Hội thảo quốc tế về đề tài:
TÍNH TRUYỀN KHẨU VÀ CÁCH ỨNG TÁC
TRONG ÂM NHẠC CÁC NƯỚC ĐÔNG Á
(Phần 2)
Hai
nhóm nhạc Trung Quốc cổ điển mang tên là Fleur de prunus (Mai Hoa) do
Giáo sư François Picard chỉ huy và nhóm Musique des Lumières (Quang Minh
nhạc) do Nhạc sĩ Jean Christophe Frisch chỉ huy, biểu diễn hai chương
trình hết sức đặc sắc.
1.
Nhạc phẩm «Divertissements chinois» (Những bản nhạc dùng trong cung
đình Trung Quốc vào thế kỷ thứ XVIII, loại Cung trung chi nhạc) của Cha
Joseph-Marie Amiot sáng tác. Cha Amiot thuộc dòng
Jesuites, sanh tại Toulon năm 1718. Đến năm 1751 sang Bắc Kinh và ở
luôn bên ấy. Đến năm 1793 từ giã cõi đời. Người chuyên nghiên cứu về
ngôn ngữ, phong tục tập quán, văn hoá, âm nhạc Trung Quốc một cách tường
tận và để lại nhiều tài liệu nghiên cứu. Trong các tài liệu sưu tầm, có
nhiều bản nhạc cung đình thế kỷ thứ XVIII được người sắp thành 3 Liên
khúc (suites) trong đó có 41 bản nhạc khác nhau.
Nhóm Mai Hoa do Giáo sư Picard vừa chỉ huy vừa thổi Xiao (Tiêu) và Sheng (ống Sinh), gồm có cô Wu Suhua đàn Nan hu (đàn nhị Trung Quốc), Lai Longhan thổi Di ze (ống địch Trung Quốc), cô Wang Weiping đàn pipa (Tỳ Bà), cậu Shi Kelong đánh trống phách, thanh la.
Từ
trước đến giờ, tôi chưa nghe được một loại nhạc Trung Quốc vừa cổ mà
cũng vừa mới đối với lỗ tai của tôi, êm dịu, có chút gì đài các, nhịp
theo bình điệu, tiếng đàn và trống phách được sắp đặt tinh tế, mỗi tiếng
mõ tiếng trống được ghi rành rẽ, không ồn ào, không náo loạn. Nhạc có
đoạn nan hu độc tấu, có đoạn Tỳ Bà nổi lên. Những tổng
phổ lưu trữ trong Thư Viện Quốc gia Pháp mới được các nhà vừa nhạc học,
vừa nhạc sĩ nghiên cứu, tập luyện và hôm nay hiến cho các đại biểu tham
dự Hội Nghị một buổi hoà nhạc vô cùng đặc sắc.
2.
Những bản nhạc được chép tay từ đời Đường (trước năm 933), tìm được
thấy trong Động Đôn Hoàng, lưu trữ tại Thư Viện Quốc gia Pháp số P.3808 V
trong Fonds Pelliot Chinois, mang tên Xijiang yue (Tây giang nguyệt) được
đem ra nghiên cứu vì cách ký âm rất đặc biệt giống như cách ký âm cho
Gaku-biwa (Nhạc Tỳ Bà) trong dàn Nhã nhạc Nhựt. Tất cả bản chép tay gồm
có 25 bản chia làm 3 nhóm 1-10 ; 11-20 ; 21-25. Có lẽ ba loại bản ấy thuộc về 3 điệu thức khác nhau và có 3 cách lên dây khác nhau.
Rất tiếc vì không đủ thời gian nên nhạc sĩ Wu Man không đàn kịp mấy bản sáng tác cho đàn Tỳ Bà độc tấu.
Sau
chương trình khai mạc, Ban tổ chức đãi đại biểu một tiệc rượu do cháu
Lê Y Linh, sinh viên Việt Nam tại Đại học Sorbonne sắp đặt. Các thức ăn
Trung Quốc, Việt Nam được các đại biểu, sau khi thưởng thức những món ăn
tinh thần, nếm những hương vị của món ăn Châu Á.
Từ
ngày 02/07/04 đến 04/07/04 còn 10 phiên họp với hơn 30 bài tham luận.
Có hai buổi hoà nhạc, một buổi dành riêng cho đàn cổ cầm do 3 nhạc sĩ
biểu diễn: Luca Bonvini người Pháp gốc Ý, Dai Xiaolin Giáo sư tại Nhạc
viện Thượng Hải, Wang Duo (Đại học Suzhou) và Đàn Tranh Việt Nam do
Quỳnh Hạnh, sinh viên Việt Nam tại Sorbonne trình tấu. Buổi sau dành cho
âm nhạc vùng Tây Á.
Hội nghị bế mạc trưa Chủ Nhựt 04/07/04 vào lúc 1 giờ trưa.
Sau
bốn ngày Hội thảo, các đại biểu đều nhận thấy rằng trong tất cả các
nước đều có một sự kiện là «Tính truyền khẩu» càng ngày càng bị kỹ thuật
chép nhạc theo phong cách Châu Á hay Châu Âu thay thế, vì đa số nhạc sĩ
và nhà nghiên cứu đều cho rằng dạy nhạc bằng cách ký âm là có tính khoa
học.
Riêng tôi, sau khi thể nghiệm hai cách dạy nhạc và gặp gỡ nhiều nhạc sĩ chuyên môn nhạc cổ truyền, tôi nhận thấy rằng:
-
Dạy nhạc theo cách ký âm học trò tiếp thu mau và thường biểu diễn nhiều
bài một cách suôn sẻ, nhưng cách dạy nhạc đó đào tạo rất mau nhiều
người nhạc công lành nghề mà khó tạo ra một người nghệ sĩ. Trong khi
cách dạy truyền khẩu đòi hỏi sự luyện tập lâu dài, nhưng đào tạo ra được
nhiều nghệ sĩ tài ba.
Thí dụ :
-
GS Dariouche Safvat (Ba Tư) là người học nhạc theo phương pháp truyền
khẩu, truyền ngón. Đến khi ra làm thầy, thấy phương pháp ký âm có nhiều
thuận tiện cho việc học và dạy nhạc, nên đã chịu khó ký âm ra một số
gusheh (làn điệu hay đoản khúc) và khi bắt đầu dạy nhạc tại Nhạc Viện Ba
Tư, GS dùng phương pháp mới đó mà truyền nghề. Sau 5 năm dạy học, đã
đào tạo ra trên 200 nhạc công, biểu diễn rất thông thạo các điệu thức,
có em tiếp tục công việc truyền đạt nhạc truyền thống cho thế hệ sau
cũng bằng phương pháp ký âm.
GS Dariouche Safvat và gia đình ở Teheran (Ba Tư)
GS
rất thích thú về kết quả đó. Khi tôi mời dạy nhạc Ba Tư tại Trung tâm
học nhạc Đông Phương mà tôi đã sáng lập từ năm 1959, dưới sự bảo trợ
tinh thần của Trường Đại học Sorbonne và các Bảo tàng viện lớn, GS
Dariouche Safvat đề nghị dạy nhạc Ba Tư theo phương pháp đó. Nhưng tôi
đã đặt ra một qui định là tất cả nghệ nhân, nhạc sĩ dạy học tại Trung
tâm nên dùng phương pháp truyền khẩu, truyền ngón mà chuyển đạt kỹ thuật
và nghệ thuật đàn, nên GS Safvat phải tuân theo qui định của Trung tâm
mà dạy nhạc cổ truyền Ba Tư bằng cách truyền khẩu, truyền ngón.
Số
học sinh học nhạc Ba Tư không nhiều lắm, độ chừng 10 em, nhưng sau 3
năm dạy, GS Dariouche Safvat ngạc nhiên khi thấy rằng những em đó tuy là
người Pháp hay Mỹ, lại có những cách đàn rất Ba Tư và vài em đã được GS
khen tặng, cho phép truyền dạy nhạc Ba Tư.
Tôi
chỉ đơn cử vài tên như: Lloyd Miller (Mỹ) chuyên đàn Santur (loại đàn
có dây, gõ bằng que tre như loại Tam Thập Lục dùng tại Việt Nam); một
người (Pháp) chuyên đàn Setâr Târ.
Năm
1976, GS Dariouche Safvat trở về nước định mở lớp dạy nhạc Ba Tư theo
phương pháp truyền ngón thì có nhiều nhà nhạc học Ba Tư đã soạn luận án
tại các Đại học Âu Mỹ chống đối. Đài truyền hình Teheran tổ chức một
cuộc tranh luận trên đài và phát sóng trực tiếp cho cả nước được xem,
yêu cầu khán thính giả sau buổi Hội thảo hoặc gọi điện hay gửi thư lên
đài cho biết ý kiến. Lần đó GS Safvat sang tận Paris mời tôi đến tham dự
với tư cách một GS Đại học Âu Mỹ, hiểu thấu âm nhạc cổ truyền của một
số nước Châu Á, trong đó có Ba Tư.
Sau
buổi tranh luận, đại đa số quần chúng đều ủng hộ việc dạy nhạc truyền
thống dân tộc Ba Tư cần được sự ủng hộ của chánh quyền và sau đó Đài
truyền hình được phép tài trợ cho GS Dariouche Safvat một số tiền rất
lớn để GS Dariouche Safvat thành lập một Trung tâm Bảo tồn và phổ biến
âm nhạc truyền thống dân tộc Ba Tư.
Ngoài
công việc nghiên cứu cách đóng đàn, tìm hiểu cấu trúc âm thanh của các
bộ môn nhạc truyền thống, còn có nhiệm vụ thành lập một lớp đào tạo nhạc
sĩ Ba Tư theo phương pháp truyền ngón, truyền khẩu. Tôi đã được mời làm
cố vấn chỉ đạo việc dựng chương trình và phương pháp dạy nhạc Ba Tư.
Trường
đã tuyển 14 nhạc sĩ đã biết qua nhạc Ba Tư, cho họ tiền học bổng trong 4
năm để học những ngón đàn đặc biệt của các nghệ nhân tên tuổi truyền
dạy nhạc Ba Tư theo phương pháp truyền khẩu, truyền ngón.
Trần Văn Khê
(19/07/04)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét