Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

Tự hào với nghệ thuật ngâm thơ truyền thống


Tự hào với nghệ thuật ngâm thơ truyền thống

Buổi sinh hoạt nghệ thuật định kỳ đầu năm tại nhà riêng của GS.TS Trần Văn Khê đã đưa những người yêu thơ sống lại những cảm xúc đẹp và lắng đọng. Thông qua chủ đề “Nghệ thuật ngâm thơ trong truyền thống Việt Nam”, khán thính giả được dịp nghe lại những bài thơ bất hủ qua giọng ngâm truyền cảm của những nghệ sĩ và của cả vị giáo sư đã gần 90 tuổi nhưng vẫn đau đáu một lòng giữ gìn, chia sẻ văn hóa truyền thống dân tộc.

Nghệ thuật ngâm thơ cũng lắm công phu
GS.TS Trần Văn Khê trao đổi với Nghệ sĩ Hồng Vân (giữa) - một trong những giọng ngâm thơ truyền cảm nhất


Từ lâu, thơ ca đã đi vào cuộc sống như một đấng tri kỷ hiểu trọn tâm sự buồn vui của con người. Ít loại hình nghệ thuật nào cô đọng, hàm súc như thơ, tựa hồ mọi cảm xúc như được dồn nén vừa khít trong bằng ấy con chữ. Có những bài thơ khiến nhiều người, nhiều thế hệ phải tấm tắc ngợi khen, thậm chí còn bàn luận chưa dứt bởi “ý ở ngoài lời”. Sự quyến rũ của thơ ca không chỉ nằm trên trang giấy, mà còn ở trong giọng đọc.

Ngâm thơ ra đời như một cách tiếp cận thơ qua thanh điệu, âm nhạc, để hiểu rõ và thẩm thấu trọn vẹn ý nghĩa của từng lời thơ. Ngâm thơ khác với đọc hay bình thơ. Đọc thơ đơn thuần là đọc lên bài thơ với giọng bình thường như khi trò chuyện, còn bình thơ được nhấn mạnh hay kéo dài những chữ quan trọng với tiết tấu chậm rãi, trau chuốt hơn.

Ngâm thơ thường không có tiết tấu, mỗi chữ trong câu thơ được ngân nga, lên cao xuống thấp, trầm bổng nhịp nhàng. Có lẽ chính vì yếu tố nhạc điệu linh hoạt ấy mà chỉ ở Việt Nam mới có nghệ thuật ngâm thơ độc đáo và đã trường tồn từ lâu đời (hơn mười thế kỷ). Do đặc tính ngôn ngữ và quy ước về vần điệu, thơ Việt Nam có thể được diễn ngâm, còn ở các ngôn ngữ khác người ta chỉ có thể đọc một cách diễn cảm chứ không thể nào ngâm được.

Bài thơ “Nhớ rừng” của tác giả Thế Lữ đang được giáo sư diễn ngâm theo giọng bi hùng của hát bội


Theo GS.TS Trần Văn Khê, nghệ thuật ngâm thơ trong truyền thống Việt Nam có đủ mọi cung bậc, tiết tấu và làn điệu. Có thể kể đến ngâm xổng theo làn điệu hò - oan - liu - xứ, kiểu sa mạc theo thang âm xừ - xang - xê - cống - liu - ú, kiểu bồng mạc với thang âm hò - xang - xê - cống - liu hay kiểu tao đàn dùng để ngâm thơ mới.

Ngâm thơ còn tùy theo thanh giọng. Nếu ý thơ tươi vui, rộn ràng thì phải ngâm giọng xuân, ngược lại thì phải dùng giọng ai hoặc giọng oán để người nghe cảm nhận được nỗi buồn trong thơ. Điều này nghe qua không lấy gì khó khăn, nhưng sự thật lại đòi hỏi sự dụng công, khéo léo tài tình của người nghệ sĩ ngâm thơ. Họ phải phát cho rõ ràng câu chữ, không làm sai lệch ý nghĩa lời thơ mà vẫn lên bổng xuống trầm, ngân nga theo đúng làn điệu, giọng xuân hay ai, oán.

Với những người am tường văn hóa truyền thống, có thể nói ngâm thơ chính là món “đặc sản” của âm nhạc dân tộc giao hòa cùng thi ca. Ở nơi nào trên thế giới cũng có thơ, bài thơ nào cũng có thể tìm được người tri kỷ dù có phải vượt qua rào cản ngôn ngữ, nhưng nghệ thuật ngâm thơ như của người Việt thì dường như ít nơi đâu có được.

Những cảm xúc đẹp

Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương ngâm thơ trong tiếng đàn phụ họa của Nghệ sĩ Hải Phượng


GS.TS Trần Văn Khê chẳng những đã mang đến cho người nghe một buổi sinh hoạt đầy ắp những kiến thức quý về nghệ thuật ngâm thơ truyền thống Việt Nam, mà còn ngâm những bài thơ hay, đem lại cảm xúc đẹp cho nhiều người. Giáo sư đã mở đầu tiết mục minh họa bằng bài thơ Đường Đề đô thành Nam trang của thi sĩ Thôi Hộ. Bằng giọng ai đầy day dứt, ông đã chuyển tải được hết nỗi lòng của tác giả với niềm ngẩn ngơ, luyến tiếc trước cảnh “Đào hoa y cựu tiếu đông phong”.

Nghệ sĩ ưu tú Hồng Vân, một trong những giọng ngâm thơ truyền cảm nhất cho đến tận bây giờ, đã khiến cả khán phòng gần trăm người lặng đi khi ngâm một trích đoạn trong Truyện Kiều theo cách lẩy Kiều. Đoạn thơ ấy thuật cảnh Thúy Kiều gảy đàn cho Kim Trọng trong đêm tự tình nên giọng ngâm của nghệ sĩ như bay bổng theo từng cung đàn, tiếng nhạc.

Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến tiếng đàn tranh tài hoa của nghệ sĩ Hải Phượng đệm phụ họa cho giọng ngâm thơ. Phím đàn lả lướt, dịu dặt, lúc khoan thai, lúc da diết dường như đã tái hiện trọn vẹn tiếng đàn mà Nguyễn Du miêu tả ngày xưa: “Trong như tiếng hạc bay qua / Đục như tiếng suối mới sa nửa vời”. Tiếng đàn, tiếng sáo đã giúp nghệ thuật ngâm thơ được thăng hoa. Tiếng đàn còn có tác dụng mở màn và kết thúc bài ngâm, đỡ lời cho người nghệ sĩ nghỉ lấy hơi hay chuẩn bị làn hơi để giọng ngâm ngọt ngào, tinh tế hơn.

Đi sâu vào nghệ thuật ngâm thơ mới thấy còn nhiều cách ngâm với cấu trúc âm thanh đặc trưng cho từng vùng miền mà mỗi làn điệu đều có nét tinh tế, duyên dáng riêng. Nghệ sĩ Hồng Oanh đã chứng minh điều đó qua một hơi ngâm đặc biệt của vùng Nghệ Tĩnh là ví dặm và cách ngâm tao đàn cho thơ mới cùng cách ngâm thơ Đường theo điệu xổng của Nghệ Tĩnh. Chị cũng chia sẻ những trăn trở dành cho môn nghệ thuật ngâm thơ đang dần bị mai một. “Dân gian đã để lại một kho tàng quý giá. Nếu con cháu chúng ta không biết giữ gìn môn nghệ thuật độc đáo này thì thật hoài phí và có lỗi với người xưa”.
Buổi sinh hoạt “Nghệ thuật ngâm thơ trong truyền thống Việt Nam” còn là dịp để GS.TS Trần Văn Khê và những người bạn ôn lại những kỷ niệm thuở thiếu thời. Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương đã ngâm lại một bài thơ cách đây 16 năm, khi chính giáo sư là người đã đệm đàn cho chị. Những câu thơ thật ý nghĩa như “Dòng Hương Giang nước vẫn trong / Trong xanh như cả tấm lòng người xưa” của nữ thi sĩ xứ Huế này đã thêm một lần khẳng định tấm lòng trân trọng dành cho người yêu thơ, cho văn hóa nghệ thuật dân tộc. Thơ là thế, như một nghiệp đeo mang, đã yêu là không thể dứt bỏ.

Chương trình văn nghệ ngâm thơ và tìm hiểu sâu hơn nét văn hóa truyền thống này là nơi gặp gỡ chân tình của những người yêu thơ, từ những bậc cao niên đến nhiều bạn trẻ. Giáo sư Nguyễn Quảng Tuân cũng có mặt trong buổi sinh hoạt nghệ thuật này và đóng góp nhiều ý kiến quý báu, giúp giới trẻ phân biệt giữa cổ thi và thơ mới. Ước muốn lớn nhất của GS.TS Trần Văn Khê cùng nhóm thân hữu của ông là sẽ có thêm nhiều người trẻ ham thích, trân trọng văn hóa truyền thống để giữ gìn những tinh hoa mà ông cha để lại.

Tin rằng với những cố gắng của nhiều người cùng tâm huyết với GS.TS Trần Văn Khê, thế giới trầm lắng, mang đậm bản sắc dân tộc của thơ ca sẽ mãi là niềm tự hào cho mỗi người con nước Việt, thu hút được thêm nhiều người đến với thơ và nghệ thuật ngâm thơ.

Theo ANH KHANG
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
2 CommentsChronological   Reverse   Threaded
Add a Comment
     
trantruongca wrote on Jan 24, '09
Hải con traicung cua Ba,
Ba rat vui vi bao chi quan tam va sau khi Tuổi Trẻ on line dang roi, co rat nhieu báo điện tử ghi lại.
Buoi nó chuyện về nghệ thuật ngâm thơ tuy tổ chức trong căn nhà nhỏ của Ba, được quảng bá rộng rãi và truyền hình co chiếu lại những đọan đặc biệt
Hôn con nhiều
Ba cua con
TVK
tranquanghai wrote on Jan 24, '09
Thêm một bài báo nói lên cái hay , cái đẹp của buổi hội thơ tại nhà Ba .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét