CẢM NGHĨ SAU KHI NGHE TIN UNESCO TÔN VINH
CA TRÙ (DI SẢN PHI VẬT THỂ CẦN ĐƯỢC BẢO VỆ KHẨN CẤP) & QUAN HỌ (DI SẢN PHI VẬT THỂ ĐẠI DIỆN NHÂN LOẠI) 2009
Năm
1976, khi chiến tranh vừa chấm dứt, Việt Nam sắp được thống nhứt,
UNESCO đã giao cho tôi về nước tìm xem những bộ môn nghệ thuật nào có
giá trị rất cao mà đã bị chìm trong quên lãng từ 30 năm nay vì chiến
tranh. Trung tâm nghiên cứu Khoa
học Pháp và Trung tâm nghiên cứu Âm nhạc theo phương pháp đối chiếu tại
Tây Bá Linh (West Berlin) do cố Giáo sư Alain Denielóu làm giám đốc
giúp cho tôi những phương tiện để thực hiện cuộc điền dã. Đồng thời, Đỗ
Nhuận – Tổng thơ ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam
gởi thơ mời tôi về để tiếp xúc với các nhạc sĩ, các nhà nghiên cứu âm
nhạc trong nước nhưng chỉ đài thọ tiền ăn ở tại khách sạn trong 3 tuần
lễ. Tôi không ngờ chuyến trở về nước lần đầu tiên để làm một công tác
điền dã lại được nhiều cơ quan ủng hộ về tinh thần và vật chất như thế.
Riêng UNESCO cho biết, nếu những băng từ ghi âm những bộ môn ca vũ nhạc
kịch mà tôi cho là có giá trị thì UNESCO có thể phát hành những dĩa hát
đặc biệt dưới nhãn hiệu của UNESCO và sẽ góp phần phổ biến trên những cơ
quan nghiên cứu của thế giới. Chuyến đi đó tôi có nhắc lại những khó
khăn đã gặp và những kết quả cụ thể đã thâu thập được trong nhiều bài
viết đăng trên các báo và tạp chí (tiêu biểu như “Thanh Khí tương tầm” –
Cuộc gặp gỡ giữa nghệ nhân Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Phúc, nhạc sư Đinh
Khắc Ban, nhà thơ Trúc Hiền và tôi trong tháng 04/1976 đăng trên các báo
Kiến Thức Ngày Nay, Bách Khoa…; “Vài nhận xét về quá trình nghiên cứu
Dân ca Quan Họ Bắc Ninh” viết năm 1977 đăng trong tạp chí Khoa học Xã
hội của Hội người Việt tại Pháp và trong quyển “Trần Văn Khê & Âm
nhạc dân tộc” năm 2000 do NXB Trẻ ấn hành…). Tôi chỉ nhắc lại dĩa hát
dưới nhãn hiệu của UNESCO sau đây do Hãng dĩa EMI ODEON phát hành 1978,
và sau này được tái bản dưới dạng CD:
1978: “Viet Nam / Ca Trù and Quan Họ” hãng EMI ODEON số 064-183113 (30cm / 33 vòng), collection Unesco: Atlas Musical, Venise, Ý đại lợi.
Và CD tái bản của dĩa hát 33 vòng năm 1978:
1991: “Viet Nam / Ca Tru & Quan Ho”, hãng AUVIDIS Đ8035 (dĩa CD), collection Unesco, Paris. Tái bản của dĩa cùng tên của hãng Emi-Odeon số 064-183113 (30cm / 33 vòng). Một băng cassette của CD này cũng được xuất bản cùng một lúc.
Dĩa
hát đầu tiên này của hãng Emi Odeon đã được UNESCO mua gần 400 bản để
gởi đi cho các trường Đại học lớn bên Mỹ và những nhà văn hóa lớn bên
Châu Âu.
Trong
những năm sau đó, tôi tiếp tục phổ biến nghệ thuật Ca Trù và Quan Họ ở
nhiều nơi, đem Ca Trù và Quan Họ làm đề tài giảng dạy ở Đại học Sorbonne
(Pháp) nhiều năm. Tại Đại học Hawai at Manoa (Honolulu – Mỹ) năm 1988,
Ca Trù và Quan Họ là một trong những đề tài mà tôi giảng dạy nhiều nhứt
để giúp cho sinh viên nắm được những nét chính trong âm nhạc truyền
thống Việt Nam. Trong số những sinh viên học âm nhạc truyền thống với
tôi tại Đại học Hawai, tôi còn nhớ có một cậu sinh viên tên là Michael,
người Mỹ, nói được tiếng Việt, qua những tiết dạy của tôi đã trở nên mê
thích Ca Trù và sau này khi trở thành người đại diện cho Quỹ Ford đã hết
sức giúp đỡ cho nghệ thuật Ca Trù. Năm 2002 quỹ Ford do Michael làm
người đại diện đã tài trợ chương trình “Đào tạo diễn viên Ca Trù trẻ”,
và năm 2005 lại tiếp tục tài trợ cho Liên hoan Ca Trù toàn quốc. Tôi rất
cảm kích Michael sau 18 năm vẫn còn nhớ Thầy, và hơn hết nữa là không
ngờ nhờ bài giảng rất sơ lược của mình về Ca Trù lại khiến một người trẻ
nước ngoài say mê đến vậy và muốn quay lại giúp đỡ bộ môn nghệ thuật
truyền thống này.
Liên hoan Ca Trù toàn quốc 2005
Đến
khi kết thúc khóa học tại Đại học Hawai (Honolulu), có 5 đến 6 sinh
viên Mỹ cùng với các nữ sinh Việt Nam hát Quan Họ đối thoại với nhau rất
vui. Tôi vô cùng thú vị. Nhắc lại những kỷ niệm đó để thấy rằng ở xứ
người, nghệ thuật truyền thống của Việt Nam mà ở đây là Ca Trù và Quan
Họ cũng gặp được rất nhiều sự quan tâm yêu mến của nhiều người.
Tại
Đại học Sorbonne, tôi đã làm công việc tuyển chọn những đề tài cho sinh
viên Pháp làm luận văn cử nhơn. Trong lúc chấm bài thi, tôi lựa những
bài hay đem photocopy và khi về Việt Nam
có đưa cho bạn tôi là nhạc sĩ Lưu Hữu Phước xem. Xem xong, Phước chảy
nước mắt khóc và nói: “Không ngờ rằng ở nước ngoài mà có những thanh
niên biết về nhạc truyền thống Việt Nam còn nhiều hơn thanh niên ở nước
mình”.
Bức tranh khắc gỗ Du Xuân đồ trên đây nằm trong công trình "Technique du Peuple Annamite" (Kỹ thuật của người An Nam) của Henri Oger, với những chữ Nôm (trong tranh có vẽ hình một người nhạc công gẩy đờn Đáy):
Thời bình mở hội xuân
Nô nức quyết xa gần
Nhạc dâng ca trong điện
Trò thưởng vật ngoài sân
Nô nức quyết xa gần
Nhạc dâng ca trong điện
Trò thưởng vật ngoài sân
Bỗng
nhiên có sự tình cờ là hai bộ môn Ca Trù và Quan Họ tôi đã chọn lựa ghi
âm để làm dĩa hát được phát hành dưới nhãn hiệu UNESCO từ năm 1976 thì
tới năm 2009 cả hai bộ môn này đều được UNESCO tôn vinh là Di sản phi
vật thể đại diện cho nhân loại (Quan Họ) và Di sản phi vật thể cần được
bảo vệ khẩn cấp (Ca Trù).
Đặc
biệt hơn nữa, sau khi tôi về nước để tìm hiểu Ca Trù năm 1976, ghi âm
giọng hát của Bà Quách Thị Hồ vào dĩa hát, nhờ đó mà Bà Quách Thị Hồ
được UNESCO trao tặng bằng khen để cảm ơn Bà đã tham gia trong việc phổ
biến nghệ thuật Ca Trù – là di sản độc đáo của Việt Nam và vốn quý của
toàn nhân loại ra thế giới. Thời đó không ai có thể ngờ rằng Hội đồng
Quốc tế Âm Nhạc lại có những đánh giá như thế, và trên thế giới đều nhìn
nhận rằng Ca Trù có một giá trị nghệ thuật cao xứng đáng được nhân loại
giữ gìn và bảo vệ.
Nghệ sĩ Nhân Dân QUÁCH THỊ HỒ
Trần Văn Khê đến thăm "cố nhân" Quách Thị Hồ
Năm
2004, khi còn ở bên Pháp, tôi đã được Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa Việt
Nam, Ủy ban người Việt nước ngoài mời về nước thành lập hồ sơ Ca Trù đệ
trình lên UNESCO. Tôi bằng lòng nhận trách nhiệm thảo hồ sơ nếu người
cộng sự có thể thay mặt tôi làm công việc đúng theo tiêu chuẩn của quốc
tế. Người mà tôi tin tưởng chính là Đặng Hoành Loan – người đã dựng lại
được và thực hiện một cuộn phim tài liệu về Câu Hò Sông Mã rất khoa học
và đầy đủ, đúng với cách thức làm việc mà tôi mong muốn. Vì lý do tôi
không ở thường trực tại Hà Nội mà công việc thảo hồ sơ cần phải được
liên tục nên tôi đã đề nghị với chánh quyền giao lại việc hoàn tất hồ sơ
Ca Trù cho Đặng Hoành Loan – lúc đó là Viện phó của Viện Âm Nhạc. Còn
tôi đứng ở ngoài theo dõi sát việc làm qua thư từ và giữ cương vị Cố vấn
đặc biệt của hồ sơ. Tôi đã thành lập một ban biên tập hồ sơ về Ca Trù
do Đặng Hoành Loan chủ biên và gồm những chuyên gia như GS Vũ Nhựt
Thăng, Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, chuyên gia về Hán Nôm Nguyễn Xuân
Diện. Về việc điền dã, Đặng Hoành Loan chịu trách nhiệm tìm kiếm những
người cộng sự như các chuyên gia về điện ảnh, nhiếp ảnh, kỹ sư thâu
thanh, ghi hình… Tôi có nhiệm vụ đọc các văn bản, hồ sơ bằng tiếng Việt
và bản dịch ra tiếng Anh, hiệu đính và bổ sung bản gốc, bản dịch, đồng
thời nhận định, góp ý việc dựng phim, in dĩa hát, tuyển lựa hình chụp và
lời giới thiệu cho các tư liệu nghe nhìn đó.
Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan - Nguyên Viện phó Viện Âm Nhạc
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện
Mỗi
khi có bộ môn nào được tôn vinh thì có lẽ tôi là người vui nhứt. Mặc
dầu không tham gia các buổi Lễ Tôn vinh hay Chúc mừng vì lý do sức khỏe
nhưng tôi vẫn đứng đằng xa hoan nghênh và chung vui cùng với tất cả mọi
người, những nhà nghiên cứu, nghệ nhân, nghệ sĩ… đã góp phần đưa nghệ
thuật truyền thống dân tộc rộng khắp năm châu.
Khi
nghe tin Ca Trù và Quan Họ được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật
thể của thế giới, tôi vô cùng hạnh phúc vì những ước mong của mình từ
bao nhiêu năm nay giờ đã trở thành sự thực. Tuy vậy, trong niềm vui đó
lòng tôi vẫn còn trĩu nặng những ưu tư lo lắng. Chuyên gia của UNESCO
tôn vinh Quan Họ vì đọc hồ sơ thấy được những phong cách đặc thù không
đâu có như tục lệ ngủ bọn, kết bạn, cách hát đối chữ, đối giọng, có tinh
thần sáng tác… của Quan Họ ngày xưa, chính vì vậy mà tôi lo rằng nếu
thế giới đến Việt Nam để nghe những canh hát Quan Họ bây giờ, liệu có
còn thấy được những nét đặc thù tế nhị của Quan Họ cổ hay không?
Một canh hát Quan Họ cổ
Các liền chị Quan Họ ngày ấy...
Và các liền chị Quan Họ hôm nay...
Quỹ bảo tồn quan họ cổ sẽ được quan tâm giúp đỡ thế nào?
Về
Ca Trù thì UNESCO tôn vinh như một “Di sản phi vật thể cần được bảo vệ
khẩn cấp”. Tôi chỉ lo rằng việc bảo vệ sẽ theo đường lối nào để còn giữ
được giá trị đích thực của Ca Trù ngày xưa. Cơ quan nào sẽ nhận ngân quỹ
giúp đỡ và có đủ sáng suốt “chọn mặt gởi vàng” để cho nghệ thuật Ca Trù
được phát triển, được phổ biến và truyền lại cho những thế hệ mai sau.
Và trong công việc làm đó, chẳng biết các cơ quan hữu trách có nghĩ đến
số lượng mà không quan tâm nhiều đến chất lượng hay không?
Chương
trình chào mừng Unesco tôn vinh Ca Trù & Quan Họ do CLB Ca Trù
Thăng Long thực hiện tại đình Cống Vị ngày 04.10.2009 (Ảnh: Nguyễn Hồng
Hải)
Việc
UNESCO tôn vinh Ca Trù và Quan Họ như luồng ánh sáng rực rỡ chiếu rọi
khắp bầu trời, xua tan đám mây mù đang che lấp những giá trị chân mỹ của
nghệ thuật dân tộc. Điều đó cũng chứng tỏ cho người trong nước biết
rằng: Việt Nam
cũng có những bộ môn nghệ thuật tế nhị, tinh vi mà người nước ngoài
cũng nhìn nhận thấy, thán phục và ca ngợi. Việc tôn vinh cũng là tiếng
chuông cảnh tỉnh đối với toàn dân tộc đang bị hấp dẫn bởi sự hào nhoáng,
hiện đại, sinh động của văn hóa nước ngoài, kéo những người lạc lối
quay trở về, bỏ đi lòng tự ti mặc cảm cho rằng nghệ thuật dân tộc của
chúng ta là cổ hủ, lạc hậu và chỉ có nghệ thuật nước ngoài là khoa học,
đáng để noi theo mà có được chút tự hào về giá trị nghệ thuật của âm
nhạc truyền thống. Nhờ đó mà mong muốn tìm hiểu thêm các bộ môn nghệ
thuật truyền thống, có hiểu mới thương, có thương mới chịu khó học tập,
có khi đi tới biểu diễn… thì lúc ấy nghệ thuật dân tộc Việt Nam sẽ đủ sức hồi sinh.
TRẦN VĂN KHÊ
Bình Thạnh 07.10.2009
trantruongca wrote on Oct 22, '09
Cám
ơn con đã đọc nhiều bài của Thầy đăng trên Blog, Thầy cảm thấy rằng con
và Thầy có nhiều ưu tư giống nhau. Thầy đang tìm một giải pháp để vượt
qua những khó khăn hiện tại, nhưng chưa gặp !
Có lẽ những nhà nghiên cứu thế hệ của con mới thấy được niềm vui, vì Thầy tuổi quá cao, liệu có thấy được Ca trù hồi sinh thật sự trước ngày vĩnh viễn ra đi ! Thầy TVK |
nguyenxuandien wrote on Oct 14, '09
"Tôi
chỉ lo rằng việc bảo vệ sẽ theo đường lối nào để còn giữ được giá trị
đích thực của Ca Trù ngày xưa. Cơ quan nào sẽ nhận ngân quỹ giúp đỡ và
có đủ sáng suốt “chọn mặt gởi vàng” để cho nghệ thuật Ca Trù được phát
triển, được phổ biến và truyền lại cho những thế hệ mai sau. Và trong
công việc làm đó, chẳng biết các cơ quan hữu trách có nghĩ đến số lượng
mà không quan tâm nhiều đến chất lượng hay không?"
Thầy đã bàn đến vấn đề cốt tử nhứt của ca trù hiện nay. Và, chúng ta giờ chỉ biết dõi theo các động thái của ngành văn hóa mà thôi, thầy ạ |
tranquanghai wrote on Oct 14, '09
Kính thưa Ba,
Con cám ơn Ba nhiều đã lo nhiều việc cùng một lúc . Con có được Minh châu cho biết đã gửi cho Ba bài Ba viết về Ca Trù và gởi lại Ba bài đã biên tập xong và nhờ Ba duyệt lại trước khi đưa cho ban biên tập dịch ra tiếng Anh . Nếu Ba có nhận được bài của Minh Châu đã biên tập thì Ba gửi trả lời cho Minh Châu biết vì sốt ruột không thấy Ba hồi âm . Hun Ba nhiều Con Tran Quang Hai |
trantruongca wrote on Oct 13, '09
Ba
da goi sang nay cho Alienor thu gioi thieu Fondation de la Vocation.
Fondation nay klhong co goi tho cvhpNa Ba viet theoloi Alienor . Ba co
chuan bi ghumoi buoi noichuyem cua com
Minh moi nguoi hieu biet toi nghe Nha co 80 cho Quang cao nhoieu . Nguoi hieu ky toi coan cho ch nguoi sinh vien nenm Ban to chuc se moi sunh vien truong nhac va nhjung nguoi co biet nhac nghe con noi chuyen Ba biet con se ve ngay 4.11 va se di Pleiku Ba dang ban lam Se viet thu cho con sau > Hon nhioeu Ba cua con TVK |
tranquanghai wrote on Oct 13, '09
Kính thưa Ba,
Con không có về vơí Bạch Yến vì con còn một số việc ở Âu châu . Con sẽ về ngày 4 tháng 11 sau khi Bạch Yến đã diễn xong xuôi ở Việt Nam . Con sẽ tới thăm Ba . Con có gởi nhiều emails cho Ba mà không thấy Ba trả lời . Cô Alienor và Fondation de la Vocation cũng có gởi thơ nhờ Ba viết mốt lá thơ d'appreciation mà không thấy Ba làm . Thời hạn chót là 16 tháng 10 . Chỉ còn vài ngày nữa . Con hy vọng Ba đọc thơ này và viết gấp lettre d'appréciation và gởi cho Fondation de la Vocation (Ba xem lại trong hộp email của Ba có email của Fondation) . Thơ của Ba rất cần cho Alienor để xin bourse . Hun Ba nhiều và hẹn gặp Ba vào đầu tháng 11. Ba có nhớ thông báo ngày con tới sinh hoạt ở nhà Ba vào thứ hai 9 tháng 11. Con có gởi cho Ba chương trình quảng cáo , không biết Ba có nhận được hay không ? Con Tran Quang Hai |
trantruongca wrote on Oct 13, '09, edited on Oct 13, '09
Ba
rất vui vi bài nào Ba viết đăng trên mạng, con cũng là độc giả đầu tiên
và có lời góp ý rất xây dựng. Ba cũng lo như con nên trong bài Ba có
nói không vui trọn mà có rất nhiều ưu tư. Lại xảy ra việc Ca trù Thăng
Long mất chỗ diễn, đang tìm chỗ khác .
Nhưng ở đời "Fais ce que dois, advienne que pourra". Ba chuẩn bị thứ năm nầy dự tiệc rượu chào mừng Bạch Yến tới. Vui vì sẽ gặp con. Hôn con nhiều Ba của con TVK |
tranquanghai wrote on Oct 13, '09
Bài
viết trung thực nói lên sự hồi sinh của hai bộ môn Ca Trù và Quan Họ đã
nhờ Ba khôi phục lại ngôi vị trong làng nhạc dân tộc .
Con chỉ mong sao hai bộ môn này được duy trì đúng giá trị và không bị "cải biên" theo thị hiếu của khách du lịch và của những ai muốn "cải tiến" theo "Âu hóa" thì rất uổng !!! Tran Quang Hải |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét