Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2012

Cảm xúc sau khi đọc bài "Trần Thái Tôn, một nét tình người" của Thái Kim Lan

Cảm xúc sau khi đọc bài

"Trần Thái Tôn, một nét tình người"  
của Thái Kim Lan

 
Thái Kim Lan dịu dàng trong tà áo dài tại vườn hoa
Tôi vốn dòng họ Trần. Thuở nhỏ, học lịch sử Việt Nam, đến đoạn Trần Cảnh, sau khi được Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi, sống với nhau 10 năm không có con nối dòng, nghe theo lời Trần Thủ Độ, bỏ vợ Lý Chiêu Hoàng,  lấy vợ của anh là Trần Liễu đang mang thai để có con nối dòng và mang tiếng «bội tình, loạn dâm», tôi tự cảm thấy xấu hổ khi nhớ mình cũng họ Trần. Và chỉ muốn nhớ đến Vua Trần Nhân Tôn triệu tập Hội Nghị Diên Hồng, và Tướng Trần Hưng Đạo 3 lần đánh thắng quân Mông cổ xâm lược để được hãnh diện rằng mình cũng họ Trần.
 
Vua Trần Nhân Tôn trong lớp áo nhà tu hành
 
Tượng thờ Tướng Trần Hưng Đạo
Khi tôi soạn luận án về âm nhạc truyền thống Việt Nam, tôi phải đọc lại lịch sử Việt Nam và Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư, cũng phê phán Trần Cảnh đã «làm hại nhân luân, mở mối dâm loạn».
          Và từ đó đến bây giờ, tôi không có chút thiện cảm nào đối với Vua Trần Thái Tôn.
          Khi thấy bài «Trần Thái Tôn một nét tình người » của Thái Kim Lan trong tạp chí Khuông Việt số 9, vì hiếu kỳ và mến tài tác giả nên tôi đọc thử.
          Tôi đi từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác.
          À ra !…Trần Thái Tôn không phải là một ông vua dâm loạn, mà là nguời đã phản đối dữ dội và quyết liệt mưu mô của Trần Thủ Độ, đã từ bỏ ngai vàng như bỏ « một chiếc dép rách », đã một mình, lội suối trèo non lên đến Yên Tử tìm Quốc sư Phù Vân để xin Quốc sư giúp mình tìm Phật tu hành, lại biết nghe lời khuyên của quốc sư chấp nhận trở lại kinh đô, chịu cảnh "quên ăn mất ngủ, thương cảm ngổn ngang" để gánh trách nhiệm vì dân trị nước «lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình», «lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình», đã từng xông pha trận mạc cùng với quân sĩ chống quân Nguyên xâm lược năm 1257, đã giữ cho dân nước Đại Việt được sống trong cảnh quốc thái dân an, đã nhớ lời dặn dò của Quốc sư «không xao lãng việc nghiên cứu nội điển », đã học hỏi, nghiên cứu suy tư để sáng tác hơn 70 bài nguyện, tụng, kệ, bạch, đã để lại cho đời tác phẩm «Khoá hư lục» trong đó có quyển «Lục thời sám hối khoa nghi» tác giả  đã «qua thực chứng của mình, viết cho người khác».  
 
Tượng thờ Vua Trần Thái Tôn
      Là con người, Trần Cảnh đã dẹp phẫn uất của mình để làm những việc không phù hợp với mình cốt để an dân lợi nước.
      Là một vì vua đã rõ mặt minh quân, khoan hồng đại độ, một vì vua anh hùng (theo nhận xét của Hoà Thượng Thanh Từ) đã xông pha trận mạc để giữ gìn bờ cõi, biết trị dân, vì dân, và theo lòng dân.
      Là một thiền sư đã để cho đời nhiều tác phẩm tôn giáo, đạo đức học. Có hành động tự giác, biết lấy sám hối làm chìa khoá của tu thân, sám hối cho mình (tự lợi) mà cũng nghĩ đến việc dạy người khác sám hối (lợi tha).
          Kim Lan ơi! Kim Lan đã soi ánh sáng vào tâm trí mù mịt của tôi về lịch sử, để tôi thấy rõ Trần Thái Tôn là con người như thế nào. Kim Lan đã dẫn chứng nhiều tài liệu xưa nay, đã nhắc đến quan điểm của Thầy Lê Mạnh Thát, của Hoà Thượng Thanh Từ. Kim Lan không biện minh cho Trần Thái Tôn. Kim Lan không có ý thuyết phục người đọc bài của Kim Lan nhìn Trần Thái Tôn bằng đôi mắt của Kim Lan. Nhưng giọt lệ của cô nữ sinh trường Đồng Khánh và giọt nước mắt chân thành của Trần Cảnh trên Yên Tử đã rửa sạch hình ảnh của Trần Cảnh bội tình loạn dâm trong trí não tôi. Nhắc tới Trần Thái Tôn, tôi chỉ thấy hình ảnh của một con người đáng thương, một vì Vua đáng phục và một thiền sư đáng kính.
          Cám ơn Kim Lan đã cho tôi hình ảnh trung thực của Trần Thái Tôn, và có một giấc ngủ yên vui trong đêm nay, sau khi đọc bài "Trần Thái Tôn, một nét tình người" của Kim Lan.
Vitry/Seine, một đêm hè, 18/07/2004
Trần Văn Khê

TỪ TAMBA ĐẾN TOKYO

TỪ TAMBA ĐẾN TOKYO

Hôm nay, có một buổi liên hoan về trống. Các nghệ sĩ Nhật, Triều Tiên giới thiệu những nét độc đáo của trống dùng trong hát Noh của Nhật và Django của Triều Tiên. Tôi nói chuyện về trống nhạc lễ và trống chiến trong hát Tuồng.
Sau đó, tôi ứng tác ứng tấu trống Tuồng nhịp tư chuyển sang nhịp hai, Hải đánh muỗng, các nhạc sĩ Nhật và Triều Tiên gõ thanh la và phách phụ họa. Rất vui, rất sinh động. Nhạc sĩ dễ gặp nhau trong tiết tấu hơn trong nét nhạc. Những nhạc sĩ đến gần hai cha con đều nhận thấy là Hải giống tôi, các bạn khen tôi tuy là cha lại tưởng là anh của Hải.
Sau bữa cơm chiều, Hải lại gửi một bài thơ như sau:
Tamba 29-07-1990
Thiên hạ khen rằng con giống Ba
Lúc đi dạo phố Osaka
Mỗi người mỗi vẻ trong trình tấu
Nhiều kiểu, nhiều môn thuộc hát ca
Lẫm liệt ra quân như pháo mã
Oai hùng xuất trận tợ sông xa
Kobe rồi đến Tamba nữa
Chinh phục cả hai tộc Nhựt Hoa.
Trần Quang Hải
Tôi cũng nhắc lại việc làm trong ngày và tỏ ra thích thú việc cha con cùng đánh trống với các bạn nghệ sĩ Châu Á và cũng họa vận xong bài thơ con trao buổi chiều trước giờ đi ngủ:
Tamba 29-07-1990 (Khuya)
(Sáng 30-07-1990 chép lại)
Hội diễn Tamba con với Ba
Thành công hơn ở Osaka
Hoan nghinh chẳng dứt khi hoà nhịp
Cổ võ từng hồi lúc hát ca
Cặp muỗng làm say người lớn nhỏ
Song ca gợi thích khách gần xa
Cha con trống phách vui cùng bạn
Nhạc Việt chiều nay trộn sắc hoa
Trần Văn Khê
Hôm nay, Hải trao bài thơ cho tôi và nói càng ngày càng kẹt vận và thơ không tuôn ra dễ dàng, phải nhức óc mới làm xong một bài, tuy vậy cũng có bài mới gửi cho tôi.
Thương gởi Ba bài thơ thứ 8
(Hoạ bài thơ thứ 7 của Ba)
Độc nhứt làm thơ đối với Ba
Tám bài hoạ vận Osaka
Điên đầu gấp mấy ngâm thơ Huế
Nhức óc còn hơn hát đối ca
Rỗi rảnh hoà đàn khi xuất ngoại
Thanh nhàn thi phú lúc đi xa
Hai tuần “thơ thẩn” sao lai lãng
Cuộc sống thơm nồng dạ thảo hoa
Tamba 30-07-1990
Trần Quang Hải
Tôi xúc động lắm, nhưng cũng “cố” họa bài thơ con gửi và nói với con rằng tứ thơ dầu cạn nhưng đã nhập thế cuộc bất khả vô văn tự (Tú Xương).
Thương hoạ bài thơ thứ 8 của con
Cố hoạ bài thơ con gởi Ba
Mặc dầu kẹt vận Osaka
Vì đâu  bữa bữa “điên đầu” hoạ
Sao chẳng ngày ngày “đẹp dạ” ca
Xướng hoạ thường vui trên đất lạ
Ca đàn rất thú dưới trời xa
Đời vui, mặc kệ thơ gần cạn
Tình vẫn nồng thơm với cỏ hoa
Trần Văn Khê

BIỂU DIỄN VÀ PHÂN TÍCH NHẠC VIỆT TẠI CÁC NHẠC VIỆN BẮC KINH

BIỂU DIỄN VÀ PHÂN TÍCH NHẠC VIỆT
TẠI CÁC NHẠC VIỆN BẮC KINH

Tại Bắc Kinh có hai Âm Nhạc Viện: Trung Quốc Âm Nhạc Viện là nơi chuyên dạy nhạc truyền thống Trung Quốc, nhạc dân tộc Mông Cổ, vài nước Châu Á và Trung Ương Bắc Kinh Âm Nhạc Viện chuyên dạy nhạc phương Tây, mà cũng có “Khoa dân tộc” dạy đàn “gu qin” (Cổ Cầm), “gu zheng” (Cổ Tranh), “pi pa” (Tỳ Bà), “di zi” (địch tử, ống địch, ống sáo). Mấy hôm trước, tôi đã được mời đến Trung Quốc Âm Nhạc Viện nghe “Ngũ Kim Hoa” diễn tấu nhạc truyền thống Trung Quốc. Hôm nay, Ban tổ chức mời tôi đến Trung Ương Âm Nhạc Viện để thuyết trình về “Nhạc truyền thống Chấu Á”.
Buổi thuyết trình kéo dài trong ba tiếng đồng hồ, sẽ cử hành tại đại giảng đường của Âm Nhạc Viện. Sẽ có trên 60 Giáo sư và hơn hai trăm sinh viên đến nghe. Tôi sẽ nói bằng tiếng Pháp và bà Liu, thông dịch viên của tôi sẽ dịch ra tiếng Trung Quốc. Lần đi dự Hội nghị này, cùng đi có cậu Cheng Shui Cheng (Trịnh Thụy Trinh, con trai mà có tên nghe con gái quá!), môn đệ của tôi tại Đại học Sorbonne, đã bảo vệ Luận án Tiến sĩ về Âm nhạc học với đề tài “Kỹ thuật đàn Tỳ Bà”. Trong buổi nói chuyện hôm nay, cậu Cheng lo rọi dương bản (diapositive, hình rọi màu) và nếu cần, giúp bà Liu dịch những danh từ chuyên môn về âm nhạc.
Trung Ương Âm Nhạc Viện đồ sộ hơn Trung Quốc Âm Nhạc Viện nhiều. Phòng họp, phòng hòa nhạc, giảng đường, thính đường rất rộng. Viện có năm, sáu từng lầu. Có cả Bảo tàng viện nhạc khí. Lúc đi vào giảng đường tôi tự nghĩ hoàn cảnh của mình khá đặc biệt. Là người Việt Nam, dân của một nước mà từ trước đến giờ bị coi là “đàn em”, nếu không phải là người đại diện cho Hội đồng quốc tế âm nhạc do Unesco đề cử tham dự Hội nghị, thì chưa chắc đã được mời tham luận, chớ có đâu được mời giảng tại Trung Ương Âm Nhạc Viện là nơi đào tạo nhạc sĩ cho Trung Quốc và nhiều nước Châu Á. Các bạn có lẽ cũng nhớ rằng, trong năm 1987, tiếng súng còn nổ tại biên giới Hoa Việt và liên hệ ngoại giao giữa hai nước chưa được tốt đẹp lắm. Mà nói đến nhạc Châu Á thì thế nào tôi cũng đề cập đến nhạc Việt Nam!
Tám giờ sáng, thính giả đã đến chật giảng đường. Giữa chỗ ngồi của diễn giả và thính giả, Ban tổ chức có cho đặt một cây đàn Tranh Trung Quốc 21 dây. Tôi nghĩ chắc ông chủ toạ buổi họp hôm nay sẽ mời mình đàn Tranh, nên tôi đến nhún thử dây. Dây quá cứng, không thể nhấn sâu được. Chắc không dùng được cây đàn Ban tổ chức đã chuẩn bị. Mà tôi không có mang đàn của tôi. Một là vì lần này được mời dự Hội nghị chớ không có được mời biểu diễn; hai là bên Trung Quốc chắc là có bao nhiêu đàn Tranh đẹp. Nhiều nhạc sĩ còn đến Bắc Kinh tay không để lúc về xách một cây đàn mua tại đây về làm kỷ niệm. Đang suy nghĩ chưa biết tính lẽ nào thì ông Giám đốc Nhạc viện bắt đầu giới thiệu diễn giả: Giáo sư tại Sorbonne, Giáo sư chỉ đạo nghiên cứu trong Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học Pháp quốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quốc tế âm nhạc (Unesco). Lẽ tất nhiên là không có nói rằng diễn giả là người Việt Nam. Đề tài thuyết trình “Những truyền thống âm nhạc Châu Á”. Nhưng ông Giám đốc biết tôi là Nhạc sĩ Việt Nam, nên có thêm câu: “Chúng tôi được biết là Giáo sư chẳng những làu thông về lý thuyết, mà lại còn là một danh cầm. Chúng tôi có đặt sẵn cây đàn ‘gu zheng’ và mong rằng Giáo sư để chút thì giờ cho chúng tôi thưởng thức tài nghệ”.
Trước khi vào đề tài tôi rào trước mấy câu: “Xin trân trọng cám ơn ông Giám đốc giới thiệu nồng hậu. Và tôi cũng không dám phụ lòng của các bạn Nhạc sư, Nhạc sĩ Trung Quốc. Nhưng lúc mới vào giảng đường, tôi có thử qua cây đàn thường được gọi là ‘gu zheng’ (cổ Tranh). Thật ra đó là đàn ‘xin zheng’ (tân Tranh), đàn đã được đổi mới. Tiếng đàn vang to mà dây đàn căng rất cứng, khó mà nhấn nhá. Tôi sinh ra trong một gia đình 4 đời là Nhạc sĩ Việt Nam (lại xưng tên họ, cho biết luôn xứ sở nữa). Theo truyền thống Việt Nam, thì bàn tay mặt là bàn tay ‘sinh đẻ’ ra âm thanh. Bàn tay trái là bàn tay ‘nuôi dưỡng và làm đẹp’ âm thanh. Nếu sanh ra mà không nuôi dưỡng, thì không sanh ra làm gì. Vì vậy mà tôi không thể dùng cây đàn mà các bạn đã để sẵn trong phòng này. Hoạ chăng, với cây ‘gu zheng’ mà tôi thấy trong Bảo tàng viện, thì có thể tôi đàn vài bản cho các bạn nghe”.
Tôi ao ước được như thế. Không ngờ, trong lúc tôi thuyết trình về nhạc Châu Á, định vị trí của mỗi truyền thống trong những khu vực văn hoá, nêu lên những tính đặc thù của âm nhạc trong mỗi khu vực, về nhạc cụ, thang âm và phong cách biểu diễn, Ban tổ chức đã cho đi mượn cây đàn ‘gu zheng’ trong Bảo tàng viện, cho lau bụi bặm và lên dây xong xuôi, đặt ngay giữa giảng đường chờ tôi thuyết trình xong đến phần minh hoạ.
Hôm nay, tôi bắt đầu bằng tiếng Pháp. Nhưng có một Giáo sư Trung Quốc xin tôi nói bằng tiếng Anh, vì trong số Giáo sư, chỉ đôi ba người hiểu tiếng Pháp, mà đến hơn 20 Giáo sư thông thạo tiếng Anh. Do đó, cậu Cheng, môn đệ của tôi phải đứng ra làm thông dịch.
Hết phần lý thuyết, tôi bước qua thực hành. Sau khi thử qua dây đàn tôi giới thiệu nhạc Việt Nam:
“Tôi xuất thân từ một gia đình 4 đời Nhạc sĩ. Truyền thống gia đình tôi là truyền thống Miền Nam. Đàn Tranh Việt Nam, giống như đàn ‘gu zheng’ của Miền Nam Trung Quốc, tức là có 16 dây sắt, trong khi ‘gu zheng’ của Trung Quốc Miền Bắc thì có 13 dây. Mà thường dùng dây tơ. Hôm nay tôi phải dùng đàn ‘gu zheng’ của Trung Quốc, mà các bạn đã cho lên dây theo ‘Zheng gong diao’ (chánh cung điệu). Đàn Việt Nam lên dây như vậy gọi là lên dây Bắc. Hai cách lên dây đều cùng theo thang âm ngũ cung. Và các chữ đàn cũng được gọi tên như nhau. Chúng tôi gọi là Hò, xự, xang, xê, cống. Người Trung Quốc gọi là He, shi, shang, zhi, gong. Nhưng khi đàn bản theo điệu Bắc thì chúng tôi phải rung hai chữ xự và cống, trong khi đàn theo người Quảng Đông, thì đến chữ xự và cống phải mổ”. Nói xong tôi cho thí dụ và đàn thử hai câu, một câu theo phong cách Việt Nam, một câu theo phong cách Trung Quốc. “Các bạn đã biết bài “Yu da ba xiao” (Vũ đả ba tiêu: Mưa rơi trên lá chuối). Nếu tôi đàn đến chữ xự, chữ cống mà tôi mổ dây đàn, thì các bạn nghe giống nhạc Quảng Đông. Nếu tôi rung hai chữ đó thì các bạn nghe giống nhạc Việt”. Nói xong tôi đàn theo hai cách. Đến khi rung chữ xự, chữ cống, thính giả cười ầm lên mà nói: Yuenan! Yuenan! (Việt Nam! Việt Nam!). Dầu tôi đàn bản Vũ đả ba tiêu, là nhạc Trung Quốc, nhạc Quảng Đông, hễ rung chữ xự, chữ cống thì nghe giống nhạc Việt Nam.
Một nhạc khí, một cách lên dây, một bản nhạc chưa có đủ điều kiện để định rõ dân tộc tính. Phải có người nhạc sĩ cạnh cây đàn mới có khả năng thể hiện được dân tộc tính. Cây đàn này là ‘gu zheng’ của Trung Quốc. Lại lên dây theo ‘Zheng gong diao’ (Chánh cung điệu) của Trung Quốc. Nhưng xin phép các bạn cho tôi bắt cây đàn Trung Quốc nói tiếng nhạc Việt cho các bạn nghe.”
Đàn lên dây Bắc, nhưng tôi đàn hơi nhạc lễ trong bài ‘Ngũ đối hạ”, rồi tôi chuyển sang dây Nam, dùng luyến láy đặc thù của hơi Xuân, đàn hai lớp rưỡi Nam Xuân. Cuối cùng, tôi chuyển sang qua hơi Sa mạc để ngâm thơ.
Sinh viên Trung Quốc rất thích thú và nói rằng chưa bao giờ nghe ai giảng về sự quan trọng của luyến láy và cách rung mổ trong khi đàn như vậy.
Hôm sau, Ban tổ chức mời tôi thuyết trình về phương pháp phân tích một bài dân ca tại Viện Nghiên cứu âm nhạc. Tôi lại chọn một bài hát quan họ “Mời giầu” để phân tích dưới ba phương diện: dân tộc học, âm nhạc học và ngôn ngữ học. Bài hát quan họ mà tôi đã ký âm được chụp thành 150 bản (photocopy) để cho 60 Giáo sư, chuyên viên nghiên cứu âm nhạc và non 100 sinh viên theo dõi cách phân tích của tôi. Tôi lại có dịp nói qua về 49 làng quan họ trong tỉnh Bắc Ninh, nói về phong tục “kết bạn”, về những canh hát quan họ bắt đầu bằng những bài hát chào mừng, rồi hát lề lối, sau đó đến hát vặt, những tình ca, đi lần đến lúc chia tay, hát những bài giã bạn, chia tay phải cả giờ mới xong vì “đêm ngắn, tình dài”.
Ban Giám đốc rất thích, không ngờ rằng một bài hát chỉ 01’45’’ mà phải phân tích trong hơn 3 tiếng đồng hồ và ngỏ ý muốn mời tôi năm 1989 sang giảng trong 1 hoặc 2 tháng!
Vì nhiều lý do, tôi không trở lại Trung Quốc năm 1989, nhưng trong chuyến đi năm 1987, tôi rất vui vì đã cho các Giáo sư và sinh viên Trung Quốc thấy những nét đặc thù trong âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Trần Văn Khê

Từ Kobe tới Tamba

Tại Kobe không còn Hội thảo như ở Osaka. Ban tổ chức mời đại biểu từ các nước Châu Á viếng thành phố Kobe và chiều nào cũng tổ chức một buổi giao lưu nghệ thuật.

Cũng vì thế mà cha con không thể lập đi lập lại những bài bản đã biểu diễn tại Osaka, mỗi chương trình là mỗi sáng tạo, tùy theo hoàn cảnh, hứng thú.

****
Tại Kobe, cả buổi sáng đi viếng lâu đài cổ, đến chiều có buổi giới thiệu những bài dân ca và các bạn yêu cầu tôi kể những chuyện vui theo truyền thống Việt Nam. Tôi kể những chuyện cười dân gian như : “Đàn ông sợ vợ” ; “Nguyên soái chuyên bắn hậu môn” … thuật bằng tiếng Anh, các đại biểu cười ôm bụng.
Hải thích thú ghi nhận lại sinh hoạt của hai cha con trong cả ngày và chiều lại, trước bữa cơm, trao cho tôi bài thơ sau đây :
Thương gởi Ba
Nhìn thấy mọi người rất thích Ba
Từ Kobe đến Osaka
Pha trò duyên dáng thay đàn hát
Kể chuyện hớp hồn thế xướng ca
Phát biểu lời phê nêu dễ, khó
Trình bày ý kiến vạch đường xa
Một ngày thăm viếng lâu đài cổ
Kỷ niệm êm đềm đẹp tợ hoa.
Trần Quang Hải
Kobe Thứ bảy 28-07-1990
Được thơ con, sau bữa cơm chiều, trước khi đi ngủ, tôi làm xong bài họa vận thơ con và trao cho Hải lúc cha con chia tay ai về phòng nấy.
Thương gởi con
Thơ hoạ khá nhiều con với Ba
Đến ngày giã biệt Osaka
Tuy lo di chuyển thường ngâm vịnh
Dẫu bận luận đàm vẫn hát ca
Viếng cảnh không màng thời tiết nóng
Leo đồi chẳng ngại quãng đường xa
Cha con thơ thới thơ hoà nhạc
Dẹp bỏ ưu tư ta ngắm hoa.
Trần Văn Khê
Kobe 20 giờ 47’ ngày 28-07-1990
Sắp đi Tamba
Hôm nay, Ban tổ chức sắp đặt cho cả đoàn đi viếng một xưởng đồ gốm và yêu cầu các nghệ sĩ vào thực tập.
Hải hăng hái tình nguyện lấy đất sét nhồi trộn, rồi tạo một chén gốm, có vẽ hình và ghi tên Hải trên đó. Đến chừng hấp xong, Hải cùng cả đoàn rất thích thú, vì trong thời gian ngắn đã tạo được kỷ niệm bằng đồ gốm, học được một chút nghề thủ công.
Buổi chiều, có giao lưu văn nghệ. Hải biểu diễn Sênh tiền và nghệ thuật đánh muỗng, được nhiệt liệt hoan nghênh. Hai cha con hòa nhạc, tôi đàn Tranh, Hải nhịp Sênh tiền, ứng tác phụ họa tiết tấu, rồi sau tôi đánh trống, Hải đánh muỗng. Cả Hội trường vỗ tay nhịp theo rất nhộn và vui.
Sau bữa cơm tối, Hải trao cho tôi bài thơ sau đây :
Tamba 29-07-1990
Trình diễn Tamba lại có Ba
Thành công từ lúc Osaka
Mấy vùng mê thích môn hai giọng
Nhiều chỗ lặng nghe loại hát ca
Cặp muỗng rình rang nơi đất Nhật
Đàn Tranh lãnh lót chốn trời xa
Cha con đại náo Phù Tang quốc
Hoà điệu dân ca bản "Hái hoa”
Trần Quang Hải
Trước khi đi ngủ, tôi họa xong bài thơ của con và trao lại cho Hải trước khi Hải về phòng, nhắc lại công việc làm cả ngày, hai cha con chuẩn bị rời Tamba.
Tamba 29-07-1990
Vừa đến Tamba con với Ba
Xa lần hội nghị Osaka
Xế trưa Thầy dạy làm đồ gốm
Chiều tối bạn hoà tạo khúc ca
Giờ sống Phù tang tuy chưa dứt
Phút rời Nhật Bổn chẳng còn xa
Cha con vui sướng làm nên việc
Dạ đẹp mỗi ngày dạ nở hoa.
Trần Văn Khê

Rời Osaka hai cha con cùng đi tới Kobe

Sau khi cuộc Hội thảo tại Osaka vừa bế mạc, sau những buổi tiệc chia tay, hai cha con cùng đi xe ca đến khu Kôbê. Tại đây không có Hội thảo, nhưng có nhiều buổi liên hoan các phái đoàn giới thiệu những bài Dân ca, những bản Cổ nhạc cho một số sinh viên các Trường và thành viên các Hội yêu nhạc dân tộc.

Công việc tuy bận rộn, nhưng Hải vẫn tiếp tục gửi những bài thơ nói qua công việc làm và cảm xúc của Hải, ghi lại những lời khen của thính giả trong hai bài xướng họa sau đây :
Sau ngày Hội nghị hai cha con tham luận trong hai buổi họp khác nhau, nhưng cùng chung một hướng :
- Hải giới thiệu “Những nét đặc thù của cách Song ca”, tuy kỹ thuật của Mông Cổ, nhưng Hải đã dùng bồi âm mà diễn tả những dân ca Việt Nam. Đồng thời, Hải đặt trọng tâm vào những nhạc cụ, tiết tấu như Sênh tiền, muỗng mà nhờ sự sáng tạo của Hải làm cho thính giả nhiệt liệt hoan nghênh.
- Tôi tham luận về “Những nét đặc thù trong Nhạc truyền thống Việt Nam”.
Sáng ngày 26-07-1990, Hải trao cho tôi bài thơ sau đây :
Thương gởi Ba
Thơ hoạ hai lần hoạ thứ ba
Vui thay nhạc hội Osaka
Bạn bè yêu chuộng câu hò hát
Già trẻ thích ưa tiếng điệu ca
Tham luận thành công lời vọng mãi
Phẩm bình khen tặng tiếng vang xa
Cha con đóng góp cho văn hoá
Nhân loại thái bình một đoá hoa.
Trần Quang Hải
Osaka Tối 25-07-1990
Sáng 26-07-1990
Sắp sửa hành lý để đi từ Osaka đến Kôbe, mà vẫn còn tâm trí để họa vận bài thơ của con. Hai cha con hết lo phần Tham luận Hội thảo và từ đây có chương trình biểu diễn Âm nhạc của hai cha con :
Thương gởi con
Vui được bài thơ con gởi Ba
Sắp rời thành phố Osaka
Từ nay vừa dứt phần tham luận
Sắp tới vẫn còn việc hát ca
Kết quả luận đàm lời nhắc mãi
Thành công hoà nhạc tiếng đồn xa
Cha con cố gắng đem tài sức
Vườn nhạc vun trồng bao đoá hoa.
Trần Văn Khê
Osaka Sáng 26-07-1990
Trong những buổi giới thiệu về “Ngữ khí trong hát Bội Việt Nam”, tôi có nói qua mấy cách cười : cười trung, cười nịnh, cười dê (dê hạ cấp và dê thượng cấp), cười của người say … thính giả rất thích thú.
Hải biểu diễn cách dùng điệu “Hát song thanh”, được nhiệt liệt hoan nghênh, nhất là giới trẻ vỗ tay tán thưởng từng hồi.
Hải ghi lại những nét đó trong bài thơ sau đây :
Thương gởi Ba
Hội nghị đã xong con với Ba
Vẫy tay từ giã Osaka
Duy trì truyền thống văn minh cổ
Phát triển kho tàng nhạc quốc ca
Kỹ thuật giọng cười vang bốn biển
Song thanh câu hát vọng trời xa
Khắp nơi trình diễn đều hay nhứt
Nhạc Việt thắm tươi vạn sắc hoa
Trần Quang Hải
Kobe 27-07-1990
Cả ngày dự hai tiệc, uống rượu ngon và được tặng những bó hoa thiệt đẹp, tôi vui lắm nên họa vận bài thơ của con gửi. Bốn câu đầu toàn bằng Hán Việt, lại có câu “chơi chữ”. Câu đầu “Nhật Bản nhất thời ngộ Hải Ba” có nghĩa là “Nhật Bản một lần gặp được sóng biển”, sóng là ba, biển là hải, nhưng cũng có nghĩa “Nhật Bản một lần gặp được cả Hải và Tôi”.
Thương gởi con
Nhật Bản nhất thời ngộ Hải Ba
Việt Nam đại náo Osaka
Lão đồng tam độ hoà thi phú
Phụ tử, nhứt tề hợp xướng ca
Tiếng hát vui tai người lớn nhỏ
Câu đàn đẹp dạ khách gần xa
Cha con hết việc cùng du ngoạn
Mỹ tửu cạn bôi cập thưởng hoa.
Trần Văn Khê
Kobe 27-07-1990

Cha con xướng họa trong chuyến đi dự Nhạc Hội Quốc tế tại Osaka

Cha con xướng họa trong chuyến đi dự Nhạc Hội Quốc tế tại Osaka

Tôi không ngờ rằng 4 bài thơ của Cha con xướng họa trên máy bay trước khi tới Osaka đã được một số bạn trẻ thích thú.

Tại Nước Việt các bạn gọi điện thoại hoặc nhắn tin qua di động. Từ Nước ngoài gửi qua email hay Blog của tôi yêu cầu tôi tiếp tục gửi những bài sau.

Tuy quá bận việc, nhưng để không phụ lòng các bạn, tôi cài lên đây 2 bài xướng họa đầu tiên sau khi đến Osaka.

Mùa hè năm 1990, hai cha con được mời tham dự một Hội nghị Quốc tế tại Osaka. Cùng ở chung một khách sạn, phòng ngủ của hai cha con sát với nhau.

Mỗi buổi sáng người dọn phòng giao báo ngang qua kẹt cửa. Sáng ngày 24-07-1990, đúng ngày sanh của tôi, khi cầm tờ báo để đọc tin buổi sáng, thì từ trong tờ báo rơi xuống một tấm thiệp mừng sinh nhựt của Hải gửi cho tôi, trong đó có bài thơ sau đây:
Xướng
Mừng sinh nhật
Sinh nhựt mừng ngày lễ của Ba
Phù tang Nhựt Bổn Osaka
Đúng ngày xứ lạ luôn đàn diễn
Đúng tháng quê người vẫn hát ca
Phụ tử đồng hành trên thế giới
Cha con sát cánh tận trời xa
Câu đàn tiếng muỗng còn đồng điệu
Như nước với sông, lá với hoa.
Trần Quang Hải
Khuya 24-07-1990
Vừa ăn điểm tâm buổi sáng, tôi họa vận bài thơ của con trai mà lòng vô cùng sung sướng. Ngày sanh của tôi – tôi không nhớ, mà con của tôi lại nhớ cho tôi. Bài thơ họa tôi chép liền, khi bắt đầu lên xe để đến phòng họp, tôi trao lại cho con tôi, sau khi hôn con cám ơn những lời chúc của con.
Hoạ
Lòng Ba nở hoa
Trần Văn Khê
(Ứng tác hoạ vận thơ con)
Vui nhận thơ mừng sinh nhựt Ba
Quê người hội nghị Osaka
Xế trưa hội thảo say lời nói
Chiều tối hoà đàn thắm tiếng ca
Già trẻ không nài qua biển rộng
Bố con chẳng ngại vượt đường xa
Nghiệp nhà Ba được con gìn giữ
Sung sướng, lòng Ba đang nở hoa
24-07-1990
Sáng hôm sau, bất ngờ trong tờ báo sáng lại có một thiệp khác, trong đó có bài thơ thứ nhì Hải gửi cho tôi :
(Hoạ thơ Hoạ của Ba nhân ngày sinh của Ba)
Sung sướng nhận thơ hoạ của Ba
Chẳng ngờ ở tại Osaka
Non sông vinh hạnh qua lời nói
Đất nước tự hào với tiếng ca
Thế giới muôn nơi đều biết đến
Năm châu khắp chốn hết còn xa
Noi gương nối gót cha yêu quí
Vườn nhạc từ nay sẽ lắm hoa.
Trần Quang Hải
Sáng 25-07-1990
Vừa nhận được bài thơ thứ nhì của con, mặc dầu trong đầu đang suy nghĩ đến chương trình làm việc của ngày hôm nay, tôi không dằn được tình thương con dào dạt, nên trong giờ ăn sáng đã họa vận xong bài thơ của con:
Hoạ
Xướng hoạ liên hồi con với Ba
Nhân kỳ hội nghị Osaka
Cha con tri kỷ vui thi phú
Phụ tử đồng tâm rộn hát ca
Nghiên cứu mong con thêm hiểu rộng
Sưu tầm chúc trẻ được nhìn xa
Mừng con vững bước trên đường nhạc
Tô điểm nghiệp nhà dệt gấm hoa
Trần Văn Khê
Sáng 25-07-1990

CHA CON XƯỚNG HỌA

CHA CON XƯỚNG HỌA


Ngày 19/07/1990

Trên máy bay từ Paris (Pháp quốc) đi Osaka (Nhựt Bổn) dự Hội nghị âm nhạc quốc tế

Con trai Trần Quang Hải:

Một chuyến đi xa xứ mặt trời
Cha con thoải mái tợ đi chơi
Trình bày Việt nhạc vui thiên kỷ
Giới thiệu dân ca sướng một đời
Hiếm có cha con cùng có mặt
Nhiều khi phụ tử phải phân đôi
Lần này đại náo Phù Tang quốc
Trên chiếc máy bay cũng thảnh thơi.

Ba Khê: Ứng tác họa vận thơ con

Phải vượt không gian tận cuối trời
Nửa làm nhiệm vụ, nửa đi chơi
Suối tuôn nước mát cho tròn kiếp
Tằm nhả tơ êm đến suốt đời
Thực hiện mục tiêu luôn thống nhứt
Hoàn thành chí hướng dẫu phân đôi
Cha con ít dịp cùng du ngoạn
Nay được đồng hành dạ thảnh thơi

Và dòng suối thơ tiếp tục tuôn tràn sau bữa ăn trên máy bay…

Con trai Trần Quang Hải:

Trên chuyến máy bay cũng thảnh thơi
Thức ăn ngon tuyệt chẳng cầm hơi
Champagne rượu đỏ môi tươi rói
Bánh ngọt Bento mặt sáng ngời
Ăn uống xong xuôi cơn mộng đến
Rượu chè đầy đủ giấc nồng thôi
Lim dim thức ngủ chờ phim đến
Hạ bút làm thơ khắp mọi nơi.

Ba Khê họa vận:

Nay được đồng hành dạ thảnh thơi
Ăn ngon từng miếng uống từng hơi
Chim xào tàu yểu mùi thơm ngọt
Rượu chát champagne sắc rạng ngời
Phụ tử nâng ly vừa khoái vậy
Cha con cạn chén đủ vui thôi
Vị đời tận hưởng mùi chua ngọt
Lấy sức để còn đi khắp nơi.