Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

30 phút với người Thầy kính quý

30 phút với người Thầy kính quý

Thầy ngồi đó, trên chiếc xe lăn, trong căn phòng biệt thự của resort Vĩnh Hưng (Hội An). Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh cho biết, hiện Thầy không được khỏe, nhưng Thầy vẫn nhận lời gặp chúng tôi, nên có thể chỉ thăm trong vòng 10 phút thôi.

 
alt
Giáo sư Trần Văn Khê viết vào sổ lưu niệm của thành phố Hội An.

Thế nhưng, sau khi giới thiệu chúng tôi với thầy xong, Thầy bắt đầu nói chuyện về đề tài âm nhạc Việt Nam qua nhiều niên đại với những thăng trầm và lớn mạnh của nó theo từng chặng đường của lịch sử âm nhạc thế giới. Chúng tôi ngồi nghe say sưa, hình như Thầy cũng thấy khỏe ra nhiều hơn, nên từ đề tài âm nhạc, thầy nói thêm về một số nhạc cụ, nhạc khí độc đáo của Việt Nam và thế giới. Thỉnh thoảng, Thầy dừng lại uống nước và hỏi chúng tôi có điều gì chưa hiểu và cần hỏi, thầy sẵn sàng giải thích thêm.

Chúng tôi sợ Thầy mệt, bởi tuổi cao mà phải chịu ảnh hưởng do cơn nắng nóng hầm hập của khí hậu miền Trung vào những ngày cuối hạ, lại thêm sự hội tụ quá tải của du khách các nơi về phố cổ Hội An trong những ngày Lễ hội giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản. Tuy nhiên vợ chồng Liêu Thái nhìn nhau một lúc rồi hỏi:

- Thưa Thầy, ở đất Quảng Nam này có làng đúc đồng Phước Kiều với những tác phẩm nghệ thuật đúc bộ cồng chiêng. Thầy cho chúng con biết thêm về nhạc cụ cồng chiêng được không?

- Được, được chứ, không dễ gì các bạn trẻ chúng ta bây giờ chịu khó tìm hiểu và quan tâm đến các nhạc cụ cổ truyền dân tộc của chúng ta nhiều đâu. Hiện đang có sự du nhập ào ạt của dòng nhạc mới, nhạc ngoại với các loại nhạc cụ như piano, organ, guitar, saxophone…, trong khi chúng ta rất tự hào về những nhạc khí, nhạc cụ độc đáo của người Việt Nam như đàn bầu, đàn đáy, đàn đá, đàn tơrưng hoặc cồng chiêng… mà họ không có.

Một cách say sưa, Thầy dẫn chúng tôi từ những hiểu biết đơn sơ về các loại nhạc cụ của Việt Nam đến sự say mê, ngưỡng mộ và khơi dậy niềm tự hào về đất nước, con người Việt Nam đã và đang tạo nên một hào quang sáng chói trên thế giới về mọi lĩnh vực, trong đó có văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc… Thầy vẫn chưa thấy mệt, nhưng chúng tôi không dám phiền nhiều hơn, nên xin phép tạm biệt thầy, sau khi nghệ sĩ Hải Phượng đã kịp ghi lại mấy “pô” hình làm kỷ niệm. Đã quá 30 phút! Anh Phùng Sơn dẫn tôi ra cửa (tôi bị “mù” vì viêm võng mạc sắc tố), nghe tiếng thầy vọng theo: "Chào các bạn trẻ!". Dù chỉ thấy lờ mờ, tôi vẫn ngoái đầu nhìn lại chỗ thầy ngồi trên chiếc xe lăn. Dường như thầy đang vươn vai đứng dậy bằng niềm tự hào của con người Việt Nam đầy tâm huyết!

Nguyễn Miên Thượng

(theo báo Quảng Nam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét