Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

Chuyến thăm Algeria của nhạc sĩ Trần Văn Khê


Chuyến thăm Algeria của nhạc sĩ Trần Văn Khê

Vũ Triệu

Trần Văn Khê, một Phó Chủ tịch Hội đồng Âm nhạc Thế giới của UNESCO, là nhạc sĩ cổ truyền có tên tuổi trong cộng đồng người Việt sống tại Pháp. Ông từng làm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học (CNRS) thuộc trường Đại học Sorbonne, Paris, chuyên nghiên cứu nhạc truyền thống phương Đông. Đồng bào trong nước đều biết đến tên tuổi của ông qua làn sóng truyền hình và các buổi tọa đàm, nói chuyện lớn nhỏ về âm nhạc cổ truyền Việt Nam.

Tôi là một cán bộ ngoại giao, trước đây làm công tác văn hóa ở Đại sứ quán ta tại Algeria, từng được phục vụ cho hoạt động của nhạc sĩ ở nước ngoài. Tháng 4/1981, Đại sứ quán ta tại Algeria chủ trương thúc đẩy quan hệ văn hóa Việt Nam - Algeria đã đặt vấn đề với Bộ Thông tin - Văn hóa (TTVH) bạn mời giáo sư nhạc sĩ Trần Văn Khê đang sống ở Paris sang thăm và làm việc. Được Đại sứ phân công, tôi đi theo Giáo sư làm cầu nối hữu nghị giữa ta và bạn. Xin kể một vài mẩu chuyện ít người biết đến về chuyến thăm này.

GSNS Trần Văn Khê với nhạc dân tộc Andalouse

Ngay ngày đầu Giáo sư đặt chân lên nước bạn, Ban lãnh đạo Hội nhạc truyền thống dân tộc Algeria nhiệt liệt chào mừng ông tại trụ sở Hội. Chủ tịch và Tổng Thư ký tiếp Giáo sư, trình bày về nhạc truyền thống dân tộc mình. Giáo sư cho biết Algeria là một nước trong khối Maghreb ở Tây Bắc châu Phi lần đầu tiên mời Giáo sư sang thăm. Trước đây Giáo sư đã có dịp sang Tunisia để tham dự hội nghị chuyên đề về nhạc Andalouse. Tiếp xúc với lãnh đạo Viện nhạc dân tộc bạn, Giáo sư đã đóng góp nhiều ý kiến bổ ích trong công tác giữ gìn, bảo tồn và phát triển nền âm nhạc dân tộc trước trào lưu âm nhạc phương Tây đang thịnh hành ở các quốc gia mới giành được độc lập. Chủ nhà lắng nghe những công trình nghiên cứu nhạc cổ truyền của Giáo sư, ghi nhận để sau này áp dụng.

Sau đó là một buổi thăm dàn nhạc dân tộc tại Đài truyền hình Algeria. Giáo sư rất hoan nghênh đài truyền hình bạn đã có tiết mục riêng của dàn nhạc Andalouse thường xuyên chơi trên đài. Giáo sư đã truyền đạt lại kinh nghiệm riêng trong công tác nghiên cứu âm nhạc truyền thống phương Đông ở Paris.

Các nghệ sĩ dàn nhạc ngừng chơi, rất phấn khởi được nghe một nhạc sĩ cổ truyền Việt Nam nói chuyện.

Nói chuyện thân mật với các sinh viên của trường nhạc dân tộc, Giáo sư đã nói lên ý nghĩa của việc bảo tồn và phát triển nhạc dân tộc trước dòng tân nhạc nước ngoài và kinh nghiệm bản thân trong việc nghiên cứu vấn đề này. Ông thông báo với các bạn sinh viên những thành công trong việc nghiên cứu âm nhạc truyền thống là đã xuất bản một lượng sách lớn phát hành rộng rãi ở Pháp và các nước khác. Về nghiên cứu nhạc dân tộc Việt Nam, ông cho biết ông là thế hệ thứ 4 trong gia đình, con gái ông (chị Trần Thị Thủy Ngọc đi theo) là thế hệ thứ 5 đã kiên trì đi sâu vào nền nhạc cổ truyền và ông sẽ tiếp tục truyền lại cho thế hệ thứ 6.

Giáo sư Trần Văn Khê được Bộ TTVH bạn mời dự cuộc hội thảo quốc gia về âm nhạc dân tộc tổ chức tại tỉnh Tlemcen, cách thủ đô Algeria trên 400km. Tại đây, Giáo sư đã có dịp tiếp xúc thân mật với các nghệ sĩ nước bạn và đã phát biểu về ý nghĩa của công tác gìn giữ và phát triển nền nhạc cổ truyền dân tộc trong bối cảnh hòa nhập quốc tế và kinh nghiệm nghiên cứu này ở Paris.

Thăm một số cơ sở nhạc dân tộc

Đến chơi với một câu lạc bộ nhạc truyền thống của một quận ở Thủ đô Algeria do bạn bố trí, tình cờ Giáo sư gặp một số người quen từng biết tiếng ông khi ở Pháp.

Cuộc trò chuyện khá thân mật về chuyên môn vượt quá nghi thức xã giao, CLB đón tiếp ông như đón một người thân đi xa trở về. Các nam nữ nghệ sĩ không chuyên lưu luyến tay bắt mặt mừng và rất mong được gặp lại ông tại thủ đô Algeria thơ mộng.

Qua thăm phòng thí nghiệm âm nhạc dân tộc, một việc xẩy ra đột ngột đầy thú vị: khi Giáo sư dừng chân trước một kệ sách đồ sộ, bỗng một cán bộ phụ trách phòng đọc vội tiến tới, đưa ra một cuốn sách dày bằng tiếng Pháp khá đẹp, nhan đề: Musique traditionnelle du Viet Nam, tác giả Trần Văn Khê, trao cho ông và xin chữ ký lưu niệm. Giáo sư vui vẻ nhận lời và ký vào trang đầu cuốn sách. Chủ khách vui vẻ, ôm nhau lưu luyến.

Một cuộc nói chuyện âm nhạc đầy thú vị

Bộ TTVH bạn tổ chức một buổi nói chuyện âm nhạc (causerie concert) tại rạp El Mouggar, một ngôi nhà văn hóa hữu nghị lớn nằm ở trung tâm thủ đô Algeria. Nhật báo chính thức của bạn, tờ Chiến sĩ (El Moudjahid) và các phương tiện thông tin đại chúng trân trọng giới thiệu buổi nói chuyện về âm nhạc truyền thống Việt Nam từ mấy ngày trước. Khách mời là những người dân thủ đô hâm mộ nhạc dân tộc và những tùy viên văn hóa các Đại sứ quán. Thính giả ngồi chật ních hội trường lớn.

GSNS Trần Văn Khê chững chạc bước lên sân khấu giữa tràng vỗ tay hoan hô nồng nhiệt của cử toạ. Giáo sư đã thuyết trình về âm nhạc dân tộc Việt Nam bằng tiếng Pháp suốt hơn 2 tiếng đồng hồ không giải lao, có đoạn trình diễn luôn bằng sân khấu điệu hát tuồng cổ và dân ca 3 miền Trung - Nam - Bắc Việt Nam. Chị Trần Thị Thủy Ngọc minh họa bằng các nhạc cụ đàn nhị, trống mang theo từ Paris sang. Một tùy viên văn hóa của Sứ quán Indonesia vỗ vai tôi nói: "Tiếc quá, Causerie concert về nhạc dân tộc Việt Nam kết thúc nhanh quá!".

Tôi nhắc lại chuyện cũ cũng với tấm lòng mến mộ một nhân tài ngành nhạc truyền thống đã từng sống ở nước ngoài nhiều năm nhưng luôn hướng về tổ quốc thân yêu qua con đường nghiên cứu và truyền bá nhạc dân tộc, góp sức mình xây dựng tình hữu nghị giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế. Nhớ lại một con người trong suốt đời mình đã từng giảng dạy, thuyết trình và biểu diễn âm nhạc truyền thống Việt Nam tại 43 nước trên thế giới, là tác giả của 3 cuốn sách và hơn 200 bài nghiên cứu về nhạc truyền thống Việt Nam. Do đã có thành tích xuất sắc đóng góp như trên, tháng 6/1999, GSNS Trần Văn Khê đã được Chủ tịch nước CHXHCNVN Trần Đức Lương tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.
9 CommentsChronological   Reverse   Threaded
Add a Comment
     
trantruongca wrote on Nov 6, '08
Thầy không nãn lòng nhưng phải nhìn thấy thực tế và thích nghi với hòan cảnh mới.
Cám ơn những lời khuyên giải động viên của con
Thầy TVK
lengochan wrote on Nov 5, '08
Thời gian lấy dần dần từ con người sức lực, trí lực hen Thầy... chấp nhận hiện tại & vui sống, Thầy luôn dạy con như vậy mà...

Trí tuệ còn minh mẫn, còn sức khỏe để làm việc & tạm quên nỗi nhớ quá khứ, Thầy ơi đừng thắt lòng nữa

Thương,

Con Ngọc Hân
trantruongca wrote on Nov 5, '08
Ngọc Hân ơi!
Tay Thay bị thấp khớp, lổ tai Thầy không nghe được chính xác các chữ đờn, nên Thầy từ rất lâu rồi không còn đờn minh họa cho bài nói chuyện của mình. KHông còn thú độc tấu dưới trăng, hòa tấu với bạn tri âm. Thầy đã phải thích nghi với hòan cảnh của Thầy mà không khỏi thắt lòng !!!!!!!!
Thầy TVK
lengochan wrote on Nov 4, '08
hì hì, Thầy còn thương nhớ thời oanh liệt múa tay minh họa khi thuyết trình, tay diễn, tay đàn, chân bước tấn...

Thầy ơi, giọng Thầy còn sang sảng, truyền những lời từ trái tim, chỉ cần nghe giọng, không thấy hình mà lòng đã lay chuyển theo...
trantruongca wrote on Nov 4, '08
Ngọc Hân con,
Một nhà ngọai giao mà viết trung thực như vậy đã là tốt lắm rối!
Cam on con Thây khi xưa đi lại mau mắn, đi đường thảo võ Thiếu Lâm khiêu vũ Mà nay chỉ ngồi một chỗ Chỉ còn ngọn lửa thiêng trong lòng Thầy thôi!
Thay TVK
lengochan wrote on Nov 4, '08
Thầy ơi, đến nay Thầy vẫn còn khí phách oanh liệt lắm...

Bài viết tường thuật khá chi tiết chuyến đi của Thầy, nhưng giọng văn mang tính bản tin thời sự, không gieo vào lòng người đọc chút ấm áp. Lại viết thiếu tên cô Thủy Ngọc

Thương,

Con Lê Ngọc Hân
trantruongca wrote on Nov 4, '08
Ba rất vui vì bài mới vừa đăng lên Blog đã có con đọc rồi và viết comment. Những độc giả bên này thấy rõ những hoạt động của Ba do một người khác kể lại, biết rõ thêm những công việc Ba đã làm. Bây giờ Ba sức yếu nhiều lắm, nên nhiều khi đọc lại bài tường thuật của những chuyến đi ngày xưa Ba cũng than như con hổ nhớ rừng của Thế Lữ : "Than ôi thời oanh liệt nay còn đâu" hi hi ... Bác Tiễng đã nói với Ba : "Chúng mình ngày xưa 'oanh', bây giờ 'liệt' ..."
Hôn con nhiều.
Ba của con TVK.
tranquanghai wrote on Nov 4, '08
Bài viết tường thuật rất đầy đủ, súc tích, kể lại một kỳ đi thuyết trình của Ba tại Algérie với sự đóng góp phần minh họa của em gái Trần Thị Thủy Ngọc . Quá khứ đã qua, kỷ niệm còn lưu lại qua bài viết này .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét