Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

ÂM NHẠC TRỮ TÌNH CỦA LƯU HỮU PHƯỚC (Phần 2)


ÂM NHẠC TRỮ TÌNH CỦA LƯU HỮU PHƯỚC
(Phần 2)
II. Ca kịch “Tục Lụy” và " Hương giang Dạ khúc "
Đầu năm 1943, cô M.Ng. nữ sinh trường Đồng Khánh đến tìm Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước để chuyển lời ông Thế Lữ nhờ Nhạc sĩ phổ nhạc kịch thơ “Tục lụy”. Cô M.Ng. sau sẽ đóng vai Diễm Tiên trong vở ca kịch, đã khéo thuyết phục Nhạc sĩ chịu bỏ nhiều thì giờ để phổ nhạc cả vở kịch. đặc biệt là hôm cô đem thêm một bài "Phiêu phiêu gió reo trên ngàn". Tuy đang bận suy nghĩ để phổ nhạc những bài thơ đã có trong vở kịch, khi cô M.Ng. đem thêm một bài khác, nhờ cách khẩn khoản duyên dáng, nhất là nụ cười "tươi như hoa" nên khi cô vừa ra khỏi cửa, đi chưa đến xe tay (xe kéo) đang đợi cô bên kia đường, Nhạc sĩ đã phổ nhạc xong bài thơ ấy. Và sau buổi diễn, một hôm Phước đã chép tay nhạc và lời bài "Khúc Nghê Thường": "Phiêu phiêu gió reo trên ngàn" và đề tặng: "Tặng Diễm Tiên, nàng tiên kiều diễm đã giúp tôi viết ra bài "Khúc Nghê Thường". Khuya ngày 12 tháng 04 năm Quý Tỵ. Phía trước bài có câu: "Để kỷ niệm, ngày 18 tháng chạp năm Nhâm Thìn là ngày Diễm Tiên xuống trần". Không ghi ngày mồng một tháng giêng Dương lịch năm 1943, vì ngày đó là ngày lễ đầu năm Tây lịch, chớ đâu phải ngày 18 tháng chạp năm Nhâm Thìn là ngày "gặp Tiên giáng trần" và ngày gặp gỡ đầu tiên của "chàng Lưu" với nàng Tiên kiều diễm.
"Phiêu phiêu gió reo trên ngàn, reo trên ngàn...
Trong veo suối hoa mơ màng, hoa mơ màng...
Gió, gió, gió êm đềm cuốn bay... êm đềm, êm đềm...
Suối, Suối, Suối, soi đường áng Mây, soi đường... soi đường
Gió bay... Suối Mây... Gió bay... Suối Mây...
Ca cầm say, tưng bừng thay!
Ca cầm say, tưng bừng thay!
Đời Hoa"
Tuy chỉ có một cảm tình nhẹ nhàng nhưng Nhạc sĩ đã được nguồn hứng để sáng tác nhiều bản nhạc tuyệt vời, những bài ca bất hủ.
Cả vở ca kịch “Tục lụy” là một bản tình ca lớn trong đó có nhiều bài rất hay, rất lạ. Không phải những câu mực thước, những tiết tấu đều đặn, thúc giục như những hành khúc hay những bài ca lịch sử, mà qua lời thơ nhẹ nhàng, nét nhạc uyển chuyển, mềm mại, đa dạng.
Đầu bài ca đi theo điệu múa, tiết tấu cũng rất dịu dàng như động tác của ba nàng Tiên "lả lướt Khúc Nghê Thường" trong các bài "Khúc Nghê Thường", "Gặp tiết xuân dịu dàng", "Ta là một nàng thơ trong Tiên Giới", "Ta nhảy múa dưới luồng ánh sáng" , "Cùng Đồng Tân ta véo von tiếng sáo".
Có những bài đậm đà "Hơi nhạc Cải lương tài tử" như đoạn đối ca giữa Tiều phu và Nhã Tiên, mở đầu bằng bài "Ta bấy lâu tấm thân trơ trọi" có vài nét nhạc của bản Xàng Xê và tiếp theo 6 bài đối ca "giọng Quảng", "Ta là một gái đồng trinh".
Đặc biệt nhứt là bài "Hỡi áng mây hồng". Nhã Tiên nhìn đám mây trôi mà nhớ cảnh Bồng lai và muốn theo mây trở về trời mà không thấy cánh. Đoạn đối ca giữa Nhã Tiên và Tiếng vang rất ngọt ngào: "Ta như một trái đào tiên" và “Đây rừng sâu im vắng”của Nhã Tiên được Tiếng vang lập lại hai tiếng chót của mỗi câu đàn bài "xưng tên: Ta là tiếng vang trong rừng rú", bài khuyên giải nàng Tiên hãy "dập sầu bi", hãy "kiên tâm, kiên tâm, than thân có ích gì".
Khi Nhã Tiên tìm được cánh muốn trở về trời thì Tiếng vang nhắc cho Nhã Tiên nhớ đến thân phận của những đứa trẻ mồ côi trong bài "Buổi chiều đông" và khi nghe con khóc Nhã Tiên đã ru con bằng một bài hát ru rất mới rất đẹp:
"Hò ơ hớ Nín đi con, bú đi con ...
Chớ khóc chi cho lòng mẹ đau"
Đoạn các chim và Nhã Tiên đờn ca đầy thú vị. Các chim lo rằng khi Nhã Tiên về trời rồi thì "các chim đói no, ai nào lưu ý". Nhã Tiên cố khuyên các chim "đừng lưu luyến ai hoài" và khi Nhã Tiên quyết định không về trời thì các chim vui mừng hát vang.
Ta vui sướng Tiên nga sẽ không lánh trần ai.
Cũng trong năm 1943, Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã có dịp trao đổi thư từ với một cô gái Huế có bí danh là Thu Hương và khi Nhạc sĩ ghé đất Thần Kinh, tuy không được diện kiến người thiếu nữ chỉ biết qua lời văn mà chưa biết mặt, rất xúc động khi được mời dạo thuyền trên Sông Hương, thấy các cô gái Huế "nhón chân bước xuống thuyền" rồi "tình mơ thương nhớ".
Nhạc sĩ chỉ nghe Hò Mái Nhì trên Sông Hương một đôi lần, mà khi nhớ lại, đã khéo thể hiện được những nét nhạc mang âm hưởng của nhạc vùng có Sông Hương núi Ngự, có những cách cho "câu kể" (một người hát) xen kẽ với "câu xô" (nhiều người hát), như câu Hò Hụi, Hò Nện Miền Trung có câu mở đầu mang hơi hướng câu  của Hò Mái Nhì câu kết với nét nhạc rất Huế của hai chữ "yêu kiều" trước hai chữ "trong mơ".
Sau đó năm 1945 Nhạc sĩ chỉ tặng tôi bản thảo để tôi hát chơi mà không cho phổ biến, vì lúc ấy trong buổi đầu kháng chiến, "cần có những bài thúc giục người nghe chống ngoại xâm chớ không phải để hồn nương theo chiều gió". Khi cho in ra thành bản nhạc, nhà xuất bản Hương Mộc Lan - tiếp nối công việc đã bắt đầu của nhà xuất bản Hoàng Mai Lưu - không dám để tên tác giả, mà chỉ ghi lại sáng tác của "một nhạc sĩ không tên". Câu chuyện tình giữa Nhạc sĩ và Thu Hương đã được thuật lại với đầy đủ chi tiết trong quyển sách về Lưu Hữu Phước do Mai Văn Bộ chắp bút, tôi không nhắc lại việc ấy. Tôi cũng không phân tích rành rọt về mặt nhạc học bài nhạc tuyệt tác ấy - chỉ nhớ lại rằng Nhạc sĩ đã nhờ mối tình nên thơ mà sáng tác một nhạc phẩm, mới, đẹp, độc đáo và rất đậm màu Dân tộc.
Từ năm 1943 đến sau, Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước không còn để cho lòng mình rung động vì tình cảm riêng tư. Nhưng nhắc lại những sáng tác của Lưu Hữu Phước trong năm 1943, chúng ta dẹp cả tình riêng cho rằng: "Hèn thay vui yêu đương lúc quê hương cần người, dứt làn tơ vương". Hiến cả thân xác tâm hồn cho cách mạng nhưng trái tim không cằn cỗi, lòng không hoàn toàn sắt đá, có những phút giây rung động với tình để lại cho chúng ta những tình ca tuyệt tác.
(còn tiếp)
TRẦN VĂN KHÊ
4 CommentsChronological   Reverse   Threaded
Add a Comment
     
trantruongca wrote on Sep 21, '08
Thầy cũng có nghĩ như vậy Nhưng cả vở Tục Luỵ gần mấy chục trang ! Tổng phổ không có sẵn! Mà Thầy không thời gian ghi lại.
Thầy TVK
trantruongca wrote on Sep 21, '08
Bài vừa cài lên mạng
Đã được Hải đọc rồi!
Ba thấy lòng thoả mãn
Và vui quá Con ơi!
lengochan wrote on Sep 21, '08
Thưa Thầy,

Trong hồi ký Thầy có kể về vở Tục Lụy của nhạc sĩ Lưu Hữa Phước, nay qua bài viết của Thầy con biết thêm nhiều chi tiết của vở này cũng như giá trị của tác phẩm.Một cột mốc trong lịch sử âm nhạc Việt Nam.

Giá như có bản ghi âm để nghe thì tuyệt vời hơn.

Con Lê Ngọc Hân
tranquanghai wrote on Sep 21, '08
Đây có thể nói là một thể loại mới trong tân nhạc Việt Nam thuở sơ khai . Kịch "Tục Lụy" đã được trình bày cách đây hơn 65 năm mà bác Phước đã có những giây phút để cho tình cảm vượt qua ý chí tranh đấu để viết nên vở "Tục Lụy" (một loại comédie musicale có thể nói là đầu tiên của Việt Nam)

Cám ơn Ba đã viết phần 2 về bác Lưu Hữu Phước
Hun Ba nhiều
Con
Tran Quang Hai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét