ĐI XEM MARIA KIRAN
Một tài năng trẻ về vũ điệu Bharatanatyam đầy hứa hẹn
"Trung Tâm Mandapa trân trọng mời Giáo sư Trần Văn Khê vui lòng đến dự buổi tổng duyệt của chương trình vũ điệu Ấn Độ, theo phong cách BharataNatyam,
Do Maria Kiran, với các Thầy và Nhạc sĩ của Cô trình diễn
Tại Nhà Hát Thành Phố (Théâtre de la Ville) Vùng Les Abbesses
Ngày 20 tháng 2 dương lịch, năm 2003, vào lúc 20 giờ 30 phút"
Thiệp mời có in ảnh một nữ nghệ sĩ Ấn Độ, rất xinh, vào tuổi đôi mươi, nghiêng đầu về phía trái, miệng mỉm cười, mắt liếc về hướng cánh tay trái giang thẳng ra, lòng bàn tay ngửa lên trời, các ngón tay xoè ra như cánh quạt, giống như tay một nữ nghệ sĩ chèo đang múa "đuổi ngón", cánh tay mặt hơi giang khỏi thân, các ngón tay chỉ địa, thân hơi nghiêng về phía trái, chân trái đứng vững, chân mặt tréo qua phía trái sau lưng chân trái, nhón chân, cả người trong tư thế bướm lượn, chim bay.
Tôi nhìn thiệp mời mà nhớ lại cách nay hơn mười năm, tôi có dịp gặp thoáng qua một cô bé Ấn Độ tại Trung Tâm Mandapa, Bà Milena Salvini Giám đốc Trung Tâm giới thiệu với tôi: "Cháu Maria là con nuôi của vợ chồng tôi. Cháu sanh ra bên Ấn Độ vùng Allahabad. Cơ duyên khiến cho vợ chồng tôi, trong chuyến đi Ấn Độ, gặp cháu trong cô nhi viện của Mẹ Thérésa trông nom. Biết cháu rất thích múa từ lúc lên 3 tuổi, vợ chồng tôi may mắn xin được cháu về làm dưỡng nữ trong gia đình tôi. Cháu rất sung sướng vì bản chất thích múa, sống với chúng tôi thì hằng ngày được xem các Thầy dạy múa theo các phong cách Bharatanatyam miền Nam, Katak miền Bắc Ấn Độ, cháu rất thích. Trong các Thầy dạy có bà Vidya, môn sinh của Thầy K.M.K Saroja ở Madras, thương cháu nên nhận cháu làm học trò. Cháu học rất chăm và tiến bộ rất mau".
Tối nay, cô bé mà tôi đã gặp tại Trung tâm Mandapa, nay đã trở nên một nghệ sĩ lớn được mời biểu diễn tại Nhà Hát Thành Phố trong mùa 2002-2003. Hơn mười năm nay tôi không có dịp gặp lại Maria Kiran. Chẳng biết quá trình học tập của cháu ra sao?
Tại Nhà hát Thành Phố chiều nay, không có khán giả mua vé. Toàn là những khách mời: nhà báo, cơ quan truyền hình, truyền thanh, đại diện các cơ quan văn hóa quốc gia và quốc tế, chuyên gia nghiên cứu về ca, vũ, nhạc Ấn Độ và các nước Châu Á, bạn bè thân hữu của Bà Milena Salvini và Ông Roger - phu quân của Bà.
Ban tổ chức phát cho khách mời chương trình nghệ thuật và tiểu sử của nghệ sĩ. Nhờ vậy, tôi mới biết thêm rằng sau khi học vỡ lòng tại Pháp từ 13 tuổi, Maria Kiran đã được Thầy cho biểu diễn tại vài nơi bên Pháp. Cha mẹ nuôi của cô cho cô về Ấn Độ học thêm. Rất may, cô được hai người Thầy tại New Delhi hết lòng truyền nghề cho cô: Bà Yamini Krishnamurti - một vị đại sư từ hơn nửa thế kỷ không ai sánh kịp, và Bà Jamuna Krishnan chuyên dạy múa diễn xuất và có tiếng hát thần kỳ.
Jamuna Krishnan - Một "Guru" (bậc Thầy) của Bharatanatyam
Bà Yamini Krishnamurti
Tổng thống Shri K.R. Narayanan vinh danh nghệ sĩ múa Bharatanatyam danh tiếng Yamini Krishnamurti - Giải Padma Bhushan Award 2001
Khi được Thầy cho phép làm lễ "aranghetram", tức là được ăn mặc xiêm áo của nghệ sĩ chuyên nghiệp, chân đeo lục lạc và múa một chương trình ra mắt trong một đền thờ, trước khi múa cho công chúng xem. Được làm lễ đó học sinh như được Thầy nhìn nhận có đủ tài nghệ biểu diễn cho người xem mà không hổ mặt Thầy. Lễ đó giống như lễ "mở xiêm áo" trong truyền thống ca trù, và đào nương cũng phải "hát cửa đình" trước khi "hát cửa quyền". Lễ aranghetram của cô được cử hành tại đền Chindambaran, nơi thờ Thần Shiva và Vishnu tại Ấn Độ miền Nam, lúc cô vừa 15 tuổi. Cô lại được Thầy K.M.K Saroja, Thầy của Thầy Vidya của cô đỡ đầu, làm chủ lễ và biên đạo bài múa cho cô.
Nụ cười tươi sáng của Maria Kiran
Thành nghề tại Ấn Độ, cô đã đi biểu diễn nhiều nơi như Trung tâm quốc tế tại New Delhi, Tivandrum, Bombay và trên Đài Truyền hình Ấn Độ.
Năm 18 tuổi, cô trở lại Pháp và bắt đầu biểu diễn tại Bảo tàng Viện Guimet Paris, Bảo tàng Viện Nghệ thuật châu Á tại Nice, Nhạc hội Ris Orangis. Cũng trong năm đó cô được tặng Giải đặc biệt của Ban Giám khảo (toàn thể thành viên nhứt trí bỏ thăm) trong Cuộc Thi quốc tế về nghệ thuật khiêu vũ tại Perugia (Ý).
Từ năm 2000 đến nay, cô đi trình diễn khắp nơi: Ý, Pháp, Ấn Độ, được mời tham dự những nhạc hội lớn tại Tây Ban Nha, Unesco (Pháp).
GS Trần Văn Khê, Maria Kiran và Cha Mẹ nuôi của cô
Năm nay, trong ba ngày 20, 21, 22 tháng 2, tại Nhà Hát Thành Phố Paris, cô giới thiệu hai chương trình đặc biệt để tạ ơn và tôn vinh 4 người Thầy của cô và ra mắt tao nhân mặc khách, văn nhân nghệ sĩ, báo chí truyền hình, những người mộ điệu và sành điệu múa Ấn Độ.
Đúng 20 giờ 30 phút. Đèn trong phòng dịu lần trong khi trên sân khấu đèn sáng choang. Bên mặt từ dưới nhìn lên có đặt tượng của Thần Shiva trong tư thế múa, cạnh bên chiếc bàn nhỏ trên đó có để lò đốt trầm. Bên trái, một tấm thảm đỏ dành cho nhạc sĩ ngồi. Từ trong ra ngoài, có Bà Vidya, choàng áo sari trắng. Bà là Thầy đầu tiên dẫn cô bé Maria Kiran vào thế giới Bharatanatyam. Thầy Jamuna Krishnan hôm nay cũng có mặt và sẽ là người hát chánh trong dàn nhạc phụ hoạ. Cô Ragini Chander Shekar ca sĩ, tiếp hơi Thầy Jamuna Krishnan. ông M.V. Chander Shekar đánh trống mridangam, loại trống cơm miền Nam Ấn Độ, ông Viju Sivanand đàn violon (tại Miền Nam Ấn Độ đàn violon thay thế đàn sarangi từ gần 200 năm nay, và được xem như một nhạc khí truyền thống Ấn Độ), và đặc biệt người thổi sáo murali là một nhạc sĩ Pháp Henri Tournier, Giáo sư dạy thổi sáo tại các nhạc viện vùng Paris, đã học thổi sáo Ấn Độ từ lâu, và được người Ấn Độ trọng như một nhạc sĩ thổi sáo chuyên nghiệp Ấn Độ.
Trống Mridangam
Nghệ sĩ đánh trống mridangam Ấn Độ
Nghệ sĩ sử dụng đàn sarangi
Một dàn nhạc Ấn Độ với đàn violin thay thế đàn sarangi
Tiếng sáo mở đầu "nỉ non lời gió giọng chim" (nói theo Hải Phương). Tiếng violon thoát ra từ bàn tay trái của nhạc sĩ Sivanand đang "vuốt ve nên lời dịu ngọt" (lại nói theo Hải Phương). Rồi giọng ca của Bà Jamuna Krishnan cất lên, khoan thai, trang trọng.
Để bắt đầu một chương trình múa, nghệ sĩ phải dâng hoa và múa trên lời ca ngợi một vị Thần. Kìa! Kiran bước ra sân khấu, đứng ngay chính giữa, sát phía màn treo làm phong. Thầy Jamuna Krishnan cất tiếng ca ngợi Thần Subrahmanyam, con của Thần Shiva, Maria Kiran trụ bộ rồi múa.
Subrahmanyam!
Người cưỡi chim công oai vệ
Tay người cầm giáo
Đâm xuyên thân Thủy Tinh
Đang ẩn mình dưới đáy biển
Người lên trên núi
Giệt quỉ Krauncha,
Sơn tinh ác nghiệt
Để độ thế cứu nhân.
Kiran múa theo bài do Thầy Kalanmamani M.K Saroja dàn dựng, để tạ ơn và tôn vinh Thầy.
Dứt bài, cô đến quì trước tượng của Shiva, dâng hoa, và đảnh lễ.
Cô lui lại trên sân khấu trở về vị trí lúc đầu.
Chương trình chuyển sang tiết mục thứ hai: Jatisvaram. Bài múa nầy do Thầy Yamini Krishnamurti dàn dựng, và Kyrian biểu diễn để tạ ơn và tôn vinh Thầy.
Mở đầu cô đứng trụ bộ Ardhamandah, hai chân rùng xuống, hai gót chân đâu lại, hai bàn chân quay ra hai bên tả hữu thành hình chữ V, hai cánh tay giang thẳng, song song với mặt đất, bàn tay ngửa lên trời, các ngón tay cong lại. Rồi nhẹ nhàng đưa hai tay xuống đặt trên đùi. Rất vững mà rất mềm. (Lúc tôi sang Ấn Độ, hôm viếng Sangeet Natak Akademi, Hàn lâm viện Ca Vũ Nhạc tại New Delhi, khi thấy một sinh viên học múa đứng trụ bộ rất đẹp, tôi nói nhỏ với bà Thầy: "Cô này đứng trụ bộ rất đẹp". Bà Thầy cười và trả lời: "Cô ấy phải học và luyện tập, sau 3 năm mới được dáng đứng đúng lề lối và đẹp như vậy.")
Kiran đã đẹp lại trụ bộ rất đẹp. Chân cô bắt đầu nhịp bằng cách dậm chân xuống sàn múa theo nhịp của tiếng trống mridangam. Một cuộc đối thoại xen lẫn hoà nhịp giữa người múa và người đánh trống. Bà Janua Krishnan hát một bài mà dùng toàn chữ nhạc Sa Ri Ga Ma Pa Dha Ni Sa (như Hò xự Xang xê cống của Nhạc chúng ta hay Do rê mi fa sol la si của phương Tây) với nhiều quận tiết tấu khác nhau (quận là một đoạn tiết tấu từ nhịp "Sam", nhịp chánh đầu đến nhịp "Sam" kế tiếp). Karian chân đập theo nhịp, tay xoay bàn, hay đuổi ngón, uyển chuyển, mềm dẻo, thân hình uốn khúc, khi nghiêng, khi ngửa, êm ái, dịu dàng, khi nhảy sang bên mặt, lúc nhảy qua bên trái, như chim bay, như bướm lượn, khi đi tới, lúc bước lui, mỗi nhón chân nhẹ nhàng, làm cho ta thấy như những đoá hoa sen đang nở dưới gót chân nghệ sĩ.
Hết đoạn múa, nghệ sĩ trở lại vị trí ban đầu như võ sĩ trong truyền thống Bình Định, sau khi đi hết bài quyền trở lại đúng vị trí ban đầu, trước khi "bái tổ".
Tiết tấu dồn dập. Tiếng trống mridangam nhỏ to (sollu), tiếng chân đập xuống sàn múa theo sát tiếng trống. Rồi đến phần solkattu, tiếng ca không lời chỉ dùng chữ nhạc trổi lên, điệu múa hoà theo.
Bạn xem kìa! Đầu, mắt, vai, hông, tay, chân của Maria Kiran cử động theo giọng trầm bổng của tiếng ca, nhịp điệu nhặt khoan của tiếng trống, khi uyển chuyển khoan thai, khi say sưa dồn dập, sự hoà hợp của ba yếu tố nét nhạc, nhịp phách, động tác múa, thu hút người xem vào trong một không gian huyền diệu.
Tiếng vỗ tay từng chập của khán giả sau mỗi khúc mỗi đoạn và nhứt là sau khi tiết mục chấm dứt, vang dội rất to, rất dài để tán thưởng nồng hậu người nghệ sĩ tuổi nhỏ mà tài cao.
Bước sang phần Varnam trong đó kỹ thuật múa thuần túy nrittachen lẫn với cách múa diễn xuất nrittya. Bài múa này cũng do Thầy Krishnamurti dàn dựng.
Lời thơ là một bài ca ngợi Thần Shiva được Thầy Jamuna Krishnan biểu diễn, trong tiếng phụ hoạ của cả dàn nhạc
Khi em nhìn Người, Shiva ơi!
Tim em nhảy liên hồi.
Em đã làm gì, Người ơi!
Để Người phải nổi trận lôi đình?
Người có một nhản quang thứ ba
Người từ đâu đến đây?
Người xoá tan nỗi khổ trên thế gian này.
Tại sao Người không như những Vị Thần khác?
Thân của Người vừa là Nam vừa là Nữ
Những con rắn thần tô điểm thân Người
Người đẹp hơn Thần Ái Tình
Nhưng trong cơn nổi trận lôi đình
Người làm em phách tán hồn phi.
Mà tình em yêu Người vẫn sâu đậm vô biên
Shiva ơi! Người đừng ngoảnh mặt chẳng nhìn em.
Shiva ơi! Người lộng lẫy trong điệu múa của Người
Điệu múa ngàn Thu bất diệt!
Người sành điệu, qua những "mudra", (dịch ra tiếng Hán là chữ Ấn) của hai bàn tay, những uốn mình, dậm chân của nghệ sĩ, những liếc mắt chau mày, cũng hiểu được những lời tỏ tình với Thần Shiva.
Mudras trong truyền thống Bharatanatyam
MUDRA trên những ngón tay uyển chuyển của Maria Kiran
Ban tổ chức có sáng kiến cho rọi lời thơ dịch ra tiếng Pháp trên màn ảnh nhỏ trước sân khấu gần trần nhà để cho khán giả không biết tiếng Ấn Độ cũng có thể theo dõi nội dung bài múa. Tôi rất may ngồi gần ông Roger, dưỡng phụ của cô Maria Kiran, có cả bản dịch của mấy bài thơ nên tôi mới tạm phỏng dịch ra tiếng Việt để cho các bạn đi vào nội dung của những bài múa tuyệt vời trong truyền thống Bharatanatyam.
Sau tràng pháo tay kéo dài trong đôi ba phút, Kiran đã phải trở ra sân khấu tiếp tục múa khúc Padam.
Padam thường là một bài thơ hay một đoạn của Trường Ca Ramayana. Nghệ sĩ phải vừa múa vừa diễn xuất theo lời thơ hay cốt truyện, trong tiết tấu hoãn điệu (chậm) hay bình điệu (không quá chậm, mà cũng không mau).
Hôm nay, bài múa do Thầy Jamuna Krishnan dàn dựng. Cô Maria Kiran múa đoạn Rama và em trai Lakhsmana đi ngang hoa viên của đền Vua nước Mithila. Rama gặp công chúa Sita lần đầu. Chàng như choá mắt vì khuôn mặt đẹp của Nàng, đôi khi bị mái tóc phủ che như vừng trăng tròn thỉnh thoảng núp sau mây.
Nàng là ai? Nàng tên chi?
Có phải Lakshmi hay không?
Không! Nàng đẹp hơn Lakshmi.
Ta và Nàng có lẽ gặp nhau từ kiếp trước.
Và kiếp nầy biết đâu lại có được cơ duyên?
Lahksmana gọi:
"Rama đại huynh ơi!
Sao anh chần chừ nấn ná vậy?
Ta đi anh nhé!"
Nếu diễn kịch không lời, chỉ cần ra bộ để diễn tả tâm tình. Nhưng múa Bharatanatyam, phải tạo động tác diễn tả đúng nội dung,còn phải đẹp trong hình thức. Bàn tay bắt ấn theo các mudras, chân nhịp đúng với tiếng trống mridangam. Vì thế múa natya tổng hợp những yếu tố đó, khó hơn múa thuần túy nritta. Qua sự diễn xuất của Maria Karan, khán giả thấy rõ khuôn mặt si tình ngơ ngác của Rama, ngây thơ và ngạc nhiên của Sita.
Và quá tuyệt vời khi cô múa theo lời thơ do Mẹ Teresa sáng tác (bài múa do Bà Vidya dàn dựng theo lời thơ), Kiran múa để tạ ơn và tôn vinh Thầy Vidya và cũng như chuyển một thông điệp của Mẹ Teresa, người tu sĩ đức độ như một vị Thánh đến với tất cả mọi người.
Bài kinh ấy được Nhà văn Dominique Lapierre dịch ra tiếng Pháp và rọi lên trên màn ảnh nhỏ:
Đời là vận may, hãy chụp lấy nó
Đời là vẻ đẹp, hãy chiêm ngưỡng nó
Đời là cực lạc, hãy thưởng thức nó
Đời là giấc mộng, hãy biến nó thành sự thật
Đời là một cuộc thử thách, hãy đương đầu với nó
Đời là một bổn phận, hãy làm tròn nó
Đời là một trò chơi, hãy cùng chơi với nó
Đời rất quí giá, hãy chăm sóc nó
Đời là của cải, hãy giữ gìn nó
Đời là tình yêu, hãy tận hưởng nó
Đời là một bí mật, hãy khám phá nó
Đời là một lời hứa, hãy thực hiện nó
Đời là một nỗi buồn, hãy vượt qua khỏi nó
Đời là một thánh ca, hãy hát nó
Đời là một cuộc đấu tranh, hãy chấp nhận nó
Đời là một bi kịch, hãy ôm ngang lưng nó
Đời là một cuộc phiêu lưu, hãy dấn thân vào nó
Đời là hạnh phúc, hãy làm sao cho xứng đáng với nó
Đời là cuộc sống hãy bảo vệ nó.
Maria Kiran múa theo từng câu, không rộn ràng sôi nổi, mà chững chạc trầm tư. Tiết tấu đều đặn khoan thai theo bình điệu.
Một khoảnh khắc mơ màng, ta như rời khỏi cõi trần bay lần đến không trung.
Sau tràng pháo tay, nhạc trỗi lên, dồn dập, Maria Kiran vừa vào hậu trường đã phải trở ra sân khấu. Cô dã liên tục múa từ 8 giờ rưỡi tối đến giờ, tôi băn khoăn không biết sức đâu chịu nổi.
Tươi cười, bước chân thoăn thoắt trên sàn múa, Kiran như bay, toàn thân theo nhịp điệu của tiếng trống mridangam thúc giục trong đoạn Tillana, một vũ điệu rộn rã như phách dồn sau đoạn phách khoan trong truyền thống ca trù, như bài Tẩu mã kết thúc 10 bài ngự trong Nhã nhạc cung đình Việt Nam.
Trong tiết mục Tillana, nghệ sĩ múa lần lượt chắp tay cúi đầu chào mỗi nhạc công, ca sĩ để tạ ơn, và hai bên có một phút đối thoại bằng tiềt tấu, chân đập sàn, tay vỗ trống, miệng mỉm cười.
Rồi tất cả nghệ sĩ trên sân khấu chào khán giả qua khúcMangalam.
Khán giả đứng dậy, vỗ tay, trong phòng vang dậy tiếng Bravo!
Tôi như tỉnh giấc mơ, từ thiên đình trở về hạ giới, trong lòng vô cùng xúc động khi nhớ tới một nghệ thuật múa tinh vi bắt nguồn từ ngàn năm trước, đời này truyền sang đời nọ mà nay còn sống mãi, sống mạnh trong đôi tay, đôi chân, thân hình, và trái tim của một cô gái tuổi vừa quá đôi mươi.
Trần Văn Khê 2003
Chú thích
Để diễn tả tình cảm, nhạc sĩ dùng âm thanh, hoạ sĩ dùng màu sắc, thi sĩ dùng ngôn từ... thì nghệ sĩ múa dùng động tác của tay chân và cả thân hình của mình.
Truyền thống múa Ấn Độ rất phong phú: Katak miền Bắc,Manipuri miền Đông, Bharatanatyam và Odessi miền Nam. Ngày nay nghệ sĩ đi biểu diễn trên thế giới múa Katak và Bharatanatyamthường nhứt.
Mỗi điệu múa có ba loại:
1. nritta (múa thuần túy): Chú trọng tạo những động tác thật đẹp bằng tay, chân và thân hình, ăn nhịp với âm nhạc. Để ý đến cách trụ bộ, đứng, đi, nhảy.
2. nritya (múa diễn xuất tình cảm): Ngoài tay chân còn phải để ý đến cặp mắt và lông mày. Người múa phải diễn tả được nội tâm: thương yêu, gợi tình, lòng trắc ẩn, hóm hỉnh, ngạc nhiên, buồn, sợ, gớm, bình tĩnh, thanh thản. Như chúng ta thường nói phải đủ hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục .
3. natya: diễn xuất theo lời thơ hay một câu chuyện, thường thì diễn một đoạn trong trường ca Ramayana hoặc Mahabharata.
Dàn nhạc phụ hoạ gồm có:
- Một người ca, quan trọng nhứt. hoặc xướng âm bằng những chữ nhạc Sa, Ri, Ga, Ma, Pa, Dha, Ni, Sa thành câu nhạc có tiết tấu đơn giản hoặc phức tạp, hoặc thuật những câu chuyện bằng những bài ca có đối thoại, theo những điệu thức và những tiết tấu thông dụng trong truyền thống nhạc "Carnatic" miền Nam. Tối thiểu có một người ca, nhưng thường hai người thay phiên nhau ca.
- Một người thổi sáo murali
- Một ngưởi đàn violon theo phong cách Ấn Độ miền Nam,
- Và một người đánh trống mridangam, loại trống cơm miền Nam Ấn Độ.
Khi tôi đến New Delhi để tìm hiểu ca, vũ nhạc truyền thống Ấn Độ năm 1968, bạn tôi, Tấn sĩ Narayana Menon có nhờ bà Kapila Vatsayan , một Giáo sư chuyên dạy các điệu múa Ấn Độ, về lý thuyết và thực hành, giảng cho tôi những điểm căn bản cần biết về nghệ thuật múa trong truyền thống Ấn Độ. Tôi rất ngạc nhiên khi nghe bà nói rằng trong quyển sách Natya-sastra về kịch nghệ trong đó có các vũ điệu, tác giả Abhinava Gupta, từ thế kỷ thứ 10, có ghi 67 động tác cho bàn tay, 32 động tác cho chân, và tay, chân và thân hình trộn lại có đến 108 động tác (108 như số hột bồ đề trong tràng hạt của các nhà sư).
Trong nghệ thuật múa, phải chú trọng đến việc chia sân khấu ra thành nhiều không gian múa, phải có đồng thế trong sự di chuyển, phải biết chọn lựa màu sắc áo, phải tập luyện công phu để có những thế trụ bộ, tướng đi, dáng đứng, tay múa, chân bước, biểu diễn nhuần nhuyễn tất cả "mudra" (tay ấn), biết rành các điệu thức, biết chia nhịp, chẻ nhịp, thuộc lòng tuồng tích.
Một chương trình múa Bharanatyam thường có 5 phần:
Alarippu: Dâng hoa cho một vị Thần. Trụ bộ, và múa thuần túy
Jatisvaram: đối thoại bằng tiết tấu giữa người múa và người đánh trống, hay giữa người múa và người ca. Từ đơn giản đến phức tạp.
Varnam: Có phần múa thuần túy xen kẻ với múa diễn xuất. Người dàn dựng và biểu diễn bài múa, phải phân tách nội dung lời bài ca hay bài thơ không chỉ ở cấu trúc của câu văn, mà cả nội dung của bài về mặt triết lý hay siêu hình.
Padam: Không sử dụng múa thuần túy mà chỉ có múa diễn xuất, theo một bài thơ, hay một câu chuyện rút trong thần thoại, hay có thể là một câu chuyện tình. Thuờng thì múa chậm rãi.
Tillana: Múa sôi động để kết thúc và người múa chào từng nhạc sĩ để cám ơn và đối thoại với mỗi nhạc sĩ bằng tiết tấu.
Mangalam: Tất cả nghệ sĩ trên sân khấu chào khán giả.
Các bạn có thấy chăng? "Nghề chơi cũng lắm công phu".
trantruongca wrote on Oct 14, '08, edited on Nov 26, '09
Kh V oi!
Thầy chưa được tâm hồn thanh thản để làm thơ!!! Nhưng đọc mấy bài thơ của con về Bharatanatyam, Thầy rất vui thấy rằng Thầy trò mình cùng chung một sở thích. Thầy đã chìm trong trong trang thai nhu tỉnh như mơ. Con hôm nay cũng vậy!! Thầy thương gởi con mấy câu : Xem Bharatanatyam, trước kia Thầy rất thích Nay biết con cũng "đồng điệu " với Thầy Hai Thầy trò xem múa sẽ cùng say Cùng "nín thở" để hồn bay vào cõi Mộng! Mỗi lúc thân hình, chân tay Nàng cử động Như chim bay, bướm lượn Mộng thành Thơ Ánh Trăng rung mà Bóng cũng vật vờ ! Ta ngây ngất, ngẩn ngơ vì vũ điệu..........! Thầy Trần Văn Khê |
trantruongca wrote on Oct 11, '08
Kh V oi! Con cẩn thêm nhiều ảnh rất hay ! Cám ơn con nhiều lắm! Thay chua hoạ vận mấy bài thơ rất hay của con vi đang bận quá nhiều việc
Hôn con nhiều cám ơn con! Thầy TVK |
mimikhanhvan wrote on Oct 10, '08
Bharatanatyam là vận may:
"Con sẽ chụp bắt nó Giải tỏa những niềm đau Cuộc đời này hữu hạn Còn mơ mộng nơi đâu?" Bharatanatyam là vẻ đẹp: "Con sẽ chiêm ngưỡng nó Như ngắm đóa hoa xinh Hoa vô ngôn tươi mát Nhưng ẩn chứa muôn tình!" Bharatanatyam là cực lạc: "Con sẽ thưởng thức nó Như sống cõi thiên tiên Ánh mắt là hồ mộng Soi sáng giấc mơ riêng..." |
trantruongca wrote on Oct 9, '08
Ngoc Han oi! Thay rat vui khi con doc bai viet cua Thay ma con co cam giac nhu duoc xem buoi mua va hieu nhung dac trung cuq dieu mua Bharatanatyam! Thay da chia sot duoc cam xuc xua Thay khi xem dieu mua den nhung nguoi doc gia tre nhu con, Thay rat vui
Cam on con da goi comment . Thay TVK |
trantruongca wrote on Oct 9, '08, edited on Oct 11, '08
Kh V oi! Con lai la nguoi dau tien xem bai nay va ghi lai may cau tho rat hay va rat cam dong. Thay hom nay co khach den an toi, Phap va Viet. Khach moi ve. Thay sap di ngu va co le mai Thay se tiep loi con. Thay vo cung xuc dong khi doc 2 comments con viet. Thay moi xem lai DVD Maria Kiran va tiec qua, 15 phut dau tot, tu do dia hu roi!!!!!!
Nho con va thuong chuc con du suc hoc va lam nhieu cong viec con can phai lam. Thay TVK |
mimikhanhvan wrote on Oct 9, '08
Đợi Bharatanatyam đã gặp rồi, con sẽ còn chờ gặp nữa những sitar, những tabla, những Ravi Shankar, những Ustad Allah Rakha... qua lời Thầy kể...
...Ngày thứ nhất ta đà gặp gỡ Ngại ngần chi chẳng trở lại đây! Phải chăng vì gặp nên say? Bao nhiêu mộng đẹp rót đầy chén thơm... |
mimikhanhvan wrote on Oct 9, '08
Say chết con rồi!
Bharatanatyam vũ điệu đầy mê hoặc! Ai xem xong mê mẩn cả tâm hồn! Nhìn những ngón mudras đương tỏa mộng Thấy quanh mình phảng phất một mùi hương... |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét