Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

Thấy rõ mình ngang qua nhãn quan của người khác


Tôi đã giảng tại Viện Âm nhạc nhiều lần. Có một nhà nghiên cứu trẻ lúc nào cũng nghe chăm chỉ, ghi chép đầy đủ và quan trọng nhứt là lĩnh hội được ý nghĩa và mục đích của bài giảng. Một vài khi đặt lên những câu hỏi rất hay vì nhà nghiên cứu đó tự cho mình một cái tên rất tếu là "con mọt sách", về những bài mà tôi đã viết cách đây hơn 30 năm để tìm hiểu tại sao khi xưa tôi khẳng định quay về một đường, ngày nay tôi lại đi về một hướng khác. Hai đường hướng đó cách xa nhau 180 độ! Tôi chẳng những không khó chịu mà lại cám ơn cô đã nêu lên câu hỏi như thế để tôi tự nói rõ là từ trước tôi đã đi sai con đường đó như thế nào mà hôm nay khi đã "giác ngộ", tôi định rõ đường đi và quyết định dẫn dắt môn sinh tôi theo con đường đó. Bắt đầu từ ngày đó, tôi thấy nhà nghiên cứu trẻ tuổi chẳng những nhận định rất chính xác đề tài nghiên cứu mà khi viết ra thành văn bản thì là những câu văn giản dị trong văn phong và súc tích, thi vị trong hình ảnh nên tôi thường trao đổi với cô về nhiều vấn đề. Và trong quan hệ không phải chỉ có tình Thầy/Trò mà còn thân thiết không khác gì Cha/Con. Tình cảm đó còn giữ nguyên vẹn đến ngày nay. Khi soạn bài để lên blog, tôi thấy bài này và nhớ lại trước kia, có nhiều lần tôi thấy tôi qua lời thơ của cố thi sĩ Nguyễn Hải Phương, của thi sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương hiền muội, của Trần Lữ Vũ, củạ ni cô Như Hương... thì hôm nay tôi muốn chép lại bài của nhà nghiên cứu trẻ này trên blog để lại một lần nữa thấy rõ mình ngang qua nhãn quan của người khác. (TRẦN VĂN KHÊ)
                                     Thầy trò Trần Văn Khê & Minh Châu
NGƯỜI TRUYỀN ĐẠO "NHẠC"
Bao nhiêu nǎm trời, bao nhiêu chuyến đi, bao nhiêu diễn đàn và giảng đường ông đã từng thuyết trình, biểu diễn, thỉnh giảng! Khó biết được chính xác trong một đời làm thầy của mình, ông đã có bao nhiêu học trò từ khắp các châu lục với đủ các màu da, đủ các lứa tuổi, kể cả nhiều người không được cái may theo học chính thức, nhưng vẫn tự coi mình là môn sinh, là đệ tử, là tín đồ của ông - nhà dân tộc nhạc học Trần Vǎn Khê.

Mỗi chuyến đi về Hà Nội trong mấy nǎm gần đây, giáo sư Trần Vǎn Khê đều cố sắp xếp chương trình làm việc cǎng thẳng về nhịp độ và eo hẹp về thời gian của mình, để có ít nhất một buổi nói chuyện với Viện Âm nhạc - nơi ông sẵn lòng làm ông thầy tự nguyện cho những môn sinh tự nguyện. Lần này như mọi lần, hễ cứ nói về nhạc là ông “say” đến độ quên hết sự đời, khiến người nghe cũng quên luôn tuổi tác của người nói, quên cả chuyện ông vừa mới trải qua hai cơn bạo bệnh - cơn đau tại Pháp mới dứt đã tiếp ngay đến đợt ốm tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hai trận “thập tử nhất sinh” nǎm nay đã làm suy yếu tim mạch và hao tổn nhiều sức lực của ông, nhưng vẫn không chút mảy may đụng chạm đến trí nhớ tuyệt vời, đến tinh thần tử vì đạo của một người “truyền đạo  Nhạc” như ông tự gọi mình.

Câu chuyện bắt đầu bằng thang âm điệu thức Râga của Ấn Độ. “Râga là gì?”, ngay các bậc kỳ tài về Râga ở Ấn Độ cũng không có câu trả lời cụ thể nào cả. Chẳng phải ngẫu nhiên một nghệ nhân Ấn Độ đã định nghĩa như không định nghĩa: “Râga là tôi!”, bởi mỗi người hát Râga đều có “cái hồn” riêng dù không khi nào đi chệch khỏi những nguyên tắc chung. Râga theo giáo sư Trần Vǎn Khê đến với chúng tôi vừa bằng con đường giải thích cụ thể và khoa học, vừa sống động qua những đường nét giai điệu đặc biệt ấn tượng của nó, qua lối phát triển gợi nhớ đến những con sóng triền miên nối nhau tràn lên rồi rút xuống và cứ thế lần lần theo thủy triều dâng tới đỉnh cao nhất. Điểm thêm những truyền thuyết về tính sâu sắc, cao siêu và bí hiểm của âm nhạc Ấn Độ, “bắt” mọi người cùng tập hát theo thang âm điệu thức Râga và gõ nhịp theo những tiết tấu không đơn điệu, đấy là những “chiêu” nhẹ nhàng hóa bài giảng của nhà truyền đạo. Nhưng “chiêu độc” hơn cả, cái điều quan trọng nhất mà nhà truyền đạo muốn dẫn đến vẫn là kết luận cuối cùng: học cái hay của người ta để vận dụng theo cách của mình. Rồi ông lập tức ngẫu hứng một đoạn “rao” điệu thức Việt Nam theo nguyên tắc phát triển của Râga Ấn Độ, nghĩa là không quá thật thà “có bao nhiêu đứa con ào ào lôi ra bằng hết”, mà từ từ giới thiệu tính cách từng “đứa”- từng bậc trong thang âm theo kiểu “tuần tự nhi tiến” từ thấp tới cao, mỗi bậc như mỗi đứa con đều được chǎm sóc chu đáo, được tô điểm đâu ra đấy bằng những nét nhạc luyến láy đặc thù. Cách rao này nghe lạ mà vẫn thật Việt 
Nam
! Đây chính là tư tưởng “mở cửa” mà biết giữ cho mình vẫn là mình, một điểm mấu chốt trong giao lưu vǎn hóa giữa các dân tộc, giữa các quốc gia, cũng như giữa hai phương trời tưởng như chẳng bao giờ gặp nhau: Đông và Tây.

Gặp gỡ, trao đổi, giao lưu, hòa nhập, liên kết, liên ngành... là những điều ngày càng được luận bàn nhiều hơn trên diễn đàn vǎn hóa nghệ thuật. Gần đây, trong phạm trù thể hiện tình đoàn kết mang tính toàn cầu còn xuất hiện thêm cụm từ mới: “giao diện”. Giao diện giữa khoa học tự nhiên và xã hội, giữa các ngành khác nhau trong khoa học xã hội nhân vǎn để có cái nhìn đa diện về đối tượng nghiên cứu. Giao diện vǎn hóa nghệ thuật để đối chiếu, hiểu biết lẫn nhau, gợi mở và làm giàu thêm cho nhau giữa các dân tộc, các vùng địa lý khác nhau. Giao diện giữa các thế hệ, giữa các nhà nghiên cứu già và trẻ, giữa kinh nghiệm dày dặn tích tụ trong nhiều nǎm và sức trẻ nǎng nổ nhạy bén. Nếu cần gói gọn trong một cụm từ, thì rất có thể mượn từ “giao diện” này để chỉ ý nghĩa, nội dung và mục đích của những buổi chuyện trò tại Viện Âm nhạc của giáo sư Trần Vǎn Khê.

Ông như cố tận dụng quỹ thời gian quý giá còn lại của mình, truyền đạt lại càng nhiều càng tốt những gì ông có được trong cuộc đời đi nhiều biết nhiều của mình. Bao điều được gửi gắm trong bầu không khí anh - em, cha - con, bác - cháu, từ quan điểm và phương pháp nghiên cứu vừa mang tính “giao diện”, vừa sâu sắc về học thuật, đến kinh nghiệm sưu tầm điền dã biết “trước khi xin phải cho”, biết làm cho nghệ nhân tự nguyện “mở cửa lòng”; từ cách tự học luôn liên hệ đa chiều “học một biết ba”, đến lối dạy học bình đẳng với trò, “kích” trò đối thoại với thầy, không để trò thụ động nhất nhất “theo đuôi” thầy, mà còn biết nói ngược lại, thậm chí biết “cãi” thầy nữa. Ông luôn kiểm nghiệm và mở rộng thêm sự hiểu biết vốn đã sâu rộng ở ông qua công việc dạy học, trong lúc truyền đạt tư tưởng của mình cho trò. Có lẽ vậy nên sau mỗi cuộc “truyền đạo” thật quá sức với tuổi cao niên, ông vẫn rất vui và hẹn đến lần gặp tới. Lòng chợt se lại, mơ hồ một nỗi lo khi bắt gặp dáng đi chậm hơn, bước chân nặng hơn của nhà truyền đạo "Nhạc" chưa từng biết mệt mỏi của chúng tôi.

Chẳng bao giờ được chính thức là học trò của ông, nhưng tôi đã nhận được từ ông thật nhiều, trong đó có tấm lòng của một người thầy và cả bài học làm thầy.
30-10-2003
Nguyễn Thị Minh Châu
4 CommentsChronological   Reverse   Threaded
Add a Comment
     
trantruongca wrote on Sep 23, '08
Con that la mot nha nghien cuu ma lo viec pho bien am nhac chau A rat manh
Thuong con qua ! " Cho rất nhiều, nhưng nhận chẳng bao nhiêu!!!!!!
Ba hôn con nhiếu
Ba của con
TVK
tranquanghai wrote on Sep 23, '08
Con làm việc gần như 5 giờ với vi tính mỗi ngày để cập nhựt những tin tức âm nhạc, sinh hoạt và thành quả nghiên cứu không những về nhạc việt nam mà những lĩnh vực về dân tộc nhạc học, hát đồng song thanh, đàn môi, nhạc thế giới để giúp cho những ai không có thì giờ sưu tầm có tài liệu để học hỏi thêm .
Thà là con bị mất thì giờ mà có nhiều người được hưởng . Đó là niềm vui của con.
Hun Ba nhiều
Con
Trần Quang Hải
trantruongca wrote on Sep 22, '08, edited on Sep 23, '08
Blog nầy cũng là nơi gặp gỡ hằng ngày của Cha con mình. Mà con tìm đâu được thời gian để cài lên Web của con rất nhiều tiết mục hay, Ba xem rất thích mà không có thì giờ ghi lại cảm xúc của Ba trong từng tiết mục. Còn con chẳng những trên Blog của Ba mà của nhiều môn sinh của Ba và nhiều bạn khác, lúc nào cũng có một câu comment đúng chỗ đúng việc đôi khi trào phúng. Giỏi quá!
Ba hôn con nhiều
Ba của con
TVK
tranquanghai wrote on Sep 22, '08
Bài viết rất hay, lột tả được sự trung thực và có một cái nhìn bén nhạy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét