CUNG ĐÀN TRI KỶ TRI ÂM
Ngày mùng 7 tháng 3 dương lịch năm 1989, Tôn Nữ Hỷ Khương tổ chức hội thơ Quỳnh Dao tại Thùy Khương trang để đọc và ngâm những bài thơ của các bạn họa bài “Tự thuật” của tôi, đã làm tại Honolulu (Hạ Uy Di) ngày 24 tháng 7 năm 1988. Có thơ họa của Hỷ Khương hiền muội, của Trần Lữ Vũ, Tùng Linh và Việt Nữ.
Hôm đó thật quá bất ngờ! “Âm nhạc đã lạc vào vườn thơ và được dự quần hội tao nhân thật bất ngờ”. Bất ngờ nên tôi không có đem đàn của mình theo và trong lúc Hỷ Khương ngâm thơ, Trần Lữ Vũ chỉ dùng đàn Lục huyền cầm đưa hơi. Cuộn băng ghi âm kỷ niệm tôi đem về bên Pháp và lúc nào nhớ các bạn thơ, nhớ hiền muội, nhớ hội thơ là tôi đem ra nghe. Càng nghe càng thấy thiếu tiếng đàn phụ họa, nên ngày 12 tháng 5 năm 1989, khi cho băng chạy trong máy, tôi lấy đàn tranh hòa theo. Người ngâm thơ và tiếng đàn đệm cách nhau hơn 10 ngàn cây số. Thời gian ghi tiếng thơ ngâm và tiếng đàn đệm cách nhau hơn 2 tháng. Nhưng khi nghe lại, tưởng chừng như thơ ngâm và đàn họa cùng trong một thời điểm và thi nhân nhạc sĩ đang ngồi cạnh nhau trong một gian nhà.
Tháng sau, Hỷ Khương gửi thêm một cuộc băng khác trong đó có thơ họa của anh hà Thượng Nhân và Hỷ Khương ngâm theo mặt băng nhạc có sẵn bên nhà. Do đó, trong cuộn băng ghi âm buổi họp thơ Quỳnh Dao ngày mùng 7 tháng 3, tôi đàn Tranh, còn những bài sau, tùy bài thơ mà tôi đàn Nguyệt, đàn Tỳ Bà hay đàn ghi-ta Việt Nam.
Tôi chép lại thơ-nhạc, trong hai cuộn băng, gửi về cho Hỷ Khương hiền muội để kỷ niệm lần “Nhạc lạc vườn thơ” và anh em xướng họa.
Hai cuộn băng đến tay Hỷ Khương hiền muội trong lúc em đang đau nặng và hằng ngày, lúc các bạn làm thơ đến thăm, hay lúc nằm vò võ trên giường bệnh, em cho băng chạy và chìm trong nhạc trong thơ.
Và nhờ đó mà giai chương “Cung đàn tri kỷ tri âm” ra đời và được sự hưởng ứng nồng nhiệt của các Anh Chị Em trong hội thơ “Quỳnh Dao”.
Xin ghi lại đây mấy vần thơ xướng họa, để giữ lại một kỷ niệm tuyệt vời và để chia niềm vui của những bạn đồng điệu trong hội thơ Quỳnh Dao đến các bạn xa gần, để cho “Cung đàn tri kỷ tri âm” ngân vang và “mở rộng không gian xóa cõi bờ”.
“Cảm xúc khi nhận được hai cuộn băng thơ do Hỷ Khương ghi âm tại Việt Nam, nay được Trần Văn Khê hiền huynh họa đàn theo tại Pháp, và trong cuộn băng này hiền huynh còn có tiếng nói, ngâm thơ đàn hát gửi tặng cho Hỷ Khương, gia đình và bằng hữu”.
Giai chương này Hỷ Khương chưa đề tựa, dầu đã nghĩ đến rồi. Lúc tôi về nước, gặp Hỷ Khương, em đề nghị tôi chọn tựa cho bài thơ. Em rất thú vị khi tựa tôi đề nghị cũng là tựa Hỷ Khương muốn đặt.
Vì vậy, cả hai bài đều mang một tựa: CUNG ĐÀN TRI KỶ TRI ÂM
Xướng: Họa:
CUNG ĐÀN TRI KỶ TRI ÂM Thương mến họa bài thơ cảm tác
của Hỷ Khương hiền muội
Ai ngâm theo tiếng tơ trầm bổng? Tiểu muội ngâm thơ theo tiếng nhạc
Ai trổi cung cầm họa ý thơ? Ngu huynh đàn trổi đệm lời thơ.
Ai gửi tâm tình qua giọng hát? Em ngân câu hát xuyên rừng mộng,
Ai gieo âm hưởng một trời mơ? Anh rải tiếng đàn qua suối mơ.
Hồn thơ quyện mãi theo hồn nhạc Hồn thơ gợi hứng cho hồn nhạc
Tiếng nhạc chan hòa trong tiếng thơ. Tiếng nhạc thêm duyên cho tiếng thơ.
Không gian lắng đọng chừng im vắng, Không gian thâu ngắn, không xa nữa,
Giây phút thời gian luống hững hờ. Bớt lạnh, thời gian hết hững hờ.
Tiếng tranh êm ái ru hồn mộng, Tranh khúc nỉ non bài cách biệt,
Tiếng nguyệt chìm trong giấc đợi chờ. Nguyệt cầm than thở điệu mong chờ.
Tiếng tỳ ngân vọng mơ tình khúc, Tỳ bà dìu dặt câu thương nhớ,
Vương vấn u hoài dạ ngẩn ngơ! Khúc dứt, bàng hòang dạ ngẩn ngơ!
Cung đàn tri kỷ tri âm đó, Mỗi lần tri kỷ phùng tri kỷ,
Ai đã dày công nắn phím tơ? Nhạc dễ thành chương rộn tiếng tơ.
Ai đã chuốt trau thành chất ngọc? Cả lúc mưa rơi hay nắng đổ,
Ngàn năm lưu dấu chẳng phai mờ. Dầu khi trăng tỏ hoặc trăng mờ.
Ai đã so dây cho đúng bậc? Êm ái lời thơ hòa tiếng nhạc
Cho cung trầm thấm nhập vào thơ. Trùng dương phân cách nhạc và thơ
Đông Tây cách trở ngoài muôn dặm, Thuyền qua bão tố ngoài khơi rộng,
Gần gũi nghe như chẳng bến bờ. Gió lặng, trời êm nhẹ đến bờ.
Sài Gòn vào thu Kỷ Tỵ 1989 Sài Gòn mùa thu 1989
Tôn Nữ Hỷ Khương muội muội Ngu huynh Trần Văn Khê
(Những ngày trên giường bệnh) (Một ngày sau khi về nước)
Chép ngày 10-08-1989 giờ anh trở về.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét