Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

Hồi ức tuyến xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho xưa

Hồi ức tuyến xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho xưa

              
Trần Văn Khê & gia đình trên cầu sắt làng Vĩnh Kim năm 1938

(Từ trái sang: Trần Văn Trạch, Nguyễn Hữu Ngư (Ngu Í), Trần Văn Khê, Trần Ngọc Sương, Cô Ba Trần Ngọc Viện)

Tôi bắt đầu làm quen với xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho từ lúc lên 5. Lúc ấy cô ruột tôi đang dạy Nữ công Gia chánh tại trường Trung học Nữ Học Đường, sau khi về làng Vĩnh Kim chịu tang ông nội tôi, thấy cần phải đem tôi lên Sài gòn để tôi đừng quá nhớ thương ông nội mà suốt ngày khóc bên cạnh bàn thờ.

Cô tôi nói sẽ cho tôi đi xe lửa, có đầu máy chụm lửa than, và xe dài như con rắn, chạy rất mau, trên hai đường rầy.

Ra khỏi nhà ga Mỹ Tho tôi xin cô tôi cho tôi xem đầu máy đi dài theo toa xe, lên ngồi trên ghế bằng gỗ cạnh cô tôi. Tôi nói: «Con thấy xe lửa giống con rít hơn con rắn, vì nó có chân». Cô tôi khen tôi nói đúng. Xe chạy mau, cảnh vật thay đổi qua cửa sổ. Tôi rất thích, nhìn cảnh vật bên ngoài mà có cảm giác như xem hát bóng.

Khi tôi bắt đầu vào trung học tại trường Trương Vĩnh Ký tại Sài Gòn trong 7 năm liền từ 1934 đến năm 1941, mỗi năm ít nhứt là 5 lần tôi đi xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho trong lúc tựu trường, bãi trường hay các lễ lớn.

Năm 1934, lúc lên xe đi tựu trường sau mấy tháng nghỉ hè, lòng tôi buồn vô hạn. Nhớ nhà, nhớ làng, nhớ con sông Sầm chảy trước nhà chiều chiều anh em tôi tắm lội qua sông, nhớ con đò ngang tôi thường chèo thay anh lái đò để vừa tập thể dục, vừa giúp anh lái đò nghỉ tay, nhứt là nhớ cô tôi và các em tôi quây quần dưới mái nhà thân yêu. Mà chiếc xe lửa đang chở tôi đi xa cảnh, xa người tôi thương yêu. Chân bước lên xe mà lòng hướng về cố quận. Tìm một chỗ ngồi trong góc không muốn nhìn ra ngoài.

Đến chuyến trở về, lại thấy thương chiếc xe chở mình gặp lại gia đình làng xã. Nhà ga Sài Gòn rộn rịp hành khách như giang hai tay ra đón đứa con xa nhà trở về sum họp với gia đình. Lên xe lần nầy, tôi đi từ toa đầu đến toa cuối thấy hạng tư có băng ngồi theo chiều dài của xe đầy hành khách đi buôn, mỗi hành khách có hai ba giỏ hoa quả hay gà vịt để chật lối đi. Băng hạng ba sắp theo chiều ngang. Hành khách là những người có tiền, thầy thông thầy ký áo quần sạch sẽ. Tôi là học sinh nghèo đi hạng tư. Tôi không ngồi trong toa mà thích đứng phía ngoài, vừa thoáng, không chen chúc với ai vừa có thể ngắm cảnh. Khi xe tới ga Trung Lương, biết sắp đến Mỹ Tho lòng nôn nao thấy xe chạy không mau như mình muốn. Và tới Mỹ Tho thì thoát ra ngoài chạy đến bến xe đò Chợ Giữa.

Tuyến xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho đối với tôi là một người quen biết gặp nhau đúng định kỳ. Tôi bắt đầu để ý đến những cây cầu Tân An Bến Lức, những người bán bánh mì lạp xưởng đậu phộng, mía ghim ở các sân ga, đặc biệt ở ga Trung Lương, tiếng xe chạy trên đường rầy và nghe những câu chuyện giữa những người hành khách.

Tại Mỹ Tho có một nhà văn Jacques Lê Văn Đức, có đặt nhiều chuyện vui trong đó có chuyện «Thím Tư Dốt đi xe lửa». Nhà văn đã nghe như tôi những lời than tiền xe mắc, đi xe ngồi đau lưng, nhìn bên ngoài đếm cột dây thép giải buồn, «giấy xe có lợi». Mà ông ráp tất cả những việc ấy trong một câu chuyện có đầu có đuôi như sau đây:

«Thím Tư nói: «Ai có chuyện phải đi xe lửa thì ráng chịu chớ tui từ đây tới chết hỏng thèm đi xe lửa nữa. Tôi đồ đệ hột gà hột vịt vừa ra khỏi cửa ga có một thằng cha chận tôi lại hỏi:

 «Giấy đâu?»

Tui trả lời: «Tui đờn bà chớ bộ đờn ông sao mà hỏi giấy thuế thân?» (Dưới thời Pháp thuộc, mỗi người đàn ông phải đóng thuế thân và giấy thuế thân được coi như giấy căn cước hay giấy chứng minh nhân dân ngày nay).

Thằng cha đó miệng ngậm tu huýt như thằng con tui ngậm bình sữa, nó nạt tôi: «Đi xe lửa thì phải mua giấy xe lửa». 

«Mua thì mua. Mà mua ở đâu?».

Đàng kia kìa! Nó chỉ tui lại chỗ bán giấy xe. Cái thằng cha bán giấy miệng ngậm cây viết chì nhọn hoắc. Bộ nó dữ lắm sao người ta nhốt nó như nhốt cọp trong vườn thú vậy. Tui đứng trước cửa sắt nhỏ chưa kịp nói gì nó hỏi:

«Đi đâu?»
«Đi Chợ Lớn».

Nó thảy ra một miếng giấy cứng ngắc nhỏ xíu. Nó la to: «Năm đống». Tui nghĩ chắc thằng cha nầy nó ăn gian. Tui trả giá: «Thôi ba đồng đó».

Thằng cha đó nó nạt tui: «Đi không đi thì thôi! Không có trả giá gì hết». Tui sợ thằng cha đó nó nhảy ra nó cắn chết, tui trả năm đồng, lấy miếng giấy xe rồi lên xe. Mèn đét ơi! Lên ngồi ghế cây cứng ngắc đau đớn thân mình. Ngồi buồn quá tôi giải buồn bằng cách đếm cột dây thép. Bà con hỏng biết chớ đếm cột dây thép đỡ buồn lắm. Hễ thấy cột dây thép qua cửa sổ mình đếm. Tui đang đếm, mà con mẹ ngồi gần bên tui lại ham nói chuyện.

Nó hỏi tui: «Chị đi đâu vậy chị?» 
«Đi … 45 Chợ ... 46 lớn …47…»
«Đi chơi hay đi …chi vậy chị?» 
«Thăm …51 …bà 52 ...con 53…»

Con mẹ đó nó tưởng tôi điên, nên đi chỗ khác. Nhờ vậy mà tôi tha hồ đếm cột dây thép. Gần tới Chợ lớn có một ông lấy miếng giấy xe lửa ra xé làm hai nói với người bên cạnh: «Miếng nầy tôi đưa cho người xét giấy, phân nửa kia, tôi để đi bận dìa (bận về)». Tôi nghe thấy hay quá. Ông nầy biết ăn gian nhà nước. Tui cũng xé miếng giấy của tôi ra làm hai. Ra cửa tui đưa cho anh xét giấy.

Anh ta hỏi: «Nửa miếng kia đâu?»
«Nửa miếng kia tui để đi bận dìa».
Anh ta la lên: «Người ta mua giấy có lợi (tức là giấy khứ hồi). Chị mua giấy có một bận đâu có xé làm hai được. Đưa nửa miếng kia đây».
         
Tôi lục trong túi tôi, kiếm nửa miếng kia. Mèn đét ơi! Áo túi của tui lủng đáy, nửa miếng kia lọt đâu mất. Tui phải trả năm đồng nữa mới được ra khỏi nhà ga. Từ đây tới chết tôi hỏng dám đi xe lửa nữa».

Chuyện đó tôi thuật lại cho nhiều người nghe và em tôi Trần Văn Trạch rất thích. Em tôi là một nghệ sĩ được đồng bào trong nước tặng danh hiệu quái kiệt. Sau khi nghe chuyện đó em tôi lại thêm nhiều chi tiết vui như thím tư đang đứng đợi tìm chỗ ngồi có một người đàn ông cứ tìm cách đụng vào mình thím. Thím quay lại gây với anh chàng ấy và hỏi:

«Làm gì vậy Thầy?»
«Làm Thầy giáo»
«Thôi đi Thầy!»
«Muốn thôi, nhà nước không cho».

Và sau khi cho người ta cười về chuyện đi xe lửa đếm cột dây thép, em tôi tiếp theo đoạn sau là đi xe lửa về thăm mẹ nhưng khi xuống xe lửa về nhà thì không gặp được mẹ, vì mẹ đã qua đời. Và câu chuyện đó Trạch đã cho tên là «Chuyến xe lửa mùng năm».
         
Tôi đi lần chót xe lửa khứ hồi Sài Gòn - Mỹ Tho vào năm 1944. Khi tôi đang ở Sài Gòn, cô tôi thấy trong mình yếu gọi tôi về để cùng cậu năm tôi - Cụ Nguyễn Tri Khương - đờn cho cô tôi nghe một lần như theo lời cô tôi nói «tế sống» cô. Trên chuyến về ấy, tôi rất buồn, vì nhớ tới người cô đã thay cha mẹ tôi nuôi dưỡng dạy dỗ tôi nên người có thể sắp vĩnh viễn ra đi. Lần đó cậu năm tôi, anh họ tôi là nhạc sĩ Mỹ Ca, Trạch và tôi đờn cho cô tôi nghe những bản trong nhạc tài tử. Cô tôi nằm nghe thưởng thức từng câu nhạc, từng chữ nhấn, nhưng cậu năm tôi và tôi không cầm được nước mắt. Cô ba tôi mỉm cười mà nói với tôi: «Con đờn bản Bắc là một điệu vui. Cô nghe cô thích, cô vui mà sao con khóc?» Tôi lau nước mắt và nói với cô tôi: «Từ rất lâu, con không có dịp đờn cho cô nghe, nên con xúc động. Con xin đờn hai lớp rưỡi bản Nam Xuân nhịp tư, ngày trước cô dạy con nhấn chữ xang, con còn nhớ đây». Lại đến lượt cô tôi chảy nước mắt và nói: «Cô cảm động quá. Con đi học Hà Nội, chỉ huy dàn nhạc đờn nhạc mới, nhạc Tây, mà không quên chữ đờn cô dạy con». Cậu năm tôi và anh Mỹ Ca, Trạch đều bước ra phía ngoài, nước mắt ràn rụa. Hôm sau, trên chuyến xe trở lại Sài Gòn, tôi ngồi trên xe mà chỉ thấy nét mặt xanh xao của cô tôi nằm trên ghế dài, tay nhịp nhẹ trên ngực, miệng mỉm cười, thỉnh thoảng khen nhỏ: «Hay quá!». Tai tôi nghe văng vẳng bản Nam Xuân, và khi xe tới Sài gòn, tôi bước xuống xe như người có xác không hồn.

Tôi không nghĩ đó là lần chót tôi đi trên xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho. Ba tháng sau buổi đờn «tế sống» cô tôi, Trạch đánh điện tín báo tin cô tôi qua đời. Lập tức nhạc phụ tôi và tôi đi xe đạp từ Sài Gòn về Chợ Giữa để tôi chịu tang và lo chôn cất cô tôi. Rồi dòng đời cuốn tôi đi vào khu kháng chiến, lên Lộc Ninh lánh nạn, sang Pháp định đi trị bịnh rồi ít lâu trở về, không ngờ định mệnh sắp bày đã để tôi trải qua cuộc đời mình ở Pháp hơn «nửa thế kỷ»! Và khi trở về Việt Nam những lần sau, tôi không còn gặp lại được bóng dáng chiếc xe lửa trên con đường Sài Gòn – Mỹ Tho nữa…

TRẦN VĂN KHÊ
5 CommentsChronological   Reverse   Threaded
Add a Comment
   
lengochan wrote on Jun 5, '09
Thưa Thầy con sẽ đón đọc. Con mong tin buồn này không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của Thầy. Chúc Thầy mạnh.
Con Ngọc Hân
 
trantruongca wrote on Jun 5, '09
Ngoc Hân oi!
Cam on con chia buon voi Thay Con don xem bao Tuoi tre ngay 6.5.09 va ca bao Phap Luật ngay 6.6.09, bao SGGP ngay 7.6.09 de doc bai Thay viet ve bac Huynh Van Tieng hoac bai Thay tra loi phong van ve bac H V Yieng.
Chuc con manh khoe.
Thay Khê
 
lengochan wrote on Jun 5, '09
http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/200923/20090605114347.aspx
Thưa Thầy,
Con đọc tin trên báo Nhà văn hóa Huỳnh Văn Tiểng, một người bạn thân của Thầy vừa qua đời. Con gửi tin này xin chia buồn với Thầy.
Con Ngọc Hân
 
trantruongca wrote on May 29, '09, edited on May 29, '09
Khánh Vân ơi!
Nếu có nhiều độc giả thưởng thức bài viết của Thầy như con, Thầy sẽ vô cùng thích thú. Chẳng những con nhận thức được kịch tính trong bài viết (vui buồn) mà còn nhận thức được "triết lý" cuộc sống nữa!!!!
Ôm hôn con thật nhiều để cám ơn những lời góp ý rất "dễ thương" của con, một người bạn tri âm tri kỷ "vong niên" của Thầy.
Thầy Khê của con
TVK

mimikhanhvan wrote on May 17, '09
Lúc nào đọc một bài viết của Thầy cũng thấy hòa hợp 2 mặt: có những khi thật vui nhộn và có những lúc thật trầm tư cảm động. Con cười quá trời khi đọc chuyện "Thím Tư dốt đi xe lửa" (đến nỗi ai cũng tưởng bị cái gì!!!), mà đến đoạn nhớ về gia đình, người thân, đoạn hòa đờn "tế sống" Cô Ba của Thầy tự dưng nước mắt ở đâu rơm rớm chảy... Cuộc sống thật là đa dạng mà tình cảm con người thì quá đỗi phong phú hở Thầy?

Cám ơn Thầy về hồi ức mà Thầy chia sẻ với mọi người. Con thấy được "Âm - Dương trong bài viết của GS Trần Văn Khê" ngoài những "Âm - Dương trong âm nhạc" và "Âm - Dương trong ẩm thực" nữa đấy ạ!

Ôm hôn Thầy nhiều nhiều!

Con KV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét