Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

TIẾC THƯƠNG CÔ BẢY PHÙNG HÁ

TIẾC THƯƠNG CÔ BẢY PHÙNG HÁ
 
 
Cô Bảy Phùng Há và Trần Văn Khê tại hiệu ăn La Table du Mandarin 1963

Cô Bảy ơi,

Dẫu biết rằng Cô tuổi đã cao, sức khỏe kém, đời người có hạn, thì việc Cô ra đi ai cũng nghĩ rằng chẳng qua là điều phải đến. Thế nhưng lúc nhận được điện thoại báo hung tin trong đêm thứ bảy, sau giờ Tý, Cô đã giã từ trần gian, tôi như trên trời bị rớt xuống.

Tuy không phải là ruột thịt, nhưng chúng ta đã cùng nhau chung vui chia khổ, Cô đã đem hết tài năng của mình cùng tôi vượt qua bao khó khăn để đem kịch nghệ Việt Nam đến với năm châu. Nay Cô đã ra đi, khiến cho tim tôi đau nhói và lòng tôi bàng hoàng.

Tôi không thể nào quên được những chuyến đi nước ngoài cách đây mấy thập niên, đặc biệt nhứt là dịp mà Cô Bảy, Kim Cương và tôi giới thiệu một trích đoạn của Phụng Nghi Đình, lớp “Lữ Bố hý Điêu Thuyền”. Cô Bảy và Kim Cương diễn xuất còn tôi thuyết trình, âm nhạc phụ họa chỉ có cuốn băng ghi sẵn, vậy mà đã làm cho khán giả đến từ năm châu phải ngẩn ngơ và khen rằng trình độ kịch nghệ Việt Nam rất cao.
Cô Bảy ơi,

Chắc Cô cũng như tôi không quên được hồi năm 1964, Hội đồng Quốc tế Âm nhạc thuộc UNESCO và Hội đồng Âm nhạc Quốc gia Liên bang Đức phối hợp để tổ chức một Hội nghị Quốc tế tại Hamburg (Tây Đức) về “Nhạc kịch thế giới”. Lúc đó, nước ta đang chìm trong khói lửa, cả hai miền Bắc Nam đều không thể gởi một phái đoàn chánh thức đại diện cho Việt Nam tại Hội nghị. Tôi đang là thành viên Ban chấp hành của Hội đồng Quốc tế và được chọn vào Ban tổ chức, cảm thấy xốn xang khi biết rằng có gần năm chục đoàn của các nước đến tham dự mà kịch nghệ Việt Nam lại vắng mặt!

Thời gian đó Cô Bảy và Kim Cương đang giới thiệu một tiết mục rất hay tại Nhà hàng La Table du Mandarin, mà tôi là người giới thiệu chương trình hàng đêm. Tôi gặp Cô và ngỏ ý đem tiết mục ấy tham dự Hội nghị Quốc tế Hamburg. Cô Bảy đưa hai tay lên trời nói: “Không được đâu anh Hai ơi! Người ta đem cả đoàn với mấy chục diễn viên, lại nghe nói Đài Loan gởi một cuộn phim ghi hình ghi âm vở Phụng Nghi Đình, Nhựt Bổn gởi một đoàn Hát Nô tiếng tăm, các đoàn nhạc kịch của Campuchia, Thái Lan và Indonesia thì giới thiệu những vũ khúc phỏng theo truyền thuyết Ramayana. Mặc dầu tôi cũng xốn xang như anh Hai, nhưng chỉ có Kim Cương và tôi, vừa không tranh cảnh lại không có dàn nhạc cho những lúc trống xổ, chấm câu, trụ bộ … Trời ơi, một con én làm sao đem lại mùa Xuân hả anh Hai?”.

Tôi thuyết phục: “Chúng ta tuy ít người nhưng giàu nghị lực, phong phú trong nghệ thuật, lại có con tim rung động mãnh liệt vì tình yêu đất nước và văn hóa Việt Nam. Nếu Cô Bảy chịu cùng tôi suy nghĩ, bàn bạc thêm thì tôi tin rằng với quyết tâm, chúng ta sẽ từ cái không làm ra có, cái khó làm ra dễ”.

Cô Bảy xiêu lòng: “Anh Hai cứ đề xướng mọi việc, tôi góp ý về nghệ thuật diễn xuất và chúng ta sẽ cùng nhau giải quyết từng điểm khó”.

Trong vòng mười ngày, Cô và tôi lựa lớp tuồng rồi tập với Kim Cương cho nhuần nhuyễn. Khi bàn đến phần âm nhạc phụ họa, là trở lực lớn nhứt, thì tôi phải thán phục sáng kiến của Cô Bảy. Nhạc công chỉ có anh Danh, một người lính thợ biết đờn kìm và ghi-ta móc phím (sau này khi phát triển tinh vi hơn thì gọi là ghi-ta phím lõm), Cô Bảy đề nghị anh Danh và tôi xem buổi diễn rồi hòa đờn theo, tôi lãnh phần đờn tranh và đờn cò, đến lúc đánh trống thì tôi giữ tay trống, anh Danh đánh chập chõa. Bài bản không khó lắm vì chỉ rao cho “nói lối” và vô bản “Khốc Hoàng Thiên”, nhưng khó nhứt là canh sao cho đúng lúc Cô Bảy sắp “trụ bộ” để chúng tôi đánh “tắc xà” cho khớp. Biết tôi băn khoăn, Cô Bảy nói ngay: “Anh Hai cứ việc xổ trống theo bước đi của tôi. Trước khi trụ bộ, tôi hét to một tiếng “hê” thì anh Hai nhịp “tắc xà’”.

Chúng tôi tập thử “hê … tắc xà”, “hê … tắc xà” rồi ghi vào cuộn băng, để lúc Cô Bảy múa thật, khi nghe trong cuộn băng có tiếng hô “hê” là Cô trụ bộ. Hai bên trống với chập chõa và điệu múa của Lữ Bố ăn khớp với nhau y như có dàn nhạc thật phụ họa cho diễn viên. Sau khi tập đi tập lại nhiều lần thật nhuần nhuyễn, Cô Bảy và tôi nắm tay nhau cười đắc chí và quyết định giới thiệu tiết mục đó tại Nhạc hội.

Trong những ngày tập dợt, chúng tôi vẫn ưu tư chưa biết xoay sở tiền đâu ra để mua vé máy bay từ Paris sang Hamburg cho Cô Bảy và Kim Cương, lại thêm nỗi lo âu chẳng biết anh Mười, chủ hiệu ăn, có bằng lòng cho Cô Bảy và Kim Cương vắng mặt trong chương trình đến bốn ngày hay chăng? Không ngờ, lúc mời anh Mười đến xem Cô Bảy và Kim Cương biểu diễn với lời giới thiệu của tôi và dàn nhạc phụ họa ghi trong băng, anh khen nức nở và chẳng những bằng lòng cho Cô Bảy và Kim Cương đi dự hội nghị, mà còn hào phóng tặng hai vé máy bay khứ hồi cộng thêm khoản tiền chi phí ăn ở tại một khách sạn lớn ở Hamburg. Phần tôi thì vé máy bay và khách sạn đều do Hội nghị Quốc tế đài thọ vì là người trong Ban tổ chức.

Mọi việc giải quyết êm xuôi, Cô Bảy nhìn tôi cười nói: “Đúng như lời anh Hai, nếu quyết tâm thì từ không chúng ta làm có, từ khó biến thành dễ. Hai anh em mình đã lo xong phần nghệ thuật, lại có được một mạnh thường quân giải quyết tổn phí. Rõ ràng Trời Phật đã  phù hộ chúng ta”.

Gần đến ngày Hội nghị khai mạc, lại xảy ra một việc bất ngờ. Tôi không thể đáp cùng chuyến máy bay với Cô Bảy và Kim Cương mà phải lên đường trước bốn ngày để họp Ban chấp hành và lo việc tổ chức. Cô Bảy than: “Đi ra nước ngoài, nhứt là sang Đức mà không có anh Hai, chắc hai má con tôi không dám đi, vì tiếng Đức không biết mà  tiếng Anh cũng chẳng rành”.

Tôi trấn an Cô: “Cô Bảy đừng lo. Tôi sẽ viết một cẩm nang ghi sẵn những câu mà cảnh sát biên phòng và công an thường hỏi lúc làm thủ tục nhập cảnh như: Bà từ đâu tới, tên gì, mục đích khi đến nước Đức, sẽ ở tại đâu, trong thời gian bao lâu…”. Tôi cẩn thận viết bằng hai thứ tiếng và đánh số thứ tự, phần đầu là những câu tiếng Việt, phần sau là tiếng Đức và dặn Cô Bảy chỉ cần đưa cẩm nang cho công an hay hải quan tại phi trường, hễ họ chỉ vào câu số 1, 2 hay 3 thì Cô sẽ theo đó mà trả lời. Chúng tôi tập thử, tôi đóng vai cảnh sát vừa hỏi bằng tiếng Đức vừa chỉ vào câu số 1, 3, 5…., Cô Bảy đều trả lời thông suốt. Cô Bảy vui vẻ cười khen rằng: “Anh Hai có phép mầu, biến một người dốt đặc tiếng Đức có thể hiểu câu hỏi bằng tiếng Đức rồi trả lời rành mạch bằng tiếng Việt mà người Đức cũng hiểu”.

Rốt cuộc, Cô Bảy và Kim Cương qua cửa khẩu Hamburg dễ dàng.
Hôm ra phi trường đón Cô Bảy và Kim Cương tôi cũng phập phồng lo sợ, đến lúc thấy hai người xuất hiện tươi cười vẫy tay chào, tôi mới an lòng. Về đến nơi, tôi đề nghị khách sạn sắp xếp cho Cô Bảy và Kim Cương ở cạnh phòng tôi.

Cô Bảy than thở trên máy bay người ta dọn khoai tây luộc, bắp cải chua theo phong cách của Đức nên cô nuốt không vô. Cô lo lắng: “Nếu không có thức ăn hạp khẩu vị mà ngày nào cũng phải ăn khoai tây luộc, chắc tôi không đủ sức để biểu diễn”. Nhưng tôi khuyên cô đừng có thành kiến với khoai tây luộc mà hãy thử nhai thật chậm để nhấm nháp hương vị ngon ngọt của nó. Rốt cuộc, những ngày sau đó bữa ăn nào Cô Bảy cũng đề nghị dọn cho mình một dĩa khoai tây luộc.

Tuy chỉ là những chuyện nhỏ, nhưng các bạn trẻ đọc những dòng này mới thấy sự quyết tâm của một người nghệ sĩ lớn cố gắng vượt qua những khó khăn từ ngôn ngữ đến khẩu vị nơi xứ lạ quê người.

Vừa đến nơi, Cô Bảy yêu cầu tôi đưa đến sân khấu để diễn thử một lớp tuồng. Kim Cương nghe vậy bèn nói: “Một  nghệ sĩ bậc thầy như má Bảy thì cần gì phải tập trước, với lại mình chỉ diễn một trích đoạn nhỏ thôi chớ đâu phải cả một vở tuồng”.  Cô Bảy nói: “Không con à, mình ghi băng nhạc theo cách đi của má trong một sân khấu nhỏ tại Paris, hôm nay diễn ở một sân khấu lớn thì mình phải tập thử để bước đi không gượng gạo và ăn khớp với nhạc. Trên sân khấu bình thường thì nhạc phải đi theo tiết tấu của người diễn, trong hoàn cảnh của chúng ta thì ngược lại người diễn phải thích nghi với tiết tấu của băng nhạc”.

Tôi hết sức khâm phục tinh thần nghề nghiệp của Cô Bảy.


Trên sân khấu lớn của Nhạc hội Hamburg, "Lữ Bố" Phùng Há vừa xuất hiện ra, trụ bộ theo tiếng trống, chập chõa "tắc... xà", tiếng vỗ tay vang rền cả phòng. Nhiều phóng viên báo chí ghi lại: "Khi nghệ sĩ Việt Nam xuất hiện, toàn sân khấu dường như bừng sáng...".
                                   
                                   Ảnh tư liệu: Trần Văn Khê

Đến hôm diễn, tôi giới thiệu màn Lữ Bố (do Cô Bảy đóng vai) đi tìm Điêu Thuyền (Kim Cương), khi đến Phụng Nghi Đình, Điêu Thuyền ở bên kia cầu, Lữ Bố băng qua bế Điêu Thuyền trên tay rồi cả hai đồng ca bài “Khốc Hoàng Thiên”.

 

"Lữ Bố" Phùng Há sắp sửa qua cầu đón "Điêu Thuyền" Kim Cương


Điêu Thuyền bày tỏ nỗi niềm với Lữ Bố tại Phụng Nghi Đình qua diễn xuất tuyệt vời của Cô Bảy Phùng Há & Kim Cương
                                  
                                    Ảnh tư liệu: Trần Văn Khê

Kim Cương đóng vai Điêu Thuyền nũng nịu và rơi nước mắt với diễn xuất thần tình, khán giả vỗ tay rất lâu khiến Kim Cương thích chí nũng nịu thêm một lần nữa. Cô Bảy hoảng kinh khi nghe đờn đã bắt đầu vô bản “Khốc Hoàng Thiên” mà Điêu Thuyền còn tiếp tục khóc, vậy là Lữ Bố không thể chậm rãi qua cầu theo nhịp hát nữa. Rất lanh trí, Cô Bảy bèn dậm chân trên mặt sàn rồi nhảy phốc một bước qua cầu, ôm Điêu Thuyền trên tay để hát cho kịp bài “Khốc Hoàng Thiên”. Toàn thể khán giả nhứt loạt vỗ tay khen ngợi màn biểu diễn xuất thần! Về sau khi tường thuật về các tiết mục biểu diễn phục vụ Hội nghị, báo chí đều nhận định tiết mục của Việt Nam là cây đinh của chương trình.

Đêm đó sau khi dự tiệc rượu, ra về thì trời đã khuya. Biết rằng không thể ngủ được vì vui, Cô Bảy rủ tôi đi lang thang qua các đường phố dưới màn mưa lất phất rơi cho đến gần hai giờ sáng. Thỉnh thoảng Cô quay nhìn tôi với đôi mắt ướt lệ mà nói: “Sung sướng quá anh Hai ơi!”.


Trần Văn Khê - Cô Bảy Phùng Há & Kim Cương những giây phút bên nhau trong chuyến biểu diễn tại Hamburg (Đức quốc) 1964

 

Trần Văn Khê & Kim Cương trên thuyền dạo chơi ở Hamburg

                                   Ảnh tư liệu: Trần Văn Khê

Về sau mỗi khi nhắc lại kỷ niệm này, Cô Bảy có nhớ không, không lúc nào mà Cô cầm được nước mắt. Và suốt cả một cuộc đời nghệ sĩ, Cô Bảy vẫn thường nói với tôi rằng: “Buổi giới thiệu trích đoạn Phụng Nghi Đình tại Hamburg với tôi là một kỷ niệm khó quên”.

Hôm nay, tưởng nhớ Cô Bảy, tôi cũng không quên lần trình diễn đó. Cô Bảy ơi! Nỗi vui sướng không phải chỉ có Cô Bảy hưởng, mà tất cả chuyến đi đó sẽ là một tấm gương tốt cho những nghệ sĩ hậu sinh noi theo về sự quyết tâm và nhứt là lòng yêu nghề.

Cô Bảy ơi! Tôi cầu xin và tin chắc rằng linh hồn Cô sẽ được tiêu diêu nơi cõi vĩnh hằng, vì trong suốt cuộc đời Cô đã không nghĩ riêng cho mình mà lo cho đồng nghiệp, cho gia đình, con cháu của bạn bè bằng những việc làm như thành lập Chùa Nghệ Sĩ, xây dựng Nghĩa trang Nghệ Sĩ, Viện Dưỡng lão, Nhà nuôi trẻ con em của nghệ sĩ lâm vào cảnh nghèo…

Tôi đau đớn cùng chia sẻ nỗi buồn với tang quyến và xin nói lời vĩnh biệt Cô Bảy, một người bạn vong niên cùng chung tình yêu nước, yêu dân tộc và yêu nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam.

Bình Thạnh, ngày 06-07-2009
Trần Văn Khê
6 CommentsChronological   Reverse   Threaded
 
Add a Comment
   
sondacuongnhan wrote on Jul 12, '09
Sự vô thường thật đáng sợ, liên tục mất đi những người bạn cùng chung chí hướng chắc Thầy buồn nhiều lắm, con kính xin chia sẻ với Thầy và kính Thầy giữ gìn sức khoẻ. Kính mong hương linh cụ Phùng Há an nhàn nơi nước Phật !

TRÚT NỢ TẰM TƠ
Kính dâng hương linh Cụ Phùng Há
Cánh chim đầu đàn trong nghệ thuật
cải lương Việt Nam vừa vỗ cánh bay xa.

Khẽ rót làn hơi gửi lại đời
Mặt hồng lau phấn dứt trò chơi
Kéo rèm từ giã đèn sân khấu
Quay mặt tìm vui phúc cõi trời
Nhẹ gót “Phụng Tiên”① rời bến mộng
Buông tay “Giả Thị”② xả thân người
Nợ dâu rút ruột tằm trọn kiếp
Lụa gửi trần gian một sắc ngời.

BD 05.07.2009 (13.05 Kỷ Sửu)
sơn dã cuồng nhân N.Đ

① Phụng Tiên tức là Ôn Hầu Lã Phụng Tiên (Lã Bố) một vai diễn để đời của Nghệ sĩ lão thành Phùng Há trong tuồng cải lương Phụng Nghi Đình
② Giả Thị là vai diễn đầu tiên đánh dấu cuộc đời hoạt động nghệ thuật của Nghệ sĩ lão thành Phùng Há trong vở cải lương Hoàng Phi Hổ quy Châu của soạn giả Nguyễn Công Mạnh.

RỦ BỤI TRẦN AI
Kính viếng hương linh
Nghệ sĩ nhân dân Phùng Há.

Sân khấu từ nay xếp áo chầu,
Mộ buồn đất phủ lạnh đêm thâu.
Đường qua nước Phật sen nâng gót,
Ngõ đến trần gian lệ đẫm sầu.
Một kiếp nợ dâu tằm rút ruột,
Trăm năm luyến nghiệp tóc phai mầu.
Sắc hương dâng cả ngàn mai hậu,
Sân khấu từ nay xếp áo chầu……

Saigon 07.07.2009
Hậu sinh sơn dã cuồng nhân N.Đ
Cúi bái
trantruongca wrote on Jul 12, '09
Hải con trai cưng của Ba!
Con nối chí Ba một cách rất đẹp. Ba mong con sẽ đi xa đi rộng hơn Ba , vì con hơn Cha là nhà có phước.
Ba rất hảnh diện con .
Chỉ nhắc con trong lúc giao dịch nên "thận trọng" , nhã nhặn, từ tốn" "giữ vững lập trường của mình " nà không " làm mích lòng các đối tượng "
Thương con quá.! . Ba mong còn sức khỏ để sang năm đi Hà Nội dự hội nghị con và trong nước sẽ tổ chức tại HàNội sang năm.
Hôn con nhiều
Ba của con thương con vô cùng
TVK
 
tranquanghai wrote on Jul 12, '09
Kính thưa Ba,
Kỳ đi ICTM vừa qua, hội nghị có loan báo tin ông Nazir Jayrazbhoy từ trần cách đây vài tuần tại Mỹ . Số người ra đi lần lượt từ giã cõi trần theo thời gian không thể tránh khỏi .
Con sẽ đi sang Nara do UNESCO mời để tham luận với tư cách keynote speaker để nói về tương lai của chương trình "kiệt tác văn hóa phi vật thể trên danh sách - representative list" vào ngày 8 tháng 8, 2009. Vấn đề này cũng có được đưa ra bình luận tại hội nghị ICTM kỳ này .
Vào tháng 7, 2010, con sẽ trở về Việt Nam với tư cách cố vấn của Viện âm nhạc và thành viên của program committee của hội thảo do Study group of the minorities của ICTM cùng với Study Group of Applied Ethnomusicology và Viện âm nhạc Hanoi để tổ chức hội thảo tại Hanoi từ 19 tới 30 tháng 7, 2010 .
Sự về hưu của con còn làm tăng thêm công việc của con về mặt trình diễn (performer), dạy học (workshops về hát đồng song thanh, và các trường đại học).
Hun Ba nhiều
Tran Quang Hai
 
trantruongca wrote on Jul 12, '09, edited on Jul 12, '09
Hải con trai cưng của Ba,
Ba có đọc tin tức về chuyến đi của con ở Nam Phi. Thấy con làm rất nhiều việc cho ICTM Ba rất vui. Ba cám ơn con comment bài Cô Bảy PhùngHá của Ba viết.
Trong hơn một tháng nay Ba mất những người bạn đồng hành trên con đường bảo vệ Âm Nhạc truyền thống VN và châu Á: ông Roger, Bác Tiểng và Cô Bảy!!!!

Ba vẫn sinh hoạt bình thường. Có về Vĩnh Kim quay phim về cụộc đời Ba và sinh hoạt với Ban Nhạc Tài tử Tiền Giang. Đi trong 2 ngày. Kết quả rất tốt.
Hôn con va Bạch Yến nhiều
Ba của hai con
TVK
 
tranquanghai wrote on Jul 12, '09
Kính thưa Ba,
Con mới từ Nam Phi trở về , có vào blog của Ba , đọc tin bà Phùng Há lìa trần . Quả thật là một tin rất đáng buồn cho ngành cải lương nói chung , và cho riêng Ba nói riêng .
Con cũng có gặp bà Phùng Há lúc ở Pháp nhưng không có liên hệ nhiều . Con xin cầu chúc vong linh của bà được tiêu diêu nơi chốn vĩnh hằng .
Tran Quang Hải
 
trananhkhoa96 wrote on Jul 11, '09
kính dâng một nén tâm hương cho một bậc tài hoa.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét