Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

Nhớ nhau xin giữ lời nguyền

Nhớ nhau xin giữ lời nguyền

 
Hai người bạn Trần Văn Khê & Huỳnh Văn Tiễng trong một hội nghị (TVK áo nâu nhạt & HVT áo trắng) - Ảnh tư liệu của GS Trần Văn  Khê

Tin Huỳnh Văn Tiểng mất làm tôi thật sự bàng hoàng bởi Tiểng với tôi là những người bạn chí thân cả trong kháng chiến lẫn trong văn nghệ. Tôi còn nhớ mới đây ngày giỗ bác Tôn, anh em chúng tôi còn đứng nắm tay nhau tưởng niệm, đâu ngờ đó lại là lần cuối gặp nhau.
Trước, mỗi khi nhớ nhau chúng tôi có thể gọi điện thoại hay đến thăm nhau. Giờ muốn gặp nhau đâu còn được nữa. Nhiều năm rồi Tiểng bệnh, đi đứng không được, lần nào tôi tới chơi, thấy đôi chân bạn chỉ còn da bọc xương mà xót lòng. Vậy mà Tiểng vẫn đùa với tôi: “Ngày xưa chúng mình một thời oanh liệt, bây giờ tui hết oanh chỉ còn liệt thôi Khê”. 


Chỉ thương cho Tố Uyên, vợ của bạn, bao lâu tận tụy bên chồng. Phải thành thật cảm ơn Tố Uyên vì chị chính là nguồn động viên, là niềm an ủi của Huỳnh Văn Tiểng trong những ngày tháng cuối đời mệt nhọc.

Qua báo chí, truyền hình, chắc nhiều bạn đã biết Huỳnh Văn Tiểng là một nhà cách mạng lão thành từng kinh qua những chức vụ quan trọng. Ở đây tôi chỉ xin kể về người bạn văn của tôi, một kịch tác gia, một người viết lời ca tài ba, đã góp sức rất nhiều trong những tác phẩm lừng danh của nhóm Hoàng Mai Lưu. 

Nhiều người hay nhắc những tác phẩm như Xếp bút nghiên, Nhớ nhau xin giữ lời thề và tôn vinh Lưu Hữu Phước nhưng ít ai biết những lời ca mạnh mẽ nhất trong các bài hát đó đều là lời của Huỳnh Văn Tiểng. Những lời ca như “Mau nhìn hoàn cầu, khắp trông năm châu, cùng nhau tung chí anh hào” (Lên đàng), “Xếp bút nghiên coi thường công danh như phù vân” (Xếp bút nghiên), “Toàn dân nghe chăng sơn hà nguy biến… thề liều thân cho sông núi” (Hội nghị Diên Hồng) đã thúc giục lớp lớp thanh niên đứng lên gánh lấy sứ mệnh đấu tranh cho độc lập dân tộc. 

Những ca khúc ấy vọng ra từ những đôi môi thanh xuân, vượt qua gian khó, theo chân thế hệ trẻ vẽ nên bức tranh một thời hào hùng mà tôi chắc chắn rằng đến nay nhiều người vẫn còn thuộc.

Bên cạnh việc viết lời ca, những vở kịch của Tiểng mà tôi từng có dịp tham gia như vở Lương Kha trong đó tôi đóng vai ông điền chủ, cha của Lương Kha, không muốn con cực khổ nhưng Lương Kha vẫn quyết tâm ra đi vì lý tưởng của người trai. Hay vở Triết lý biệt ly hoa (còn có tên khác là Cô Tô tiên sinh), trong đó tôi đóng vai nhà hiền triết giả hiệu, là vở kịch mang đậm màu sắc triết lý nhân sinh mà nhiều tác giả sau này vẫn chưa theo kịp. 

Vở Suối Lồ Ồ chẳng hạn, diễn tới cảnh cuối khi ánh mặt trời (hiệu ứng ánh sáng) xuất hiện, nhạc khúc khải hoàn, diễn viên đóng vai Lê Lợi đứng dậy tuốt kiếm, cất tiếng “Vầng ô vừa ló dạng, xua tan đám mây mờ, đó là hình ảnh của nước Đại Việt ta sắp đến ngày tươi sáng”, rồi cảnh quân đi, tiếng ngựa hí… màn đã kéo mà khán giả còn chưa hết xúc động, đến khi bừng tỉnh thì tiếng vỗ tay vang rền. Vở diễn chấn động đó càng chứng minh cho tài năng của Tiểng và tăng thêm ý chí đấu tranh ở mỗi người dân. 

Sau chiến tranh, tôi và Tiểng ít có dịp gặp nhau. Lần gặp lại, tôi diễn lại vai Cô Tô tiên sinh cho Tiểng coi, anh ôm chầm lấy tôi mà rằng: “Kịch của tôi, tôi quên, Khê còn nhớ”. Chúng tôi hẹn nhau sẽ tìm lại những vai diễn cũ, những vở kịch trước đây để cùng diễn lại cho nhau. Dự định không bao giờ có thể thực hiện được nữa rồi.

Tử sanh dẫu biết luật vô thường. Nhưng khó ngăn dòng lệ tiếc thương. Chúng tôi sống tới từng tuổi này đã hiểu tận tường cái lẽ tử sanh hữu mạng, nhưng khi những người bạn của chúng tôi trong Hoàng Mai Lưu thuở đó như Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Quách Vũ, Nguyễn Mỹ Ca… đều đã ra đi, tôi lại càng thấy trách nhiệm của mình phải ráng hoàn thành những điều tâm niệm của các bạn. 

Sáng nay tôi ra vườn, tháng 6 đâu phải mùa mai nở nhưng tôi lại thấy năm đóa hoa mai. Vào cái mùa hoa không nở mà vẫn cố nở thì huống chi là người. Tôi quyết định sẽ tiếp tục viết, tiếp tục đi diễn thuyết để làm cho tuổi trẻ thức tỉnh, để biết yêu thương đất nước VN, bớt đi những phù phiếm xa lạ và biết giữ gìn văn hóa dân tộc. Đó cũng chính là con đường phụng sự của Tiểng, của bạn bè tôi. 

Mong sao các bạn trẻ noi gương Huỳnh Văn Tiểng để mà sống xứng đáng với mảnh đất này, với ông cha ta. Được vậy thì tôi tin ở dưới suối vàng Tiểng cũng sẽ vui vì vẫn còn có những người tiếp bước anh mà “vì dân liều thân”.

GSTS TRẦN VĂN KHÊ
- PHẠM THÀNH NHÂN ghi (Tuoitreonline) -

5 CommentsChronological   Reverse   Threaded
Add a Comment
   
Comment deleted at the request of the author.
 
trantruongca wrote on Jun 15, '09, edited on Jun 16, '09
Ngoc Hân ơi!
Thầy cám ơn con đã viết mấy dòng góp ý. Nếu thanh niên nghe lời gọi của Thầy thì Thầy rất vui. Thầy yếu nhiều nhưng sức khỏe tuy có thiếu, nhiệt huyết vẫn còn thừa.
Thầy TVK
 
lengochan wrote on Jun 14, '09
" Tôi quyết định sẽ tiếp tục viết, tiếp tục đi diễn thuyết để làm cho tuổi trẻ thức tỉnh, để biết yêu thương đất nước VN, bớt đi những phù phiếm xa lạ và biết giữ gìn văn hóa dân tộc. Đó cũng chính là con đường phụng sự của Tiểng, của bạn bè tôi. "
Thầy ơi, Thầy đã gần cửu tuần mà lòng nhiệt huyết còn mạnh mẽ hơn thanh niên. Bao giờ thế hệ trẻ mới thức giấc mộng Tây, Mỹ, Đại Hàn mà quay về Đại Việt.
Mong Thầy sống hơn trăm tuổi và ngày càng có thêm nhiều người bước tiếp theo dấu chân Thầy
Con Ngọc Hân
 
trantruongca wrote on Jun 9, '09, edited on Jun 16, '09
Hải con trai cưng của Ba,
Bài nầy đã đăng trên Tuổi Trẻ. Ba co đoc những bài viết về bác Tiễng đã đăng trên mạng mà con gom lai. Bai ky tên Thanh Trang la bài của Ba viết đăng trên báo Pháp Luật mà tên Ba bị mất vì bài của Thanh Trang bên cạnh in chồng lên.
Va đã đăng trên mạng với tựa của Ba "Tiếc thương Bạn Hùynh Văn Tiễng".

Ba hôn con nhiều
Ba của con
TVK
 
tranquanghai wrote on Jun 7, '09
Cám ơn Ba đã đưa bài này lên blog. Bài đầy nhiệt tình giữa những người bạn cùng thời, cùng chí hướng. Con cũng cầu chúc Ba được sống lâu để có thì giờ thực hiện những gì ước mơ .
Hun Ba nhiều
Con
Tran Quang Hai
TB: Con có tải lên trên trang nhà của con một số bài đăng trên các báo về bác Tiểng ra đi . Ba có thể vào http://tranquanghai.info/index.php?lang=vi để đọc .
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét