Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

Nghe Thầy Khê nói chuyện âm nhạc

Nghe Thầy Khê nói chuyện âm nhạc

GS.TS Trần Văn Khê ngồi đó, trên xe lăn, trong Hiên trà Trường Xuân bên bờ sông Hoài của Phố cổ Hội An. Những lời ông nói về âm nhạc dân tộc, không lên gân giáo điều mà rủ rỉ, gan ruột, chân tình đúng như một cuộc trò chuyện. Những lời của ông đến với người nghe một cách tự nhiên. Tự nhiên cả trong những tràng vỗ tay dành cho ông...


Những lời của tri kỷ 
 
Trong khuôn khổ Tuần lễ Văn hóa Việt - Nhật tại Hội An, không hẹn mà gặp, rất nhiều du khách đã tụ tập ở Hiên trà Trường Xuân khi biết GS.TS Trần Văn Khê có buổi trò chuyện về âm nhạc dân tộc tại đây.

Thời gian chỉ hơn 1 tiếng đồng hồ, ông vẫn đủ sức mê hoặc thính giả bởi kiến thức uyên bác không chỉ âm nhạc. Nói về khí nhạc, thanh nhạc, ông lồng vào đó kiến thức văn chương, sử học, triết học, dịch học và những minh hoạ bằng chính lời ca của ông. Trên cả, người đối diện thấy nhiệt huyết trong ông cuộn chảy, để được nghe những lời của tri kỷ. Phải chăng đấy là yếu tố làm nên thương hiệu Trần Văn Khê?

Ông nói về cái gì cũng hay. Ví dụ đàn bầu sau khi giải tích sự vĩ đại của nhạc cụ này, ông ngâm thơ (giọng quá hay) của Văn Tiến Lê: “Một dây nũng nịu đủ lời/ Nửa bầu chứa cả một trời âm thanh”. “Một dây căng giữa đất trời/ Cần nghiêng nghiêng tựa giáng người vươn cao/ Tiếng ngân ngân tận cõi nào/ Dư âm rơi ngẩn ngơ vào tim ai” (Hải Phương). 


GS.TS Trần Văn Khê
Chỉ riêng chuyện ông giải thích giọng ai và giọng xuân cũng khiến tính giả trải nghiệm đủ cung bậc tình cảm. “Năm ngoái ngày này dưới cánh song/ Hoa đào sánh với mặt ai hồng/ Mặt ai đâu thấy, tìm đâu thấy/ Chỉ thấy hoa cười với gió đông” ( Đế đô Thành Nam Trang - Thôi Hộ) . Ông ngâm bằng giọng ai, thấy như trong đó nỗi nhớ giai nhân quay quắt của thi sĩ đa tình Thôi Hộ khi về lại căn phòng năm ngoái.

Quảng Nam - Đà Nẵng là đất của Tuồng. Ai cũng ngỡ ngàng khi ông phân tích cặn kẽ. “Nhiều người nghĩ tuồng chẳng có gì hay ho khi la hét ỏm tỏi. Nhưng la hét cũng phải có cách”. Rồi ông trực tiếp thị phạm. Thế nào là giọng mé, giọng hầu, nực, ngang, trung, nịnh. Riêng cười dê cũng có hai loại: thượng cấp và hạ cấp thượng cấp. Đến đoạn ông ngâm đoạn thoại tả cảnh Đổng Trác muốn cầm tay Điêu Thuyền khi chưa say, với lúc say, ai cũng cười vì quá sinh động và ông đã lột tả hết tư cách của Trác. Phụ họa chính cho ông là nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng ( TPHCM). Phượng còn trẻ, nhưng được thầy Khê chọn là cả cơ duyên. Mà thế thật, khi bên ngâm, bên lướt phím đàn phiêu diêu trông họ đồng cảm như Bá Nha - Tử Kỳ.

Mai này còn mấy người mẹ hát ru con? 

 
Sau buổi trò chuyện, TS nhân loại học người Israel - ông Nir Avialy đã hỏi GS.TS Trần Văn Khê: Vì sao thanh niên Việt Nam quay lưng với âm nhạc dân tộc? 


89 tuổi, giọng GS Trần Văn Khê vẫn còn khỏe và hay lắm. Tuy thế, thi thoảng những cơn ho vẫn ập đến khiến thính giả không khỏi ái ngại. Đến nay, ông vẫn chưa có “truyền nhân”. Mai này ai sẽ kế thừa và phát huy di sản của bộ óc kỳ vĩ này?

Thay vì trả lời bằng tiếng Anh, giáo sư Khê nói bằng tiếng Việt và giải thích rất rộng. Vì chúng tôi mấy chục năm chiến tranh không có điều kiện lưu giữ, phát triển. Nay cuộc sống thay đổi, những người mẹ không còn hát ru con, trẻ em không hát đồng dao. Ra đồng, những điệu hò cũng ít ngân vang.

Theo ông, chúng ta phải ưu ái với âm nhạc dân tộc nói chung, với dân ca nói riêng hơn nữa. Các nghệ nhân già phải được tôn vinh, quan tâm đúng mực. Ngạn ngữ Châu Phi có câu: một người già làng mất đi như một thư viện đã cháy. Thanh niên phải có bổn phận giữ gìn bản sắc âm nhạc dân tộc.

Trước nguy cơ bị ảnh hưởng của âm nhạc nước ngoài ông nói: “Cứ chơi với khách nhưng phải có tâm thế người chủ rõ ràng. Không thể cho khách ở lì trong nhà. Họ phải ở phòng khách... Tiếp thu tinh tuý ngoại lai chỉ nên hiểu như ăn ớt, uống rượu. Còn âm nhạc dân tộc là cơm, là nước, không gì có thể thay thế. Đấy là ý nghĩa trường tồn của âm nhạc dân tộc.

Phải đưa dân ca vào trường học. Phải khuyến khích giới trẻ học, biểu diễn âm nhạc dân tộc không chỉ bằng tin thần, mà chế độ vật chất với họ. Chỉ như thế mới khơi gợi đam mê cho bộ phận trẻ với âm nhạc dân tộc, nếu không họ “dại gì” mà gắn bó với âm nhạc dân tộc, trong khi nếu họ hát một bài nhạc mới thì được ăn mặc đẹp, còn bỏ túi cả chục triệu đồng.

“Tôi cảm ơn các bạn đã chịu khó ngồi nghe, tôi chú ý dường như không ai bỏ về cả” - GS.TS Trần Văn Khê xem ra vui lây trước sự háo hức của thính giả.

Ước gì sáng qua, bên sông Hoài có hàng trăm em nhỏ được nghe cuộc trò chuyện trên.


Hữu Quý (Thể thao & Văn hóa)

Add a Comment
   

tikho wrote on Sep 16, '09
Mẹ của Ti' vẫn còn hát ru con đó. Anh em Tí lớn lên bằng lời ru của Mẹ. Chứ không phải nghe cái loại nhạc lai căng nhái theo thằng Tàu khựa đâu.

tranquanghai wrote on Sep 16, '09
Một bài tường thuật linh động tả lại trung thực buổi nói chuyện đã tạo nên một bầu không khí vui, sảng khoái thích thú khi được biết gia tài âm nhạc Việt rất giàu qua tài thuyết minh đầy hấp dẫn của Ba . Điều quan trọng là khi nghe xong , cần phải áp dụng vào đời sống thực tế, để cho tiếng nói còn vang mãi qua không gian và thời gian .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét