Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

HẬU SANH KHẢ UÝ


HẬU SANH KHẢ UÝ
GSTS Trần Văn Khê
           Thầy trò GS Trần Văn Khê & Đạo diễn trẻ Lê Quý Dương
Mặc dầu tôi chuyên về Nghiên cứu Dân tộc nhạc học nhưng từ khi về nước đến nay, tôi có được thêm một cái nhìn rộng rãi hơn về Văn hoá Việt Nam. Tôi may mắn gặp những người trẻ tuổi hơn tôi, mà tài năng xuất chúng, và tình thương nước Việt đã làm tôi phải ngạc nhiên và ngưỡng mộ như Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân (Văn hoá Ẩm thực), Đặng Học (Thư pháp, thư hoạ), Sĩ Hoàng (Thiết kế thời trang), Thành Lộc (Diễn viên sân khấu), Ea Sola (Biên đạo múa), Lê Quý Dương (Đạo diễn, Nhà viết kịch bản)… Quí báo đề nghị tôi viết một bài về tài nghệ của Lê Quý Dương, tôi đang bận nhiều việc, nhưng tôi rất vui và sẵn sàng gửi cho quí báo vài cảm nhận của tôi về người nghệ sĩ trẻ tuổi mà tài cao, chí lớn, tình yêu nghệ thuật, yêu dân tộc, yêu con người, yêu nhân loại bao la không bờ bến.
Tôi được biết Lê Quý Dương sau khi xem vở “Huyền thoại cuộc sống” và đã không ngần ngại đi ngược dòng với một số nhà phê bình sân khấu, đánh giá rất cao vở kịch đó. Từ ấy đến nay, tôi có nhiều dịp hiểu thêm con người của Lê Quý Dương.
Khuôn khổ của bài tôi định viết theo lời yêu cầu của quí báo không cho phép tôi ghi lại những chi tiết tôi đã nêu ra trong những bài đã đăng trên nhiều tờ báo về tài năng của Lê Quý Dương và giá trị của những sáng tác đa dạng của người nghệ sĩ ấy như kịch “Chợ đời”, “Lễ hội bánh Tét”, chương trình “Ngôi nhà mơ ước”, chương trình múa rối “Chú Tễu và Kangooroo” và nhứt là “Đêm Hoàng cung” tại Festival Huế 2006. Tôi chỉ ghi nhận những nét chánh về con người và tài nghệ của Lê Quý Dương xuyên qua các tác phẩm kể trên.
CON NGƯỜI VÀ TÀI NGHỆ:
Lê Quý Dương sau khi tốt nghiệp Đại học tại Trường Sân Khấu Việt Nam - Hà Nội đã sang Úc theo chương trình đoàn tụ gia đình.
Lòng đam mê nghệ thuật sân khấu đã dẫn chàng trai Việt Nam đi sâu vào việc tìm hiểu kịch nghệ của một vùng mà theo tôi, nhờ vị trí địa lý và chánh sách cởi mở trong con đường ngoại giao và chánh sách hội nhập, có một tánh chất đặc biệt phối hợp vừa Đông vừa Tây, vừa cũ vừa mới nên Lê Quý Dương có dịp tiếp xúc với kỹ thuật dàn dựng sân khấu và nghệ thuật biểu diễn của nhiều nước Á - Âu ngang qua lớp học của trường kịch nghệ Úc Châu. Lê Quý Dương không bao giờ đưa ra những huyền thoại hay những nét đặc thù của kịch nghệ Việt Nam để làm cho người Úc châu chú ý mà khi về nước cũng không muốn phô trương kỹ thuật phương Tây để làm biến chất kịch nghệ Việt Nam. Sau khi học thành tài, được giải thưởng lớn về kịch nghệ của Châu Úc, chứng tỏ rằng tài nghệ của Lê Quý Dương đã được chuyên gia Âu - Mỹ thấy rõ và tuyên dương. Nếu ở lại sanh sống tại bất cứ nước nào bên Âu Mỹ, Lê Quý Dương cũng sẽ có một đời sống vật chất và nghề nghiệp vững chắc, nhưng Lê Quý Dương vẫn muốn trở về tình thương yêu đất nước và con người Việt Nam đã được thấy rõ trong cách chọn lựa đề tài, trang trí sân khấu, phong cách biểu diễn vừa mang tính chất mới, lạ, “hiện đại” mà vẫn toát lên bản sắc dân tộc Việt Nam. Lê Quý Dương đã là một sinh viên xuất sắc lại được các chuyên gia Úc hết lòng hướng dẫn nên đã thâu thập được nhiều kết quả tốt trong những bước đầu trên con đường nghệ thuật: được bổng Fulbright của Mỹ sang học hỏi và thực tập tại Hollywood và kết thúc chuyến đi Mỹ bằng một giải thưởng về viết kịch bản do chuyên gia điện ảnh Mỹ trao tặng; tiếp tục lại được hai giải thưởng của nước Pháp và Anh.
     Một chương trình tập huấn diễn xuất của Lê Quý Dương tại Úc
 Ít có một người nghệ sĩ Việt Nam nào được trang bị kiến thức về kịch nghệ như Lê Quý Dương nhưng vì tình yêu đất nước và kịch nghệ Việt Nam nên người nghệ sĩ trẻ ấy đã quyết định về Việt Nam để đem kinh nghiệm và kiến thức của mình thâu thập được từ quá trình học hỏi ở nước ngoài nhằm tạo một sức sống mới cho kịch nghệ Việt Nam.






                                                                                     Lê Quý Dương...








... và những thể nghiệm độc đáo của mình

Nhìn chung vào tài nghệ của Lê Quý Dương, tôi phải lấy công tâm mà nói rằng tôi chưa gặp được một người nghệ sĩ trẻ tuổi nào qui tụ được tất cả các yếu tố để có thể sáng tạo những vở kịch mang nội dung Việt Nam và giữ được bản sắc dân tộc Việt Nam trong khi áp dụng những kỹ thuật tối tân của phương Tây.
1.   Đề tài sáng tạo của Lê Quý Dương đều là những cơ hội để tác giả nêu cao những giá trị cổ truyền của người ViệtNam. Ví dụ: “Huyền thoại cuộc sống” nêu lên tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam dầu cho sức yếu cũng không ngại đương đầu với mọi bạo lực vì luôn tin rằng chánh nghĩa sẽ thắng bạo tàn. Còn với “Chợ đời”, Lê Quý Dương sẵn sàng nhìn thẳng vào xã hội hiện tại và miêu tả lại cuộc đời của những người đã xả thân vì nước mà ngày nay đang chịu thiệt thòi mất mát. Nhưng dầu ở trong cảnh khốn cùng, họ luôn luôn giữ được tinh thần lạc quan và tính cách đôn hậu của người Việt Nam.
                                            Huyền thoại cuộc sống
                                Một cảnh quay chương trình "Ngôi nhà mơ ước"
            Trong “Ngôi nhà mơ ước” cho người xem thấy rõ tình đoàn kết của dân tộc Việt Nam, “lá lành đùm lá rách”, người có tiền và có tình người mới có thể biến ước mơ của những gia đình nghèo thành hiện thực, đó là có một “ngôi nhà mơ ước”.
2.   Nghệ thuật sắp đặt:
     Đó là một yếu tố nổi bật trong tất cả các chương trình mà tôi đã được xem. Chương trình “Lễ hội Bánh Tét” với việc sắp đặt các mô hình bánh gói lá Nam bộ trên một tổng thể quãng trường rộng lớn; Chương trình sân khấu“Chợ đời” việc sắp đặt mây, tre, nứa, lá để tạo nên không gian chợ Việt Nam; Chương trình “Huyền thoại cuộc sống” với việc sắp đặt màn hình vidéo kết hợp với bộ gõ dân tộc và đặc biệt trong kịch Múa rối “Những bí mật của Kangooroo và Tễu”, tác giả đã mở rộng không gian diễn tả trong Múa rối nước truyền thống bằng sự kết hợp với nghệ thuật sắp đặt hiện đại, sử dụng các chất liệu mây, tre, nứa, lá và các hoạt động lao động sản xuất, sinh hoạt trong đời sống nông thôn nhằm tạo ra một làng quê nơi nhân vật chú Tễu đã sinh thành và là nơi có tính cách khác biệt so với không gian văn hóa của nhân vật Kangooroo.
          Vở kịch "Kangooroo đến Việt Nam" với nhiều thể nghiệm mới lạ
    Tác giả lại phối hợp múa rối nước với các  loại múa rối que, múa rối dây, kể cả phong cách “nhục khôi lổi” người diễn như con rối, dùng dàn hợp ca bằng người thật, tạo ra một loại “rối tổng hợp” như trong vở múa rối “Đức Thánh Trần” mà tôi có dịp ca ngợi óc sáng tạo của người viết Kịch bản, Đạo diễn, tinh thần cầu tiến của Nhà Múa rối nước Trung Ương, dám xuất ngân qũi lớn để dàn dựng các vở có tánh cách “mới” như “Đức Thánh Trần”và “Những giấc mơ bí mật của Kangooroo và Tễu”.
Đặc biệt là chương trình “Đêm Hoàng cung” Festival Huế 2006 với việc sắp đặt hàng ngàn chiếc đèn lồng Huế kết hợp với nến, đuốc, những biểu diễn hình thể và các mô hình tứ linh trong khuôn viên ba mươi sáu ngàn mét vuông, khu đại nội Huế đã tạo nên một “Đêm Hoàng cung” lung linh, huyền ảo. Ban tổ chức Festival có ý cho diễn lại nhiều lần chương trình “Đêm Hoàng cung”.
3.   Áp dụng tất cả những kỹ thuật hiện đại của châu Âu để cho sân khấu truyền thống Việt Nam có được thêm những màu sắc, ánh sáng và âm thanh rất mới mà không làm mất bản sắc dân tộc Việt Nam:
Như trong vở “Huyền thoại cuộc sống”, tên bạo chúa được dặm mặt toàn mầu đen, mặc quần áo như giáp kim khí; người thôn nữ mặc áo màu xanh lá cây, nét mặt cũng ửng một màu xanh dợt; chàng dũng sĩ chỉ huy nghĩa binh, mặt dặm đỏ và có  nét cong của những ngọn lửa đang cháy; tên nông dân phản đồng đội để theo bạo chúa, mặt hơi rằn rệt, những nét cong có hình con rắn… thì cái mới đó cũng do nơi tinh thần muốn làm nổi bật quan điểm ngũ hành của người Việt. Những quân lính mặc đồng phục cả phía trước màu trắng và cả phía sau màu đen, trắng thuộc về dương, đen thuộc về âm cho nên khi quay mặt về phía khán giả, có khi thấy cả một màu trắng và quay lưng có cả một màu đen. Chúng ta có cảm giác trong dương có âm và trong âm có dương. Trong số người tốt cũng có thể phát hiện ra người xấu và trong đám người xấu ta cũng khám phá ra người tốt.
                       Poster giới thiệu vở "Huyền thoại cuộc sống"





Có những kỹ thuật làm cho người xem hoang mang nhưng theo tôi lại bổ sung ý nghĩa của đạo diễn muốn dàn dựng. Ví dụ: Trong “Huyền thoại cuộc sống”có ba màn chiếu vidéo làm cho nhiều khán giả cho rằng màn ảnh đó làm phân tán sự tập trung của khán giả. Nhưng trong những lúc diễn viên nói về sự vùng lên của những kẻ bị áp bức, muốn phá tan xích xiềng nô lệ thì trên màn ảnh chiếu những dây xiềng bị bứt ra từng đoạn, khi nói đến người mạnh hiếp yếu thì trên màn ảnh chiếu lại một vài cảnh Mỹ dội bom vùng Mỹ Sơn hay quân đội viễn chinh Mỹ đang hành binh tại Iraq. Khi người thôn nữ sợ bị bức hiếp, tự đâm dao vào ngực để hy sinh thì trên màn ảnh chiếu nhiều giọt máu thi nhau chảy. Ngày xưa, trên sân khấu khi có sát thương, người đạo diễn dùng yên chi, một thứ nước đỏ, tưới trên ngực của diễn viên, dùng cái giả để làm cái thật trong khi đó giọt máu trên màn ảnh là dùng cái thật để diễn tả cái giả. Và cuối cùng khi nghĩa quân đắc thắng, ba màn ảnh video từ màu trắng biến thành ba mặt trống đồng và sau lưng màn ảnh có trống thực sự, nghệ sĩ Nhứt Dũng đóng vai người bô lão trong làng hiên ngang gióng trống đồng theo một tiết điệu rất mới mà tiếng trống cũng như cách sắp câu nhạc đều mang mầu sắc dân tộc. Nhứt Dũng hiện nay là giảng viên trường Sân Khấu Thành phố Hồ Chí Minh và chỉ đạo dàn nhạc lễ theo phong cách cổ truyền của người cha trao lại, nắm vững các kỹ thuật trống nhạc lễ, trống hát bội, có tinh thần cải tiến, rành việc “ứng tác ứng tấu”, dùng chất liệu cổ để sáng tác điệu trống mới.
4.   Lê Quý Dương biết chọn cố vấn nghệ thuật trong giới ca múa nhạc truyền thống. Các động tác múa roi trống và di chuyển của diễn viên đều được NGUT Võ sư Thu Vân biên đạo. Tất cả các trống dùng trên sân khấu và trong hậu trường đều do Nhứt Dũng sắp đặt. Những bài trống mới cũng do Nhứt Dũng sáng tác trên nền tảng cổ nhạc và biểu diễn với một phong cách mới. Trong màn đối thoại bằng trống giữa người thôn nữ tù nhân và bà vợ của bạo chúa, các tư thế cầm dùi, cách đánh vào mặt trống hay tang trống đều do sự chỉ đạo của hai nghệ nhân Thu Vân và Nhứt Dũng sáng tạo theo ý kiến của đạo diễn, làm khán giả có thể hiểu được sự bất đồng ý kiến của hai nhân vật qua các động tác mà không cần nghe “lời” đối thoại.
    
    Sự phối hợp giữa vũ điệu truyền thống và vũ điệu đương đại, giữa nhạc dân tộc và nhạc sáng tác theo phong cách mới rất nhuần nhuyễn không làm cho khán thính giả chói tai hay lạ mắt mà diễn tả được tâm trạng của diễn viên.
5.   Lê Quý Dương là một đạo diễn có rất nhiều sáng kiến và có khả năng chỉ huy hàng trăm diễn viên, mở rộng không gian của sân khấu.
                         Đám rước Lễ hội bánh Tét tại TP.HCM
Trong “Lễ hội Bánh Tét” tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày mồng 2 Tết Bính Tuất, sân khấu không chỉ là phía trước nhà hát Lớn (sân khấu chánh) mà lan rộng ra ngoài, kéo dài từ Đầm Sen qua tất cả đường phố, một sân khấu vĩ đại! Đạo diễn đã dám đem sân khấu ra ngoài sân khấu. Từ trước đến giờ trong đất nước Việt Nam, cụNguyễn Hiển Dĩnh ngoài Quảng Nam trong vở diễn“Quan Trạng về làng” đã dùng sân khấu làm trường thi. Sau khi được “bảng hổ tên đề”, Tân Trạng mặc áo mão “vinh qui bái tổ” có “ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau”, diễn viên đã rời sân khấu đi về nhà làng thực sự. Khán giả trong rạp hát cũng theo quan Trạng về làng, người trong làng cũng đổ xô ra hai bên đường để xem. Cụ Nguyễn Hiển Dĩnh đã đem sân khấu ra ngoài sân khấu.
Tại thành phố Têhêran (Ba Tư), tôi đã được xem một vở kịch tôn giáo diễn tả một câu chuyện trong lịch sử Hồi Giáo đó là vụ ám sát ông hoàng Ali. Sự kiện không chỉ diễn trên một sân khấu mà cả nhiều nơi trên thành phố. Người Ba Tư gọi thể kịch đó là Tazieh. Đó là một thí dụ của sân khấu ra ngoài sân khấu.
Trong nước ta vào thế kỷ thứ XIX và tại Ba Tư có loại kịch Tazieh từ xưa truyền lại đến nay, hai thí dụ đó đều thuộc về dĩ vãng trong lịch sử kịch nghệ. Hôm nay, thể hiện trước mắt tôi một cảnh sân khấu ra ngoài sân khấu do nhà đạo diễn trẻ Lê Quý Dương dựng nên với khả năng điều khiển không phải một bộ môn hay một yếu tố mà là tổng thể của buổi diễn, không phải một vài trăm mà cả ngàn diễn viên.
KẾT LUẬN:
Tôi thực sự hoan nghinh người đạo diễn trẻ Lê Quý Dương. Mong rằng anh còn nhiều dịp tạo nên nhiều điều mới mẻ, hoành tráng không phải chỉ có cái hào nhoáng vật chất bên ngoài của phương Tây mà có cả bề sâu trầm lặng tinh thần bên trong, đậm màu sắc văn hóa, dân tộc Việt Nam.
Tôi rất vui vì từ trước đến nay, trong suốt cuộc đời, tôi luôn quyết lòng bảo vệ cái cổ mà không nệ cổ, làm sao tìm được cái mới mà cái mới không phá bản sắc dân tộc Việt Nam. Điều tôi nghĩ sẽ có khả năng thực hiện được, không phải chỉ nhờ một Lê Quý Dương mà nhiều Lê Quý Dương với một đội ngũ có tài, có chí, có cái nhìn phóng khoáng, có cái tâm Việt Nam thì tương lai của đất nước Việt Nam về mặt sân khấu và về mặt âm nhạc sẽ đầy triển vọng tốt tươi.
Bình Thạnh  – 2007
4 CommentsChronological   Reverse   Threaded
Add a Comment
     
nguyenthuyccm wrote on Jul 24, '11, edited on Jul 24, '11
Thầy ơi! Con rất muốn xem lại các vở tuồng do Lê Quý Dương đạo diễn, nhưng lại không thấy có ở trên mạng, thầy có thể chỉ giúp con cách nào để xem lại các vở tuồng này không?

Con Trần Thụy Nguyên Thủy
trantruongca wrote on Nov 4, '08
Ngọc Hân con,
Thầy rất vui khi biết rằng sau khi con đọc bài Thầy viết về Lê quý Dương con muốn đi xem những vở tuồng do Lê quý Dương đạo diễn. Đáng đi xem lắm con
Thầy TVK
lengochan wrote on Nov 1, '08
trở về làm việc ở Việt Nam, nơi không có đầy đủ điều kiện để phát huy tài năng, quý lắm thay...
cám ơn bài viết của Thầy giới thiệu 1 đạo diễn biết phân biệt rạch ròi nghệ thuật truyền thống & đương đại, tác phẩm không bị lai tạp nhố nhăng Tây - ta.

Con chưa có dịp thưởng thức tác phẩm nào của đạo diễn này, mong rằng sắp tới đây sẽ có cơ hội xem tận mắt

Con Lê Ngọc Hân
trantruongca wrote on Nov 1, '08, edited on Nov 1, '08
Kh V oi!
Bai Thay viet da lau da dang tren cac bao. Hom nay Th doc lai bai viet cua minh co nhung hinh con vua cẩn vào, thay khac qua. Thu vi trăm lan hon. Thay chi la khoi oc ma nho ban tay cua con duoc co bai dang tren mang rat hap dan. Thay chi hon con that nhieu de cam on con!

Thầy Trần Văn Khê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét