Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

VÀI NHẬN XÉT VỀ QUÁ TRÌNH NGHIÊN CỨU DÂN CA QUAN HỌ BẮC NINH (Phần 1)

Sau khi thăm quê hương Quan họ
VÀI NHẬN XÉT VỀ QUÁ TRÌNH NGHIÊN CỨU
DÂN CA QUAN HỌ BẮC NINH
(Phần 1)
Trần Văn Khê
Lúc bắt đầu nghiên cứu âm nhạc Việt Nam, tôi chưa nghe nói tới Quan họ bao giờ. Năm 1952 tôi đọc trong quyển “Bắc Ninh tỉnh khảo dị”, thấy vài phong tục hát đình hát hội và mấy câu ca ghi bằng chữ Nôm, tôi cũng chưa hình dung được dân ca Quan họ là thế nào. Cuối năm 1956, tôi có nhận được Tập san âm nhạc số 1 và số 2, trong đó có bài “Tìm hiểu nguồn gốc và sinh hoạt của Quan họ Bắc Ninh” của các anh Nguyễn Đình Tấn, Nguyễn Viêm và Lưu Khâm[1]. Đến năm 1957 bạn Lưu Hữu Phước gửi cho tôi quyển Dân ca Quan họ Bắc Ninh, một sáng tác tập thể của các bạn Nguyễn Văn Phú, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Viêm và Tứ Ngọc1, tôi mới bắt đầu biết qua về lối dân ca độc đáo vùng Bắc Ninh. Rồi lại được nghe những bài “Trèo lên quán dốc”, “Ngồi tựa mạn thuyền”, “Cắp nón đợi đò” trong dĩa hát[2]. Thỉnh thoảng nhận được vài bài Quan họ ký âm theo phương Tây đăng trong các tập Dân ca phổ biến, trong tập 1 và tập 2 Dân ca Quan họ và mấy bài “Hai tay nâng lấy cơi trầu”, Tuấn Khanh thương nhớ bạn Mai Văn Bộ mang sang cùng với một số sách báo liên quan đến vấn đề nghiên cứu âm nhạc, tôi đã bắt đầu làm quen với dân ca Quan họ và trong khi thuyết trình về âm nhạc dân tộc Việt Nam, tôi thường hát mấy bài “Trèo lên quán dốc”, “Trống cơm”, “Cởi áo cho nhau”…
Mặc dầu hiểu biết của tôi về Quan họ rất hạn chế và tôi chỉ đoán ngang qua sách báo, đĩa hát, băng từ những nét độc đáo của dân ca Quan họ, tôi đã muốn bắt đầu chia sớt với anh em bạn bè, với các anh chị em Việt kiều tại Pháp, độc giả tạp chí Bách Khoa trong Nam và những đồng nghiệp hay sinh viên Pháp trong ngành nghiên cứu âm nhạc những điều tôi đã được đọc, được nghe về dân ca Quan họ Bắc Ninh. Trong một cuộc hội nghị âm nhạc tôi có gặp anh Zdenekzahrodnik (Zdê-nách-za-rôt-nich) người Tiệp Khắc đã có dịp sang Việt Nam và đã thâu được một số bài hát Quan họ mà anh rất thích. Anh đã chịu khó chép lại và gửi cho tôi một cuốn băng trong đó có tám bài Quan họ.
Lúc sang Alma Ata, kinh đô của Kazakhstan (Ca-zăc-tăn) ở Liên Xô năm 1973, tôi được nghe qua đài phát thanh và trong một dạ hội một chị danh ca Liên Xô hát bài “Yêu nhau cởi áo cho nhau” bằng tiếng Việt. Chị không biết nói tiếng Việt nhưng ca rất rõ lời…
Khi chị Thu Lê về thăm quê hương lần đầu, chị có đến Bắc Ninh và được “liền anh liền chị” Quan họ tiếp rước niềm nở, chị có cho tôi nghe một số bài Quan họ rất hay mà chị đã ghi âm vào một cassette (ca-xết). Tôi rất thèm được có dịp đi đến Bắc Ninh để nghe hát Quan họ, không phải nghe một đôi bài mà nghe cả canh hát, được nhìn tận mắt, nghe tận tai những gì liên quan đến Quan họ, để học hỏi thêm về một sinh hoạt văn hóa thật độc đáo của dân tộc Việt Nam thì trong tháng ba vừa qua, giấc mơ của tôi đã thành hiện thực.
I. Đi thăm quê hương Quan họ
Ngày 14 tháng 03 dương lịch, vừa sáng sớm, anh Hà (chuyên viên và lái xe cho Hội Nhạc sĩ Việt Nam) đã đến đón tôi. Cùng đi hôm ấy có các anh Đỗ Nhuận, Văn Ký trong Hội Nhạc sĩ và cháu Cảnh (con của chị Tri Túc & anh Hoán) đi theo để giúp tôi chụp ảnh, thâu thanh.
Bắc Ninh cách Hà Nội chỉ có 30 cây số nên một giờ sau chúng tôi đến nơi. Anh Lê Hồng Dương (Trưởng Ty văn hóa Hà Bắc) đón chúng tôi vào cơ quan của Ủy ban hành chánh tỉnh. Sau khi anh Văn Ký giới thiệu các anh em trong đoàn chúng tôi và anh Lê Hồng Dương giới thiệu các anh chị em trong Ty văn hóa, ba chị mặc áo dài ra hát chào chúng tôi bằng bài “Con chim thước”. Đại ý nói “Đêm qua, có con chim thước báo tin hôm nay Quan họ đến chơi”. Tiếp theo đó hai chị mặc áo tứ thân, yếm đào, khăn mỏ quạ, thắt lưng lụa màu, chân mang dép cong bước ra. Một chị bưng cái quả đựng trầu (ngoài Bắc gọi là cơi đựng giầu). Tiếng hát trong trẻo cất lên :
Tay em nâng cái cơi giầu
Mắt em nhìn, em liếc, em trông cái cơi đựng giầu
Giầu têm cánh phượng, dâng lên mời người.
Người ơi ai ơi có nhớ, người ơi có nhớ chúng em chăng?
Người ơi có thấu, có thấu tình chăng?”
Tôi không chờ đợi được các anh chị tiếp tôi như tiếp một người Quan họ với những bài hát và tục lệ đón bạn Quan họ như vậy. Dầu cho không biết ăn trầu cũng phải ăn. Ăn trầu xong lại được mời uống nước trà cũng bằng một bài hát. Anh Lê Hồng Dương cho biết rằng sau buổi tiếp đón sáng nay, trưa đến chợ Cầu ăn cơm tại nhà Quan họ, một bữa cơm hoàn toàn Quan họ do Quan họ nấu dọn rồi chiều nghe các cụ ở Khả Lễ, Xuân Ổ, Khúc Toại hát một canh. Tôi nghe các cụ Thị Cầu kết bạn với các cụ làng Đặng Xá hát. Sáng hôm sau đi xem vài thắng cảnh và di tích lịch sử vùng này. Trưa về, sau bữa cơm, nghe đoàn Quan họ hát và tối lại tôi sẽ nói chuyện với cả đoàn Quan họ có các cấp lãnh đạo và anh chị em trong Ty văn hóa đến nghe.
Một chương trình thật đầy đủ.
Chắc cũng nên nói qua cho bạn đọc biết hát Quan họ là gì? Tục lệ kết bạn ra sao trước khi kể lại mấy canh hát.

(Còn tiếp)


[1] Xem danh sách những tài liệu tham khảo
[2] Dĩa hát Le chant du monde, số LDY 4046

 
Add a Comment
   
trantruongca wrote on Oct 22, '09
Cám ơn con đã đọc và có lời góp ý.
Tất cả bài viết của Thầy được chia ra làm 4 lần, trên đây chỉ là phần 1.
Bài của Thầy đã viết vào năm 1982, tức là cách đây 1/4 thế kỷ.
Được con hoan nghênh Thầy rất vui.
Năm 1976 Thầy về nước lần đầu đã đưa ra trên thế giới dĩa hát dưới nhãn hiệu Unesco về Ca Trù và Quan họ. Nay hai bộ môn đều được tôn vinh, Thầy vui thật nhiều, mà ưu tư cũng không ít.
Thương chúc con khoẻ mạnh.
Thầy TVK
 
nguyenxuandien wrote on Oct 14, '09
Văn phong du khảo của thầy rất cuốn hút. Làm cho con tưởng như đang được đi bên cạnh thầy.
Xin đón đợi phần tiếp theo của bài viết
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét