Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

NỤ CƯỜI THU CÚC

NỤ CƯỜI THU CÚC

 
Tuổi thơ của tôi từng có những thời kỳ gắn bó với sóng nước Sầm Giang làng Vĩnh Kim, một nơi mà nhiều người cho rằng là mảnh đất của âm nhạc, văn chương. Trong làng, có rất nhiều trai thanh, gái lịch biết làm thơ và đờn tài tử. Nhờ không khí văn nghệ như vậy mà những buổi hội họp có những kỷ niệm đẹp khó quên. Câu chuyện về “nụ cười Thu Cúc” mà tôi muốn gởi đến các bạn đây cũng là một trong những kỷ niệm đẹp đó.

Ngày xưa, ngoài anh em ruột ra, tôi còn chơi thân với các anh chị em họ khác trong gia đình và một số bạn bè “có máu” văn nghệ sĩ. Mỗi người tôi quen đều biết đờn và thích làm thơ. Như anh Mỹ Ca biết đờn violin và sáng tác nhạc mới, chị Sáu Hường và chị Bảy Trang đều biết đờn Tranh, anh Khổng Nghi làm thơ thường được đăng trên các báo ở Sài Gòn… Trong những đêm trăng, chúng tôi thường hòa đờn với nhau và cùng thưởng thức trà ngon, rượu ngọt. Trong số họ, có một người sanh ra và lớn lên tại Sầm Giang, nhưng vì hoàn cảnh gia đình mà cuộc sống hầu hết đều ở Sài Gòn. Chỉ vào những dịp lễ tết, nghỉ hè mới về lại Sầm Giang để tắm mình trong không khí thân thuộc của quê hương. Đó là một đóa hoa trong “vườn Sầm Thủy” mang tên Thu Cúc.

Chị Thu Cúc là chị họ phía bên nội của tôi. Tuy không đẹp mặn mà nhưng chị có dáng người mảnh mai giống như một cánh cúc gầy, điểm thêm nét duyên dáng nhờ hai lúm đồng tiền trên đôi má. Anh Mỹ Ca là người tổ chức những cuộc hội họp thường pha trà sen, trà lài để đãi bạn. Nhưng trong một đêm trung thu họp mặt, vì có sự tham dự của chị Thu Cúc nên anh lại chọn trà cúc để đãi người mang tên loài hoa của mùa thu. Chị Thu Cúc tuy không biết đờn cổ nhạc, không biết làm thơ nhưng có cách nói chuyện duyên dáng và có một nụ cười dễ làm xiêu lòng người khác phái. Cũng trong buổi họp mặt đó, có “anh thi sĩ” Khổng Nghi đến dự, đi với phu nhân là chị Cẩm Vân cùng người em vợ tên là Hồng Phấn. Sau câu chuyện với chị Thu Cúc, “Khổng thi sĩ” xin phép ngâm bốn câu thơ mà anh mới vừa sáng tác để tặng cho người đẹp đến từ đất Sài Gòn:

“Trong vườn Sầm Thủy có trăm hoa
Hường, Phấn, Trang, Vân rất mặn mà
Nhưng chẳng hoa nào bằng hoa Cúc
Nửa phần đài các, nửa kiêu sa”



Bạn bè hôm đó đều vỗ tay hoan nghinh kể cả phu nhân của “thi sĩ”. Chị Thu Cúc rất ngạc nhiên, cảm động nhưng có chút thẹn thùng. Chị cảm ơn anh Khổng Nghi và nói: “Anh dạy quá lời. Đây là lần đầu mà tôi trở nên “đài các và kiêu sa” dưới mắt của một nhà thi sĩ”. Tôi cảm thấy rằng các đóa hoa khác có phần kiều diễm hơn tôi”.

 
Đêm đó “nhạc sĩ” Nguyễn Mỹ Ca và chị Thu Cúc “tình trong như đã” mà “mặt ngoài còn e”. Riêng “thi sĩ” Khổng Nghi rất thích nụ cười của chị Thu Cúc mà thấy chị thường giữ nét mặt nghiêm trang trong khi đối thoại nên một tuần lễ sau, anh gởi đăng trên báo bài thơ “Cười đi chị Cúc ơi”:

“Chị hãy cười đi chị Cúc ơi
Cho em thấy rõ nét vui tươi
Cho Sầm Giang cảnh thêm trong trẻo
Cho cỏ hoa tươi với đất trời
 

Chị cười phủi sạch nét tang thương
Của kẻ tình si cảnh đoạn trường
Của kẻ mơ màng cơn ảo mộng
Của hồn thi sĩ khách văn chương”
 

Từ hôm đó, chị lại nghiêm trang hơn mỗi khi gặp “Khổng thi sĩ”. Trong một lần họp mặt chung quanh chén trà cúc, anh Khổng Nghi cố tình thuật những câu chuyện vui để làm cho nụ cười nở trên môi của chị Thu Cúc. Anh đã thành công và mừng rỡ nói: “Các bạn ơi! Chị Cúc hôm nay đã cười rồi!”. Ngày hôm sau anh lại làm một bài thơ khác cho đăng trên báo với tựa đề “Chị Cúc đã cười”:

“Chị Cúc hôm nay đã cười rồi
Sầm Giang thêm lắm vẻ xinh tươi
Mà em cũng thấy lòng vui sướng
Vì bởi hồn em có nụ cười” 


Nhưng thân phụ của chị Cúc đọc được những bài thơ trên, ông gọi chị lại để hỏi đã cười với thi sĩ lúc nào và tại sao để người ta làm thơ đăng trên báo như thế. Chị Cúc trả lời rằng giữa thi sĩ và chị không có tình ý chi đặc biệt mà chỉ là bạn bè gặp nhau trong những buổi họp mặt văn chương. Tuy nhiên, chị cũng trách nhẹ người “thi sĩ” đã phóng đại câu chuyện bằng lời thơ khiến chị bị cha khiển trách.

 

Sau câu chuyện đó, mỗi lần anh em họp mặt nhau mà anh Mỹ Ca có đãi trà cúc thì mọi người vẫn nhắc đi nhắc lại nhiều lần giai thoại “Nụ cười Thu Cúc” với ba bài thơ của “chàng thi sĩ đa tình” Khổng Nghi.

Bình Thạnh vào Thu, tháng 09.2011
TRẦN VĂN KHÊ


(Ảnh tư liệu: KV)