SUY NGHĨ
Người ngoại quốc có thưởng thức
Nhạc truyền thống Việt Nam hay chăng?
“Sau
một buổi biểu diễn nhạc truyền thống Việt Nam tại nước ngoài, khi nghe
Ban tổ chức khen rằng nhạc Việt Nam rất hay, anh đừng vội tin và mừng.
Thường thì là một lời khen ngoại giao, chớ thật sự chưa chắc người nước
ngoài đã nghe lọt vào tai và thích nhạc Việt Nam
đâu” – Một người bạn Việt rất dè dặt nên đã nói với tôi như thế. Tôi
cũng biết điều ấy và cũng đủ sáng suốt để nhận thấy cái khác biệt giữa
lời khen đầu môi chót lưỡi và lời khen chân thành.
Xin kể lại cho các bạn nghe vài trường hợp điển hình.
Năm
1968, tôi được mời dự nhạc hội Shiraz Ba Tư. Lúc đó hàng năm tại
Shiraz, một thành phố ở vào phía Nam Ba Tư, nơi có nhiều Thánh đường Hồi
giáo nổi tiếng không những về kiến trúc, mà còn có lăng cho hai vị thi
hào lớn của Ba Tư là Hafez và Saadi, nơi có tổ chức một Nhạc hội Âm nhạc
Châu Á. Lăng mộ của Hafez được dựng lên trong một khu vườn thật lớn có
trồng rất nhiều hoa lài, đêm đêm tỏa ra một mùi hương êm dịu. Những lúc
hòa nhạc, ban tổ chức cho tắt hết đèn điện và đốt lên những ngọn đèn dầu
lung linh theo gió. Từ ngòai cửa đi vào nơi hòa nhạc, thính giả được
thưởng thức vẻ đẹp đặc biệt của một đêm hè trên trăng, dưới gió mà ánh
trăng thiên nhiên không bợn ánh đèn điện. Đến nơi hòa nhạc thì thính giả
chỉ ngồi trên ghế gỗ có gối dựa hoặc có thể ngồi trên bãi cỏ. Tiếng
nhạc Ba Tư hoặc một ống Ney, hay một đàn Setar bay nhè nhẹ trong không
trung đã dẫn dắt thính giả vào trong một không gian huyền bí của rừng
sâu hay sa mạc.
Lăng mộ Hafez lung linh trong ánh đèn dầu & tỏa hương hoa nhài mỗi buổi diễn
Tuy
có tên là Nhạc hội Quốc tế nhưng hai phần ba chương trình dành cho nhạc
Châu Á, đặc biệt là nhạc Ba Tư. Năm 1968, lần đầu tiên Ban tổ chức mời
ba Nhạc sĩ Châu Á, bà Kishibé đờn Koto Nhựt Bổn, bà Sharan Rani (Ấn Độ)
đờn Sarod và tôi đờn Tranh Việt Nam. Ban tổ chức chưa biết người Ba Tư
có chịu nghe ba loại nhạc đó hay không, nên sắp một chương trình nhạc
Châu Á mà phần đầu mỗi người nhạc sĩ Nhựt, Ấn Độ và Việt Nam đờn 15
phút. Rồi sau 15 phút nghỉ giải lao, có một chương trình nhạc Ba Tư
trong một tiếng đồng hồ. Ai không thích nhạc Nhựt Bổn, Ấn Độ hay Việt Nam
cũng có thể đến nghe vì hiếu kỳ, rồi sau đó sẽ được thưởng thức nhạc Ba
Tư. Thính giả hôm đó vỗ tay tán thưởng rất nồng nhiệt, nhưng Ban tổ
chức đợi bài phê bình của các báo và thăm dò dư luận. Nếu người ta chỉ
hiếu kỳ mà không thưởng thức thì sau lần đó sẽ không bao giờ mời nhạc
Việt Nam trở lại dự nhạc hội mấy năm sau.
Năm
1970, tôi lại được mời tham dự nhạc hội Shiraz và trong chương trình Âm
nhạc Châu Á, phần đầu bà Sharan Rani đờn nửa giờ, tôi đờn nửa giờ (đàn
Tranh). Số phút dành cho nhạc Ấn Độ tăng gấp đôi. Ban tổ chức thấy thính
giả chịu nghe, báo chí phê bình tốt nên đã mời như vậy.
Đờn Sarod Ấn Độ
Bà Sharan Rani (thời trẻ) đờn Sarod
Hai năm sau 1972, tôi được mời tham dự Nhạc hội Shiraz
với chương trình một giờ đồng hồ phần đầu và phần sau một giờ đồng hồ
nhạc Ba Tư. Tuy thấy cây đờn Tranh được thính giả nghe mà cũng chưa dám
dành cả một đêm cho nhạc Việt Nam. Năm đó có con trai tôi là Trần Quang
Hải cùng hòa với tôi (đờn Tranh, đờn Nguyệt) và đờn Tranh tùy hứng, con
tôi nhịp sinh tiền. Tôi cũng chẳng mong gì hơn là trong một buổi hòa
nhạc có người chịu nghe nhạc Việt Nam trong một tiếng đồng hồ.
Năm
1975, Ban tổ chức lại viết thư mời tôi tham dự Nhạc hội và hỏi tôi có
dám đảm nhận cả một đêm chương trình không? Tôi đắn đo trong mươi ngày
trước khi nhận lời. Và trước khi đi, tôi tập cho con gái út tôi là Trần
Thị Thủy Ngọc rao đủ các hơi Bắc, Quảng, Nhạc, Xuân, Ai, Đảo và năm đó
một chương trình hoàn toàn Việt Nam hai phần, mỗi phần 45 phút, lại còn
được truyền thanh, truyền hình trực tiếp.
Thủy Ngọc đờn Tranh & Trần Văn Khê đờn kìm
Nếu thính giả Ba Tư và quốc tế dự nhạc hội không thích nghe nhạc Việt Nam
thì hôm ấy nơi hòa nhạc sẽ vắng hoe, thính giả các Đài phát thanh và
truyền hình sẽ tắt đài. Trách nhiệm khá nặng đối với Ban tổ chức. Nhưng
tối hôm ấy phòng hòa nhạc đầy khách và sau này Đài truyền hình và truyền
thanh báo cáo là số thính giả mở Đài để xem hoặc nghe chương trình Việt
Nam rất đông. Báo chí phê bình rất tốt. Ban tổ chức sáng hôm sau đến tặng hoa đặc biệt cho tôi và con gái tôi.
Tôi
rất mừng vì thấy thính giả Ba Tư và quốc tế đã thích nghe nhạc Việt
Nam, bằng lòng nghe luôn trong gần 2 tiếng đồng hồ, tức là nhạc truyền
thống Việt Nam có một chân giá trị nghệ thuật. Sau khi nghe vì hiếu kỳ,
người ta có thể muốn nghe lại, nghe lâu hơn vì thích thú.
Đó
chỉ là trường hợp đặc biệt vì dân Ba Tư thuộc về Châu Á. Trong nhạc Ba
Tư lại có điệu thức có Dastgâh Segâh để diễn tả sự nhớ nhung, lòng buồn
thảm do một quãng 3 trung bình giữa quãng 3 thứ và trưởng như trong Hơi
Sa mạc của Việt Nam. Trong Nhạc hội đa số thính giả là người “mộ điệu”,
“sành nghề” dễ cảm thông với các loại nhạc khác hơn nhạc của nước mình.
Sau đây là một trường hợp khác.
Năm 1979, tôi được Giáo sư Kroo, dạy nhạc học tại Hàn Lâm Viện Liszt tại Budapest (Hung-ga-ri). Sau 4 hôm tôi thuyết trình về âm nhạc truyền thống Việt Nam cho lớp sáng tác lý luận, GS Kroo nói : “Tôi rất tiếc là những điều GS đã thuyết trình về nhạc Việt Nam,
những bản nhạc, bài ca mà GS đã biểu diễn, chỉ có độ gần 60 GS và sinh
viên lớp cao học được nghe. Tôi đề nghị GS nói trên Đài phát thanh để có
đông đảo thính giả được nghe”.
Tôi
đồng ý và nói cho Đài phát thanh Hung-ga-ri ghi một chương trình 45
phút về âm nhạc Việt Nam, tôi chỉ lướt qua các loại và minh họa bằng
băng ghi âm hay tôi đánh đờn Tranh, đờn Cò (Nhị). Tôi nói rằng trong 45
phút không thể giới thiệu đầy đủ Âm nhạc Dân gian và Âm nhạc Bác học hay
Âm nhạc có tính chất nghệ thuật. Xin hẹn với các thính giả lần khác.
Sau
khi nghe lại chương trình đã ghi âm, bộ biên tập của Đài đề nghị tôi
nói thêm hai buổi, một buổi về Âm nhạc Dân gian, một buổi về Âm nhạc
Cung đình và âm nhạc có tính chất nghệ thuật như nhạc loại Thính phòng,
Ca Trù, Ca Huế, Ca Tài tử.
Trong
đoạn kết luận, tôi nói rằng âm nhạc mà các thính giả vừa nghe là âm
nhạc của dân tộc người Kinh, người Việt. Trong Nước Việt Nam, ngoài dân
tộc Kinh còn có dân tộc thiểu số chia 54 sắc dân với những nhạc cụ, bài
hát, bản đàn khác nhạc người Kinh. Ngoài nhạc truyền thống cổ còn có một
loại nhạc mới, từ hơn 40 năm (đến năm 1979) đã nói lên được nguyện
vọng, hoài bão của dân tộc Việt Nam, đã mang một sắc thái mới và có chịu
ảnh hưởng ít nhiều âm nhạc phương Tây. Bộ biên tập của Đài phát thanh
lại mời tôi nói thêm hai buổi nữa về âm nhạc của dân tộc thiểu số trên
đất Việt Nam và âm nhạc mới hay “tân nhạc”, trong đó có ca khúc trữ
tình, ca khúc cách mạng, ca khúc kháng chiến, ca nhạc khiêu vũ và những
sáng tác mới theo phong cách cổ điển phương Tây – tôi có giới thiệu bài
“Tứ tấu đàn dây” của Đỗ Nhuận.
Tôi
đã nói rõ là về tư liệu âm nhạc dân tộc thiểu số chúng tôi chỉ có nghe
nhạc do bà Bá tước de Chambure, bà de Hautecloque, ông Georges
Condominas, ông Jacques Dournes ghi âm từ vài mươi năm nay và tàng trữ
lại Bảo tàng viện con người và chỉ cho nghe những trích đoạn tôi đã đem
theo để giảng tại lớp lý luận như những dàn cồng của dân tộc Mnong gar,
dân tộc Gia-rai, dân tộc Ê-đê, tiếng Khèn bè Mbuat của dân tộc Mnong
gar, vài bài của dân tộc Chàm, dân tộc Kh’mer, nhưng còn thiếu rất nhiều
loại nhạc khác của dân tộc Thái, Tày, Nùng, H’mong, Lolo …
Tuy
không đầy đủ nhưng các thính giả cũng được nghe qua đủ các loại nhạc,
nhạc Dân gian, nhạc Thính phòng, nhạc Sân khấu, nhạc Cung đình, nhạc Dân
tộc ít người, nhạc mới và ca khúc cách mạng như bài “Cùng nhau đi hồng
binh” mà anh Hà Huy Giáp đã đem sang Pháp cho Việt kiều nghe…
Ban biên tập truyền hình rất hài lòng và cho tôi biết sẽ phát thanh vào tháng ba năm 1979.
Đến tháng ba tôi nhận được một bức thư của Đài phát thanh Hung-ga-ri mà vừa đọc qua đoạn đầu, tôi ngạc nhiên: “Chúng tôi xin thông báo cho ông hay rằng Đài phát thanh Hung-ga-ri không phát năm chương trình về âm nhạc Việt Nam vào tháng ba như đã dự định…”.
Tôi chẳng biết sau khi “duyệt” lại chương trình có chi không ổn hay chăng mà Đài lại không phát ra.
Đọc tiếp đoạn sau: “Tháng ba chẳng có sự kiện chi quan trọng, phát thanh một loạt 5 chương trình về nhạc Việt Nam
rất phí. Nếu ông đồng ý, chúng tôi đề nghị đến tháng chín, sau ngày lễ
Quốc khánh Việt Nam, chúng tôi sẽ phát liên tục chương trình Âm nhạc
Việt Nam trong 5 hôm liền”.
Lẽ tất nhiên là tôi đồng ý và cám ơn Ban biên tập Đài phát thanh đã có nhã ý ấy.
Các
buổi phát thanh bằng tiếng Hung-ga-ri, dịch những lời tôi nói bằng
tiếng Pháp đã được Đại sứ quán Việt Nam ghi lại và anh tùy viên văn hóa
đã viết thư cho tôi biết rằng “bản dịch rất tốt”.
Đầu tháng 10, tôi được thư của GS Kroo mà đọc xong câu đầu tôi thấy giật mình: “Đài phát thanh Hung-ga-ri đã phát tất cả 5 chương trình về âm nhạc Việt Nam. Chúng tôi đã nhận được nhiều bức thư phản đối của thính giả …”
Chẳng
biết trong lời thuyết trình tôi có nói chi xúc phạm đến dân tộc
Hung-ga-ri hay chăng mà thính giả phản đối. Tôi đọc tiếp bức thư: “Đa số thính giả sau khi nghe 5 chương trình đã vào thư viện tìm xem có sách báo viết về Âm nhạc Việt Nam
bằng tiếng Hung-ga-ri, mà không có một bài bản nào về vấn đề đó. Thính
giả cho là một thiếu sót cần được bổ khuyết. Tôi thấy rất đúng mà dịch
ra những lời giới thiệu của GS trên Đài cũng được. Nhưng tôi nghĩ nếu GS
cho một bài viết về Âm nhạc Việt Nam độ hai mươi trang, chúng tôi sẽ
cho dịch ra tiếng Hung-ga-ri và để vào thư viện theo lời yêu cầu của
thính giả”.
Tôi
đã viết một bài theo lời đề nghị của GS Kroo mà lòng rất vui. Chịu nghe
liên tục trong 5 hôm, 5 bài nói chuyện về Âm nhạc Việt Nam, đã là một
bằng chứng rằng thính giả đã chịu nghe, thích nghe nhạc Việt Nam. Nghe
rồi lại còn muốn tìm hiểu thêm, chứng tỏ rằng
thính giả đã thấy trong nền âm nhạc đó có một giá trị nghệ thuật hay
khoa học nào đó. Trong bài gửi cho GS Kroo, tôi đã có mấy đoạn nói qua
vị trí của nhạc Việt Nam trong Châu Á, kể ra một số nhạc cụ, thuyết trình sơ lược về thang âm, điệu thức, tiết tấu trong âm nhạc Việt Nam,
các loại nhạc. GS Kroo rất vui và nói nếu tìm được ngân sách và người
dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Hung-ga-ri, ông sẽ cho dịch quyển về âm
nhạc Việt Nam
tôi đã viết cho nhà xuất bản bên Pháp Buchet Chastel. Nhưng vài năm sau
quyển ấy đã được dịch ra tiếng Đức, mà người Hung-ga-ri đa số biết
tiếng Đức rành hơn tiếng Pháp. Và tiện đây cũng nói cho các bạn hay rằng
quyển sách đó bên Pháp đã bán hết và nhà xuất bản Buchet Chastel đã
chuyển sang cho một nhà xuất bản khác. Nhà xuất bản này vừa viết thư cho
tôi xin phép tái bản trong năm 1996.
Như
vậy các bạn thấy rằng người Hung-ga-ri, người Đức, người Pháp vẫn muốn
tìm hiểu âm nhạc Việt Nam, các Đài phát thanh, các nhà xuất bản mới cho
tái bản sách về nhạc Việt Nam.
Nếu nhạc Việt Nam
không có một chân giá trị về nghệ thuật, người nước ngoài chỉ muốn nghe
qua một lần cho biết vì tính hiếu kỳ. Khi người ta đã nghe rồi muốn
nghe lại, chúng ta có thể tin rằng âm nhạc Việt Nam có một sức hấp dẫn.
Lẽ
tất nhiên, nếu không giải thích, không giới thiệu rành mạch, thì có
những điểm không giống như âm nhạc phương Tây, làm cho người nước ngoài
không thể bước vào vườn hoa âm nhạc của nước Việt để thưởng thức hương
sắc của nhiều loài hoa thơm cỏ lạ. Lời giải thích như chiếc chìa khóa để
mở cửa vườn hoa đó.
Chúng tôi luôn luôn nhớ lời của nhà Đại văn hào Pháp Romain Rolland viết trong thiên tiểu thuyết Jean Christophe : “Âm
nhạc, dầu ai nói gì đi nữa, cũng không phải là tiếng nói đại đồng. Phải
cần có cây cung của tiếng nói để bắn mũi tên âm thanh vào lòng của mọi
người” (La musique, quoiqu’on dise, n’est pas une langue
universelle. Il faut l’are des mots pour faire pénétrer la flèche des
sons dans le coeur de tous”).
Trần Văn Khê
Paris 1979
trantruongca wrote on Jun 27, '09
Hải con trai cưng của Ba,
Ba rất vui trong khi KV cài bài của ba viết trên blog đã nhìn thấy hình của con đi vào để đọc, và sau khi có đủ hình ảnh và lời văn, hai Thầy trò đọc lại bài trên blog, cuối cùng lại có người độc giả đầu tiên là con trai của Ba, người đã có nhiều lần tham gia Nhạc hội Shiraz. Hình ảnh của cha con mình rất nhiều nhưng còn đang để trên thư viện chưa tìm ra được. Sau khi tìm được Ba sẽ cài lên để cho độc giả có được những hình ảnh trọn vẹn trong công việc cha con mình giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam. Ba hun con nhiều lắm và không quên giây phút Ba đờn Tranh, con đánh sinh tiền, đem tiếng nhạc Việt Nam đến tai những nhạc sĩ Ba Tư và những khách yêu nhạc Á Châu đến từ bốn phương dự nhạc hội Shiraz. Ba của con TVK |
tranquanghai wrote on Jun 27, '09
Bài
viết dù đã đưọc viết vào năm 1979 vẫn còn hiệu lực ngày hôm nay . Giờ
đây nhạc Việt rất được người Tây phương thưởng thức và ngưỡng mộ qua
nhiều chương trình của các đại hội liên hoan quốc tế .
Tran Quang Hai |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét