Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

ÂM NHẠC TRỮ TÌNH CỦA LƯU HỮU PHƯỚC (Phần 1)


ÂM NHẠC TRỮ TÌNH CỦA LƯU HỮU PHƯỚC
(Phần 1)
GS Trần Văn Khê & Nghệ sĩ đàn Tranh Hải Phượng trong đêm chuyên đề "Nhạc truyền thống dân tộc trong một số ca khúc của Lưu Hữu Phước"
Khi nhắc đến Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, người ta thường nhớ đến những hành khúc bất hủ đã kêu gọi Dân tộc Việt Nam tham gia cách mạng, đã khơi niềm tự hào Dân tộc ngang qua chiến công anh dũng của người xưa, đã mật thiết gắn bó với những cuộc chiến tranh giành độc lập cho đất nước và Dân tộc Việt Nam. Ít ai biết đến loại nhạc trữ tình mà thỉnh thoảng, trong khi không ngừng nghĩ đến nghĩa chung, ghi lại đôi chút tình riêng. Chính trong những bản tình ca đó, nét nhạc Dân tộc truyền thống rất đậm, tiết tấu, giai điệu không bó khuông vào thể hành khúc mà thong thả, khoan nhặt, bổng trầm theo nhịp điệu của con tim.
                            Chân dung nhạc sĩ Lưu Hưu Phước
Chúng tôi không đề cập vấn đề "trữ tình" với nghĩa rộng của nó, mà Giáo sư Quang Hải trong bài tham luận tại Cần Thơ đã nêu rõ. Chúng tôi chỉ nhắc lại đôi ba thí dụ điển hình trong đó Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã để trọn vẹn lòng mình, tình cảm của mình trong những nhạc phẩm mà theo chúng tôi, có một giá trị nghệ thuật đặc biệt. Theo thứ tự thời gian, tôi ghi lại bài "Ai nhớ ai", loạt bài trong ca kịch "Tục lụy", bài "Hương Giang dạ khúc" và bài "Lời ru chim lạc".
***
I. Bài "Ai nhớ ai"
Bài này sáng tác tại Hà Nội năm 1941. Lúc đó Phước thường nghe những người hát rong và xúc động trước các lối ngâm sa mạc, bồng mạc của những Nhạc sĩ mù.
Năm 1941, trên sân khấu của những dạ hội sinh viên, chúng tôi cố tình đem nhạc Dân tộc trình diễn: anh Thậm hò theo điệu Hò Lý bản đờn của Bến Tre; chị Phùng Thị Cúc - nay là nhà điêu khắc nổi tiếng thế giới Điềm Phùng Thị - hò một câu Hò Mái Nhì; các bạn Miền Bắc hát bài "Cò lả". Chúng tôi giới thiệu bài "Hoài Xuân" của Tô Mạn Châu, một người chí sĩ Việt Nam trong phong trào Đông Du mà Mai Văn Bộ đã dịch lời viết bằng tiếng Hán Việt, ra lời Việt. Chúng tôi thường hát bài "Con thuyền không bến" của Đặng Thế Phong.
Trong khi tập dượt, trước khi lên sân khấu thì Phước thường đàn Mandoline cho các ca sĩ bắt hơi. Phước có cảm tình với một nữ sinh có giọng hát "oanh vàng", nhưng khi biết được nữ sinh ấy đã đính hôn, thì Phước - mà chúng tôi thường gọi là "ông thần lương tâm" - đã không để lộ tình cảm của mình, mà còn có ý tránh gặp nữ sinh ấy. Tuy không gặp mà vẫn nhớ:
"Tưởng nhớ ai thường đứng mơ màng,
dưới ánh trăng vàng
... Tưởng nhớ ai thường hát véo von ...
Ai hỡi thấu chăng nỗi lòng ?
Trong bài này, chúng tôi không phân tích bài hát về thang âm điệu thức, chỉ ghi lại cảm giác của chúng tôi khi nhận được bài hát Phước chép trên một tờ giấy và nói: "Phước đưa cho Khê xem bài này nhưng không được phổ biến, hay hát trong các dạ hội". Nét nhạc đẹp quá. Hơi Sa Mạc rõ quá. Lời chân thật, giản dị, đầy tình cảm, tôi hát nhỏ cho Phước nghe. Bài Phước viết theo nhịp ba mà có ghi rõ Legato, tức là đàn hát dính liền nhau như tiếng ngâm. Tôi hát theo cách Rubato, tức là không theo hẳn tiết tấu ghi định trong bài thì Phước rất tán thành. Đến đoạn "Dài đêm dài, ai nhớ ai" thì vào nhịp. Có nhịp phách mà hơi hướng vẫn đậm màu Dân tộc, dựa trên vốn cổ mà không nệ cổ, không bắt chước rập khuông, không lấy nét nhạc nguyên xi mà là một sáng tác mới trong thời ấy.
Sau này có dịp tôi giới thiệu bài "Ai nhớ ai" và tự phụ hoạ bằng đàn Tranh, người nghe có thể tưởng là tôi biểu diễn nhạc cổ như ngâm Kiều theo Sa Mạc hoặc ngâm bài "Anh Khoá".
(còn tiếp)
TRẦN VĂN KHÊ
2 CommentsChronological   Reverse   Threaded
Add a Comment
     
trantruongca wrote on Sep 21, '08, edited on Sep 23, '08
Cài lên Blog vừa xong là thấy hiện lên lời comment rất xây dựng của con. Ba rất vui và cám ơn con. Ba sẽ cho cài bản ký âm và nếu được bài ca Ai nhớ Ai do cô Nguyển thị Thiều biểu diễn. Nhưng tư liệu đó còn chưa tìm ra trong kho tư liệu còn rất bề bộn của Ba!!!
Thương con lắm
Ba hôn con nhiều
Ba của con
Trần Văn Khê
tranquanghai wrote on Sep 21, '08
Kính thưa Ba,
Đây là khía cạnh ít người biết của bác Phước . Với bài viết của Ba, người ta sẽ khám phá chất trữ tình lãng mạn của một nhạc sĩ tiền phong nổi danh qua các ca khúc đấu tranh hùng dũng . Rất tiếc là không được nghe các ca khúc này . Hy vọng Ba sẽ có dịp nạp lên blog những bài này để cho mọi người thưởng thức.
Hun Ba nhiều
Con
Tran Quang Hai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét