Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

Giáo sư Trần Văn Khê: "Âm nhạc dân tộc cần thiết như cơm ăn, nước uống"

Giáo sư Trần Văn Khê: "Âm nhạc dân tộc cần thiết như cơm ăn, nước uống" 
Giới trẻ dường như đang quay lưng lại với nhạc truyền thống, nên yêu cầu làm sao để họ hiểu, yêu nhạc truyền thống và giữ gìn nó trở nên rất cần thiết hiện nay. Trước cuộc nói chuyện về âm nhạc dân tộc (ANDT) tại Hội An hôm 15-8, GS-TS Trần Văn Khê đã dành riêng cho PV Báo Quảng Nam cuộc trao đổi thú vị về vấn đề này trong thời kỳ hội nhập sâu rộng cả về văn hóa - âm nhạc.
 
alt
Tuổi cao, sức yếu nhưng GS Trần Văn Khê vẫn thường nói chuyện với thanh niên để khơi dậy tình yêu âm nhạc.

PV: Thưa GS, trong xu thế hội nhập như hiện nay, những giá trị về văn hóa, trong đó có âm nhạc liệu có bị ngoại lai, thậm chí bị hòa tan trong cuộc gặp gỡ đa phương? 

GS Trần Văn Khê: Đó chính là điều chúng ta đang đối mặt, ANDT đang bị lu mờ dần. Tôi đã dành cả đời cho ANDT, đem hết công sức để nghiên cứu, phát huy và giới thiệu nhạc truyền thống Việt Nam với bạn bè khắp thế giới. Trong nhiều cuộc gặp gỡ, nói chuyện, hội nghị, hội thảo, tôi cũng như nhiều nhà nghiên cứu đã rất nhiều lần báo động về việc nền ANDT sẽ bị lu mờ, thậm chí bị hòa tan vào dòng chảy hội nhập. Sự phát triển của khoa học công nghệ, kèm theo những cái mới sẽ làm mất dần bản sắc quý báu của văn hóa cũng như ANDT. Cần có biện pháp bảo vệ càng sớm càng tốt, nếu không tôi dám khẳng định trong vòng trên dưới 10 năm nữa thì ANDT của chúng ta sẽ bị hòa tan.

PV: Vậy theo GS, những lý do nào khiến thế hệ trẻ ngày càng xa rời ANDT?

GS Trần Văn Khê: Có nhiều nguyên do. Hiện nay, những nếp sống mới khiến người mẹ không còn ru con nên không thể gieo vào tiềm thức trẻ em những nốt nhạc dân tộc. Đứa bé chỉ được nghe toàn những loại nhạc kích động bậy bạ, ngôn từ vô văn hóa. Trẻ em không được hát đồng dao mà hát toàn những bài hát người lớn đặt ra cho trẻ con, không phù hợp tâm hồn trẻ thơ. Người đi cày đi cấy ra đồng không còn hò đối đáp với nhau. Mọi người không còn chủ động, năng động nữa mà bị thụ động trong tiếp xúc âm nhạc, không thích sáng tạo mà chỉ thích nghe. Về kinh tế, học ANDT rất công phu, tốn kém nhưng khi biểu diễn thì thu nhập lại ít, người nghệ sĩ không sống được với ANDT nên nó không còn là nghệ thuật phục vụ khán thính giả. Ngoài ra, một bộ phận lớn thanh niên Việt Nam có mặc cảm tự ti cho rằng cái gì mình cũng không bằng người ta nên đi theo trào lưu sính ngoại, nếu không theo thì trở nên lạc hậu. Đó chính là những tư duy sai, cần kịp thời được sửa chữa.

alt
GS Trần Văn Khê nói chuyện về âm nhạc dân tộc với thanh niên tại nhà riêng của mình ở TP. Hồ Chí Minh.

PV: Như thế phải chăng ANDT hiện tại rất thiếu và trở nên lỗi thời đối với giới trẻ?

GS Trần Văn Khê: ANDT không thiếu nếu có sự đầu tư và cũng không lỗi thời vì âm nhạc không phải là thời trang, nó là bản sắc văn hóa nên mãi trường tồn. Vì giới trẻ không có điều kiện biết về ANDT, không hiểu nên mới không yêu. Nếu để họ nghe tuồng, họ nói sao gào thét khó nghe nhưng đâu có hiểu tiết tấu, âm sắc là như thế nào. Nhiều bạn trẻ không hiểu nên mới chạy theo trống điện tử, trống nhạc jazz ngoại lai, nhạc pop, rock… Nhiều bạn khi hiểu ra thì mới ồ lên sao mà tuồng, chèo, chầu văn… hay vậy, nhưng không có người chỉ bày nên họ không biết. Khi thanh niên hiểu rồi sẽ thấy thương, sẽ học, luyện tập, biểu diễn thì mới có người nghe và tạo nên những thế hệ mới yêu thích ANDT. 

PV: Theo GS, chúng ta cần có những biện pháp nào để giữ gìn nền ANDT, để nó có thể thu hút giới trẻ và hướng đến một nền âm nhạc lành mạnh?

“Dạy và học là để hiểu được chầu văn khác ca trù ra sao, biết phong tục lề lối trong quan họ thế nào, chứ không phải học chỉ để hát được, đàn được. Người nghệ nhân phải truyền nghề thật nồng hậu, truyền nghề mà không giấu nghề. Người nghệ nhân nên đi một bước đến tuổi trẻ để dạy, truyền đạt; người trẻ nên đi một bước đến ANDT để hiểu và yêu, đặt sứ mạng giữ gìn ANDT lên vai mình”. GS-TS TRẦN VĂN KHÊ

GS Trần Văn Khê: Để giữ gìn, phát triển nền ANDT, cần sự chung tay của cả cộng đồng, từ Nhà nước đến người nghệ sĩ và người dân. Đơn giản nhất là người mẹ nên hát ru con bằng những câu hò, điệu lý, không nên để trẻ em sớm tiếp xúc với những dòng nhạc không chính thống. Nhà nước cũng đã có những biện pháp nhưng theo tôi là chưa đem lại hiệu quả cao. Nhà nước cần đưa ra những phong trào chứ không phải những câu khẩu hiệu, cần giúp đỡ cụ thể bằng chính sách đãi ngộ để người học ANDT có thể sống được với nó. Một điều nên làm là liên hệ với các nhà xuất bản nổi tiếng trên thế giới để đưa các khái niệm về ANDT Việt Nam vào trong bách khoa từ điển hoặc in băng, đĩa để giới thiệu các bộ môn ANDT. Chúng ta cần có định hướng để bảo tồn và tôn vinh ANDT bằng cách nói chuyện, giảng dạy ANDT trong các trường học. 

PV: Là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu nền văn hóa Việt Nam, trong đó có ANDT, GS còn có điều gì muốn gửi gắm đến giới trẻ?

GS Trần Văn Khê: Như tôi đã nói ANDT là bản sắc văn hóa, không thể bị mất đi mà mãi trường tồn vĩnh cửu. Nhạc trẻ chỉ là thú vui tiêu khiển cho cuộc đời chứ không đại diện cho một nền văn hóa. Cha ông ta đã kiên cường chiến đấu chống ngoại xâm để bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, thanh niên cần gìn giữ và phát huy những giá trị quý báu đó. Văn hóa - âm nhạc Việt Nam là chủ nhà, âm nhạc du nhập từ các nước là khách; khách đến rồi đi, không thể ở lì trong nhà người khác được. Thanh niên chỉ chơi rồi nhớ lại mình là chủ, không được để khách lấn lướt, thay thế, không được làm ANDT lùi vào bóng tối. ANDT cần thiết như cơm ăn, nước uống, ăn cơm thêm tiêu, ớt cho ngon, lạ chứ không thể lấy ớt thế cơm, không thể lấy rượu thế nước. Thanh niên phải biết đâu là nhất thời hay trường cửu  để bảo vệ, đó không chỉ là bổn phận mà là sứ mạng, nếu ANDT mà mất đi thì ngàn vàng cũng không mua lại được.

PV: Xin cảm ơn GS đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này!
Diễm Lệ (Thực hiện)

Add a Comment
   

tranquanghai wrote on Sep 5, '09
Con cũng cầu mong như Ba vậy .
Hun Ba nhiều
Con TQH

trantruongca wrote on Sep 5, '09
Cám ơn con!. Khi còn trẻ Ba thường nói : Phải tôn trọng sắc tháu dân tộc trong âmnhạc truyền thi61ng. Và yêu cầuUnesco ra một chương trình khuyên thế giới nên nghiên cứu bảo tồn và phát triển âm nhạc truyền thống.
Ba nói lần đầu năm tại Teheran năm 1961. Từ đó đến sau Ba đã nói đi nói lại điều đó hơn 30 lần trong 30 hôi nghị quốc tế khác nhau.
Và đến năm 1999 )38 năm sau!) chương trìinh của Unesco đưa ra pù hợp với loờiBa đề nghị năm1961.
Bây giờ Ba vẫn đợi ngày được "đắc đạo" (hihi ! hay nói theo các nhà duy vật; bao giờ lượng thành phẫm)đợi ... và mong rằng Ba sẽ thấy hiệu quả trước khi vĩnh vĩen ra đi !!!
Hôn con nhiều
Ba của con
TVK

tranquanghai wrote on Sep 5, '09
Lời nói của Ba rất chí lý . Con hy vọng sẽ có tiếng dội trong lòng người trẻ , và trong chính quyền . Chứ nói như nước đổ lá môn thì quả thật là công dã tràng .
Hun Ba nhiều
TQH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét