Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo: Gởi với đường tơ muôn mảnh lòng

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo: Gởi với đường tơ muôn mảnh lòng

 

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo - Ảnh tư liệu: Trần Văn Khê

Chương trình giới thiệu “Nhạc sư Vĩnh Bảo – người thầy lớn trong âm nhạc truyền thống Việt Nam” tại nhà Giáo sư Trần Văn Khê vào tối 19-1, diễn ra thật xúc động, hấp dẫn. Cuộc nói chuyện của ông đã thu hút sự quan tâm của đông đảo giới nghệ sĩ, nhạc công, khán giả lớn tuổi và cả các sinh viên, học sinh - những bạn trẻ yêu thích nhạc dân tộc.

Năm nay, nhạc sư Vĩnh Bảo (ảnh) đã bước vào tuổi 93. Dáng ông gầy, gương mặt hiền từ, nụ cười đôn hậu, lối nói chuyện dí dỏm, dễ thương, thể hiện sự lạc quan yêu đời, yêu người, đặc biệt là tình yêu lớn mà ông dành tặng cho âm nhạc truyền thống, nhất là nhạc tài tử cải lương. 


Nhạc sư Vĩnh Bảo tâm sự: “Mỗi khi đờn (đàn), tôi luôn muốn tiếng đờn nói thay tôi những nghĩ suy, trăn trở, những buồn – vui của tâm hồn. Tôi thường đờn trong trạng thái tĩnh lặng, thời khắc ấy đưa tôi đến gần với thiền, cho tôi sự thư giãn thảnh thơi, tâm hồn được bay bổng với nhạc, với điệu, với những bài bản truyền thống dân tộc”. 

Hễ nói chuyện nghề, về cách làm đàn, cách đánh đàn và khi biểu diễn để giải thích các hơi, điệu, cách sắp chữ, sắp câu, những thủ pháp đặc thù của nhạc tài tử (rung, nhấn, mổ)… ánh mắt ông lại long lanh, tinh thần ông lại phấn chấn. Khi ông lướt tay trên dây đàn, những bài Dạ cổ hoài lang, Tiếng xưa, rồi bài bản tài tử Nam Xuân, Văn Thiên Tường, Tứ đại oán… nghe sao da diết, đầy cảm xúc. Nhưng cũng với những ngón đàn ấy, ông nhấn, ông tô điểm cho nốt đàn để biến thiên các tiết tấu đang buồn thành vui, lúc đang vui bỗng chợt buồn… khiến khán giả ngẩn ngơ thán phục. 

Thời gian gần đây nhạc sư Vĩnh Bảo ít tiếp cận, biểu diễn phục vụ công chúng, nhưng đó không phải là ông ngừng làm việc. Ông vẫn luôn nặng tình với âm nhạc, nhất là nhạc tài tử Nam bộ. Trước đây, ông từng đến các nước Pháp, Mỹ… để giảng dạy và biểu diễn. Khoảng 5 năm trở lại đây, ông thực hiện rất hiệu quả việc dạy đàn qua internet cho học sinh người nước ngoài. Với ông, việc truyền dạy nghề là niềm vui, là hạnh phúc. Ông luôn muốn truyền dạy cho học trò những gì mình có và mong mỏi các học trò sẽ giỏi hơn, có nhiều sáng tạo hơn ông, để có thể góp sức gìn giữ và bảo tồn âm nhạc truyền thống dân tộc. 

Có lẽ tâm tư người thầy, người nhạc sĩ, người nghệ sĩ tài hoa luôn vướng bận chuyện truyền nghề, gìn giữ và bảo tồn những giá trị nghệ thuật âm nhạc dân tộc quý báu, thế nên ông đã gửi gắm nhiều suy tư, trăn trở vào bài thơ ông sáng tác cho riêng mình, chất chứa nhiều xúc cảm. 

“Nhả chút tơ tằm lên phím nhạc
Gởi vào cung bậc ít tâm tư
Nắn dây, giọng oán từng hơi thở
Gởi với đường tơ muôn mảnh lòng”.

Giáo sư Trần Văn Khê – người bạn tri kỷ của nhạc sư Vĩnh Bảo, chia sẻ: “Dù nhạc sư Vĩnh Bảo đã 93 tuổi, nhưng ngón đờn của anh vẫn y như thời trẻ, bay bướm, giản dị nhưng sâu sắc như đưa khán giả vào cõi mộng. Anh còn là người khiêm tốn, thích dạy học, nói và viết cả tiếng Anh, tiếng Pháp, còn tài đóng đàn của anh thật tuyệt vời. Tôi rất hạnh phúc khi có được người bạn tri kỷ, tài hoa như anh!”

Năm 2006, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo được vinh danh tại Hội thảo Dân tộc nhạc học thế giới tổ chức tại Mỹ. Hội thảo có đến 800 giám khảo thực hiện việc tuyển chọn và vinh danh 5 người thuộc dạng “quốc gia chi bảo”, có những đóng góp to lớn trong việc giữ gìn nghệ thuật cổ truyền dân tộc các nước. Bên cạnh Việt Nam là các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Năm 2008, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo vinh dự được Bộ Văn hóa Pháp trao tặng Huy chương Văn học nghệ thuật.

THÚY BÌNH
(Sài Gòn Giải Phóng)
1 Comment
Add a Comment
   
huudieu wrote on Jan 21, '10
Chúc nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo và giáo sư Trần Văn Khê sống trên trăm tuổi để truyền bá môn ( Âm nhạc dân tộc ) rộng rãi hơn nữa giúp cho nhiều người dân lao động cũng được thưởng thức và hiểu biết môn này ! 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét