Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

ÂM VÀ DƯƠNG TRONG ÂM NHẠC TRUYỀN THỐNG

ÂM VÀ DƯƠNG
TRONG ÂM NHẠC TRUYỀN THỐNG


Khi nói đến âm dương, chúng tôi không nghĩ đến thuyết âm dương trong Kinh dịch của Trung Hoa mà muốn đề cập về tư tưởng triết lý của dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa, thể hiện ngay trên chiếc trống đồng do tổ tiên chúng ta chế tạo vào thế kỷ thứ 6, thứ 7 trước Công nguyên. Các nhà nghiên cứu đã nhận ra trên mặt chiếc trống đồng có những hình ảnh mô tả sinh hoạt của người dân sống vào thời kỳ xa xưa ấy, đồng thời có chạm khắc hình các con thú, đặc biệt là hươu và cá. Con hươu tượng trưng cho núi, cá tượng trưng cho nước, vốn là hai yếu tố vô cùng quan trọng đối với người Việt. Chúng ta vẫn dùng hai chữ giang sơn để chỉ đất nước, điều này cho thấy núi với nước tuy hai mà một. Liên hệ đến lịch sử của dân tộc, chúng ta thấy có huyền thoại con Rồng cháu Tiên, tượng trưng cho hai yếu tố nước và núi. Hoặc truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh đề cập đến việc người xưa bảo vệ đất nước chống thiên tai, trong đó núi và nước giúp chúng ta xác định rõ tư duy và quan niệm sống của dân tộc cho rằng vũ trụ có được do sự phối hợp của hai yếu tố âm và dương, tuy khác nhau nhưng không đối lập mà bổ sung cho nhau. Lưỡng phân mà lưỡng hợp: đó chính là một trong những tư tưởng triết lý của Việt Nam - như cố giáo sư Trần Quốc Vượng thường nói. 



Quan điểm âm dương bàng bạc trong mọi sinh hoạt của đời sống người Việt, từ cách ăn uống hàng ngày cho đến cách chữa bịnh trong y học. Ở đây chỉ xin nêu ra một số nhận xét trong lãnh vực âm nhạc để làm sáng tỏ tư tưởng lưỡng phân, lưỡng hợp đó.

Đi từ cụ thể đến trừu tượng, chúng ta thử xem trong nhạc khí, trong bài bản và trong cách biểu diễn, quan điểm âm dương được thể hiện như thế nào trong âm nhạc truyền thống Việt
Nam.

Nhạc khí

 

Trước hết, hãy xem qua bộ môn Ca Trù. Một nhóm Ca Trù thường có ba người, người ngồi giữa là đào nương vừa hát vừa nhịp phách. Phách là một thanh tre hay một miếng gỗ được gõ bằng hai cái dùi, một dùi tròn có chuôi nhọn và một dùi chẻ làm hai, tượng trưng cho dương và âm. Tiếng chuyên môn trong giới Ca Trù thường gọi hai dùi này là phách cáiphách con. Quan điểm cái với con cho thấy nữ với nam là hai giới khác nhau mà bổ sung cho nhau. Gõ phách là một nghệ thuật rất cao, âm thanh phát ra một tiếng trong một tiếng đục, một tiếng cao một tiếng thấp, một tiếng mạnh một tiếng nhẹ, cũng chính là tiếng dương và tiếng âm. Trên thế giới, chưa có loại dùi nào tuy một đôi mà lại khác biệt nhau từ hình thức cũng như trong cách gõ như thế.

                           
Phách ca trù - tiếng phách độc nhứt vô nhị trên thế giới

Một bộ môn khác là Nhạc lễ, với dàn ngũ âm (năm nhạc sĩ sử dụng năm nhạc khí khác nhau) trong đó có hai trống nhạc đóng vai trò rất quan trọng. Cặp trống này được gọi là trống đựctrống cái tức đã bao hàm ý tưởng dương và âm. 


Dàn nhạc lễ Gò Vấp - Ảnh: Tiếng Hát Quê Hương

Màu âm của tiếng trống trong Nhạc lễ được sử dụng vô cùng tinh vi. Chẳng hạn như tang, thờn, tùng, thùng khi đánh vào giữa mặt da dùng để đánh nhịp hay để chấm câu. Tong, táng, tỏng khi đánh vào vành da, đây là cách đánh sáng và tiếng trống đó gọi là tiếng dương. 


Khi đánh âm táng hay tong liên hồi diễn tả sự sôi động của tâm hồn hoặc tâm trạng giận dữ, hốt hoảng. Tịch là một dùi chặn, một dùi đánh vào giữa mặt da, khi nhân vật biểu lộ sự ngạc nhiên, suy nghĩ hay do dự, có khi nghẹn ngào, uất ức. Đây là cách đánh tối và tiếng trống này là tiếng âm. Thông thường trong biểu diễn luôn luôn có tiếng âm và dương trộn lẫn với nhau chớ không đơn thuần tiếng trống âm hay dương mà thôi.

Bài bản

Trong xã hội nông thôn ngày xưa, thanh niên thiếu nữ lớn lên khi bắt đầu tham gia việc nhà nông ngoài ruộng đồng thường trao đổi những câu hò khi đang lao động hay trong lúc nghỉ ngơi. Đây là sinh hoạt văn hoá đặc sắc trong dân gian hình thành một gia sản văn học vô cùng phong phú. 

Ngay trong cách sáng tạo câu hò đã thể hiện rõ quan điểm âm dương, thông thường luôn có một vế trốngmột vế mái, có khi gọi là câu xôcâu kể. (Do đó mà khi ta nghe nói câu hò mái hai, mái ba, có nghĩa là một câu có một câu trống và hai hoặc ba câu mái – hoặc hai hay ba đoạn kể - chứ chữ mái ở đây không có nghĩa là mái chèo). Nội dung nhiều câu hò cũng chứa đựng sự gặp gỡ âm dương, chẳng hạn như:

Nhớ nàng như bút nhớ nghiên
Như mực nhớ giấy, như thuyền nhớ sông

Hình dáng của bút và nghiên ở đây tượng trưng cho nam và nữ, như thế trong câu đó đã phảng phất dương và âm, cũng như thuyền là dương mà sông là âm.

Trong các bài bản Nam xuân, Nam ai của Ca nhạc tài tử thì có những lớp gọi là lớp trống hay lớp mái cũng hàm ý nhắc đến quan điểm âm dương.

Từ quan điểm âm dương nảy sanh ra những bài bản dài ngắn khác nhau như lưu thủy trườnglưu thủy đoản, những bản trước và sau mang tên ngũ đối thượng, ngũ đối hạ (thượng và hạ đồng nghĩa với trên và dưới), hoặc một bản mau, một bản chậm như phú lụcphú lục chậm.

Cách biểu diễn

Trong truyền thống Ca Trù, người ca phải là đào nương, ả đào, người đờn phải là nam gọi là kép, rất hiếm khi có phụ nữ đờn đáy cho đào nương ca.

 

Trong loại hát Đối ca nam nữ thì - như tên đã gọi - người hát hai bên phải là khác phái. Trong khi đối ý, nếu bài hát xướng là Lên non hay Lên rừng thì bài hát họa phải là Xuống sông hay Xuống bể và quan điểm lên, xuống cũng từ âm, dương mà ra. 

Trong truyền thống Quan họ, liền anh luôn luôn cầm cây dù còn liền chị thì tay cầm chiếc nón quai thao, một vật nhọn một vật tròn cũng là thể hiện quan điểm âm dương.

 

Trong loại múa dân gian, khi cầu cho được mùa - theo chuyên gia Lâm Tô Lộc - phía nam phải cầm cây tre nhọn còn bên nữ thì cầm mo cau. Cả hai vật này đều mang hình dáng ẩn dụ tượng trưng cho nam và nữ. 

Trong Ca nhạc tài tử, khi hòa đờn thì luôn luôn lựa tiếng thổ (trầm và đục) để hòa với tiếng kim (cao và trong) cũng từ quan điểm âm dương mà ra.

Tóm lại, nếu nhìn những sự kiện trong âm nhạc với đôi mắt và tâm hồn thấm nhuần triết lý âm dương trong cuộc sống của dân tộc Việt Nam nói riêng và của châu Á nói chung, chúng ta sẽ khám phá ra nhiều điều thú vị hơn là chỉ đơn thuần nghe âm thanh bằng đôi tai và nhìn sự vật bằng đôi mắt.

GSTS TRẦN VĂN KHÊ
(Nguồn ảnh: from Internet)

Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

ĐÀN AI MỘT TIẾNG DƯƠNG TRANH

ĐÀN AI MỘT TIẾNG DƯƠNG TRANH
GS. Trần Văn Khê 


Bên tai tôi tới giờ vẫn còn văng vẳng một câu hát, đó là câu cuối trong bài Thét nhạc mở màn cho Liên hoan Ca trù toàn quốc 2005 tại Hà Nội, cũng là câu Dương Khuê mượn làm câu kết trong Đào Hồng Đào Tuyết - bài Hát nói được chọn làm tiết mục bắt buộc với tất cả các đào nương tham dự Liên hoan. Vì thế trong hai ngày liền tại Văn Miếu cổ kính đã vang lên không biết bao nhiêu lần qua các giọng ca khác nhau cùng một câu hát: "Đàn ai...".

Hai ngày được sống trọn vẹn trong một bầu không khí tưng bừng mà trang nghiêm, trong cảnh Hát cửa đình theo phong cách xưa, có trống chiêng liên hồi, trầm hương nghi ngút, có dâng lễ vật, múa bỏ bộ, múa bát dật. Thật đẹp mắt được ngắm nhìn những vũ nữ xiêm y lộng lẫy, thật êm tai được thưởng thức những điệu hát cung đàn. Lời thơ hòa với tiếng nhạc, giọng ca thêm đẹp thêm duyên nhờ cách ém hơi nhả chữ, quyện trong tiếng đàn khi vê khi vẩy, khi bổng khi trầm, lúc mau lúc chậm, cuốn theo nhịp khoan nhịp dồn giòn giã của phách con phách cái, tiếng tom chát vừa chấm câu vừa phê phán của trống chầu. Thật, mà tôi cứ ngỡ như một giấc mơ!

Tôi sẽ không tường thuật chương trình mà chỉ muốn ghi lại vài cảm nghĩ về cuộc Liên hoan đã để lại nhiều ấn tượng trong tôi.

Trước hết, tôi muốn nêu những yếu tố căn bản mà Ca trù có được, đủ điều kiện để làm hồ sơ đệ trình Unesco xét duyệt vào danh sách những kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại:

1) Có bề dầy của lịch sử và chiều sâu của nghệ thuật.

2) Đã có lúc bị chìm trong quên lãng, dù là một nghệ thuật cao siêu và độc đáo sanh ra từ thuở xa xưa tại Việt Nam chớ không du nhập từ nước ngoài.
3) Chánh quyền rất quan tâm đến việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật ca trù: Unesco sẽ không tôn vinh một nghệ thuật đã không còn chỗ đứng trong xã hội hiện nay. Trong Liên hoan này, Ca trù được khẳng định là một "di sản phi vật thể quí báu của dân tộc" và Bộ trưởng Bộ Văn hóa thông tin đã "giao trách nhiệm cho Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Sở Văn hoá Thông tin Hà nội, Sở Văn hoá Thông tin Hà Tĩnh tổ chức Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2000" (phát biểu của Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin Lê Tiến Thọ).

4) Nghệ thuật Ca trù được quần chúng yêu mến : trong đợt Liên hoan này tại Khu di tích Nguyễn Du ở Hà Tĩnh (26-27/3/05) và Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Hà Nội (2-3/4/05) lúc nào cũng đầy nghẹt người đến nghe hát, xem múa.

5) Được tuyên truyền trên các báo, Đài phát thanh, Truyền hình: Liên hoan được đưa tin đầy đủ lễ khai mạc, các buổi thi, lễ phát giải và lễ bế mạc cho đông đảo quần chúng có thể theo dõi từ xa.

6) Các nghệ sĩ, chuyên gia cũng thiết tha với việc bảo tồn, phát huy nghệ thuật Ca trù : Liên hoan đã hội tụ các nghệ nhân cao niên, các nghệ sĩ trung niên và những mầm non, tất cả trên 70 diễn viên từ 20 CLB Ca trù, cùng các nhà nghiên cứu, sử gia, thi sĩ yên mến nghệ thuật Ca trù.

7) Được Quỹ Ford tài trợ: sau khi xem xét và nhìn nhận giá trị đặc biệt của nghệ thuật Ca trù, quỹ Ford đã tài trợ tổ chức Liên hoan. Sự tài trợ này có giá trị như một cuộc sơ khảo của Unesco.

Nhiều hình ảnh và âm thanh ghi trong Liên hoan sẽ là những minh họa sống động cho phần giới thiệu nghệ thuật Ca trù trong hồ sơ đệ trình Unesco.

Trên đây là những điều kiện cần để Ca trù có thể trở thành một "ứng cử viên" được Unesco xem xét và đánh giá.

Điều đáng mừng là Liên hoan Ca Trù toàn quốc năm 2005 đã cho thấy cái đẹp của hình thức đi đôi với chiều sâu của nghệ thuật.

Không những nghệ sĩ biểu diễn mặc quốc phục, mà cả Ban giám khảo - từ chánh khảo PGS.TS Vũ Nhật Thăng đến các ủy viên - đều rất đẹp trong chiếc áo the, đầu chít khăn đen, còn các bà mặc áo dài nhung đen, tóc bỏ đuôi gà. Vũ nữ cũng mặc xiêm y theo truyền thống, áo năm thân, thắt lưng lụa màu, tay cầm quạt cầm hoa, khi múa Cửa đình đi chân trần theo đúng nghi lễ ở chốn trang nghiêm. Bàn chân của phụ nữ Việt Nam, cũng như của phụ nữ nhiều nước châu Á rất đẹp. Đài truyền hình Pháp có lần chỉ quay bàn chân và bước đi của các thiếu nữ Philipine trong đoàn Bayanihan sang châu Âu biểu diễn với lời giới thiệu: "Mời quí vị xem bàn chân và dáng đi dẹp nhứt thế giới". Các vũ nữ Lào, Khmer, Indonesia, Ấn Độ đều đi chân không. Ngắm bàn chân của các cô gái Việt Nam khi đi tới đi lui, lúc bước qua bước lại, tôi cứ nhớ đến chàng trai trong câu hát Trống quân "để anh mua gạch Bát Tràng, xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân", nhớ tới cô gái Huế "nhón chân bước thuyền" đã làm cho cố Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước phải "tình mơ thương nhớ" trong bài Hương giang dạ khúc.

Theo tôi, mặc quốc phục xưa đâu phải vì muốn giống vua quan thời phong kiến, mà để cho hình thức phù hợp với nội dung, nghệ thuật được toàn diện từ ngoài đến trong. Người phương Tây uống rượu champagne bằng ly thủy tinh hay pha lê, uống bia dùng loại "chope", người Trung Quốc hay Việt Nam thưởng thức trà trong chén nhỏ bằng đất nung, người Nhựt Bổn nhắm sa kê trong chung sứ nhỏ. Cứ thử uống rượu champagne trong cái ly giấy, uống bia trong một chén đá, uống trà ngon trong cái tô con Rồng, nếm sa kê trong chiếc ly chuyên dùng uống rượu đỏ, các bạn sẽ thấy hương vị của rượu quí trà ngon mất đi rất nhiều.

Vậy hãy thử nghe hai nhóm Ca trù, một nhóm không cần hình thức cổ truyền: người hát mặc áo đầm, người đàn đáy mặc quần bò, người cầm chầu mặc đồ Tây cổ thắt nơ..., còn nhóm kia theo đúng truyền thống: đào nương mặc áo the đen ánh lên sắc đỏ từ chiếc áo dài bên trong, đầu vấn khăn nhung buông tóc đuôi gà, người đàn đáy và cầm chầu mặc áo dài khăn đóng, các bạn sẽ có cảm giác khác nhau lắm.

Tôi thấy các nghệ sĩ châu Á đều mặc quốc phục khi biểu diễn nhạc truyền thống. Nghệ sĩ đàn Guqin (cổ cầm) Trung Quốc hiện nay luôn mặc áo vạt dài. Còn các nhạc công Việt Nam, phụ nữ thì mặc áo dài rất đẹp, nhưng nam giới trong khi đánh đàn bầu đàn nhị thổi sáo lại mặc áo sơ mi quần Tây, còn khoác thêm áo gilet màu theo kiểu Nga hay dân tộc Tziganes, tôi cảm thấy chút gì đó chưa ổn.

Trong Liên hoan này, riêng tôi đã có được bốn niềm vui.

Cái vui nhứt là được gặp gỡ và trò chuyện với nhiều bực lão thành trong truyền thống Ca trù như cụ Chu Hà - nhà văn nhà thơ sáng tác nhiều bài Hát nói trong đó có Xuân Rồng đã được cố nghệ nhân Quách Thị Hồ trình bày trong đĩa hát của Unesco: "Đào thắm, mai vàng chung kế hoạch năm năm". Tôi còn giữ một bài cụ Chu Hà viết tặng tôi qua giọng ca của cụ bà Quách Thị Hồ:

Trần ai bay bổng sơn khê

Hồn say nghệ thuật vì quê hương mình.


Nghệ nhân Ngô Trọng Bình, thành viên Ban giám khảo, người thạo cách cầm chầu và chuyên đàn đáy, đã tức hứng đặt một bài Mưỡu và Hát nói Duyên nợ ca trù, rồi chép tay tặng tôi ngay trong Liên hoan:

Ôm đàn từ thuở mười ba

Lời ca nhịp phách giao hoà tiếng tơ.

………………………………

Tay phách kia chưa lặng tiếng im hơi

Thì đàn đáy tang tình còn góp mặt

Nắn phím tơ rung, âm giai dìu dặt

Cùng hoà chung mưỡu, nói, thiên thai

Ca trù nay đã tái lai.


Tôi rất vui có dịp gặp gỡ nhà nghiên cứu trẻ Nguyễn Xuân Diện (Viện Hán Nôm), tác giả cuốn sách Góp phần tìm hiểu lịch sử Ca trù.

Cái vui thứ nhì là được gặp những người nước ngoài mê Ca trù. Giáo sư Hàn Quốc Chun In Pyong không biết tiếng Việt mà vẫn theo dõi Liên hoan suốt hai ngày, sau đó còn đến nghe tôi thuyết trình cả một ngày về lịch sử, truyền thuyết và những nét đặc thù của Ca trù tại Viện Âm nhạc. Ông ngạc nhiên vì Ca trù đem lại cho ông cảm giác quen thuộc chứ không xa lạ. Tôi trả lời rằng từ hơn 20 năm nay tôi đã để ý trong cấu trúc thang âm Ca trù và cấu trúc thang âm điệu thức Kye-myong-Jo trong dân ca và bộ môn Pansori của Triều Tiên có điểm giống nhau. Điều này làm ông thú vị vì được gợi đến một hướng nghiên cứu đối chiếu trong ngôn ngữ âm nhạc.

Người thứ hai là ngài đại diện Quỹ Ford. Tại Festival Huế năm ngoái, ông đã đến khán đài Ngọ Môn chào tôi và nói bằng tiếng Việt: "Thầy không nhớ em chớ em vẫn nhớ thầy. Em là Michael đã học 40 tiết nhạc Việt Nam với thầy tại Đại học Honolulu năm 1988". Trong Liên hoan này ông ngồi ngay bên cạnh tôi. Khi tôi ngỏ lời cám ơn Quỹ Ford đã tài trợ cho chương trình "Đào tạo diễn viên ca trù trẻ" năm 2002 và nay lại tài trợ cho Liên hoan Ca trù toàn quốc, ông mỉm cười: "Thật ra Quỹ Ford phải cám ơn thầy. Nhờ bài giảng của thầy tại Đại học Honolulu mà em say mê Ca trù từ năm 1988. Mãi đến gần đây em mới có dịp thực hiện ý nguyện của mình là làm gì đó giúp cho nghệ thuật Ca trù đừng bị chìm vào quên lãng". Tôi xúc động không ngờ cậu sinh viên trẻ người Mỹ học tôi từ 18 năm trước vẫn còn nhớ thầy, cũng không ngờ bài giảng sơ lược của tôi về Ca trù tại Honolulu lại có hiệu quả đến vậy.

Niềm vui thứ ba là tôi được mời phát biểu hai lần tại Liên hoan, trước một cử tọa toàn cỡ chuyên gia về ca trù. Chưa bao giờ phát biểu mà lòng tôi lo âu như lần này, vậy nên tôi đã mở đầu: "Tôi là người «ngoại đạo», sanh trưởng tại làng Vĩnh Kim, tỉnh Tiền Giang, vùng lưu vực sông Cửu Long, trong một gia đình bốn đời chuyên nhạc tài tử miền Nam, sống tại nước ngoài trên 55 năm, chỉ bắt đầu học Ca trù với các nghệ nhân Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Phúc, Đinh Khắc Ban, nhà thơ Trúc Hiền, học vội vàng mà chưa bao giờ được thực nghiệm. Nhưng trước cử toạ toàn người nước ngoài, tại các trường Đại học, tôi mạnh dạn nói về Ca trù, vì thính giả không ai biết gì về Ca trù cả và vốn hiểu biết hạn chế của tôi cũng đủ để thuyết phục họ. Nay phải nói về những nét độc đáo trong nghệ thuật Ca trù trước một cử toạ nhiều chuyên gia như hôm nay, tôi có cảm giác mình đang «đánh trống trước cửa nhà sấm, múa búa trước cửa Lỗ Bang»! Nếu tôi có nói đều chi chưa đúng xin quí vị thẳng thắn chỉnh những sai lầm của tôi. Tôi rất vui và sẵn sàng lĩnh giáo". Thật may, sau buổi họp tôi được vài vị cho rằng những điều tôi nói không sai!

Niềm vui thứ tư của tôi là trong khung cảnh tráng lệ của Văn Miếu, cháu Thúy Hoà đã hát tặng tôi bài Mưỡu và Hát nói Nghĩ thay viết thế của Nguyễn Thị Đoan - một người bạn quí của tôi nay đà quá vãng - đã viết "trêu" tôi từ năm 1995:

(Mưỡu) Thế gian nghĩ cũng nực cười

Mình chưa muốn nói có người nói thay!

Sự đời đến thật là hay,

Mình chưa kịp viết, viết thay cho mình;

(Nói) Thơ một túi nhàn du miền châu Úc


Đàn Bá Nha dạo khúc tính tình tang

Ngắm núi sông, đùa với gió trăng

Thiếu tri kỷ, tri âm vui chẳng vẹn.

……………………………………

Chung tình ấy, người xưa âu cũng thế

Say men tình đâu phải chỉ riêng Ta

Ai ơi ! Có thấu chăng là…


Nhớ lại năm 1976, khi ghi âm tiếng hát của cụ Quách Thị Hồ, tiếng đàn đáy của ông Đinh Khắc Ban, tiếng trống chầu của cụ Trúc Hiền để làm đĩa hát cho Unesco, lòng tôi se thắt vì nghĩ rằng mình chỉ ghi lại chút hương thừa của những đóa hoa sắp tàn trên một cành cây khô cằn cỗi.

Trở lại Hà nội năm nay không ngờ tôi được thấy nghệ thuật Ca trù như đoá hoa tưởng sắp tàn mà lại thắm tươi, cành cây xưa cằn cỗi nay chứa đầy nhựa sống. Trên cành cây có bao nụ non, có nụ đã nở thành hoa và nhiều nụ sắp nở thành hoa. Nói như Hoàng Cầm:

Được một cơn mưa mới

Ươm mầm non sắp thui.


Và câu hát xưa tưởng chừng chìm nghỉm trong âm thanh cuộc sống hiện đại, nay lại được các ca nương trẻ hát lên, vang vọng mãi trong tai người mộ điệu Ca trù:

Đàn ai một tiếng dương tranh...

BÀN VỀ BẢN SẮC VĂN HÓA VIỆT NAM SAU NGÀY HỘI NHẬP

BÀN VỀ BẢN SẮC VĂN HÓA VIỆT NAM SAU NGÀY HỘI NHẬP

Sau ngày hội nhập, trong nước, các cơ sở kinh tế, các cơ quan chánh quyền và các lãnh đạo cao cấp của nhiều nước đều có nhận định tương tợ như nhau: Đây là một cơ hội rất tốt để cho người nước ngoài có nhiều dịp tìm hiểu đất nước và con người Việt Nam, nhưng điều đó cũng là một thách thức lớn.

Trong lãnh vực văn hóa cũng có nhiều người tỏ ra lo ngại rằng không biết sau cuộc hội nhập về kinh tế, chánh trị, ngoại giao thì liệu văn hóa Việt Nam có đủ sức chống chọi lại với sự du nhập của các luồng văn hóa khác đến nỗi chúng ta sẽ mất luôn cả bản sắc dân tộc hay không?

Chúng tôi không lo như thế vì trước chúng ta đã có rất nhiều nước Châu Á hội nhập mà có văn hóa nước nào bị mất hẳn luôn như thế thì không có lý do nào chúng ta lại gặp cái cảnh văn hóa chúng ta bị hòa tan trong sự hội nhập. Nhưng cũng không phải vì thế mà chúng ta an lòng, phó mặc việc đời tới đâu hay tới đó mà chúng ta phải có ý thức làm cho nền văn hóa chúng ta có được một sức sống vững chắc, có một thực chất khoa học và nghệ thuật có thể chống chọi lại với những sự tấn công “sẽ có” của các nền văn hóa khác, ngang qua cuộc hội nhập mà ồ ạt tràn vào đất nước ta. Nếu văn hóa Việt Nam không đủ sức đề kháng như một người đã được tiêm phòng trước thì có thể bị “bệnh dịch” hoành hành. Nếu có được sức đề kháng nhờ chúng ta chuẩn bị trước thì sự hội nhập sẽ là một dịp cho chúng ta lớn mạnh hơn. Và văn hóa lúc đó sẽ trở thành một yếu tố hấp dẫn người bên ngoài đến với đất nước ta không phải chỉ vì kinh tế, chánh trị hay ngoại giao mà có thể vì nét văn hóa đặc thù của chúng ta.

Khi nói đến văn hóa, chúng tôi không chỉ nghĩ đến văn hóa nghệ thuật mà còn nhớ đến văn hóa ẩm thực, văn hóa thời trang, văn hóa trong nếp sống hàng ngày.



Chúng ta cũng hơi an tâm khi thấy rằng trước khi hội nhập, văn hóa ẩm thực đã được người nước ngoài quan tâm đến: có một số khách du lịch tìm đến thăm Việt Nam không phải chỉ muốn ngắm nhìn danh lam thắng cảnh mà cũng có ý muốn nếm sơn hào hải vị hay ít ra một vài món ăn đặc biệt như “nem” (tức là nem rán ở miền Bắc hay chả giò ở miền Nam) hoặc “phở”. Hai danh từ đó đã được biết đến thông dụng trên nhiều nước châu Âu và châu Á. Và về mặt này, trong khoảng 10 năm nay, văn hóa ẩm thực đã được rất nhiều giới trong nước quan tâm. Nhưng chúng ta vẫn phải quan tâm tìm thêm những món ăn, nước uống thật đặc sắc của cả ba miền để tuần tự giới thiệu cho du khách sẽ đến từ năm châu. Cẩn thận trong cách trình bày thức ăn, cách dọn bàn, tiếp khách, trang trí phòng ăn, lựa loại nhạc Việt Nam truyền thống hơn nhạc nước ngoài, tạo một không gian và không khí rất Việt Nam, vì du khách đến nước ta là để tìm những gì không có ở nước họ chớ không phải để gặp những gì quen thuộc, hay của ta bắt chước họ.

  

Về văn hóa thời trang thì chiếc áo dài của Việt Nam đã bao nhiêu lần được những nhà thiết kế lớn như Minh Hạnh, Sĩ Hoàng giới thiệu tại các nước và được sự chú ý của các chuyên gia thời trang thế giới. Trong những cuộc thi về y phục của phụ nữ các nước, chiếc áo dài đã có lần được thế giới đánh giá là đẹp nhứt. Tôi nhớ lại từ năm 1949 đến nay, khi tôi rời đất nước Việt Nam bôn ba bốn biển năm châu, mỗi lần tôi giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam trong một buổi hòa nhạc, luôn luôn tôi mặc áo dài khăn đóng Việt Nam. Lúc ấy, tôi đã bị rất nhiều bạn Việt Nam trong và ngoài nước cho rằng tôi có óc “phong kiến”, “cổ hủ”, là tôi muốn bắt chước Cựu hoàng Bảo Đại, nhưng ngược lại tại nhiều nước như Phi Luật Tân, Ba Tư, Ấn Độ, Anh quốc, Đức quốc, khi giới thiệu tôi là một đại biểu Việt Nam, tôi mặc quốc phục dđứng dậy chào thì được các tràng pháo tay rất nồng hậu đón tôi. Khi trường đại học tại Perth (Tây Úc) mời tôi giảng một bài về nhạc truyền thống Việt Nam, ông Frank Callaway, trưởng khoa Âm nhạc, ước ao tôi mặc áo dài Việt Nam vì trong bài thuyết giảng có phần minh họa với cây đàn tranh. Có nhiều người Việt đã chảy nước mắt khi tôi bước lên bục giảng với quốc phục Việt Nam. Khi về nước, trong những buổi hòa nhạc dân tộc, nữ nhạc công thì mặc áo dài duyên dáng còn nam nhạc công thì mặc quần tây và áo gilet như người Nga hay Trung Đông. Tôi rất tiếc! Biểu diễn tân nhạc hay nhạc ngoại quốc thì ăn mặc thế nào tùy ý thích của diễn viên. Nhưng biểu diễn nhạc truyền thống Việt Nam, tại sao không thể mặc áo dài, như các “liền anh quan họ”?


Mới đây nhứt trong Hội nghị APEC, chiếc áo dài của nam giới đã được chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và nguyên thủ nhiều nước khác mặc để chụp ảnh kỷ niệm. Ảnh đó được nhiều đài truyền hình và báo chí thế giới phát sóng, hay đăng tải, đã gây một ấn tượng đẹp đẽ cho văn hóa thời trang Việt Nam.

 


Về văn hóa nếp sống hàng ngày, từ xưa, chúng ta vốn có lòng hiếu khách đặc biệt, trong xã hội có đủ tôn ti trật tự. Tình thương người, nhứt là đối với người lân cận láng giềng, luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ “lá lành đùm là rách” chứ không phải “sống chết mặc bây”. Trong những trường hợp đặc biệt như quan hôn, tang tế thì cả làng xóm đều sẵn sàng giúp đỡ nhau. Đối với chánh quyền thì tôn trọng luật pháp; trong gia đình đối với cha mẹ thì tròn lòng hiếu thảo; đối với thầy thì tôn sư trọng đạo. Những nét văn hóa đẹp trong nếp sống hàng ngày đó hình như nay dần càng mất đi. Nếp sống mới làm cho mọi người chúng ta thường chỉ nghĩ đến mình, đến tự do cá nhân mà không còn nghĩ đến người khác. Điều đó thấy rõ trong cách giao thông ngoài đường phố, trong cách giao tiếp hàng ngày của các hộ dân.

 

Người Việt có một nụ cười chào khách rất dễ thương. Nhiều du khách đã nhận thấy và chụp nhiều ảnh nụ cười trên môi những người già, trẻ, bé, lớn. Chúng ta nên giữ đừng cho nụ cười tắt trên môi chúng ta.

Chúng ta cũng nên thay đổi thái độ trong rạp hát hay trong các phòng hòa nhạc. Người nghệ sĩ đem hết công sức ra luyện tập tiếng đàn, giọng hát để cống hiến cái đẹp cho khán thính giả, vậy mà người xem thường khi nói chuyện với nhau, đọc sách báo hay ăn quà, nói chuyện qua máy di động… Nghe biểu diễn xong, vỗ tay lấy lệ mà không nghĩ rằng người nghệ sĩ không phải chỉ cần ăn cơm, uống nước, tiếng vỗ tay khen thưởng hay khích lệ là món ăn tinh thần rất cần thiết.

Cách tổ chức, triệu tập và điều hành hội thảo cũng cần sửa đổi để tránh việc thư mời đến tay đại biểu sau khi hội thảo bế mạc. Đi dự hội thảo, không đến quá trễ, không rời nơi họp quá sớm.

Chúng ta cũng nên nhớ rằng từ đây sẽ có rất nhiều người nước ngoài có dịp vào nước ta, họ sẽ nhìn vào nếp sống hàng ngày của chúng ta và ngang qua đó đánh giá được phong cách văn minh, nền văn hóa của nơi họ đến.

Như vậy thì hiện nay, chỉ có văn hóa ẩm thực và văn hóa thời trang còn có sức mạnh hấp dẫn người nước ngoài khi có dịp liên hệ với đất nước Việt Nam.

Nhưng về văn hóa trong nếp sống hàng ngày và trong âm nhạc, chúng tôi còn rất nhiều ưu tư. Ngay như trong hội nghị APEC vừa qua, trong những buổi tiếp đãi quan khách cấp cao, thì chỉ có dàn nhạc giao hưởng Việt Nam biểu diễn. Đôi khi có dàn nhạc dân tộc theo phong cách mới của đội ca múa nhạc trung ương dùng những nhạc khí Việt Nam biểu diễn tân nhạc hay nhạc dân tộc cải biên. Những môn âm nhạc dân tộc chính xác như Ca Trù, Nhã Nhạc Cung Đình Huế hay Đờn Ca Tài Tử miền Nam chỉ biểu diễn ở bên ngoài và các quan khách cao cấp chưa bao giờ được nghe!


Nghệ thuật Ca Trù


Nghệ thuật Nhã Nhạc cung đình Huế


Nghệ thuật Âm nhạc Tài Tử Nam Bộ

Xem xét lại từ mấy chục năm nay, khi trong nước gởi những đoàn nghệ thuật ra nước ngoài thì chỉ nhạc dân tộc chính xác được sự quan tâm đặc biệt của giới âm nhạc năm châu. Những công ty dĩa hát đều ghi lại Âm nhạc dân tộc Việt Nam chính xác để bán cho quần chúng như Ca Trù, Quan Họ, Hát Chèo miền bắc; Ca Huế, Nhạc Cung Đình kể cả nhạc Phật giáo miền Trung, Ca nhạc Tài Tử Cải Lương miền Nam đều được đánh giá cao và các dĩa hát đó thường nhận được những giải thưởng đặc biệt của các giới phê bình hay các Hàn Lâm viện dĩa hát. Các Bảo tàng viện và Nhà văn hóa của các nước Âu Mỹ đều tìm mua dĩa hát hay băng từ ghi âm nhạc dân tộc để tàng trữ. Cơ quan Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã hai lần tôn vinh Nhạc dân tộc Việt Nam, Nhã Nhạc Cung Đình Huế, Cồng Chiêng Tây Nguyên. Chúng tôi chưa bao giờ gặp trong các bảo tàng viện quốc tế những dĩa hát về tân nhạc hay là Nhạc giao hưởng Việt Nam. Do đó chúng tôi tin rằng Âm nhạc dân tộc Việt Nam có thực chất khoa học và nghệ thuật khá cao đáng được chúng ta trau dồi thêm để Âm nhạc trở thành một yếu tố quan trọng hỗ trợ đắc lực cho công việc giao lưu chánh trị, ngoại giao và kinh tế.

 
 
 

Một vài dĩa hát về âm nhạc truyền thống dân tộc Việt Nam được ghi âm bởi các hãng dĩa ngoại quốc (Ocora, Inedit...) hoặc dĩa hát của UNESCO

Muốn được vậy thì tất cả chúng ta trong mọi tầng lớp phải có ý thức rằng công việc bảo tồn, phát huy, phổ biến nhạc dân tộc là bổn phận của mọi người: các nghệ nhân giảng dạy tận tình, các chuyên gia nghiên cứu phân tích, phổ biến rộng rãi những điểm đặc thù độc đáo của Âm nhạc truyền thống, giới thanh niên quan tâm tìm hiểu, học hỏi nhạc nước nhà thay vì giang hai tay đón những luồng nhạc kích động từ bên ngoài. Nếu quần chúng không thờ ơ với nền cổ nhạc như ngày nay, được giấy mời miễn phí cũng không đi vì để thời gian mua vé xem biểu diễn ca múa tân nhạc và nhạc nước ngoài; nếu các cơ quan truyền thông đại chúng có ý thức nâng đỡ âm nhạc dân tộc bằng những buổi truyền thanh, truyền hình với cương trình dân ca cổ nhạc vào những giờ cao điểm thì họa chăng âm nhạc dân tộc, từ mấy chục năm nay đã bị một căn bịnh mãn tính mà chưa được điều trị tận gốc, sẽ được hồi sinh. Nhứt là chánh quyền trong nước từ trước đến nay đã đưa ra những khẩu hiệu vạch ra đường hướng rất tốt như “Dân tộc, Khoa học, Đại chúng”, “Về Nguồn”, “Tạo một nền âm nhạc có tánh chất hiện đại mà vẫn giữ tánh chất đậm đà dân tộc”… Nhưng mà thực hiện đường lối đó bằng cách nào, với phương tiện nào thì chưa nói rõ.

Theo thiển ý, lúc này hơn lúc nào, chánh quyền Việt Nam cần có một chánh sách rõ ràng như tôn vinh các nghệ nhân, đề ra những biện pháp cụ thể giúp cho âm nhạc Việt Nam cũng như các hình thức văn hóa khác có được điều kiện phát triển, xây dựng một bản sắc dân tộc bền vững và độc đáo. Chúng tôi nghĩ rằng việc đem âm nhạc vào học đường rất cấp bách, thay đổi cách dạy âm nhạc truyền thống trong các cấp học (mẫu giáo, tiểu học, trung học, đại học, nhạc viện…) là rất cần thiết.

Chúng ta nên nhớ rằng bạn bè trên thế giới khi vào Việt Nam là muốn nhìn thấy bộ mặt thật của văn hóa Việt Nam chứ không phải muốn thấy chúng ta bắt chước thế giới giỏi đến mức nào.

Chúng ta không nên tự tôn hay tự ti mặc cảm, mà luôn luôn tự hào về văn hóa của chúng ta và tự tin vào sức sống của dân tộc Việt Nam trên lãnh vực văn hóa. Như vậy, văn hóa sẽ là một yếu tố quan trọng trợ lực cho các giới chánh trị, kinh tế trên con đường hội nhập. Và chừng ấy, chúng ta có thể vững lòng hòa nhập với cộng đồng thế giới mà không lo mình sẽ bị hòa tan trong ấy.

TRẦN VĂN KHÊ
(Nguồn ảnh: from Internet)

NGUYỄN TRÃI & ÂM NHẠC


NGUYỄN TRÃI & ÂM NHẠC

TRẦN VĂN KHÊ


Đôi dòng tiểu sử

Nhắc tới Nguyễn Trãi, đa số chúng ta đều biết rằng ông sanh tại Nhị Khê, tỉnh Hà Tây, năm Canh Thân (1380), cháu ngoại của Trần Nguyên Đán, tôn thất nhà Trần; con trai của Nguyễn Phi Khanh. Lúc 20 tuổi (1400) đã đỗ Thái học sinh (tiến sĩ) dưới thời nhà Hồ.

Năm 27 tuổi theo cha bị quân Minh bắt giải về Kim Lăng (1407), tới Nam quan, định đi theo để phụng sự cha trong cảnh tù đày. Nhưng để trọn hiếu, nghe theo lời cha khuyên phải trở về tìm cách báo thù cha, rửa hận nước. Ông bị giam lỏng tại Nam Đông Quan (Hà Nội).

Năm 38 tuổi (1418), ông cùng Trần Nguyên hãn trốn vào Lam Sơn, góp sức với người anh hùng áo vải Lê Lợi khởi nghĩa đánh đuổi quân Minh xâm lược ra khỏi bờ cõi, đem lại độc lập cho nước, tự do cho dân tộc. Ông nổi tiếng với bài Bình Ngô Đại Cáo, và là tác giả của Gia Huấn Ca, Ức Trai Thi Tập, Dư Địa Chí, Quốc Âm Thi Tập…, là một người văn võ toàn tài.

Theo phò vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi), đến ngày vua băng hà, ông lui về ẩn dật tại Côn Sơn, tỉnh Hải Dương. Năm 1434 vua Lê Thái Tông lại triệu ra làm quan. Đã nhiều lần dâng sớ cho nhà vua trong những công việc giữ nước, dựng nước.

Vua Thái Tông ái mộ Nguyễn Thị Lộ, phu nhân của Nguyễn Trãi, gọi vào cung cho làm “Lễ nghi nữ học sĩ”, dạy lễ nghi, văn chương cho các cung nữ. Khi đi tuần miền Đông, vua nghỉ đêm tại nhà của Nguyễn Trãi (vườn Lệ Chi, xã Đại Lai, trên sông Thiên Đức). Sau một đêm vua băng hà. Triều đình, các hoạn quan cho rằng Nguyễn Thị Lộ đã âm mưu giết vua và buộc tội cả Nguyễn Trãi.

Ngày 16.08 năm Nhâm Tuất (1442), Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ bị tru di tam tộc. Nỗi hàm oan ấy ngày nay mới được nhiều nhà nghiên cứu lịch sử làm sáng tỏ, nêu bật lòng trung quân ái quốc của Nguyễn Trãi cùng phu nhân Nguyễn Thị Lộ và ác tâm của bọn hoạn quan, đã cho một tỳ nữ lén bỏ thuốc độc vào bình trà của nhà vua để vu oan Nguyễn Thị Lộ và trả thù Nguyễn Trãi.

Có lẽ ít người biết rằng Nguyễn Trãi làu thông âm nhạc và đã tham gia vào việc nghiên cứu, xây dựng nền âm nhạc cung đình của nhà Lê.

Nguyễn Trãi và âm nhạc

Có lẽ cũng cần nhắc lại một điểm quan trọng: dù rất rành chữ Hán nhưng trong sáng tác Nguyễn Trãi dùng chữ Nôm nhiều hơn cả các văn nhân thời đó. Rất nhiều bài thơ của ông (trong Quốc Âm thi tập), đặc biệt tập “Gia Huấn Ca” được viết bằng chữ Nôm.

Ông rất sành nghệ thuật uống trà, biết thưởng thức trà ngon của Trung Quốc nhưng vẫn thích trà “Tước thiệt” (lưỡi chim se sẻ) trồng tại Quảng Trị hơn các loại trà Trung Quốc. Lúc giải trí ông không thích dùng các nhạc khí và những bản đàn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trong bài thơ Tự Thuật ông đã viết: “Cầm Nam ta gảy khúc Nam thôi…”.

Sau khi lên ngôi – Đinh Tỵ năm thứ tư 1437 mùa xuân tháng giêng, vua Lê Thái Tông đã sai quan Hành khiển Nguyễn Trãi cùng với lễ bộ Ty giám là Lương Đăng đốc làm loan giá, nhạc khí, dạy tậ nhạc và múa (“Đại Việt sử ký toàn thư”, tập III, quyển XI, tr.112 – 146).

Hành khiển Nguyễn Trãi dâng biểu về khánh đá và tâu rằng: “Kể ra thời loạn dùng võ, thời bình chuộng văn. Nay đúng là lúc nên làm Lễ nhạc. Song không có gốc thì không đứng được, không có văn thì không hành được. Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Thần vâng chiếu làm nhạc, không dám không hết lòng hết sức, nhưng vì học thuật nông cạn sợ rằng trong khoảng thanh luật (1), khó được hài hòa. Xin bệ hạ yêu nuôi nhân dân, để cho các nơi làng mạc không có tiếng oán giận than sầu, đó là không mất cội gốc của nhạc vậy”. Vua khen nhận, sai thợ đá ở huyện Giáp Sơn lấy đá ở núi Kinh Chủ để làm.

Đoạn vừa kể trên chứng tỏ Nguyễn Trãi đã có học lý thuyết về âm nhạc, nhưng lại có một tư tưởng rất mới: Trong âm nhạc có nội dung (mà ông gọi là gốc của âm nhạc) vàhình thức (là văn của âm nhạc). Theo ông, cái văn không quan trọng bằng cái gốc và cái gốc xuất phát từ nhân dân. Nếu quốc thái dân an, nhân dân có được một đời sống sống ấm no, đầy đủ, được tình thương lo của nhà vua thì chỉ có tiếng nhạc vui tươi. Nếu nhân dân bị thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần, cất tiếng ta thán, tiếng nhạc sẽ bi ai, và ông cho rằng như thế là đã mất gốc của âm nhạc. Trong lịch sử chính trị và văn hóa nước ta, chưa người nào đưa ra những ý kiến sâu sắc về âm nhạc như vậy.

Trong lúc làm việc với Lương Đăng, nhiều điểm bất đồng đã nảy sinh giữa hai người. Lương Đăng có ý muốn chép y lại những quy định nhạc cung đình của nhà Minh, đặt ra hai dàn nhạc Đường thượng chi nhạc tấu trên cung điện, và Đường hạ chi nhạc tấu dưới sân đình.

Dàn Đường thượng chi nhạc gồm 8 loại nhạc khí thuộc về 8 âm (Bát âm) giống như dàn nhạc Triều hạ yến hưởng chi nhạc của nhà Minh, chỉ khác số nhạc khí được dùng trong biên chế.

  1. Huyền đại cổ (trống lớn treo) thuộc về âm cách (da)
  2. Biên khánh (một dàn 12 chiếc khánh nhỏ) thuộc về âm thạch (đá)
  3. Biên chung (một dàn 12 chuông nhỏ cùng một cỡ mà trọng lượng khác nhau) thuộc về âm kim (đồng)
  4. Thiết sắt cầm (đàn sắt 25 dây tơ, đàn cầm 7 dây tơ) thuộc về âm ty (tơ)
  5. Ống sinh (một loài kèn bè) thuộc về âm bào (bầu)
  6. Các loại ống tiêu (thổi dọc), quản, thược, trì (loại sáo trúc cổ, thổi ngang) thuộc về âm trúc (tre)
  7. Chúc ngữ (chúc là một cái thùng bằng gỗ, trên lớn dưới nhỏ; ngữ là một loại hạc khí gõ hình con cọp, trên lưng có những răng để cho nhạc công cầm một miếng gỗ quẹt nhẹ dài theo lưng cọp gây nên tiếng “rẹt, rẹt”) thuộc về âm mộc (cây)
  8. Huân (một ống thổi hình trứng ngỗng, có khoét một lỗ để thổi và sáu lỗ dùng những ngón tay bấm vào, làm bằng đất nung) thuộc về âm thổ (đất)
Về các loại nhạc, Lương Đăng đề nghị có 8 loại:

  1. Giao nhạc (dùng trong cuộc tế Nam giao)
  2. Miếu nhạc (dùng trong các miếu như Thái miếu, Thế miếu, Văn miếu…)
  3. Ngũ tự nhạc (dùng trong năm cuộc tế lễ, theo người xưa thì có thể dùng tế thần năm sắc trong cung, hoặc là năm vị thần mang tên Câu mang, Mục thư, Huyền minh, Chúc dương, Hậu thổ). Có người cho rằng năm vị thần trong cuộc tế lễ thuộc về hộ (cửa), táo (bếp), trung lưu (giữa nhà), môn (cửa lớn), hành (đường đi)
  4. Cứu nhật nguyệt giao trùng nhạc (dùng để cứu mặt trời, mặt trăng trong lúc nhật thực, nguyệt thực, vì theo tín ngưỡng của một số người Việt, khi nhật thực, nguyệt thực đang diễn ra, lúc đó có một con gấu khổng lồ muốn nuốt mặt trời và mặt trăng nên lúc đó phải có một loại nhạc dùng trống to đánh lên để làm cho con gấu hoảng sợ không dám nuốt)
  5. Đại triều nhạc (dùng trong những buổi quan trọng như Lễ ngày sanh của nhà vua, Tết Nguyên đán, ngày mồng một hay ngày rằm…)
  6. Thường triều nhạc (dùng trong những buổi triều chính thường trong tháng)
  7. Đại yến cửu tấu nhạc (dùng trong những buổi tiệc lớn)
  8. Cung trung chi nhạc (dùng để tấu trong cung như một đoạn nhạc tiêu khiển cho nhà vua và triều thần)
Bốn tháng sau, Hành khiển Nguyễn Trãi tâu rằng: “Mới rồi bọn thần cùng với Lương Đăng sửa định Nhã nhạc, nhưng sở kiến của Thần không giống sở kiến của Lương Đăng, thần xin trả lại mệnh ấy”.

Trước kia, Thái Tổ sai Nguyễn Trãi định quy chế mũ áo, chưa kịp thi hành, Lương Đăng dâng thư, đại khái nói: “Kể Lễ thì có lễ đại triều, lễ thường triều. Tế Trời, cáo miếu, ngày thánh tiết, ngày Nguyên đán thì làm lễ đại triều, Hoàng đế mặc áo cổn, đội mũ miện, lên ngồi ngai báu, trăm quan mang áo mũ triều. Còn như những ngày mồng một, ngày rằm hàng tháng thì Hoàng đế mặc áo bào vàng, đội mũ xung thiên, ngồi ngai báu, trăm quan mặc áo công, đội mũ phát đầu. Thường triều thì Hoàng đế mặc áo bào vàng, đội mũ xung thiên, ngồi sập vàng, trăm quan mặc áo thường, cổ tròn, đội mũ sa đen. Về Lễ bộ thì có đại giá, xe loan lớn, xe ngựa kéo, có kiệu cửu long (chín con rồng), kiệu thất long (bảy con rồng), có xe người kéo, đi bước một, xe chạy nhanh”.

Thư ấy dâng lên. Vua sai Lương Đăng định. Lương Đăng nhân thể mới dâng lên quy chế về áo mũ và nhạc khí. Đại khái quy chế do Lương Đăng và Nguyễn Trãi định, nhiều chỗ không hợp nhau; lời bàn về nhạc khí, lớn nhỏ, nặng nhẹ, nhiều điều trái nhau, mà cách tấu cũng không giống nhau, vì thế mà Nguyễn Trãi từ việc. Vua nghe lời đề nghị của Lương Đăng rồi làm theo (sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư không có ghi lại lời đề nghị của Nguyễn Trãi).

Vua sai chép các nghi thức ấy treo ở ngoài cửa Thừa Thiên. Vua lễ yết Thái miếu, các quan mặc triều phục làm lễ bắt đầu từ đấy.

Mặc dầu không đồng ý với cách sắp đặt của Lương Đăng, Nguyễn Trãi cũng không chỉ trích biên chế của dàn nhạc và các loại nhạc, nhưng khi hành lễ thì những chi tiết trong cách tấu nhạc có nhiều điểm rất sai. Nguyễn Trãi (với sự đồng tình của một số quan trong triều đình như Tham tri Bạ Tịnh, Nguyễn Tuyền, các quan Đào Công Soạn, Nguyễn Văn Huyến, Tham nghị Nguyễn Liễu) dã dâng sớ tâu rằng: “Đặt lễ làm nhạc, tất phải đợi được có người mới làm, được như Chu Công thì mới không có ai chê trách. Nay sai kẻ hoạn quan Lương Đăng một mình định lễ nhạc, cả nước chẳng nhục lắm ư? Vả lại, lễ nhạc của y là dối vua lừa dưới, không bằng cứ vào đâu. Như trước kia, đánh trống là báo giờ ra chầu buổi sớm, nay nhà vua ra chầu rồi mới đánh trống. Theo quy chế xưa, lúc vua ra, bên tả đánh chuông Hoàng chung, rồi năm chuông bên hữu ứng theo; lúc vua vào thì đánh chuông Nhuy tân (Di tân, một trong 12 luật lữ), rồi năm chuông cùng ứng theo. Nay vua ra chầu đánh 108 tiêng chuông, đó là số nhà sư lần tràng hạt. Theo quy chế thì vua ngồi ở cửa Phụng Thiên phải có sập vàng, ở điện Phụng Thiên phải có ngai báu, nay chỉ có một điện Hội Anh, lại chỉ có sập vàng, thế là lễ nghi gì?”.

Đám hoạn quan vì thế rất thù ghét Nguyễn Trãi và nghĩ ra mưu kế làm hại Nguyễn Trãi tại Lệ Chi Viên.

♫♫♫♫

Đọc lại trang sử đó, tôi không khỏi ngậm ngùi và tiếc cho một người tài ba lỗi lạc, hiếu với cha, trung với nước. Khi vua không phải là minh quân thì ông đã treo ấn từ quan, nhưng lúc quốc gia cần thì phụng sự hết lòng hết dạ. Trong nếp sống và quan điểm về âm nhạc, ông coi trọng bản sắc dân tộc và bài trừ những tư tưởng vọng ngoại.

Khi xưa, vì một Lương Đăng mà nhạc cung đình nhà Lê không được xây dựng vững chắc. Ngày nay, trong những việc tổ chức âm nhạc tại nước Việt, chúng ta cũng phải tránh để đừng có những “Lương Đăng” vọng ngoại và coi thường nhạc cổ truyền ViệtNam.

Bình Thạnh, ngày 26.12.2007

(1) Thanh luật là Thất thanh thập nhị luật lữ. Bảy thanh của thang âm thời xưa là Cung-Thương - Giốc - (biến chủy) - Chủy – Vũ – (biến cung).

Thập nhị luật lữ là 12 âm chuẩn, có 6 luật (thuộc về dương) và 6 lữ (thuộc về âm) theo cổ nhạc Trung Quốc mà người Việt có học đều biết:

1- Hoàng chung; 2- Đại lữ; 3- Thái thốc; 4- Giáp chung; 5- Cô tẩy; 6- Trọng lữ; 7- Nhuy tân (có nơi đọc là Di tân); 8- Lâm chung; 9- Di tắc; 10- Nam lữ; 11- Vô xạ; 12- Ứng chung.

Những âm 1-3-5-7-9-11 là luật; 2-4-6-8-10-12 là lữ