Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

ÂM NHẠC TRỮ TÌNH CỦA LƯU HỮU PHƯỚC (Phần 3)


ÂM NHẠC TRỮ TÌNH CỦA LƯU HỮU PHƯỚC
(Phần 3)
III. Bài Lời ru chim Lạc
Nhưng bài hát đậm nét cổ truyền nhứt, theo tôi là bản nhạc, bài hát cuối cùng, bắt đầu sáng tác từ tháng giêng, hoàn thành tháng ba Dương lịch năm 1989, ba tháng trước khi Nhạc sĩ vĩnh viễn ra đi: bài "Lời ru chim Lạc".
Năm 1989, Viện nghiên cứu Âm nhạc và múa mà Lưu Hữu Phước là Viện trưởng - Sở thông tin Văn hoá Thành phố tổ chức lần đầu tiên một "Liên hoan hát ru". Từ hơn mười năm trước tôi đã viết bài trên báo Saigon giải phóng, và trong nhiều buổi thuyết trình về Âm nhạc Việt Nam, tôi đã khẳng định rằng tiếng hát ru là bài giáo dục Âm nhạc đầu tiên mà đứa bé sơ sanh đã nhận được từ mẹ, bà hay chị. Bạn Lưu Hữu Phước rất tán đồng ý kiến ấy. nên khi tổ chức được liên hoan hát ru, bạn rất thú vị và trong mấy ngày liền nghe hằng ngàn câu hát ru theo phong cách người Kinh ba Miền Bắc - Trung - Nam và kể cả phong cách đồng bào Miền Thượng và người Việt gốc Hoa. Trong lúc ấy có cô Tiana Thanh Nga Alexandra Silliphant, rời Nước Việt Nam, và cô có đọc cho Lưu Hữu Phước nghe một bài thơ cô viết đại ý nói cô là con chim lạc đàn, bay ra xứ lạ, nay trở về muốn tìm cội đa xưa, nối lại tình thương, mà đau lòng vì thấy cội đa xác xơ vì khói lửa. Nhạc sĩ vừa xúc cảm vì bao nhiêu câu hát ru, lại nghe tiếng than của một con "chim non lạc đàn" mà Nhạc sĩ muốn chữ "lạc" không phải chỉ chim lạc đàn, mà là con chim Hồng, chim Lạc, tượng trương cho Dân tộc Việt Nam. Ngoài ra còn nhiều bài thơ khác mà Tiana Thanh Nga đọc cho Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước nghe, còn cái tên của hãng phim của Tiana Thanh Nga "Friendshy bridge" chiếc cầu hữu nghị giữa hai Dân tộc Mỹ và Việt Nam, đã làm cho Nhạc sĩ xúc động đến phỏng theo ý thơ và hoàn cảnh của Tiana Thanh Nga, mà đặt cả nhạc lẫn lời cho bài"Lời ru chim lạc" chớ không phải như vài "nguồn tin" cho rằng Lưu Hữu Phước "phổ nhạc" một bài thơ của Tiana Thanh Nga.
Không phân tích bài hát ấy về mặt nhạc học, tôi phải nhận xét rằng toàn đoạn đầu,
Tôi hát lời ru con chim non
Run rẩy chim lê đôi cánh
Chốn tha phương giá lạnh
Chắp chiu đêm ngày nhớ cố hương
Ôi ! trăm nhớ ngàn thương
hát buông lơi, như ngâm nga, đúng theo hơi ai oán của nhạc tài tử. Hơi đó kéo dài đến dứt đoạn đầu "ôi hỡi hỡi hỡi ru"
Đoạn nhì, bắt đầu hơi Ai Oán khi chuyển qua đến đoạn :
Sáng trăng lồng lộng
Núi dài sông rộng
Đẹp rực rỡ khắp Biển Đông
Như lời hát ru
nét nhạc qua hơi "dựng" như đang hơi Nam qua hơi Đảo.
Khi đến đoạn chim lạc hoá phượng hoàng chuyển sang sa mạc.
Trong 12 phách của đoạn chót và tiết tấu có nhịp, nhịp ngoại, đảo phách, rất dồn dập như điệu Chầu Văn.
4 phách chót là tiếng hát ru êm và nhẹ lần chấm dứt bằng chữ Ru ngân nhẹ lần 6 lần chuyển điệu chuyển nhịp theo nội dung câu chuyện.
Chưa có bài hát nào của Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đậm màu Dân tộc và mang hơi hướng nhạc truyền thống như bài "Lời ru chim Lạc". Sau bao năm sưu tầm nhạc Dân gian, nhạc Thính phòng, nhạc Sân khấu, nhạc Tôn giáo, sau khi chất Dân tộc hoà tan vào huyết quản của mình Lưu Hữu Phước không còn bận tâm đến các điệu trưởng thứ, chuyển cung, chuyển bực theo lề lối phương Tây. Không cần nghĩ đến hợp âm theo cách hoà âm đối vị, Nhạc sĩ dùng ngôn ngữ đặc thù của nhạc Việt truyền thống, chỉ khác ở chỗ, nhạc sĩ sáng tác nhạc suông câu, tròn 4 nhịp, 8 nhịp hay 12 nhịp và ghi nhạc theo phương pháp ký âm trên khuông nhạc, dùng dấu thăng, dấu giáng, nhịp 3, nhịp 6.
Tôi đã sống trong không gian cổ nhạc đã hơn nửa thế kỷ, khi ca bài "Lời ru chim Lạc", tôi có cảm giác ca những khúc ca xưa - Bè bạn tôi trong nghề, kể cả các bạn nghệ nhân cao niên, ai nghe cũng nhìn nhận rằng bài "Lời ru chim Lạc" rất giàu hơi hướng nhạc Dân tộc cổ truyền.
***
Trong tất cả những nhạc phẩm nói trên, hình bóng một thiếu nữ diễm kiều phảng phất trong lời ca. Nhạc sĩ đã nhớ "ai ngồi hát véo von hay mơ màng dưới ánh trăng vàng" trong bài "Ai nhớ ai", nhớ nàng tiên lả lướt Khúc nghê thường trong nhiều bài của vở “Tục lụy”, vì nhìn cô gái Huế "nhón chân bước xuống thuyền" mà "tình mơ thương nhớ", vì thương con chim Lạc, một thiếu nữ Việt kiều Mỹ trở về quê đi tìm cội đa xưa, đau khổ vì ai đã "ném lửa đốt cội đa xác xơ" mà thốt lên lời ru chim Lạc.
Nhưng xét kỹ thì ngoài bài "Ai nhớ ai" và "Hương giang dạ khúc" các bài hát trong vở “Tục lụy” hay bài "Lời ru chim Lạc", trong tình riêng vẫn có tình chung.
Trong "Tục lụy" tình yêu đôi lứa không đậm nét bằng tình mẫu tử - Nhã Tiên ở lại thế gian vì không muốn cho con mình lâm cảnh mồ côi - Lưu Hữu Phước sáng tác vở “Tục lụy” không phải chỉ vì nụ cười tươi như hoa của một cô nữ sinh Đồng Khánh - Lưu Hữu Phước nhiều lần nói với tôi là muốn sáng tác một loại "ca kịch" mới cho sân khấu Việt Nam. Và ý định đó gặp được cơ hội thuận tiện là có lời thơ của Thế Lữ, có lời khẩn khoản của cô nữ sinh Đồng Khánh, "nàng tiên diễm lệ đã giáng trần" đem nguồn hứng cho Nhạc sĩ, vừa đáp lời yêu cầu tha thiết của người đẹp vừa thực hiện được ý định góp phần phát triển Kịch nghệ Việt Nam bằng cánh sáng tác một loại "ca kịch" mới mà vẫn mang tính Dân tộc.
"Lời ru chim Lạc" được sáng tác không phải vì Nhạc sĩ có cảm tình cá nhân đối với một thiếu nữ, một minh tinh màn bạc diễm kiều và nổi tiếng, mà Nhạc sĩ xúc cảm vì nhận thấy nơi người ấy đậm tình thương nước thương nhà. Đọc lại bài thơ Lưu Hữu Phước chúc xuân Tiana Thanh Nga, một bài bát cú Đường Luật, Khoán thủ - tức là đọc chữ đầu của mỗi câu từ câu một đến câu tám thành câu: "Thanh Nga Phượng hoàng xây cầu tình thương" ý muốn nhắc đến việc Tiana Thanh Nga lập một công ty Friendshy bridge (chiếc cầu hữu nghị, để hoạt động cho quan hệ Việt Mỹ).
Thanh xuân đổi gió sáng muôn lòng
Nga chiếu non đoài, rạng biển đông.[1]
Phượng vĩ la đà chưa rợp ngõ
Hoàng anh ríu rít đã vang đồng
Xây lò hoả đỏ tan băng giá
Cầu trái tim vàng kết núi sông
Tình nối hai quê nên nghĩa lớn
Thương nhà thương nước một tình chung.
ta thấy rõ rằng Nhạc sĩ đã xúc động vì công việc làm và tình yêu nước Việt Nam của Tiana Thanh Nga trong hai câu chót.
Tình nối hai quê nên nghĩa lớn
Thương nhà thương nước, một tình chung
Nếu Tiana Thanh Nga chỉ là một thiếu nữ kiều diễm, hay là một minh tinh màn bạc mà không có trong lòng tình thương Dân tộc về quê hương Việt Nam, thì chắc chắn không thể nào gợi hứng cho Nhạc sĩ sáng tác bài "Lời ru chim Lạc". Bài hát ru ấy không phải chỉ ru một con chim lạc đàn mà ru tất cả con chim lạc ở phương trời xa, mà mong trở về quê hương tìm cội đa xưa thoả tình thương nhớ.
Ngay cả trong tình riêng, lúc nào cũng có lồng vào tình chung. Vì nghĩa chung mà Nhạc sĩ dùng "âm nhạc như một vũ khí đấu tranh". Do đó, nội dung và hình thức các bài hát theo một chiều hướng mà Nhạc sĩ đã quyết tâm chọn lựa. Khi để lòng rung động với tình riêng, nét nhạc, tiết tấu các bài hát theo tiếng lòng mà trở nên uyển chuyển, dịu dàng và rất đậm màu Dân tộc.
Nhìn lại các bản tình ca ghi trên, tôi chỉ mong các bạn đọc thấy rõ một gương mặt thầm kín rất thân thương của Nhạc sĩ tài ba Lưu Hữu Phước.
Trần Văn Khê
Một đêm Thu, tại ngoại ô Paris
Vitrysur Seine, 1991


[1] Thanh Nga nói rằng Nga không phải là thiên nga mà là Hằng Nga, và dịch tên mình bằng hai chữ "transparent moon"
6 CommentsChronological   Reverse   Threaded
Add a Comment
     
trantruongca wrote on Oct 10, '08
Bac rat vui khi nghw ThienHuong noi nho doc bai viet cua Bac ma con biet them duoc ve Nhac tình cua Luu Huu Phuoc.
Do la guong mat than thuong ma tham kin cua nguoi nhac si da tinh ma dep tinh rieng de lo nghia chung do con
Bac TVK
thienhuongb wrote on Oct 9, '08
Con cám ơn Bác, kiến thức âm nhạc của con ít quá, bữa nay đọc bài của bác con mới biết đến khía cạnh nhạc tình của Lưu Hữu Phước.
trantruongca wrote on Oct 1, '08
Le Ngoc Han, con
Thầy không có theo dõi mhiều những sáng tác những bài mơ`i tân nhạc . và những bài loại "tân cổ giao duyên"
NHưng Thầy cũng mong rằng sẽ có những nhạc sĩ sáng tác đủ tài năng và lòng yêu dân tộc để cho dân tộc VN những nhạc phẩm có giá trị về nõii dung và kỹ thuật
.
Thấy TVK
trantruongca wrote on Oct 1, '08
Bác Phước đặt bài Lời ru Chim Lạc mà theo Bác, chưa có ai hát đúng như Bác chờ đợi. Chỉ có Ba hát là Bác vừa lòng nhứt . Tiếc là giọng hát của Ba ngày nay rất kém hồi trước nên Ba không có thể biểu diễn để minh hoạ bài viết của Ba !!!!!!!!
Hôn con nhiều lắm
Ba của con
TVK
lengochan wrote on Oct 1, '08
Thời nay con thấy nhiều nhạc sĩ lên tiếng muốn phát triển âm nhạc, rồi kết hợp âm nhạc đương đại với nhạc dân tộc, rồi nào là chấn hưng âm nhạc dân tộc nhưng rồi vẫn chưa đâu đến đâu...
Chưa thấy Lưu Hữu Phước thứ 2, người mang trong tim tình yêu âm nhạc và dân tộc và có những kết quả thật sự
Chưa thấy 1 Viễn Châu thứ 2 sáng tác nhuần nhuyễn những bản tân cổ giao duyên...
Chưa thấy nhưng rồi có thể sẽ thấy... có thể, chúng ta hãy hy vọng thế đúng không Thầy?
Thương,
Con Lê Ngọc Hân
tranquanghai wrote on Oct 1, '08
Dây là khia canh cua Bac Luu Huu Phuoc rât it nguoi biêt hay dê y toi . Ba là nguoi duy nhut con nho nhung bài tinh khuc dê ghi lai noi day , cho thây Bac Phuoc là nguoi rât giàu tinh cam.
Hun Ba nhiêu
Con
Tran Quang Hai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét