Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

CẢM XÚC BUỔI TOPTALK 04/09/2009 VỚI GS TRẦN VĂN KHÊ

CẢM XÚC BUỔI TOPTALK 04/09/2009 VỚI GS TRẦN VĂN KHÊ

Thứ bảy, 05/09/2009 - 03:19 pm

Photobucket

Sứ mệnh của dự án IPL: “Góp phần phát triển một thế hệ lãnh đạo mới của các doanh nghiệp, một thế hệ lãnh đạo có khả năng dẫn dắt doanh nghiệp của mình đua tranh mạnh mẽ cùng thế giới trong việc giải quyết những vấn đề của thế giới, một thế hệ lãnh đạo có khát vọng xác lập vị thế mới, xây dựng hình ảnh mới của doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.”

Do đó, hiểu lắm và trân trọng những gì được tiếp thu từ các Toptalk của IPL, điểm đặc biệt mà các khóa học khác không có được.

Toptalk đợt trước được NTK Sỹ Hoàng truyền đạt cách thức giao tiếp qua trang phục để doanh nhân Việt Nam có thể tự tin làm việc, thể hiện bản lĩnh với các đối tác nước ngoài.

Toptalk kỳ này ngày 04/09/2009, chúng tôi được nghe Giáo sư Trần Văn Khê nói chuyện về âm nhạc dân tộc. Một buổi nói chuyện ngắn 2 giờ, 1 bài nhập môn về âm nhạc dân tộc thôi. Nhưng tôi hiểu, Ban sáng lập IPL muốn chúng tôi trân trọng bản sắc dân tộc trên con đường “đua tranh mạnh mẽ cùng thế giới” sau này.

Trước đây tôi từng được đọc rất nhiều bài viết, được nghe, được xem rất nhiều cuộc phỏng vấn, diển thuyết và biểu diễn của GS từ báo chí, truyền hình. Tôi từng tự hào về ông, Việt Nam chi bảo, người có thể chơi  nhiều loại nhạc cụ dân tộc, từng học ngôi trường Petrus Ký, là tiền thân trường cấp 3 Lê Hồng Phong của tôi sau này. Tôi từng cảm phục quá trình hơn 50 năm ở nước ngoài đóng góp vào công cuộc bảo tồn, gìn giữ và phát triển âm nhạc dân tộc của ông.

Và hôm nay tôi được gặp GS bằng xương, bằng thịt ngoài đời, được nghe lời ông nói và xem ông biểu diễn. Ngay khi bước vào ngôi nhà ông, tôi đã được tận mắt nhìn thấy rất nhiều nhạc cụ dân tộc. Rồi tiếp đó là những bức tranh, câu chữ mừng thọ GS 85 tuổi năm 2005. Và tôi không ngờ người GS tài hoa ấy ở tuổi 89, vẫn còn rất nhiệt huyết, sôi nổi khi hào hứng giảng giải cho chúng tôi nghe về những hiểu biết nhập môn về âm nhạc dân tộc, từ lịch sử văn hóa âm nhạc, đến các loại hình nhạc cụ như đàn bầu, đàn đáy, sênh tiền... GS chỉ chúng tôi những điệu hò, lý, cách xướng âm “hò xự xang xê cống”. Tôi nhìn cách GS với đủ cảm xúc phấn khởi, trìu mến nói chuyện, tập hát cho chúng tôi như những đứa con nít (mà đúng là chúng tôi chỉ như những đứa con nít khi bắt đầu học âm nhạc dân tộc). Cái cách luyến láy, rồi khi GS biểu diễn nhạc cụ với chị Hải Phượng, thật sự mới thấy sự đam mê và nhiệt thành của người thầy đáng tôn kính này.

1 buổi Toptalk đầy cảm xúc. Tất cả chúng tôi đều rất hứng khởi, lắng nghe và trân trọng những gì tận mắt thấy, tận tai nghe.

Photobucket

Nhưng sau đó khi về nhà, tôi lại thấy đượm buồn. Tất cả cảm xúc chỉ là cảm xúc. Vì tôi nhận thấy mình không có khả năng giữ gìn văn hóa dân tộc. Thật sự những gì Giáo sư nói: những bài hát ru, hò, lý, các khái niệm nhập môn, xướng âm, các loại hình nhạc cụ, tôi đã từng có đọc và nghe qua trong thời đại thông tin này. Điều quan trọng là người ta có đam mê hay không. Ở thế hệ tôi và thế hệ sau này, khi xã hội phát triển, người ta du nhập tất cả tinh hoa văn hóa thế giới về và nhanh chóng hấp thu. Tôi, cũng như bao bạn trẻ khác, đều thích nghe Pop, Rock, R&B; thích dancing các kiểu; học đàn thì cũng chỉ thích guitar, piano chứ có chịu học đàn tranh, đàn bầu đâu. Các bài hát ru, hò, lý, cải lương thỉnh thoảng có nghe và thích trong một khoảnh khắc như thế thôi; nhưng nếu nghe lâu dài thì... Nghe Giáo sư tâm sự Văn hóa Việt Nam là văn hóa chủ, văn hóa nước ngoài là văn hóa khách; chúng ta là chủ thì không nên để khách lấn át. Cần biết giữ gìn và phát triển văn hóa dân tộc. Lòng chợt buồn quá, vì mình biết là mình không có khả năng làm việc đó.

Trong xu thế hội nhập và phát triển, có nhiều điều mới sinh ra và làm tàn lụi những điều cũ xưa. Theo thống kê, cứ 2 tuần có 1 ngôn ngữ mất đi. Ai cũng biết những mặt trái của toàn cầu hóa. Nhưng để phát triển, ngày ngày chúng tôi vẫn dùng tiếng Anh để làm việc, học tập, tiếp thu tri thức thế giới, đọc thông tin toàn cầu. Sống trong thời đại này, tôi vẫn thường nghĩ đến một ngày cả thế giới dùng 1 ngôn ngữ, 1 loại đồng tiền...Vẫn biết là cố gắng “hòa nhập mà không hòa tan”, nhưng nếu hướng về một thịnh vượng chung, liệu có thể gìn giữ mãi bản sắc dân tộc được chăng?

Bởi thế nghe những điều GS tâm sự, lòng cứ rưng rưng. Vì nhìn GS, đến tuổi cần phải an nhàn nghỉ ngơi, thế mà vẫn tâm huyết và tham dự các buổi trò chuyện về văn hóa dân tộc. Vì những người như GS chắc chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, những người thế hệ sau vẫn còn chưa đủ tầm. Và một mai người ra đi thì những ai có thể đủ sức kế thừa. Nghệ sĩ nhân dân Phùng Há, vị tổ của cải lương, vừa mới ra đi đấy thôi.

Photobucket

Phút cuối chia tay, tôi nắm tay và chúc GS giữ gìn sức khỏe, sống thêm nhiều, nhiều tuổi nữa để tiếp tục truyền niềm đam mê âm nhạc dân tộc đến thế hệ sau. Thực sự trong thâm tâm tôi, vẫn mong có nhiều người khác cộng hưởng sự đam mê và tiếp tục bảo tồn âm nhạc dân tộc nói riêng, văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung.

Lời tâm sự của bạn QUOCKHANHVU - một thành viên trong Dự án IPL

(Xin phép bạn cho blog của GS Trần Văn Khê được đăng tải toàn bộ suy tư tình cảm của bạn về buổi gặp gỡ đặc biệt này
tại tư gia GS ngày 04.09 vừa qua. Rất cảm ơn những phản ứng và cảm nhận của tuổi trẻ nói chung và bạn quockhanhvu nói riêng để thấy rằng tuổi trẻ Việt Nam vẫn luôn trăn trở, mơ ước về một tương lai tốt đẹp tươi sáng cho dân tộc mình ở bất cứ lãnh vực nào)


Và đây là hình ảnh của tác giả bài cảm nhận trên:

3 CommentsChronological   Reverse   Threaded
 
Add a Comment
   
congebe1 wrote on Oct 13, '09
Anh Hải thân quý!

Chúc anh sẽ luôn vững vàng và truyền cảm hứng của nền âm nhạc son sắt của dân tộc rộng khắp trên thế giới, để mọi người có thể hiểu và cảm nhận tâm hồn của con người VN đáng quý đến nhường nào! Chúc anh sẽ là một truyền nhân xuất sắc của Giáo sư!

Duy Công - học viên IPL
 
trantruongca wrote on Oct 3, '09
Hải con trai cưng của Ba,
Ba rất vui khi thấy con góp ý sau khi đọc bài các báo nói về Ba. Ba rất tán thành và hoan nghinh công việc con đã, đang và sẽ làm. Tuy không phải một hướng đi với Ba nhưng cũng nhắm về âm nhạc dân tộc và sau này khi con phổ biến rộng rãi đồng song thanh trên thế giới rồi ba tin rằng một ngày nào đó con trở về nghiên cứu âm nhạc dân tộc Việt Nam với tất cả kinh nghiệm của con thì cũng không muộn.
Hun con nhiều lắm.
Ba của con TVK
 
tranquanghai wrote on Oct 2, '09
Một bài nói lên sự thèm khát nguồn cội nhạc dân tộc . Muốn tạo được một phong trào , giới trẻ phải ý thức và tìm cách tìm hiểu nhạc truyền thống . Cái gì cũng phải học từ đầu và phải đam mê . Rất tiếc là tôi không hoàn toàn đi theo con đường của Ba tôi (GS Trần Văn Khê) nhưng tôi cũng đi theo con đường phụng sự nhạc dân tộc với một chiều hướng khác nhưng sẽ gặp nhau ở một ngõ quanh nào đó trong thế giới âm nhạc . Việc làm của tôi đã có nhiều hưởng ứng trên thế giới . Hơn 8.000 người trẻ của 70 quốc gia trên thế giới đã tìm tôi để học hát đồng song thanh và tôi đã tạo khá nhiều ngưòi hiện nay tiếp tục việc làm của tôi ở khắp nơi .
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét