Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

Vài nhận xét về quá trình nghiên cứu DÂN CA QUAN HỌ BẮC NINH (Phần 2)

Sau khi thăm quê hương Quan họ
VÀI NHẬN XÉT VỀ QUÁ TRÌNH NGHIÊN CỨU
DÂN CA QUAN HỌ BẮC NINH
(Phần 2)
Trần Văn Khê
* QUAN HỌ LÀ GÌ ?
Không biết chắc vì đâu có danh từ Quan họ. Có thuyết cho rằng đó là lối hát ngày xưa của hai nhà quan kết bạn; cũng có thuyết cho rằng tại “Quan viên hai họ hát trong khi cưới xin” mà gọi là Quan họ[1].
Trong thực tế, Quan họ là một dân ca trữ tình phản ảnh về cuộc sống lao động vui tươi lành mạnh của người nông dân Bắc Ninh, do thanh niên nam nữ - có khi người đứng tuổi cũng hát – hát đối đáp với nhau để vui chơi sau những ngày lao động mệt nhọc trong đồng áng; trong những dịp ngày mùa hay Hội Đình, Hội Chùa, trong tiết xuân thu nhị kỳ. Hát để đối giọng với nhau hay hát để lấy giải, hát tại sân đình hay trong nhà của một người trong bọn.
Quan họ là một đối ca nam nữ, hát từng cặp từng đôi, một người hát giọng dẫn, một người hát giọng luồn.
Quan họ là một sinh hoạt văn hóa có nhiều nét độc đáo.
Quan họ không phải như hát ví ngoài Bắc, hò miền Trung, miền Nam, nghĩa là những điệu hát trong khi làm việc. Quan họ thường hát trong lúc nghỉ ngơi hay trong các hội hè.
* QUAN HỌ HÁT Ở ĐÂU ?
Quan họ chỉ hát trong vùng Quan họ, tập trung ở ba huyện Tiên Du (Tiên Sơn), Yên Phong, Võ Giảng, dài theo con sông Chọi, dọc theo đê Yên Xá, quanh quốc lộ số một, một vùng gồm có 49 làng, và diện tích lối 60 cây số vuông. Một vùng có nhiều thửa ruộng cò bay thẳng cánh, có lắm con sông “nặng trĩu phù sa”, có sông Cầu, sông Tiêu Tương ngày xưa từng vang tiếng sáo của Trương Chi, có rất nhiều ngôi chùa cổ kính như chùa Lim, chùa Bách Môn, chùa Phật Tích, chùa Bút Tháp, chùa Trăm Gian, chùa Dâu, có đền Lý Nam Đế, đền Thánh Gióng, có núi Chè, núi Thiên Thai, núi Phả Lại[2]. Vùng Quan họ là quê hương của Hàn Thuyên, người làm thơ Nôm đầu tiên của nước ta, quê hương của Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều, Cao Bá Quát, của thân mẫu nhà Đại Thi hào Nguyễn Du, của gần 1.000 Tiến sĩ từ năm 1075 đến 1918, của 16 Trạng nguyên, 13 Ngôi sao và 3 phó Nguyên soái trong Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú.
Vùng này nhắc lại chuyện ông Thánh Gióng, Phù Đổng Thiên Vương đánh giặc Ân, trận Hai Bà Trưng chiếm Luy Lâu và Long Biên, chiến thắng sông Cầu của Lý Thường Kiệt đã làm cho quân nhà Tống bỏ mộng xâm lăng.
Vùng này trong thời kháng chiến chống Pháp đã đánh trên 4.000 trận và tiêu diệt hơn 5 vạn quân địch, đã hạ 162 máy bay trong thời kháng chiến chống Mỹ[3].
Về kinh tế, vùng này nổi tiếng về sơn mài, chạm bạc chạm ngà, đúc đồng đúc gang, làm giấy, vùng có đồ gốm Bát Tràng, the lụa Phù Lưu, nồi đồng Quế Dương, vùng đã sản xuất gạo tám, gà Hồ, lợn Lang Hồng, cam Bố Hạ.
Vùng này có nhiều trò chơi vui như kéo cờ ở Chả, chém lợn ở Khả Lễ, có thi hoa, thi vật, thi pháo, thi nấu cơm, có múa rối tại Lạc Thổ, múa bài bông ở Ngũ Hà, có phường Bát âm, phường Tuồng ở Đình Bảng và đặc biệt là có Quan họ[4].
Vùng này cũng nổi tiếng nhờ trai thanh gái lịch. Áo tứ thân màu nâu non, yếm thắm hoa đào, ngày xưa răng đen hạt huyền, con mắt lá dăm, các cô gái Bắc Ninh đã làm cho tim của bao chàng trai rung động. Con trai Bắc Ninh đẹp còn thông minh nhã nhặn. Trai thanh gái lịch đối đãi với nhau trang nhã lịch sự.
* MUỐN HÁT QUAN HỌ PHẢI KẾT BẠN
Lại có tục lệ kết bạn. Mỗi làng thanh niên nam nữ họp thành từng bọn Quan họ: bọn nam, bọn nữ, mỗi bọn 5-6 có khi đến 10 người. Ngày xưa có anh Cả, chị Cả đứng tuổi dẫn đầu bọn Quan họ. Nay thì bắt đầu từ anh Hai, chị Hai, đến anh Sáu, chị Sáu là hết. Ai gia nhập bọn sau, hoặc hát còn kém chưa được sắp vào thứ tự. Có làng chỉ có vài ba bọn, có làng đến 12-14 bọn nam nữ như làng Đồng Cao, Viêm Xá. Có làng chỉ có bọn nam như làng Thị Cầu. Những bọn cùng một thôn không kết bạn với nhau mà lại kết bạn với bọn Quan họ của thôn khác. Nam kết bạn với nữ để giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau, coi nhau như anh em ruột thịt mà không lấy nhau.
* HÁT ĐỐI GIỌNG VÀ HÁT LẤY GIẢI
Có bọn xong tập luyện giọng hát để có dịp mời bọn đã kết bạn hát chơi trong những lúc rảnh rang gọi là hát đối giọng.

Mới gặp nhau, bắt đầu bằng những bài hát giọng lề lối, là giọng cổ theo truyền thống, rồi đến giọng vặt và kết thúc bằng những bài Giã Bạn. Giọng vặt có nhiều bài nhứt. Những bài các bạn thường nghe như: “Cởi áo cho nhau”, “Trống cơm”, “Cây Trúc Xinh”… thuộc về giọng vặt. Có khi giữa giọng lề lối và giọng vặt có giọng sổng.
Khi nào hát lấy giải thì phải nghĩ ra những bài mới. Nếu bên kia không đối được ngay thì thua. Và cả bọn về nhà cố nhớ mỗi người một câu để tìm cách sáng tác một bài để trả lời đối giọng và một bài khác để lần sau lấy giải. Thành ra khi hát ví, hát trống quân chỉ cần đổi lời, tức hứng ra những câu thơ Lục Bát để đối, còn hát Quan họ phải đối lời và đối giọng nên nét nhạc và tiết tấu của những bài Quan họ rất độc đáo[5].
 
(còn tiếp)


[1] Nguyễn Văn Phú – Lưu Hữu Phước – Tú Ngọc – Nguyễn Viêm : Dân ca Quan họ Bắc Ninh, trang 51-56
[2] Lê Hồng Dương : báo cáo về công tác sưu tầm, nghiên cứu và phát động quần chúng bảo vệ giữ gìn vốn văn hóa Quan họ (tại Hội nghị Quan họ lần thứ năm, tháng 6 năm 1973), trang 4.
[3] Lê Hồng Dương : Tựa trong quyển “Hà bắc ngàn năm văn hiến”, tập I của Thanh hương – Phương Anh ; Hà Bắc 1973, trang 5 và 6.
[4] Nguyễn Văn Phú – Lưu Hữu Phước –Tú Ngọc – Nguyễn Viêm : Dân ca Quan họ Bắc Ninh, trang 14-15.
[5] Nếu các bạn muốn biết thêm về lối hát dân ca Quan họ xin đọc quyển sách đã dẫn của các bạn Nguyễn Văn Phú – Lưu Hữu Phước – Tú Ngọc – Nguyễn Viêm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét