Nhạc dân tộc vẫn đầy uy lực
Bất chấp cơn mưa lạnh lẽo tối 1-8, bất chấp cả sự đe dọa của virus cúm A/H1N1, hơn trăm khán giả vẫn tìm đến tư gia của GS Trần Văn Khê để nghe ông nói về chủ đề “Âm nhạc dân tộc - phát triển mà không ngoại lai”.
GS Trần Văn Khê (trái) trong buổi sinh hoạt tối 1-8 - Ảnh: P.T.N. |
Nhiều
bạn trẻ mỗi khi nghe nói đến nhạc dân tộc thường tỏ ra ngần ngại, nhưng
tại đêm sinh hoạt văn nghệ định kỳ lần thứ 11 này, các nghệ sĩ và vị
giáo sư già đã chứng minh nhạc dân tộc là cả một di sản đồ sộ, là những
nét tinh túy được cha ông ta bao năm chắt lọc, giữ gìn.
Phát triển tránh ngoại lai
Trong
bối cảnh ngày càng hội nhập, phát triển âm nhạc truyền thống như thế
nào để tránh khỏi tình trạng ngoại lai là điều không đơn giản. Trong
phần diễn thuyết của mình, GS Khê đã chứng minh sự khác biệt giữa văn
hóa, tình cảm giữa người Việt và người dân các quốc gia khác.
Phương
Tây có văn hóa riêng của họ nên tất nhiên những cảm xúc thể hiện trong
âm nhạc cũng phụ thuộc văn hóa ấy. Người Việt trái lại, có sự tinh tế
riêng của mình trong từng động tác luyến láy, nhấn nhá, trong lối hát có
trên có dưới, có già có non... nhằm biểu đạt những sắc thái cảm xúc đa
dạng và phong phú. Khi sang Trung Quốc, giáo sư đã chứng minh nét đặc
sắc của nhạc dân tộc trong lối đàn hát có đi có về, khởi từ nốt nào quay
về nốt ấy cho một sự thanh thản tươi vui hay rơi ở một nốt khác như
biểu hiện của sự bất an, trắc trở...
Trên
hành trình phát triển của âm nhạc VN, không ít thể loại âm nhạc chứng
tỏ được chiều sâu nghệ thuật, phù hợp với đông đảo quần chúng, được
người Việt sáng tạo, lưu truyền qua nhiều thế hệ, vững vàng trước thử
thách của năm tháng và trở thành âm nhạc truyền thống. Thế nhưng truyền
thống không đồng nghĩa với kiểu “cấm sờ vào hiện vật” như trong bảo
tàng. Để không rơi vào lãng quên, nhạc cổ truyền cần tiếp tục phát triển
song hành cùng lịch sử và văn minh dân tộc.
Giáo
sư cũng chỉ trích một kiểu làm hỏng âm nhạc truyền thống, ông nói: “Chỉ
những bài bản được phát triển hài hòa từ bên trong của truyền thống,
dựa trên truyền thống mới giúp âm nhạc phát triển, còn kiểu vay mượn quy
luật hòa âm, đối vị của phương Tây, biến một bài dân ca đơn âm thành đa
âm với nhiều bè... mượn tiếng là cách tân, nâng cao âm nhạc sẽ không
thể tồn tại lâu mà sẽ bị đào thải như một bộ phận ghép không phù hợp với
thân thể”.
Từ
bài Dạ cổ hoài lang với nhịp đôi ban đầu được chuyển sang nhịp 8, nhịp
16, nhịp 32 vẫn được công chúng yêu thích đến những bản Sương chiều Tú
Anh, Đoản khúc Lam Giang, Yến tước tranh ngôn, Phong xuy trịch liễu...
chính là sự phát triển trên nền truyền thống, không hề mang tính ngoại
lai, chứng tỏ sức sống mãnh liệt của âm nhạc nước nhà.
Tin vào sự tiếp nối
Nghệ
sĩ Nhứt Dũng đã khiến khán giả đêm sinh hoạt ngỡ ngàng khi giới thiệu
chiếc trống bồng trong dàn nhạc lễ. Chiếc trống nhỏ bé, không nhiều âm
sắc, chủ yếu dựa vào tiết tấu, đâu ngờ lại trở thành một trong những
tiết mục ấn tượng nhất của phần biểu diễn minh họa. Nhiều khán giả đã
đứng dậy chăm chú dõi theo nhịp trống, dõi theo đôi tay như đang múa và
cả nếp nhăn trên vầng trán tập trung của người nghệ sĩ để rồi òa ra từng
tràng pháo tay. Bản Lý ngựa ô đã bứng người nghe khỏi ghế để họ phải
lim dim mắt, lắc lư và nồng nhiệt tán thưởng, không khác khi hưởng ứng
những đêm nhạc giao hưởng của các nghệ sĩ đẳng cấp quốc tế từng có ở VN.
Anh
bạn sinh viên du lịch vừa dùng điện thoại quay lại tiết mục vừa tấm
tắc: “Em đâu ngờ trống của mình hay quá vậy!”. Bạn không ngờ cũng phải
bởi giới trẻ đã không có nhiều cơ hội được nghe, được thưởng thức, được
tìm hiểu về âm nhạc cổ truyền. Bạn càng ngạc nhiên hơn khi giáo sư Trần
Văn Khê cho biết nghệ sĩ Nhứt Dũng từng trình tấu trống VN tại UNESCO và
chinh phục cả các nghệ sĩ, các nhà khoa học quốc tế.
Dứt
tiếng trống, giáo sư Trần Văn Khê ôm lấy nghệ sĩ Nhứt Dũng. Giáo sư
nói: “Bài biểu diễn hôm nay còn hay hơn cả khi tôi nghe tại UNESCO và
mới hơn, lạ hơn mà vẫn đầy truyền thống và rất hào hùng!”.
Ông
khóc và khẳng định: “Tôi tin tưởng với những người trẻ như thế này, với
khả năng này, cộng thêm sự ủng hộ của khán giả thì chỉ cần 20 năm nữa
thôi âm nhạc VN sẽ phát triển mạnh mẽ chứ không chỉ như bây giờ. Hãy nhớ
lại cảm xúc của các bạn khi nghe bài trống và hãy nhìn mọi người lúc
này. Đây chính là sức mạnh của âm nhạc dân tộc”. Chia sẻ tâm trạng với
giáo sư Trần Văn Khê, tiến sĩ Nguyễn Nhã nhấn mạnh: “Phải làm tốt công
tác giáo dục âm nhạc, đưa được những buổi biểu diễn này đến các trường
học để giới trẻ biết được cái hay của nhạc Việt, đó mới chính là nuôi
dưỡng âm nhạc phát triển ngay trong đời sống!”.
Có
lẽ không chỉ là cơn mưa tháng tám đã giữ chân khán giả lại nhà giáo sư
để các nghệ sĩ phải tiếp tục biểu diễn, để các bạn trẻ vây quanh nghệ sĩ
đàn tranh Hải Phượng hỏi địa chỉ học đàn. Nữ sinh viên Ngọc Thy nói:
“Em phải đi học thôi. Lâu nay không biết nhạc mình hay, thật là có
lỗi...”.
PHẠM THÀNH NHÂN
(Theo Tuổi Trẻ)
trantruongca wrote on Sep 5, '09
Ba hòan tòan đồng ý với con.
Ba cũng đã đề nghị nhiều lần trên báo, trong những buổi nói chuyện và cả khi gặp chánh quyền. Nhưng tiếng dội lại Ba chưa nhận được Hôn con nhiều Ba TVK |
tranquanghai wrote on Aug 4, '09
Một bài viết rất chính xác và đi sát với buổi sinh hoạt tại tư gia của GS Trần Văn Khê.
Sự tái hưng của nhạc cổ truyền được nhìn thấy qua sự biểu diễn của những nhạc sĩ có trình độ diễn xuất cao, hòa với sự minh chứng cụ thể của GS Trần Văn Khê sau nhiều năm chu du khắp thế giới . Chính giới trẻ phải nhận thức và giác ngộ để hỗ trợ nhạc truyền thống bằng cách học tập, và khuyến khích con em quay về vốn cổ. Sự kiện này đòi hỏi cả một thế hệ (ít nhứt là vài chục năm ) . Nhưng phải khởi sự từ bây giờ để tạo một phong trào yêu nhạc cổ, thực tập và chính phủ phải thiết lập một chương trình dạy nhạc dân tộc cho các cấp bậc tiểu, trung và đại học . Một chương trình giáo dục âm nhạc rất cần thiết cho sự tái sinh nhạc cổ dân tộc . Trần Quang Hải |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét