Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

THƯỞNG THỨC HƯƠNG TRÀ MÙA SEN TẠI HIỆN QUÁN TRÀ THẤT CỦA NGHỆ NHÂN VIÊN TRÂN 2012

19g00’: Viên Trân mời uống trà Mùa Sen tháng 04


Hôm nay Hải Phượng có buổi hội thảo ở Huế nên không tham dự được. Cháu nói rất tiếc chưa bao giờ tham dự một buổi trà đàm “đúng nghĩa” ở trà quán của Viên Trân mà chỉ đến có một lần trong dịp uống thử rượu sen, rượu quýt, đi chung với cháu Khánh Vân, trong phạm vi vài người bạn thân tình mà thôi.

Không ngờ chiều tối nay trời mưa tầm tã, tôi gọi điện thoại cho cháu Khánh Vân nói cháu cứ đi taxi đến rồi đi chung với tôi luôn cho khỏi mắc mưa, nhưng khi nghe điện thoại thì mới biết cháu đã trên đường đi tới đây rồi, trời mưa mà đi xe máy! Theo kinh nghiệm thì lúc trời mưa như thế này rất khó gọi taxi, tôi đành phải gọi xe trước và ngồi chờ trên xe. Khánh Vân chạy xe máy tới kịp lúc và 2 Thầy trò đi đến trà quán ngay. Chỉ sợ mưa to như thế này cũng khó cho người tổ chức và người tham dự.

19h tới quán trà, tuy mưa nhưng khách mời cũng đã đến đông đủ. Phu quân của Viên Trân tới đỡ tôi đi vào chỗ ngồi đã sắp đặt sẵn cho quan khách. Lần này Viên Trân sắp chỗ cho Khánh Vân ngồi gần tôi để chăm sóc tôi, vì biết tôi sức khỏe không được tốt như trước. Trên bàn được sắp đặt rất đẹp nhờ những bông sen hồng đựng trong các lọ miệng thấp mà thường dùng để đun nước sôi pha trà, phía dưới trải một lớp lá sen xanh mướt, xung quanh có để các dĩa nhỏ, dưới lót cánh hoa sen, trên để các viên kẹo sen tròn màu vàng nhìn như những viên “đơn dược”, gợi lên không khí tao nhã của một buổi trà ẩm đậm màu sắc thi ca, hội họa. 













































Tuy không có tiếng đàn Tranh hay đàn Bầu Việt Nam êm ái nhưng một vài tiếng cổ cầm cũng như vài tiếng nhạc êm đềm (Zen music) như tiếng nước chảy róc rách, tiếng nước mưa nhỏ giọt trên tàu lá chuối, tiếng gió thổi vi vu… cũng gợi nên được không khí nên thơ. Nếu có thể thay nhạc Trung Quốc bằng chút êm dịu của nhạc Việt Nam có lẽ sẽ hấp dẫn hơn, nhưng hiện nay trên thị trường Việt Nam làm gì có thể kiếm đâu ra một album nhạc dân tộc hòa tấu êm dịu như vậy, giống như các loại Relaxation Spa music? Đó là nói riêng về nhạc. Còn khung cảnh xung quanh cũng được sắp đặt cẩn thận, mà nhứt là trang trí rất công phu. Mỗi góc quán đều trưng bày sen với những cách bài trí khác nhau, nhưng theo ghi nhận của tôi, tựu trung lại đều mang phong cách dân dã vùng quê. Có khi là một lu nước rộng, trải cánh sen và cắm sen thành một ao sen tí hon, trên mặt lá sen còn đẫm những giọt nước long lanh, gợi cho ta liên tưởng đến một hồ sen mùa hạ. Bên trên những chiếc kệ đựng trà, có cắm các bình hoa sen hồng bên cạnh những bình rượu sen, rượu mơ đang chưng cất, đằng sau chiếc bình là những dòng chữ thư pháp Quốc ngữ được viết thảo rất phóng khoáng (mà theo tôi được biết là do thư pháp gia Mỹ Lý thủ bút), nội dung nói về sự thanh tịnh, trang nghiêm… Gần đó, chủ nhân trà quán còn bày biện thêm một quang gánh đựng những niêu đất, xung quanh có điểm thêm vài cành sen, gợi cho khách thưởng lãm có cảm giác đang ngồi ở một vùng quê yên ả ngày hè. Còn trên bàn tiệc thì khỏi phải nói, cơ man nào là sen. Sen ủ trà đựng trong ly nước trong suốt, trên ngọn búp sen có quấn một dải lụa xanh để chuẩn bị cho việc thưởng trà; sen từng bó thơm hương để trong những chiếc bình cắm dẹt miệng, chuẩn bị cho buổi uống trà tăng phần đẹp đẽ; sen mỏng manh từng cánh trên những chiếc dĩa đựng kẹo sen làm bồi hồi những người thưởng ngoạn… Viên Trân tặng mỗi vị khách đến dự buổi trà đàm hôm đó một quyển nội san chủ đề Mùa Sen, có sự đóng góp bài vở của những người có mặt trong đêm trà cũng như vài thân hữu bạn văn chương của cô, vừa có thú viết bài, làm thơ cũng như ưa thích thú thưởng trà, nếm rượu. Tôi và cháu KV cũng có viết cho nội san vài bài, văn và thơ đều đầy đủ.

Ngồi bên cạnh tôi hôm nay là 2 vị giáo sư: một người về khoa học là GS Nguyễn Đăng Hưng, một người là GS văn chương Trần Hữu Tá. Những người tham gia hôm nay cũng là những bạn bè về văn nghệ của VT như đạo diễn Xuân Phượng (người được bắc đẩu bội tinh của Pháp), nhà văn Huỳnh Ngọc Chiến (chuyên viết biên khảo về văn chương), bác sĩ Đặng Công Hân (một y sĩ mê văn nghệ) cùng vài bạn trẻ khác. Trước khi vào buổi tọa đàm, chia sẻ những kinh nghiệm về Trà Sen, những cách thưởng thức trà của ông bà xưa để lại… thì Viên Trân mời chúng tôi cùng nếm hương vị trà sen mà cô đã chuẩn bị từ trước, nhưng lần này đúng như những gì tôi nói đến trong bài viết ở quyển nội san, hôm nay ai cũng thưởng thức bằng cách “tác động” chứ không phải “thụ động” như mọi khi. Trước mặt mỗi vị khách đều có một chén trà bằng sứ trắng và một bông sen phong kín búp bằng một dải lụa, bên trong có ướp trà. Mỗi người tự tay mình tách từng cánh sen để lên chiếc dĩa nhỏ trước mặt tạo thành hình vòng tròn, rồi sau đó đặt chiếc chén trắng lên, trút trà trong búp sen ra đổ vào chén, dùng nước sôi pha trà. Rất vui và thú vị. Trong lúc tự tay mình thực hiện một chén trà, dầu chưa uống nhưng bản thân tôi đã thấy rất ngon rồi, vì tất cả các công đoạn đều đẹp từ hình thức tới nội dung. Lúc uống trà, các vị khách mời lần lượt nói về kỷ niệm với Sen và trà Sen. Người được mời nói đầu tiên là GS Trần Hữu Tá. Ông kể cho chúng tôi nghe kỷ niệm thuở ấu thơ của ông với người mẹ của mình và cách thức ướp trà sen trong gia đình, cùng những buổi lăn lộn trên cánh hoa sen để nghe mùi trà mà mẹ mình ướp công phu đến thế nào, và người cha đã thưởng thức thứ trà đặc biệt đó như thế nào. Sau GS Trần Hữu Tá là đạo diễn Xuân Phượng nói về kỷ niệm của mình với phong cách uống trà quý tộc ở Huế. Trong ký ức của bà, ông cố, ông nội là những người thưởng thức trà sành điệu và có những tình bạn tri kỷ tri âm đẹp đến nhường nào. Có những bộ trà cụ rất quý mà khi cầm trên tay đem ra cho ông của mình uống trà đối ẩm với bạn bè thân quý, bà và những người thân trong gia đình đã phải “run” như thế nào vì sợ làm vỡ loại chén ngọc quý mà ông nâng niu. Vậy mà người ông nói rằng “khi có bạn quý, tri kỷ tri âm thì bao nhiêu cái chén ngọc quý cũng không cần!”. Bên cạnh đó là cách uống trà cầu kỳ, vương giả của tầng lớp trí thức thời bấy giờ với loại sen trắng hồ Tịnh Tâm. Tiếp theo sau đó, Viên Trân mời chúng tôi ăn một loại cháo cô nấu từ hạt sen và thịt gà. Cháo rất ngon và thanh thanh vị hạt sen, vị thịt gà, hòa quyện với hương sen tỏa ra từ các bông sen đặt trong trà quán. Sau khi dùng cháo, tôi được mời nói chuyện về cách thưởng thức nghệ thuật toàn diện trong ẩm thực. Đây cũng là nội dung bài nói chuyện của tôi đăng trong cuốn nội san, nhưng được người tổ chức tha thiết mời nói để chia sẻ cùng các cử tọa có mặt ngày hôm đó. Tôi lần lượt nói về cách uống rượu ở những nơi tôi từng đi qua với những trường hợp hết sức đặc biệt, từ việc uống loại rượu Bourgogne của các bà soeur mà còn được chỉ dẫn cách thưởng ngoạn màu rượu, cách giữ rượu trong kẽ răng… đến việc uống rượu đặc biệt đóng nhãn chai tên họ, ngày tháng năm sanh dành cho một người… Các vị khách có mặt khi nghe tôi nói về cách uống rượu như thế đều đồng loạt tán thưởng vì lạ và hay quá! Đồng thời tôi cũng kể chuyện uống trà của mình tại các nước Châu Á mà nhứt là ở Đài Loan. Tuy câu chuyện trà ở Đài Loan tôi đã có nhiều dịp nói đi nói lại nhưng mỗi lần thuật lại vẫn khiến các bạn thích thú xuýt xoa. Sau cùng tôi thuật lại buổi uống trà ở tại nhà tôi có Viên Trân, Khánh Vân & Hải Phượng để minh họa cho chuyện thưởng thức nghệ thuật một cách trọn vẹn từ hình thức tới nội dung, tác động hơn thụ động. Cử tọa vỗ tay nồng nhiệt và ai cũng cho rằng câu chuyện của tôi đêm ấy rất hấp dẫn. KV kể lại một vài vị khách đã không ngớt nói: “Minh mẫn quá, trí nhớ minh mẫn quá!” để bày tỏ lòng yêu mến, ngạc nhiên với trí nhớ ở tuổi cửu thập của tôi. Viên Trân còn đặc biệt mời chúng tôi uống rượu sen “bách nhật” (được chưng cất đủ 100 ngày) cùng với món chè hạt sen nấu chung với hoa cúc, ăn rất ngon và mát. Trong tiệc trà, GS Nguyễn Đăng Hưng cùng vài người bạn của Viên Trân đàn guitar hát vài bản tân nhạc để phục vụ văn nghệ. Tuy nhiên tôi hơi tiếc rằng âm nhạc mang tính phương Tây hơi nhiều, nếu có chút nhạc dân tộc hay một giọng ngâm, giọng ca nào về thể tài dân tộc thì trọn vẹn hơn với buổi trà đàm Mùa Sen đậm màu dân tộc Việt ở trà quán của VT.

Khi tiệc tàn, rất nhiều bạn đến xin chụp hình với tôi. VT tặng mỗi người khách một gói quà để thay lời tiễn biệt, gồm một hộp hạt sen sấy, một gói trà sen được ướp & bọc cẩn thận trong giấy gói, và một gói kẹo sen đủ sắc màu. Tôi ra về mà lòng cảm kích đối với một tấm lòng nhiệt huyết hết mình với nghệ thuật trà Việt, sẵn sàng dấn thân, hy sinh vì đam mê của mình mà dâng tặng cho đời những nét đẹp cao quý, tao nhã của văn hóa Việt Nam.

Saigon ngày 13-05-2012 (Chủ nhật)
Trần Văn Khê