Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

Lưu giữ những bài nói của Thầy Khê


Lưu giữ những bài nói của Thầy Khê

Bài viết "Từ những cuộc nói chuyện của Thầy Khê"... (Tuổi Trẻ ngày 12-3) của tác giả Tôn Nữ Thị Ninh (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội) đã gặp được rất nhiều ý kiến cùng tâm huyết: phải làm gì để không lãng phí vốn văn hóa mà giáo sư Trần Văn Khê để lại cho văn hóa VN. Tuổi Trẻ trích đăng:

GS Trần Văn Khê (bìa trái) trong một buổi nói chuyện về âm nhạc cổ truyền với sinh viên các nước Asean - Ảnh: Phạm Thành Nhân

* GS Trần Văn Khê không chỉ là một nhà khoa học, một nhà sư phạm lớn mà còn là một nghệ sĩ lớn. Bên cạnh vốn kiến thức sâu rộng thì tài năng diễn thuyết, trình tấu của thầy đã góp phần to lớn vào việc quảng bá âm nhạc truyền thống VN.

Tôi được nghe thầy một đôi lần và lần nào cũng thấy người nghe và thầy đã hòa vào nhau trong âm nhạc truyền thống. Một mình trong mấy giờ liền thầy làm những người đã yêu càng hiểu và càng yêu thêm âm nhạc truyền thống. Những người chưa hiểu, chưa yêu sẽ bắt đầu tự hỏi mình bao giờ sẽ lại được nghe thầy nói chuyện tiếp về âm nhạc. Hùng biện mà chân thành, lưu loát mà không khoa trương, sắc sảo mà giản dị. Liên tục trong mấy mươi năm, vẫn một chủ đề lớn, với một trái tim yêu nước, yêu âm nhạc, thầy đã hoạt động không mệt mỏi giúp thế giới và cả một số không ít người Việt chúng ta hiểu và yêu thêm VN.

Với một nghệ sĩ bậc thầy như thế, việc Nhà nước tôn vinh có lẽ là chuyện rất cần thiết, nhất là hiện nay chúng ta đang ra sức cổ vũ cho một “nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Tôi nghĩ đối với các nhân cách lớn, những lời xưng tụng không có ý nghĩa bằng việc góp phần tôn vinh và quảng bá những giá trị mà họ theo đuổi.

Do vậy, từ bài viết của bà Tôn Nữ Thị Ninh, tôi muốn nhờ báo Tuổi Trẻ và qua báo Tuổi Trẻ, bắt đầu hình thành một nhóm bạn (tạm gọi là học trò thầy Khê).Nhóm này sẽ liên lạc với nhau trên mạng và ngoài đời để cùng nhau tạo điều kiện, cơ hội cho nhiều người (nhất là các bạn trẻ, sinh viên) được gặp, được nghe thầy Khê, xin phép thầy lưu giữ, phân loại những bài nói của thầy..., và tổ chức nhiều hoạt động khác với mục đích duy nhất là tôn vinh và phát triển những giá trị mà thầy theo đuổi.

Lê Viết Dũng (ĐH Đà Nẵng)

* Tôi là một người thuộc thế hệ trẻ đang sống ở nước ngoài. Tôi thật sự xúc động và hoàn toàn đồng tình với tác giả Tôn Nữ Thị Ninh. Chúng ta nên hành động ngay bây giờ trước một tài sản văn hóa sống vô giá như vậy trước khi quá muộn, để không trở thành người có lỗi trước tương lai.

Tran Anh Hung (myhung04@...)

* Tôi cũng từng nghe GS Trần Văn Khê nói chuyện trên truyền hình và nhận thấy quả thật GS có cách nói chuyện thật lôi cuốn và hấp dẫn. Nếu cả ngày ngồi nghe ông nói, tôi nghĩ mình vẫn không thấy chán. Cách ông nói chuyện thật uyên bác nhưng rất giản dị, súc tích, dễ đi vào lòng người. Mặc dù không biết gì về âm nhạc nhưng chỉ cần nghe ông nói, ta vẫn cảm nhận được giá trị sâu sắc mà âm nhạc mang lại. Bằng cách nào đó, chúng ta nên lưu giữ tất cả các bài nói chuyện của GS. Tôi tin đó  là mong muốn của rất nhiều người.

Phan Thi Tuyet Hang (phanthangpy0229@...)

* Tôi vừa đọc được bài viết của tác giả Tôn Nữ Thị Ninh viết về GS Trần Văn Khê. Từ lâu tôi ấp ủ và rất muốn thực hiện việc tiếp xúc với GS Trần Văn Khê để ghi âm lại những cuộc nói chuyện của GS nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu. Vô tình tác giả Tôn Nữ Thị Ninh lại nói lên đúng với suy nghĩ của tôi.

Xin tòa soạn chuyển giùm những suy nghĩ của tôi đến với tác giả Tôn Nữ Thị Ninh. Nếu được, tôi sẽ tình nguyện thực hiện những mong muốn của tác giả là thu âm lại những kiến thức mà GS Trần Văn Khê truyền đạt.

Polo Pola (jmjminhlong007@...)

Theo Tuổi Trẻ ngày 16.03.2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét