TS Trần Quang Hải ‘trổ tài’ biểu diễn “đồng song thanh”
Tối
nay (9/11/2009), tại nhà riêng của GS-TS Trần Văn Khê (Số 32 Huỳnh Đình
Hai, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) sẽ diễn ra cuộc nói chuyện và biểu diễn kỹ
thuật “đồng song thanh”: "đàn môi" và “đàn muỗng" của TS Trần Quang Hải
(con trai GS-TS Trần Văn Khê).
Đặc
biệt, tiết mục sẽ có sự tham gia biểu diễn minh hoạ của nghệ sĩ Bạch
Yến (vợ của TS Trần Quang Hải). GS-TS Trần Văn Khê sẽ làm MC giới thiệu
và dẫn dắt buổi giao lưu.
Cha con GS-TS Trần Văn Khê và TS Trần Quang Hải
(Ảnh: Vnexpress)
Với
phong cách giản dị và lối nói chuyện hóm hỉnh, TS Trần Quang Hải có thể
dẫn dắt người xem từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi ông biểu
diễn các loại "đàn môi cha", "đàn môi con" của một dân tộc thiểu số. Ông
còn dùng 2-3 chiếc thìa để "đàn" cho một điệu nhảy. Thậm chí, giáo sư
Hải sử dụng cả tấm card ATM hoặc card điện thoại để đánh một bản nhạc
dân tộc trước sự thán phục của mọi người…
Nối
nghiệp cha mình (GS Trần Văn Khê), GS Trần Quang Hải đã nghiên cứu âm
nhạc dân tộc ngót nghét bốn thập kỷ. Ông bắt đầu làm quen với đàn môi từ
năm 1965, năm 1970 đã thu thanh cùng một nghệ sĩ đàn môi nổi tiếng
người Anh một đĩa CD về đàn môi, là người đầu tiên trên thế giới biểu
diễn đàn môi cùng nhạc điện tử, nhạc techno và thu được thành công vang
dội.
Đàn
môi là loại nhạc cụ thô sơ mộc mạc của người Mông và một số dân tộc
khác trên thế giới, được ví như “môi, miệng” của con người có thể “nói”
lên tiếng lòng đầy tâm sự, nỗi niềm. Còn “đàn” muỗng là muốn nói đến sự
khéo léo của đôi tay khi sử dụng 2 chiếc muỗng để tạo nên những âm thanh
với những tiết tấu lúc khoan thai, lúc dồn dập đầy cảm xúc.
Trên thế giới có ba tập san và 300 trang web chuyên về đàn môi. Song ở Việt Nam,
đàn môi hầu như không có trong "bản đồ" nghiên cứu nhạc cụ dân tộc.
Khoa Âm nhạc dân tộc của Nhạc viện Quốc gia chỉ giảng dạy 8 loại nhạc cụ
được cho là phổ cập nhất, không có đàn môi./.
Sỹ Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét