ĐI DẠY HỌC TẠI ĐÀ LẠT
(Hay ĐI ĐIỀN DÃ)
(Từ ngày 08 đến 10 tháng 11 - 2007)
Nhạc Viện Thành phố có tổ chức cho tôi một buổi tập huấn các giáo viên dạy Âm nhạc tại Tỉnh Cà Mau và Thành phố Đà Nẵng về những phương pháp sư phạm mới của tôi đề xuất (đã thể nghiệm thành công tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2004 và tại Huế năm 2007).
* Ngày 08-11-2007:
Từ 7 giờ, một chiếc xe 16 chỗ đến đón tôi, cùng đi hôm nay Viện có sắp đặt cho cháu Kim Anh theo lo hành lý và săn sóc sức khỏe cho tôi, cháu Hải Phượng minh họa nhiều đoạn trong buổi thuyết trình của tôi, cháu Hải Âu - thư ký của thầy Cương, người tổ chức buổi tập huấn, cháu Tươi lo việc di chuyển. Gần tới giờ đi thì Giáo sư Tăng Kim Tây lại giới thiệu thêm cháu Thu Giang phóng viên báo Giáo Dục đi theo để viết bài tường thuật đăng báo. Thầy Cương hôm nay đã ở trên Đà Lạt để lo việc tìm chỗ ở cho cả đoàn và sắp đặt phòng giảng, nên có người thay thế để lo việc tổn phí lúc đi đường.
"Ê kíp" đoàn đi dạy học
Giáo sư Tăng Kim Tây đề nghị đến Bảo Lộc ghé xem nhà của Giáo sư, mà cũng là trụ sở của một Trung tâm văn hóa dân tộc, đặc biệt là cho các Giáo sư và sinh viên môn võ thuật của Trường Đại học Hồng Bàng.
Đường đi Đà Lạt năm nay rất tốt, hôm nay trời đẹp nên chuyến đi tuy xa mà rất thoải mái, rời nhà lúc 07g30’, ghé ăn điểm tâm tại một quán ăn trên đường đi.
Đến Bảo Lộc, ghé thăm nhà Giáo sư Tăng Kim Tây. Biệt thự khá lớn ở giữa một khu vườn đầy hoa, có phòng họp, phòng ăn và phòng ngủ cho nhiều người, có cả máy vi tính để chiếu hình minh họa cho những buổi thuyết trình.
Sau khi ngồi nghỉ giải lao và nghe Giáo sư Tăng Kim Tây nói qua những sinh hoạt của Trung tâm, lại lên xe đi tiếp và ăn trưa tại quán Tâm Châu. Có rất nhiều đặc sản và đủ các món ăn cho du khách từ xa đến. Sau một bữa ăn thịnh soạn, xe tiếp tục lên đường.
Gần tới Đà Lạt, dọc hai bên đường vàng rực những cánh hoa dã quỳ như những nụ cười duyên đón khách. Ban tổ chức đã sắp cho cả đoàn cùng ở chung trong biệt thự số 1, không xa thành phố mà rất yên tĩnh. Đúng theo lời yêu cầu của tôi, tôi được cùng chung sống với đoàn.
Những cánh hoa dã quỳ vàng rực trải dài khắp lối đi
Đêm đó, chúng tôi dự một buổi tiệc chiêu đãi của chính quyền tại Đà Lạt. Nhờ vậy mà chúng tôi đã gặp được các Giám đốc Sở thông tin văn hóa, Sở Giáo dục đào tạo và có 2 đại biểu của Giáo viên Cà Mau và Đà Nẵng tới dự. Tiếc là ngày hôm sau có nhiều cuộc họp khác nên bà Giám đốc Sở Giáo dục đào tạo muốn đến dự lớp tập huấn mà không đến được, bà sắp được đề bạt làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo, nếu bà quan tâm đến chương trình thay đổi cách dạy Âm nhạc dân tộc sẽ là một thuận lợi cho chương trình giáo dục Âm nhạc Việt Nam.
Cô giáo đại diện cho nhóm Cà Mau tên là Thu Hương, cùng một tên với một cô gái Huế được cố Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước viết tặng bài “Hương Giang dạ khúc”, vào năm 1945. Khi tôi thuật lại mối tình dở dang giữa Thu Hương và Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước thì cô giáo rất xúc động và cô nói rằng từ nay tên của cô sẽ gợi cho cô nhớ một quãng đời của Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Sau buổi tiệc cả đoàn đi chợ, tôi về nhà ngủ sớm.
Hai chị em thư ký của thầy Cương cũng ở nhà, thấy tôi còn thức đến thăm và hỏi chuyện, cháu Nhung là chị, Hải Âu là em đều đã nghe tên tôi nhưng chưa có dịp gặp, trong câu chuyện khi biết tôi yếu chân cần làm vật lý trị liệu mỗi ngày, thì cháu Nhung nói "Cháu có biết qua về các huyệt dưới bàn chân và trên chân, bấm đúng huyệt thì các bệnh nhân thấp khớp và những người cao niên có thể đi đứng dễ dàng hơn". Cháu Nhung đề nghị vừa bấm huyệt cho tôi, vừa dạy cho cô em biết những huyệt nào cần bấm sâu và cách xoa bóp các bắp thịt. Cháu Nhung rất khéo tay và bấm đúng huyệt làm cho tôi có cảm giác rất nhẹ nhàng trong hai chân và chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay. Trong đời tôi thường gặp nhiều dịp may như thế, khi lâm bệnh thì có bác sĩ không gọi mà đã tới để chữa trị, đang cần một chuyên gia vật lý trị liệu để giúp tôi đỡ tê chân sau khi đi trên con đường dốc của Đà Lạt, thì không gọi cũng tự nhiên có người đến như hôm nay.
* Ngày 09-11-2007:
Ban tổ chức sắp đặt chương trình để cho tôi có thời gian ngoạn cảnh buổi sáng và bắt đầu thuyết giảng vào lúc 13g30’.
- 07g00’: có xe đón đến khu du lịch lớn nhất thành phố ăn điểm tâm. Các thức ăn nấu khá ngon, nhưng phải đi bộ lên lầu 1 trong một biệt thự xưa, nên trước khi được ăn phải cố sức lao động, leo thang lầu đến tầng 1. Cuộc du ngoạn rất thú vị, mặc dầu tôi đã viếng Đà Lạt nhiều lần, nhưng sáng hôm nay khí trời êm dịu, không sương mù, không mưa, xe chạy trên các đường quanh co, lượn khúc trên triền núi để chúng tôi được thưởng thức nhiều cảnh đẹp mà ở chốn thành thị không mấy khi gặp được.
Khi lên tới Thiền viện Trúc Lâm, cả đoàn đi viếng Chùa, nhưng tôi ngại đi đường lên dốc cao mà không thể đẩy xe lăn, nên ở lại trong xe nhìn phong cảnh chung quanh núi cũng thấy sảng khoái trong lòng.
Trên con đường về, khoảng 10g30’ thì tìm một quán ăn nhỏ để ăn những chiếc bánh mì kẹp thịt, bánh ngọt và trái cây đã đem theo. Nhưng tới nơi, cháu Tươi khám phá ra được những con tép rất ngon, liền gợi ý mua tép đó để nhà hàng luộc chín và cuốn bánh tráng với rau, mọi người đều hoan nghinh, không ngờ được một bữa ăn vừa lạ miệng, vừa nếm được thịt của con tép rất tươi. Tại quán có bán những hộp trà xanh rất ngon, không định trước mà buổi ăn “tùy hứng” được cả đoàn thưởng thức nhiệt tình.
Buổi ăn trưa "tùy hứng"...
... với món tép suối tự chế
Về đến biệt thự số 1 vào lúc 12g hơn, nghỉ trưa 45’, đúng 13g15’ xe đến rước và bắt đầu buổi thuyết trình lúc 13g45’. Đoàn Giáo viên Cà Mau có 42 người (15 nữ, 27 nam), đoàn Đà Nẵng có 42 người. Sinh viên Trường cao đẳng sư phạm Đà Lạt cũng có đến dự. Rất lạ là các giáo viên từ tỉnh lên không có một ai dám đưa tay cho biết rằng mình đã biết qua các bộ môn chánh trong Âm nhạc truyền thống, vì thế nên tôi phải giảng sơ lược về âm nhạc Dân gian, âm nhạc Thính phòng, âm nhạc Sân khấu, âm nhạc Tôn giáo và âm nhạc Cung đình. Tuy chỉ nói sơ qua về đại cương, nhưng cũng mất hơn một tiếng đồng hồ, sau đó, khi tôi thuyết trình về những phương pháp sư phạm mới của tôi và kết quả đã thu thập được trong 2 kỳ thể nghiệm đã qua (05-2004 & 08-2007) thì các giáo viên ngạc nhiên và thích thú. Nhưng chỉ có nữ giáo viên phát biểu ý kiến của mình và một số bạn nữ của mình, nam giáo viên không ai phát biểu.
GS Trần Văn Khê diễn giảng với sự minh họa của học trò Hải Phượng (đàn bầu & đàn tranh)
Với các giáo viên tham gia buổi học
Tối lại, trưởng đoàn Cà Mau đến tìm tôi ngỏ ý muốn mời tôi xuống Cà Mau giảng trong 1 tuần lễ về phương pháp sư phạm mới này, nhưng thầy Cương Nhạc Viện Thành phố nói rằng "Nhạc Viện có ý định tổ chức tại Thành phố một trại tập huấn trong 1 tuần lễ cho Giáo viên dạy Nhạc ở nhiều tỉnh lên Thành phố dự".
Cũng có một số giáo viên vì quá quen cách dạy theo phương pháp cũ từ trước đến giờ còn rất do dự không muốn thay đổi, nhưng tôi cũng rất vui vì số giáo viên hưởng ứng cách dạy mới của tôi đề xuất càng ngày càng thêm đông.
Đêm nay, ban tổ chức đãi một tiệc chia tay cho tất cả mọi người, các cô giáo Cà Mau đều mặc áo dài Việt Nam rất đẹp, nhưng đoàn Cà Mau phải ra về sớm vì sáng hôm sau phải lên đường từ 05 giờ sáng.
* Ngày 10-11-2007:
Sáng nay, 07g00’, xe đón đi ăn sáng tại nhà hàng Thanh Thủy, cạnh bờ Hồ Xuân Hương, từ nhà hàng nhìn ra mặt hồ phẳng lặng, trời trong xanh, phong cảnh rất hữu tình, tiếc là từ xa có một tháp sơn đỏ bắt chước hình dáng của tháp Eiffel bên Pháp, đối với tôi đã làm mất duyên dáng của phong cảnh quanh hồ. Thức ăn sáng đầy đủ các loại, ăn theo Tây, theo Mỹ, theo Ta, theo Tàu, có cả “Tiểm Sấm”. Thực khách vào rất đông, một phần nhờ thức ăn ngon, nhưng phần lớn có thể là Hồ Xuân Hương đã tạo nên một không khí thi vị, êm ả làm cho người ăn quên những bận rộn trên đời.
Tại nhà hàng Thanh Thủy bên bờ hồ Xuân Hương
Từ xưa xa lắc xưa xa
Từ đâu viễn mộng lân la lại gần (Bùi Giáng)
Ngắm mây mgắm gió sáng ngời bình minh... (BG)
Từ xa xưa nối bây giờ
Từ trong hồn nước nối bờ nhạc xanh... (Khánh Vân)
Sau buổi ăn sáng, trước khi về, ban tổ chức có sắp đặt cho tôi đi viếng một Bảo tàng viện về Văn hóa Tây Nguyên, một Bảo tàng viện của tư nhân – ông Đặng Minh Tâm – đã đem tất cả những hiện vật dính liền với đời sống hàng ngày được dùng trong các lễ hội của nhiều dân tộc khác nhau trên Tây Nguyên, một số do người Tây Nguyên tặng và một số do ông tìm mua mà không được sự giúp đỡ của chính quyền. Ngày hôm qua, ông phải đi thành phố có việc, mà nghe nói sáng nay tôi ghé thăm nhà riêng của ông, từ thành phố, ông trở về Đà Lạt giữa đêm khuya.
GS Trần Văn Khê tham quan Bảo tàng viện Văn hóa Tây Nguyên
Chúng tôi vừa đến trước cửa nhà, thì ông tươi cười ra mở cổng để đón cả đoàn của chúng tôi. Ông vui vẻ chào tôi và nói "tôi đã biết tiếng của Giáo sư và rất mong mỏi có ngày gặp được Giáo sư, không ngờ hôm nay tôi được vinh hạnh Giáo sư đến thăm nhà riêng và Bảo tàng của tôi". Tôi bắt tay ông nồng hậu và hỏi qua lý do nào và trong trường hợp nào mà ông đã nghĩ ra việc sưu tầm những hiện vật đang trưng bày trong Bảo tàng viện này. Ông cho biết rằng trước kia ông là công an tác chiến trong vùng này, ông thường có cơ hội để liên hệ với các dân tộc, vừa phải ngăn ngừa và lùng bắt các phần tử chống chánh quyền, vừa làm tròn phận sự một người công an. Ông lại quan tâm đến đời sống của người dân nên rất được đồng bào thương yêu, che chở, ông quý trọng những sáng tạo về nghệ thuật của các dân tộc nên ông không ngần ngại bỏ tiền ra mua và tàng trữ những hiện vật trên vùng này, có thể nói chưa có người nào qui tụ được vật dụng, trang phục và nhạc khí của dân tộc ít người nhiều bằng ông.
Căn nhà ở của ông đã biến thành một Bảo tàng viện, rất đầy đủ về các Dân tộc Tây Nguyên.
Thầy trò Trần Văn Khê & Hải Phượng tại Bảo tàng Văn hóa Tây Nguyên
Chuyến đi dạy học ở Đà Lạt đem lại cho tôi những hiểu biết về các Dân tộc thiểu số không thua một cuộc điền dã.
Từ mấy năm nay vì tuổi cao, thiếu phương tiện, nên tôi chỉ tập trung vào việc hệ thống hóa những từ liệu tôi đã thâu thập từ mấy chục năm nay. Chuyến đi Đà Lạt lần này làm cho tôi thích thú, còn muốn trở lại những công việc sưu tầm ngày xưa.
Bình Thạnh, ngày 13-11-2007
Trần Văn Khê
(Ảnh: Hải Phượng cung cấp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét