Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

ĐÀI LOAN THƯỞNG THỨC ĐẶC HƯƠNG TRÀ


ĐÀI LOAN THƯỞNG THỨC ĐẶC HƯƠNG TRÀ 

Tháng 4 năm 1990 tôi đi Đài Bắc, thủ phủ của Đài Loan, dự hội nghị quốc tế về Dân tộc nhạc học. Những năm trước đó nhiều lần tôi được mời đến Đài Loan nhưng không được chính quyền nước này đồng ý cấp thị thực nhập cảnh vì tôi mang hộ chiếu của Việt Nam, tức là công dân của một nước Xã hội chủ nghĩa. Ngay cả năm 1988 khi tôi đang ở Honolulu, cậu Cheng De Yuan (Trịnh Đức Uyên) tổ chức cuộc gặp gỡ của những danh cầm Châu Á tại Đài Bắc gồm có nhạc sĩ đờn Koto (Nhựt Bổn), một người đờn Kayageum (Triều Tiên), cậu Cheng đờn Guzheng (Trung Quốc) và tôi đờn Tranh Việt Nam. Những người khác đều đến Đài Bắc dễ dàng, riêng tôi gặp khó khăn. Trước hết là tại nước Mỹ, tôi được chánh phủ Mỹ cấp thị thực nhập cảnh nhưng có giá trị vào ra chỉ một lần chớ không được phép rời khỏi Mỹ rồi trở lại, dầu thời gian cho phép tạm trú tại Mỹ là 1 năm. Một bạn thân của tôi là Đoàn Patrick phải đến gặp Thượng nghị sỹ Kenedy nhờ ông vận động với Bộ ngoại giao Mỹ cho phép tôi qua Đài Loan dự hội nghị, sau đó trở về Mỹ dạy học. Giải quyết xong khó khăn về phía Mỹ rồi, nhưng đến chừng xin thị thực phía Đài Loan thì tôi lại không được cấp nhập cảnh. Trước tình cảnh này, Ban tổ chức phải trình bày với cơ quan cấp thị thực:

- Ông Trần Văn Khê tuy mang quốc tịch Việt Nam nhưng là một người hoạt động âm nhạc cho cơ quan quốc tế Unesco, đã từng đến Đài Bắc năm 1961, lúc đó ông đi theo hộ chiếu của người vô quốc tịch (apatride).

Đồng thời ông Deverge là Trưởng phái đoàn thương mãi & trao đổi về kinh tế của Pháp tại Đài Loan (tương đương với cương vị Đại sứ vì Pháp và Đài Loan chưa đặt quan hệ ngoại giao) đích thân đến Quốc hội Đài Loan đề nghị giải quyết trường hợp đặc biệt của tôi. Theo Hiến pháp của Đài Loan chỉ Quốc trưởng mới có quyền cấp thị thực nhập cảnh cho người mang hộ chiếu của một nước Xã hội chủ nghĩa. Không may đến ngày hẹn tiếp Đại sứ Deverge thì Quốc trưởng bị vào cấp cứu ở một bịnh viện. Thành ra năm đó vé máy bay mua cho tôi phải đổi mấy lần chờ thị thực nhưng rốt cuộc không thành.

Sang tới năm 1990 tôi lại được mời đi dự hội nghị quốc tế tại Đài Bắc, thời gian này chánh quyền Đài Loan đã có phần dễ dãi hơn, đồng thời năm đó người tổ chức là Giáo sư Hsu Tsang Hoeui (Hứa Thường Huệ), bạn học của tôi năm xưa tại Pháp nay là một Giáo sư danh tiếng ở Đài Bắc, đã can thiệp với các quan chức cao cấp và bảo lãnh cho tôi được thị thực nhập cảnh vào Đài Bắc.

2 người bạn: Giáo sư Hứa Thường Huệ (Đài Loan) & Giáo sư Trần Văn Khê (Việt Nam) tại hội nghị Dân tộc Nhạc học

Trong hội nghị tôi thuyết trình về sự khác nhau của điệu thức trong âm nhạc truyền thống Trung Quốc, Triều Tiên, Nhựt Bổn và nói riêng về điệu thức của Việt Nam có minh họa đờn Tranh. Giáo sư Hsu nói riêng với tôi:

- Tôi sắp xếp anh thay mặt cho hội nghị đáp từ sau khi ông Tổng trưởng đọc diễn văn trong hai buổi khai mạc và bế mạc. Đồng thời đề nghị anh chủ tọa một buổi họp, để cho những người có trách nhiệm tại đây thấy được vị trí quan trọng của anh mà năm trước người ta không biết nên đã từ chối không cấp thị thực nhập cảnh.

Việc làm của Giáo sư Hsu khiến tôi xúc động quá, vì tình bạn Giáo sư đã sắp đặt những chuyện ngoài sự chờ đợi của tôi.

                                 Hội nghị Dân tộc Nhạc học tại Đài Loan

Giáo sư Trần Văn Khê thuyết trình trong hội nghị (người đứng chỉ tay phía bên phải là Giáo sư Hứa Thường Huệ - Hsu Tsang Hoeui)

Sau hội nghị anh hỏi tôi:

- Nếu năm tới tôi vận động được chánh phủ chấp nhận thì anh có thể qua đây dạy một quý trong chương trình cao học không?

- Như vậy thì thú vị quá, lần này tôi chỉ lưu lại đây không quá 2 tuần, chưa có dịp đi đâu nhiều. Nếu dạy học trong một quý tôi có thời giờ viếng nhiều thắng cảnh mà lại được làm công việc tôi rất thích nữa.

Giáo sư Hsu nói tiếp:

- Tôi cần anh dạy cho sinh viên biết phương pháp nghiên cứu và học tập trong dân tộc nhạc học. Ngoài ra cũng xin anh so sánh đối chiếu hai nền âm nhạc truyền thống Trung Quốc với Ấn Độ và Trung Quốc với Việt Nam.

Tôi hoàn toàn đồng ý. Vậy là ngay tại hội nghị lần này tôi đã thấy được viễn ảnh được trở lại Đài Loan dạy học trong một thời gian dài, quả là tuyệt vời! Chuyến đi ngắn hạn tại Đài Loan thật vui vẻ và thú vị vô cùng. Cậu Cheng De Yuan (Trịnh Đức Uyên) được ban tổ chức sắp làm thông dịch viên cho tôi và Giáo sư Pahochek – người điều khiển luận án tấn sĩ của cậu.


            GS Trần Văn Khê và các bạn đồng nghiệp tại Hội nghị Đài Loan

Cậu vốn rất quý mến và vẫn coi tôi như người Thầy nên rất thích thú khi được làm người thông dịch cho tôi. Thường thì chúng tôi dự hội nghị tới 12 giờ, sau đó đi ăn cơm, nghỉ trưa tới 2 giờ mới làm việc trở lại. Một hôm cậu Cheng nói với chúng tôi:

- Bữa nay mình đừng nghỉ trưa ở khách sạn, tôi xin mời hai thầy tới một phòng trà mà chủ nhân là một thiếu phụ xinh đẹp, pha trà rất khéo mà đờn Cổ tranh cũng hay, cô là học trò đờn Cổ tranh của tôi và sẽ tiếp đãi chúng ta một cách hết sức đặc biệt. Xin mời hai Thầy đến nghỉ trưa tại đó, uống một tách trà ngon trước khi trở lại dự hội nghị.

Chúng tôi hào hứng đi theo cậu. Người nữ chủ nhân duyên dáng xinh đẹp ra chào rồi mời mọi người vào, bên trong văng vẳng tiếng đờn Cổ tranh của cô qua máy ghi âm nghe rất hay.

Chủ nhân Trà nghệ quán tiếp các vị khách đặc biệt (bà chủ là người phụ nữ mặc áo đỏ đứng sau làn khói)

Cô có cung cách ngồi pha trà hết sức tao nhã, đặt trước mặt hai bộ chén trà, một bộ bằng sứ trắng và một bộ bằng đất nung. Trước tiên cô nấu nước, pha trà rồi rót vào bộ tách sứ trắng mời khách. Tôi đỡ lấy chung trà, ngắm nhìn nước trà ánh lên một màu xanh dịu, xoay nhẹ cái chén, thưởng thức mùi thơm rồi chậm rãi uống. Trà có vị thơm rất đặc biệt, cô giới thiệu:

- Thưa Giáo sư, đây là trà Ô Long, gốc ở Phước Kiến nhưng chúng tôi đem về trồng tại Đài Trung. Trà này mới được hái cách đây 2 tuần rồi đem ủ chớ không hong để giữ được cái vị đặc biệt của mùa xuân nên chúng tôi gọi là xuân trà, cũng còn gọi là thanh trà. Tôi rót vào chén trắng để khách nhìn rõ được màu xanh của loại lục trà chớ không phải hồng trà. Tôi nhận hấy trước khi uống Giáo sư đã chú ý ngắm màu sắc của nước trà khiến tôi rất vui. Đây chính là thứ trà đặc biệt chúng tôi dành riêng để chiêu đãi thượng khách.

                                         "Thiếu nữ pha trà đẹp tợ hoa"

Tôi hỏi:

- Thưa cô, nước cô dùng pha trà hôm nay là địa thủy hay thiên thủy?

- Địa thủy nơi này rất tốt nhưng dạo này nghe đâu có hơi bị ô nhiễm, nên riêng đối với khách quý chúng tôi dùng thiên thủy. Đây là những giọt nước mưa hứng giữa trời tại Đài Trung đem ra pha trà mời Thầy thưởng thức.

Qua tuần thứ nhì trà đậm hơn một chút. Tới tuần thứ ba thì cô rót trà trong tách đất nung và đưa ra một miếng vỏ chanh ướp cam thảo. Cô giải thích:

- Miếng vỏ này vừa có chất the của chanh, vừa có vị chua lại ướp chất ngọt của cam thảo. Thầy ngậm một chút xíu rồi hãy uống trà.

Rõ ràng hương vị thật đặc sắc. Trà vừa chát vừa đậm pha lẫn với vị chua chua, the the, ngọt dịu chớ không phải ngọt đường. Tôi cám ơn chủ nhân và nói:

- Uống trà như thế này mới thật tuyệt vời, nhứt là chén thứ ba khiến tôi ngạc nhiên quá. Xin cám ơn cô đã cho chúng tôi thưởng thức một bữa trà tuyệt ngon.

         Bà chủ quán đang trò chuyện về thú uống trà với GS Trần Văn Khê

- Nhìn cách Giáo sư uống trà và qua những điều Giáo sư hỏi, tôi nghĩ có lẽ người ViệtNam cũng ưa uống trà.

- Phải, người Việt chúng tôi uống trà cả ngày, liên tục cả sáng lẫn chiều.

- Thưa Giáo sư, vậy trà Việt Nam có loại nào giống trà của chúng tôi không?

- Người Việt Nam chúng tôi thường uống trà lá, trà nụ và trà mạn. Mạn sen, mạn hảo là thứ trà ngon đến nỗi đã đi vào trong ca dao của chúng tôi:

“Làm trai biết đánh tổ tôm
Uống chè mạn hảo, ngâm Nôm Thúy Kiều”

Đây là ba điều mà người con trai phải biết.

- Ồ, việc uống trà mà được đưa vào trong ca dao thật là tuyệt vời. Phong cách uống trà của Việt Nam có giống như Đài Loan không?

- Chúng tôi có độc ẩm, đối ẩm, quần ẩm và cả… ngưu ẩm.

- Thưa Giáo sư, Việt Nam có hiệu trà nào đặc biệt như Ô Long hay độc đáo hơn không?

- Trà ngon thì không thiếu, nhứt là trên vùng Bảo Lộc và Thái Nguyên. Đặc biệt ở Thái Nguyên có loại lá trà hình dáng giống như cái móc câu rất ngon. “Trà móc câu Thái Nguyên” thuộc loại danh tiếng nhưng vì người Việt Nam không có óc thương mãi bằng người Trung Quốc nên trà của chúng tôi không được thế giới biết đến như trà Ô Long, mặc dầu trà Việt Nam cũng ngon không kém.

Sau buổi uống trà, cô mời chúng tôi bận bộ áo mão của vua nhà Đường ngồi trước cây đờn Cổ tranh để chụp ảnh kỷ niệm. Tôi nhường ông Pahochek mặc trước.

                            Giáo sư Pahochek mặc long bào vua đời Đường

                      ...Và tạo dáng chụp ảnh bên cây Cổ tranh (Guzheng)

GS Trần Văn Khê - GS Pahochek - Thông dịch viên & Trịnh Đức Uyên (từ phải sang) chụp ảnh kỷ niệm tại Trà nghệ quán Sở Lưu Hương

Đến phiên tôi, sau khi mặc áo đội mũ chỉnh tề, tôi nói:

- Thưa cô, tôi là ông vua giả nhưng là một nhạc sĩ thật, vì vậy cô cho phép tôi không ngồi làm dáng để chụp ảnh mà xin được lên dây và đờn một đoạn.

                                            "Ông vua" Trần Văn Khê

Tôi lên dây rồi đờn bài Ngũ Đối Hạ. Trong phòng trà có những gian nho nhỏ che màn trúc dành riêng cho từng nhóm khách, nghe tiếng đờn ai cũng vén màn ra để nhìn. Nữ chủ nhân cảm động nói:

- Thưa Giáo sư, tôi mở tiệm trà này gần mười năm nay, đã có hàng ngàn người khách đến đây mặc áo chụp ảnh. Tất cả những ông vua từ tứ xứ đến đây chưa ai sử dụng cây đờn này hết. Hôm nay lần đầu tiên có ông vua Việt Nam tới đây ngồi đờn, xin Giáo sư cho phép tôi quay phim lại để dành kỷ niệm.

Tôi đồng ý và đang cao hứng nên tiếp tục:

- Thưa cô, xin cô cho phép tôi chỉnh dây đờn. Lúc nãy tôi đờn theo hơi Thiền và hơi Hạ, nhưng lòng tôi hôm nay xúc động quá nên nảy ra mấy câu thơ trong đầu. Tôi sẽ ngâm 4 câu theo hơi Xuân, tôi dịch sang tiếng Anh cho cậu Cheng chuyển sang tiếng Trung Quốc để tặng các bạn.

Vậy là tôi lên dây theo hơi Nam Xuân rồi cất giọng ngâm:

Đài Loan thưởng thức đặc hương trà
Thiếu nữ pha trà đẹp tợ hoa
Cạn chén chung vui cùng bạn quý
Đẹp lòng tặng bạn khúc hoan ca

Nữ chủ nhân ngẩn ngơ nói:

- Thưa Giáo sư, tôi không nghĩ Giáo sư là người Việt Nam hay Trung Quốc hiện đại mà tôi cứ tưởng là con người của mấy thế kỷ trước đây. Thú thật với Giáo sư, cả chục năm nay cũng có người tới uống trà ngồi hàng giờ đồng hồ mới ra đi, nhưng chưa có ai ngồi thanh thản rồi ung dung cất giọng “xuất khẩu thành thơ” với một phong cách hết sức an nhiên tự tại như Giáo sư. Cám ơn Giáo sư ngày hôm nay đã cho tôi được thưởng thức cái phong vị của những bậc tao nhân mặc khách thời xưa. Cuộc gặp gỡ ngày hôm nay quả là một hạnh ngộ.

Rồi cô nhìn tôi cười nói:

- Tôi cho rằng có lẽ kiếp trước chắc Giáo sư làm vua.

 - Tại sao cô lại nói như vậy?

- Bởi vì từ trước tới nay khách hàng của tôi mỗi khi được mời mặc long bào thì người nào cũng trầm trồ ngắm nghía, khen ngợi cái áo của vua may rất công phu sắc sảo, duy chỉ có Giáo sư điềm nhiên mặc áo đội mũ coi như chuyện bình thường. Điểm thứ hai là vì ống tay áo rất dài, hầu hết mọi người khi bận vào đều phải cầm tay áo kéo lên cho vừa, trong khi Giáo sư lại nhẹ nhàng giũ tay áo xuống rồi hất lên một cái cho tay áo tự động xếp vô đúng vị trí rồi mới vén nhẹ tay áo: thật là một cử chỉ vương giả, hoàn toàn gống một vị vua thực sự.

Tôi cười nói:

- Đó chẳng qua là tôi làm theo phong cách những ông vua trên sân khấu thôi.

- Nhưng Giáo sư làm một cách tự nhiên thuần thục đến nỗi tôi tưởng tượng như Giáo sư từng mặc áo này suốt đời chớ không phải là lần đầu tiên.

      GS Trần Văn Khê và nữ chủ nhân trà quán - Cuộc hạnh ngộ đầy thi vị

Khi tiễn chúng tôi ra về, cô ân cần nắm tay và ước mong rằng sẽ có ngày tái ngộ. Không ngờ ngay năm sau tôi lại có dịp trở qua Đài Loan gần 6 tháng để dạy học nên lại đến nơi này lần nữa. Khi bước ra nhìn thấy tôi, nữ chủ nhân quán trà hết sức vui mừng và lại giành phần tự tay pha trà. Lần này cô cũng chiêu đãi tôi trà Ô Long nhưng tuộc loại Cao sơn tức trà trồng trên núi cao có vị rất ngon. Cô cười nói:

- Lần này Giáo sư khỏi phải mặc áo long bào nhưng không hiểu Giáo sư có thể làm cho tôi một bài thơ nữa không?

Tôi đề nghị cô pha tiếp bình trà, trong khi chờ đợi tôi lấy giấy ngồi viết cho cô mấy câu thơ:

Trở lại Đài Loan gặp quý nương
Tại Trà nghệ quán Sở Lưu Hương
Trà thơm, nước ấm, người pha đẹp
Khiến khách ra về dạ vấn vương

Khi tôi ra về, cô còn gởi biếu một hộp Cao sơn trà mà tôi để dành pha uống cho đến nay, mỗi lần uống lại nhớ đến cô. Cô xin phép chỉ cho người bạn gái cùng đi với tôi – cũng là người thông dịch – một vài cách pha trà để có thể pha trà cho tôi uống hàng ngày.

                                  Bộ ấm chén pha trà đãi khách tại trà quán

Cô nói rằng để làm nóng tách trà thông thường người ta đổ nước ấm vào chén nhỏ, nhưng như thế thì mất đi cái thi vị. Trước hết cô lấy một tô nước nóng rồi lăn nhẹ hai cái chén nhỏ trên mặt nước, động tác này gọi là “Lý Bạch lao nguyệt”, ám chỉ tích Lý Bạch – thi sĩ nổi tiếng đời nhà Đường – ngày xưa nhìn thấy trăng in bóng trên mặt nước đã nhào xuống ôm lấy ánh trăng rồi chết đuối.

                                                 Lý Bạch lao nguyệt

Khi chén đã nóng thì làm cho khô bằng cách lăn dọc trên miệng tô cho phát ra tiếng kêu reng reng mà gọi là “Quan Công tuần thành”, Khi chén đã nóng, nước trà vừa uống được rồi thì hai tay nâng bình trà bằng cách dùng ngón cái và ngón giữa nắm cái quai, ngón trỏ vịn trên nắp trà, bàn tay trái để lên trên cườm tay mặt, nghiêng đầu nhẹ nhàng rót lần lượt vào từng chung trà, động tác này có tên “Hàn Tín điểm binh”.


                                             Cách cầm bình trà rất đẹp


                     Từ "Hàn Tín điểm binh" đến "Quan Công tuần thành" 

                                                    Hàn Tín điểm binh

                                               Quan Công tuần thành

Tôi nghe nói mà thú vị quá. Rồi cô kể cho biết ở Trung Quốc vùng nào có đất chế ra bình trà đẹp, chỗ nào làm chung trà đẹp. Tuy chỉ đi uống trà mà tôi cũng học hỏi được bao nhiêu chuyện lạ và hết sức vui. Hai lần uống trà tại Đài Loan đều để lại cho tôi những ấn tượng vô cùng đẹp đẽ.

TRẦN VĂN KHÊ
5 CommentsChronological   Reverse   Threaded
Add a Comment
     
tienghatquehuong wrote on Mar 7, '09
Thầy đi làm công việc
Lại được uống trà ngon
Vừa chơi mà vừa học
Chắc hổng có ai hơn!

Hạnh ngộ đầy thi vị
Nhạc thơ đều rơi tuôn
Chủ quán trà thích thú
Con cũng vậy, thích luôn!

Cách pha trà hay quá!
Có "Hàn Tín điểm binh"
"Quan Công tuần thành" nữa
Sao thấy lòng lâng lâng!

Đắm mình trong cái đẹp
Đời người có là bao
Thầy trăm lần như thế!
Ai được như Thầy nào?

Bài này hay lắm Thầy ơi!
trananhkhoa96 wrote on Mar 7, '09
à, cũng xin mượn hương trà hỏi thăm sức khỏe Thầy, lâu không thấy cập nhật bài, lòng cứ mong ngóng mãi. Kính mong Thầy mạnh khỏe luôn.
trananhkhoa96 wrote on Mar 7, '09
Bài này quả thực có cái phong vị của một bậc phong lưu tài tử, hay.
Cô Khánh Vân đã công phu tìm lựa hình ảnh để làm cho cái phong vị này càng thêm đậm đà, quả thật phải khiến người ta cúi đầu cảm tạ :)
Thật chỉ biết nghiêng mình cảm tạ cả hai, Thầy và Trò.
trantruongca wrote on Mar 7, '09, edited on Mar 7, '09
Khánh Vân ơi!

Thầy đã đọc lại làn thứ hai. Càng thấy vui và Thầy như sống lại thời ấy, nhờ hình ảnh con lựa đúng người đúng cảnh. Thầy vui quá ôm hôn con để cám ơn con.

Thầy Trần Văn Khê
trantruongca wrote on Mar 7, '09, edited on Mar 7, '09
Khánh Vân ơi!
Bài nầy Thầy viết đã lâu và đăng trên nhiều Tạp chí. Nhưng lúc đó không có một tấm ảnh nào để minh hoạ cả. Con khéo tìm trên kho hình ảnh tư liệu của Thầy những ảnh đặc biệt trong chuyến sang Đài Bắc dự Hội nghị quốc tế về Dân tộc Nhạc học và chuyến đi uống trà tại Đài Bắc.

Cám ơn con vô cùng!

Thầy Khê của con.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét