Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

NGÂM KIỀU TRONG HAI ĐẠI SỨ QUÁN VIỆT NAM VÀ PHÁP TẠI BẮC KINH

NGÂM KIỀU
TRONG HAI ĐẠI SỨ QUÁN
VIỆT NAM VÀ PHÁP TẠI BẮC KINH
Ban tổ chức Hội nghị quốc tế âm nhạc tại Bắc Kinh, đối với tôi rất chu đáo. Sau khi ghi tên tôi vào sổ khách sạn, giới thiệu cho tôi bà Liu, thông dịch viên, ông Yao người lo giấy tờ đi lại, sắp đặt chương trình sinh hoạt của tôi tại Bắc Kinh, ngày nào viếng thắng cảnh, xưởng đóng nhạc khí, hay gặp gỡ các Giáo sư Âm nhạc, mua vé máy bay hay xe lửa đi Tây An, Thiên Tân, lấy vé xem các chương trình văn nghệ, giới thiệu anh tài xế chiếc xe Toyota đen, túc trực từ 07g30’ sáng đến 23g30’ khuya, Ban tổ chức trao cho tôi một tờ giấy trên đó có những số điện thoại cần thiết cho tôi, số điện thoại của Ban tổ chức, những người trực tiếp giúp tôi trong việc đi lại và điện thoại của đại sứ quán Việt Nam và Pháp !
Các anh trong Đại sứ quán Việt Nam rất vui khi biết tôi sang Bắc Kinh dự Hội nghị âm nhạc, vì theo lời các anh, từ lâu rồi, trong Nước không có người sang công tác bên này. Nay gặp tôi đã về Nước làm việc vào cuối năm 1986, vừa có thể nói chuyện âm nhạc cho các anh nghe, vừa cho biết qua tin tức về đời sống bên nhà.
Hai anh Hồ Sĩ Tuệ, Nguyễn Đình Bảng, đến khách sạn Hoa Đô đón tôi đi thăm các anh chị em trong Đại sứ quán Việt Nam.
Một biệt thự đồ sộ, phía sau là một miếng vườn rất to có trồng nhiều cây ăn trái và một dãy nhà để cho tất cả anh chị em ở chung với nhau trong Đại sứ quán.
Ông Đại sứ về nước chưa trở qua. Anh Vũ Thuận, đại diện ra cửa đón tôi, dẫn đi một vòng xem qua khu vườn, rồi mời tôi vào phòng khách, uống tách cà phê Việt Nam, mùi thơm ngát không có cà phê nước nào sánh được, chờ đợi buổi cơm cũng rất đặc biệt. Anh bếp chánh đánh tiết canh theo Việt Nam với máu vịt  Bắc Kinh ! Xong rồi, các anh chị họp lại để nghe tôi nói chuyện về nhạc Việt Nam, tất cả trên 30 anh chị nhớ nước, nhớ nhà quây lại xem cho khuây khoả. Tôi nói chuyện có rất nhiều minh hoạ : Hò cấy Miền Nam, Hò mái nhì Miền Trung, Hát Quan họ Miền Bắc. Các anh yêu cầu được nghe ngâm Kiều. Tuy không đàn phụ hoạ, những câu Kiều quen thuộc vẫn gợi lại cho người Việt xa xứ hình ảnh Nước Việt thân yêu. Các anh chị rất thích và hẹn một hôm khác ăn buổi tiệc chia tay. Lại một lần nữa, tôi đem tiếng nhạc lời ca của quê hương đất nước đến những người Việt xa nhà.
***
Ông Christian Timmonier, tuỳ viên văn hoá Pháp, đến khách sạn Hoa Đô, mời tôi đến Trung tâm văn hoá Pháp, trước để nghe cậu Cheng, môn đệ của tôi, giới thiệu bằng tiếng Pháp, cây đàn Tỳ Bà và biểu diễn một số bài cổ điển, độc tấu Tỳ Bà cho nhân viên Đại sứ quán Pháp và một số quan khách ngoại quốc và Trung Quốc đến nghe. Sau đó, mời tôi đến dự tiệc chiêu đãi các đại biểu Pháp đến dự Hội nghị âm nhạc Châu Á tại Bắc Kinh. Tuy tôi là người Việt lại do Unesco gởi sang Bắc Kinh, nhưng tôi cũng được mời.
Trung tâm Văn hóa Pháp là một biệt thự rộng rãi, trong một hoa viên xinh xắn. Vừa bước vào, tôi đã hết nghe nói tiếng Trung Quốc mà chỉ nghe nói tiếng Pháp. Một bà Pháp mang kính trắng, vừa thấy tôi vào, đi mau đến nghiêng đầu, lại chào tôi bằng tiếng Việt :
“Kính chào Giáo sư ! Tôi đã gặp Giáo sư một lần rồi, nhưng từ lâu, chưa có dịp gặp lại. Cũng từ lâu rồi, tôi không có dịp nói tiếng Việt Nam, đã quên rất nhiều, nhưng hôm nay, vì muốn tỏ lòng kính trọng Giáo sư, tôi xin chào Giáo sư bằng tiếng Việt Nam”
Trong một cơ quan thuộc Đại sứ quán Pháp, trên lãnh thổ Trung Quốc, lại được người Pháp chào bằng tiếng Việt, bạn thấy có lạ không ? Tôi trả lời :
“Thưa bà, bà nói tiếng Việt rất đúng, phát âm rất rõ. Tôi rất xúc động khi thấy bà, vì quí trọng con người và tiếng nói của Việt Nam, đã chào tôi bằng tiếng Việt Nam, trong khi tôi là khách, nhập gia tùy tục, nơi đây, tôi phải nói tiếng Pháp mới phải. Thưa bà, bà học tiếng Việt tại Pháp hay tại Việt Nam ?”
“Phần lớn tại Việt Nam. Vợ chồng tôi trước kia đã trong nhiều năm, làm việc cho Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội. Chúng tôi học tiếng Việt trong thời kỳ ấy”.
Anh Tùy viên văn hóa cho tôi biết bà vừa nói chuyện với tôi là bà Girard. Bà chuyên về khảo cổ. Ông Girard hiện là Cố vấn Đại sứ quán Pháp tại Bắc Kinh.
Buổi hòa nhạc xong, ông Tùy viên văn hóa mời một số bạn đến dự tiệc chiêu đãi đại biểu Pháp dự Hội nghị Bắc Kinh.
Sau buổi ăn tối, có phần văn nghệ, anh Alain Desjacques, cũng là một môn đệ của tôi, hiện đang soạn Luận án Tiến sĩ về nhạc Mông Cổ, hôm nay giới thiệu một nhạc sĩ Nội Mông đến đàn Mã đầu cầm và hát trường ca. Ai cũng trầm trồ và hỏi tại sao đầu cây đàn này lại chạm hình đầu ngựa. Anh nhạc sĩ có lẽ muốn trả lời cho qua nên nói : “Con ngựa có liên quan mật thiết đến đời sống hằng ngày của dân tộc Mông Cổ, là người bạn của chúng tôi trên đường xa, và trong những cuộc đua thi tài ! Anh Alain Desjacques nói có nhiều truyền thuyết về nguồn gốc cây đàn này, nhưng kể lại sợ mất thì giờ.
Tôi lại nghĩ khác. Nếu biết qua một trong những truyền thuyết có lẽ nhạc sẽ thú vị hơn, nên tôi tình nguyện tóm tắt một truyền thuyết về cây Mã đầu cầm của Mông Cổ (Truyền thuyết này, tôi đã thuật rõ ràng trong một bài đăng trong Bách khoa cách đây vài chục năm dưới bút tự Trần Nguyễn Anh Ca, Trần là họ của tôi, Nguyễn là họ của một người bạn rất thân, anh Nguyễn Hữu Ngư, Anh là chữ N, đứng đầu chữ Ngư, Ca là chữ K đứng đầu tên tôi). Mọi người đều tán thành. Tôi bắt đầu kể chuyện :
Thửa xa xưa, mỗi buổi chiều, 28 vì sao trên trời cưỡi ngựa xuống hạ giới ngao du. Chỉ phải trở về thượng giới trước lúc vừng ô ló dạng, 28 vì sao khi đến hạ giới, biến thành 28 tướng, kim giáp kim bào. Tướng cầm đầu các vì sao, có con thiên lý mã, một nháy mắt chạy xa ngàn dặm, nên chàng xuống trần sớm hơn các vì sao khác. Và khi mọi người chuẩn bị về trời chàng còn có thể nấn ná lại phàm trần đến hừng đông. Nhờ đó, chàng mới có thì giờ gặp một người thôn nữ để trao đá đổi vàng.
Một hôm thiếu nữ hỏi chàng : “Chàng từ đâu đến đây mà cứ hoàng hôn chàng xuất hiện và hừng đông chàng vội vã trở về ?”
- “Ta từ trên trời xuống đây. Và sáng ta phải trở về trời.”
Nàng bán tín bán nghi, nên hôm sau, nàng thắng sẵn một con tuấn mã. Khi chàng lên yên, nàng cũng giục ngựa đuổi theo. Nhưng ngựa của nàng, dầu là tuấn mã, chạy sao bằng thiên lý mã của người yêu. Trong nháy mắt, chàng đã đi xa ngàn dặm.
Đêm sau, thừa lúc chàng đang say giấc nồng, nàng lén ra tìm xem thiên lý mã có khác chi ngựa thường mà chạy quá mau. “Thảo nào mi chạy mau ?”. Nàng vừa thấy sau mỗi chân ngựa có cặp cánh nhỏ. Muốn giữ người yêu lại với nàng, nàng không nghĩ xa, lấy dao cắt 4 cặp cánh nhỏ. Trở vào lều, nàng tin rằng người yêu của mình không thể về trời và sẽ ở mãi với nàng.
Sáng hôm sau, chàng thức dậy như thường lệ, và “trước lúc ven trời thoa son thắm”, chàng lên ngựa về trời. Nhưng ngựa đâu còn cánh thần ! Thiên lý mã đã mất phép vượt ngàn dặm trong nháy mắt. Thấy ngựa quí của mình hết sức cố gắng mà không gian không thâu ngắn như thường ngày, chàng nói với Thiên lý mã : “Cố chạy mau hơn nữa, thần mã ơi ! Bình minh sắp tới ! Mặt trời sắp mọc, mà đường về còn xa ! Cố gắng chạy mau hơn nữa !”. Làm sao chạy mau hơn nữa ? Thiên mã gần kiệt sức rồi.
Một tia nắng sớm xuyên qua mây, chói xuống trần gian. Người và ngựa rơi trên một bãi sa mạc. Thiên mã trút hơi thở cuối cùng. Chàng ôm đầu Thiên mã. Thôi rồi ! Đường về thượng giới đã bị cắt đứt. Người thiếu nữ xinh đẹp, nhưng đã gây ra thảm họa, giờ này, nàng ở nơi nao ? “Thiên mã ôi ! Vì ta mà ngươi phải bỏ mạng. Và trên trần thế ta sẽ làm gì ?” Chàng ôm đầu ngựa quí mà khóc. Khi nước mắt chàng rơi trên đầu thiên mã, ngựa biến thành đàn, đầu ngựa thành đầu đàn, đuôi ngựa thành dây đàn. Lấy đuôi làm cung đàn, chàng ôm đàn kéo ra những âm thanh não nùng giúp chàng khóc than cho số phận. Chàng đi từ vùng này đến vùng nọ, để đàn than thở thay cho mình và khi chàng cất tiếng ca, cũng không thể diễn tả niềm vui đã chết trong lòng chàng. Vì vậy, đàn Mã đầu cầm mà người Mông Cổ gọi là “marinkhui” thường dùng để phụ họa cho những trường ca buồn thảm !
Mọi người đều thích thú : “Giáo sư đưa chúng tôi vào thế giới huyền thoại”
Tiếng đàn Mã đầu cầm cất lên. Bản trường ca Mông Cổ làm mọi người nhớ lại tích xưa. Ai cũng bàng hoàng khi lời ca chấm dứt.
Bà Girard đến hỏi tôi : “Thưa Giáo sư, chẳng biết tôi có làm phiền Giáo sư khi tôi yêu cầu Giáo sư ngâm Kiều không ?”
- “Thưa không. Thưa bà còn nhớ truyện Kiều?”
- “Khi vợ chồng tôi công tác ở Việt Nam, mỗi ngày, chúng tôi học vài câu Kiều. Chúng tôi chép những câu muốn học trên một tờ giấy, treo trong nhà, ra vào đều đọc đi đọc lại cho nhớ. Nay tôi quên khá nhiều, nhưng còn nhớ độ trăm câu”.
- “Thưa bà thích nghe đoạn nào cho tôi biết. Nếu tôi thuộc đoạn ấy, tôi sẽ ngâm cho bà nghe”.
- “Nếu có thể, xin Giáo sư ngâm cho tôi nghe đoạn Kiều ở lầu Ngưng Bích, đoạn Buồn trông cửa bể chiều hôm
- “Vâng”.
Hôm ấy, tôi ngâm thơ không có đàn phụ họa. Nhưng có lẽ tôi xúc động nên từ Sa mạc, tôi chuyển qua Bồng mạc, chính tôi nghe mà cũng thấy trong dạ bồi hồi.
“Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu !
Mắt bà Girard long lanh ngấn lệ. Mà giọng ngâm của tôi cũng rung rung vì xúc động.
Trong góc, một thiếu phụ, người Châu Á, chồng cũng là nhân viên Đại sứ quán Pháp, có nét mặt buồn buồn. Cô đến chào tôi. Tôi không dám nghĩ là người Việt, vì ở tại Bắc Kinh làm gì có người Việt ngoài sứ quán ? Thế mà lại người Việt mới lạ. Lại người Việt nói tiếng Việt với giọng Miền Nam ! :
- “Bác ngâm Kiều làm cháu nhớ nhà quá. Bác ở Paris Bác có biết Đại sứ Hà Văn Lâu không ?”
- “Biết nhiều lắm. Tôi có gặp Đại sứ Hà Văn Lâu nhiều lần”.
- “Cháu gọi Đại sứ bằng cậu. Tên cháu là Bích Hồng”.
Ai ngờ ! Đến xứ lạ, gặp người đồng hương và trên lãnh thổ của Trung Quốc, nhạc Việt đã làm xúc động người ngâm thơ và người nghe trong Đại sứ quán Pháp, và người Việt có chồng Pháp xa quê lâu rồi, mà vẫn còn xúc động khi nghe ngâm lại những câu thơ trong truyện Kiều.

Trần Văn Khê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét