quan họ mà khán giả biết thêm rất nhiều về sinh hoạt văn hóa Quan họ. Tôi mới xem qua có một lần mà tôi nhận thấy chương trình có nhiều ưu điểm:
1. Người xem có một ý niệm rất đúng và rất tốt về sinh hoạt Quan họ: áo quần đẹp mà trang nhã, đúng theo phong cách các cụ ngày xưa. Không phải đồng phục mà có nhiều màu khác nhau trông rất đẹp mắt; cách cư xử giữa liền anh liền chị rất lễ độ mà duyên dáng, câu văn trau chuốt, lời nói rõ ràng; ông lão trong chương trình nói rõ về các giọng lề lối: Hừ la, La rằng, Đường bạn kim loan, Tình tang, Cây gạo, Cái hời, Cái ả…
2. Có nhiều cảnh khác, bài hát khác nhau làm cho người mới nghe Quan họ lần đầu không có cảm giác là hát Quan họ “chỉ một điệu, một thứ” mà có rất nhiều bài; các bài lại được chọn rất khéo, toàn những bài lời lẽ duyên dáng, nhạc điệu thanh thoát, lên bổng xuống trầm.
3. Các động tác rất nhẹ nhàng, tự nhiên không gò bó, người xem có cảm giác là các anh các chị không phải “đóng trò” mà sống thật trong không khí ngày Hội.
4. Cách trình diễn các bài hát rất hay, tiếng hát các anh chị ấm, trong, hơi dài, giọng đúng, luyến láy phải lúc phải chỗ; trong nhiều bài có nhiều đoạn chia ra rất khéo, có đoạn liền anh hát rồi liền chị tiếp đoạn sau thành ra trên sân kháu luôn luôn sống động không có cảnh một người hát lâu mà mấy người kia chỉ nghe thôi.
Như trong bài “Đò đưa”, các anh hát câu:
            “Ngõ cửa chào”
Liền chị tiếp câu sau:
            “Phận em là gái má đào duyên ưa”
Các anh hát:
            “Nón cũng như dù”
Các chị tiếp:
            “Trai duyên như số bạc bù cho cam”
Mấy bài “Giã bạn” cũng vậy. Tôi đã nghe bà Thái, bà Hiền hát bài “Chuông vàng gác cửa tam quan”, bà Soạn, bà Hữu hát bài “Kẻ Bắc người Nam”, ông Ba Tí, ông Tư Hữu hát bài “Con nhện giăng mùng” rất hay. Nhưng khi nghe các anh hát “Người ơi người ở đừng về”, các chị chen vào câu:
“Em về em nhớ trông thầm
Đôi bên vạt áo ướt đầm như mưa
Người ôi người ở em về”
sự chia ly thấy có vẻ thống thiết hơn.
5. Bài hát có đệm đàn, dễ cho người chưa quen với hát Quan họ làm quen với Quan họ. Sáo, Tiêu, Bầu, Nhị rất hay. Đàn Nguyệt nếu bớt tiếng vê, thêm tiếng nhấn; đàn Thập Lục bớt chạy chữ, cũng hợp với cách hát Quan họ lắm. Chỉ có cây tam Thập Lục vì tiếng đàn “cứng” quá, thiếu luyến láy, thiếu chữ “nhấn” trong loại bài có hơi buồn như mấy bài “Giã bạn”, thành ra nghe tiếng đàn và giọng ca như cách biệt nhau.
Tôi mới nghe đoàn Quan họ có một lần mà rất hoan nghinh ý kiến các anh sắp chương trình. Đến nay, ngoại trừ việc dùng đàn Tam Thập Lục và cách phối khí có lúc còn hơi rầm rộ, tôi chưa thấy chỗ yếu của chương trình “Quan họ ngày Hội”. Tôi mong được xem lại chương trình đó và cả chương trình “Đón bạn ngày Xuân”, xem nhiều lần có lẽ sẽ nghe rõ thấy rõ hơn rồi mới có thể góp ý kiến với các anh các chị trong Ty văn hóa Hà Bắc.
Đại khái cảm tưởng của tôi sau chuyến đi thăm quê hương Quan họ là vậy. Bây giờ chúng ta thử nhìn lại quá trình nghiên cứu dân ca Quan họ Bắc Ninh trong hơn hai mươi năm nay.
(Còn tiếp)


[1] Lê Hồng Dương : Quan họ trên sân khấu. Bài phát biểu ý kiến tại Nhà hát Thành phố Hà Nội đêm 11-05-1974. Trong tập Thông báo về đợt giới thiệu Quan họ tại Hà nội tháng 4 và tháng 5 năm 1974. Hà Bắc 1974, trang 40.
Add a Comment
   
trantruongca wrote on Oct 22, '09
Cám ơn lời chúc tốt đẹp của em.
GS TVK
 
huudieu wrote on Oct 15, '09
Tôi xin con tem của entry này. Chúc giáo sư Trần Văn Khê sống lâu trên trăm tuổi để tiếp tục nghiên cứu và bảo tồn môn văn hóa dân tộc ( đặc biệt là Ca Trù và Dân Ca Quan Họ Bắc Ninh ) 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét