Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Vài nhận xét về quá trình nghiên cứu DÂN CA QUAN HỌ BẮC NINH (Phần 4)

Sau khi thăm quê hương Quan họ
VÀI NHẬN XÉT VỀ QUÁ TRÌNH NGHIÊN CỨU
DÂN CA QUAN HỌ BẮC NINH
(Phần 4)
Trần Văn Khê

II. Quá trình nghiên cứu dân ca Quan họ Bắc Ninh
Dưới thời thuộc địa Quan họ chưa ra khỏi tỉnh Bắc Ninh.
Trong những năm đầu, thời kháng chiến chống Pháp, một số nhạc sĩ đi về đồng quê và có dịp nghe hát Quan họ.
* NHỮNG BƯỚC ĐẦU
Đến năm 1954, Đoàn văn công Trung ương có mời một số nghệ nhân Quan họ để thâu thanh vào dĩa hát và để học một số bài hát dùng vào các tiết mục trình diễn. Quan họ đã bắt đầu ra ngoài sinh hoạt văn hóa ở Bắc Ninh, lên sân khấu và được trình diễn cho đồng bào nhiều nơi được nghe.
Năm 1955, nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc thâu được hơn 60 bài hát và viết mấy bài nhận định về Quan họ đăng trong Tạp chí Văn Nghệ, tháng tư năm 1956 và Tập san âm nhạc tháng 10 năm 1956[2].
Đầu năm 1956 Phòng văn nghệ quân đội có cử 3 nhạc sĩ Nguyễn Đình Tấn, Nguyễn Viêm, Lưu Khâm đi sưu tầm Quan họ. Các anh có nêu lên một số nhận định sơ lược về Quan họ trong một tập tài liệu đánh máy và trong Tập san âm nhạc số 1 và số 2[3].
Đồng thời các Nhạc sĩ khác cũng để ý đến dân ca Quan họ và góp ý kiến về Quan họ trong những bài đăng trong Tập san âm nhạc số 3 và số 4[4].
* ĐOÀN NGHIÊN CỨU QUAN HỌ
Tháng 6 năm 1956 bắt đầu có một cuộc nghiên cứu đại qui mô. Nhiều anh em cán bộ của Ban nghiên cứu nhạc vũ Vụ nghệ thuật, Đoàn ca múa trung ương, đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam và trường âm nhạc Việt Nam như cụ Vũ Tuấn Đức, các anh Tân Huyền, Đặng Hòe, Văn Hà, Trần Hương, Thành Nội, Trần Kiết Tường và Nguyễn Văn Thuần do hai Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và Lê Yên dẫn đầu, đã đi trong 18 làng Quan họ tỉnh Bắc Ninh, sưu tầm và thâu thập được 314 bài. Lời ca do Lưu Hữu Phước sắp xếp, Tú Ngọc thẩm tra, nhạc do anh em trong đoàn ghi âm. Có một số bài đã được ký âm theo phương Tây và đã được Nhà xuất bản Âm Nhạc in ra làm 3 tập, tất cả được 60 bài[5]. Ngoài ra trong các tập Dân ca phổ biến cũng có thấy vài bài Quan họ13.
Sau khi bản thảo tổng kết những nhận xét của đoàn nghiên cứu Quan họ đã hoàn thành, trước khi in ra thành sách, các anh triệu tập cuộc Hội nghị ngày 08-03-1962 để cho 30 đại biểu nghệ nhân Quan họ lão thành nổi tiếng ở Bắc Ninh góp thêm ý kiến.
Mùa hè năm 1962, quyển “Dân ca Quan họ Bắc Ninh”, một công trình tập thể của 4 anh Nguyễn Văn Phú, Lưu Hữu Phước, Tú Ngọc và Nguyễn Viêm ra đời, đánh dấu đợt sưu tầm nghiên cứu mùa hè năm 1956[6].
Quyển sách dầy 340 trang, có hai phần: phần tiểu luận và phần giới thiệu các bài hát. Anh Tô Vũ có phân tích và phê bình nội dung của quyển sách ấy trong một bài tham luận đã đăng trong tập kỷ yếu “Một số vấn đề về dân ca Quan họ”[7].
* CÁC HỘI NGHỊ QUAN HỌ
Từ khi quyển “Dân ca Quan họ Bắc Ninh” được phát hành, Ty văn hóa Bắc Ninh và từ năm 1963 Ty văn hóa Hà Bắc tiếp tục công việc nghiên cứu Quan họ. Các anh dự định tổ chức 2 năm 1 lần một Hội nghị Quan họ tại một địa điểm khác nhau trong vùng Quan họ.
Năm 1965 Hội nghị Quan họ lần thứ nhất đã họp tại Tiên Sơn.
Năm 1967 Hội nghị Quan họ lần thứ nhì đã họp tại Yên Phong.
Theo lời anh Lê Hồng Dương (Trưởng Ty văn hóa Hà Bắc) mục đích của 2 Hội nghị đó là đánh giá và động viên phong trào Quan họ[8]. Ty văn hóa khuyến khích các nghệ nhân “duy trì hình thức Quan họ cổ trong thôn xóm”, trong những dịp ngày mùa, ngày vui, dạy lại lớp trẻ những bài hát Quan họ lề lối, đồng thời cũng áp dụng chánh sách “bình cũ rượu mới”, lồng lời vào làn điệu cũ và đi tới việc sáng tác ca khúc hay hoạt cảnh Quan họ.
Năm 1969, Hội nghị Quan họ lần thứ 3 họp tại Thị xã Bắc Ninh. Hội nghị nhìn lại toàn bộ vấn đề Quan họ, đánh giá tình hình phong trào Quan họ và định ra phương hướng mới.
Hội nghị đã khẳng định:
- Giá trị của Quan họ về mặt âm nhạc, văn học và con người quê hương Quan họ.
- Lòng yêu thích của quần chúng đối với dân ca Quan họ.
- Trách nhiệm của ngành văn hóa, văn nghệ đối với công tác “giữ gìn, phát triển, chọn lọc, giới thiệu và sử dụng dân ca Quan họ”.
Hội nghị đã định phương hướng mới:
“Phải giữ gìn, khai thác và phát triển một cách toàn diện lối chơi và tiếng hát Quan họ trên cơ sở có chọn lọc, cải biên, nâng cao vốn cổ mà trước tiên và chủ yếu ở vùng Quan họ gốc. Đồng thời, chú ý thích đáng và phát triển rộng rãi ra các vùng khác bằng cách xây dựng được phong trào học tập, sáng tác, ca hát và biểu diễn Quan họ sâu rộng trong quần chúng, nhất là lớp trẻ, làm cho nền văn hóa nghệ thuật Hà Bắc mang nội dung xã hội dân tộc chủ nghĩa, giàu tính dân tộc và có sắc thái địa phương, góp phần phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, động viên toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Hà Bắc tiến lên góp phần xứng đáng vào việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”.
Hội nghị cũng định những biện pháp:
- Tuyên truyền, giới thiệu rầm rộ lối chơi, tiếng hát Quan họ.
- Phát động đông đảo quần chúng tham gia phong trào.
- Tiến hành công tác nghiên cứu Quan họ.
* BA SỰ KIỆN QUAN TRỌNG
Sau Hội nghị thứ 3, có 3 sự kiện đẩy mạnh công việc nghiên cứu Quan họ lên một bước rất xa.
1. Từ năm 1970: Ty văn hóa Hà Bắc thành lập một đoàn Quan họ gồm những diễn viên nam nữ trẻ tuổi nhưng đã thông thạo lối hát Quan họ. Mỗi diễn viên thuộc trên dưới hai trăm bài hát và ngoài việc tập hát thật đúng phải tập hát thật hay.
Diễn viên trong đoàn là người trong vùng Quan họ, đoàn ở tại Bắc Ninh và các diễn viên sống, lao động, học tập ngay vùng quê hương Quan họ và để các đồng bào vùng này nhứt là những nghệ nhân Quan họ lớn tuổi coi diễn viên trong đoàn như con em của mình, để hết tình dạy dỗ, truyền nghề.
Đoàn có hai chương trình: “Quan họ ngày Hội” và “Đón bạn ngày Xuân”, trong ấy đoàn tái hiện lại những cảnh Hội năm xưa, quần áo, lời chào hỏi, cách cư xử đẹp đẽ như ngày xưa.
Một mặt đoàn thực hiện công tác tuyên truyền giới thiệu Quan họ cho đồng bào ở vùng lân cận, ở các tỉnh khác, ở thủ đô và một mặt khác đoàn thí nghiệm việc đệm đàn theo những bài hát Quan họ và việc đem Quan họ lên sân khấu[9].
2. Năm 1970, lại có một buổi họp mặt giữa Ty văn hóa Hà Bắc và đại diện các cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội và văn học nghệ thuật trung ương tại Hà Nội để bàn về sự phối hợp cộng tác trong việc sưu tầm nghiên cứu Quan họ.
Cuộc họp nhận định:
a. Cần phát triển công tác nghiên cứu Quan họ lên một bước mới.
b. Ty văn hóa Hà Bắc nên trở thành một trung tâm nghiên cứu về Quan họ.
c. Cần có những biện pháp cụ thể, thiết thực phát triển từng bước vững chắc công tác nghiên cứu Quan họ một cách toàn diện.
Hai công tác sẽ tiến hành song song : điều tra cơ bản và giữ gìn truyền thống. Phải sưu tầm nghiên cứu một cách tổng hợp, toàn diện, nghiên cứu trên ba mặt : dân tộc học, nhạc học, văn học. Nên phát dộng quần chúng, “chủ yếu là lực lượng trẻ”, trước hết là ở vùng Quan họ, để gìn giữ với tinh thần tôn trọng, tự hào vốn quí của dân tộc của quê hương, thực hiện “bảo tồn bảo tàng sống”.
3. Sự kiện thứ ba đẩy mạnh công tác nghiên cứu Quan họ là Hội nghị Quan họ lần thứ tư tại Lim vào năm 1971. Đây là một Hội nghị Khoa học gômg các nhà nghiên cứu, phóng viên báo chí, đại biểu của 30 cơ quan trung ương, đại biểu của 12 cơ sở, đại biểu của Ty văn hóa và nghệ nhân tại địa phương.
Hội nghị đã đề cập đến nhiều vấn đề liên quan mật thiết đến công việc nghiên cứu và phát triển Quan họ.
Ty văn hóa lại xuất bản một tập kỷ yếu tựa là “Một số vấn đề về dân ca Quan họ”, trong đó có 28 bài phát biểu, tham luận hay báo cáo của cấp lãnh đạo văn hóa, đại biểu các giới văn học nghệ thuật, đại biểu các nghệ nhân lão thành, các liền anh liền chị trẻ tuổi về nhiều vấn đề có liên quan đến việc nghiên cứu, bảo vệ, phát triển và cải tiến dân ca Quan họ.
* MẤY NĂM GẦN ĐÂY
Năm 1973, tại Hội nghị Quan họ lần thứ 5, anh Lê Hồng Dương đọc một báo cáo súc tích về quá trình sưu tầm. nghiên cứu và phát động quanà chúng bảo vệ giữ gìn vốn văn hóa Quan họ.
Năm 1974, tổ nghiên cứu Quan họ và đoàn dân ca Quan họ về Hà Nội để giới thiệu Quan họ cho đồng bào ở thủ đô. Hơn mười ngàn người đến xem, có Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Bộ trưởng Xuân Thủy, ông Hoàng Quốc Việt, Thứ trưởng Hà Huy Giáp, ông Nguyễn Khánh Toàn và nhiều Bộ trưởng, Thứ trưởng trong các Bộ, nhiều Viện trưởng Viện phó các Viện văn học, dân tộc học, sử học, ngôn ngữ, mỹ thuật, nghệ thuật…
Tiếp theo cuộc trình diễn, có mấy buổi Hội thảo và trong mấy lời phát biểu ai cũng hoan nghênh công việc của Tổ nghiên cứu Quan họ và đoàn dân ca Quan họ.
* NHỮNG ƯU ĐIỂM
Xem qua quá trình nghiên cứu Quan họ, tôi nhận thấy rằng trong điều kiện vô cùng khó khăn của đất nước đang chiến đấu chống ngoại xâm, công việc sưu tầm nghiên cứu Quan họ tiến hành đều và có nhiều ưu điểm.
1. Từ lúc sưu tầm, nghiên cứu đến khi trình bày kết quả các anh đều làm việc tập thể.
2. Công việc nghiên cứu có tính cách tổng hợp, toàn diện với sự tham gia của những chuyên viên trong nhiều ngành khác nhau.
3. Công việc nghiên cứu liên tục và trường kỳ từ 1954 đến nay đã hơn hai mươi năm. Các chuyên đề về văn học, ngôn ngữ, âm nhạc lần lần được đào sâu.
4. Luôn luôn đi sát với thực tế, lý thuyết không bao giờ tách rời khỏi thực hành. Trước khi cho in thành sách, kết quả cuộc nghiên cứu tập thế về Quan họ, các anh triệu tập các nghệ nhân Quan họ lão thành để các cụ góp ý kiến.
5. Mục đích của công việc nghiên cứu là để bảo vệ truyền thống Quan họ, một sinh hoạt văn hóa của dân tộc. Nhưng không phải chỉ ghi âm vào băng từ rồi để đó mà đã thực hiện việc “bảo tồn bảo tàng sống”.
6. Không những các anh đã quay về dĩ vãng, tìm hiểu nguồn gốc của Quan họ, các anh còn thấy rõ trong hiện tại những điều kiện sinh hoạt mới của đất nước, yêu cầu thẩm mỹ mới của nhân dân mà tìm cách diễn Quan họ phù hợp với điều kiện và yêu cầu đó. Các anh cũng không quên hướng về tương lai, tương lai của Quan họ, tương lai của dân ca, tương lai của nền âm nhạc Việt Nam và phần đóng góp của Quan họ trong việc xây dựng nền âm nhạc đó.
Công việc nghiên cứu Quan họ không phải do một vài anh em tự động tiến hành mà được các cấp lãnh đạo của Đảng Lao động và của nhà nước giúp đỡ tận tình trong việc vạch đường lối phương hướng và cả về mặt tài chánh.
Công trình nghiên cứu Quan họ đáng làm gương cho các công tác nghiên cứu dân tộc trong nước ta và cho cả các nước khác về mặt phương hướng và đường lối, nhất là cách nghiên cứu tập thể, tổng hợp và toàn diện rất đúng với phương pháp nghiên cứu của môn dân tộc nhạc học ngày nay.
* VÀI KHÓ KHĂN
Trong thời gian rất ngắn, lúc tôi đến thăm quê hương Quan họ Bắc Ninh, tôi chưa có dịp hỏi thêm về Tổ nghiên cứu Quan họ và Trung tâm nghiên cứu Quan họ. Có điều các anh có lẽ đã làm mà tôi chưa được biết. Có điều do điều kiện khó khăn của đất nước trong thời chiến tranh.
Nhưng tôi cũng nêu ra đây vài nhận xét sơ bộ:
1. Kỹ thuật thâu thanh tại chỗ còn chưa được hoàn hảo, vì thiếu máy móc, phương tiện và chuyên viên.
2. Kỹ thuật tàng trữ băng từ cũng chưa được tổ chức một cách hoàn bị.
3. Chẳng biết các anh có chụp ảnh các nghệ nhân Quan họ và những cảnh sinh hoạt văn hóa Quan họ trong các làng Quan họ hay ở Hội Lim chăng? Tôi có nhận được bốn năm ảnh chụp cảnh hát Quan họ trên mặt hồ và trong nhà. Một quyển hình ảnh về Quan họ cũng quan trọng không kém những bài hát ký âm theo phương Tây để giới thiệu Quan họ với người nước ngoài.
4. Tôi chưa đọc được những bài nghiên cứu tường tận về cách phát âm, cách lấy hơi, cách ngân nga, luyến láy trong Quan họ, những bài tiểu luận về thang âm, thức điệu, tiết tấu, những chữ lót, chữ đệm, cũng như chưa thấy những bài phân tích về cách cấu trúc, chuyển hệ, chuyển điệu trong các bài hát Quan họ.
5. Chưa có một dĩa hát thâu lại một canh hát hay ít nhứt những bài điển hình của một canh hát (giọng lề lối, giọng sổng, giọng vặt, hát giã bạn) để giới thiệu cho người ngoại quốc chẳng phải những bài hát lẻ tẻ mà cả một không khí Quan họ.
6. Tôi chưa được nghe những bài hát Quan họ mới, trừ bài của một cụ về xã hội chủ nghĩa. Chẳng biết ngày nay ngoài mấy trăm bài các anh các chị đã thuộc, chẳng biết các anh các chị có khi nào “cao hứng” hát đối hát đố với nhau như ngày xưa chăng? Chính cái “tức hứng sáng tác” làm cho truyền thống Quan họ sinh động và mỗi ngày một giàu thêm. Ngày nay trong khi có Hội Lim hay Hội nghị Quan họ, nếu Ban tổ chức đặt giải cho những sáng tác tại chỗ để khuyến khích các liền anh liền chị thì ta có thể hy vọng rằng sẽ có những bài hát Quan họ mới do thế hệ trẻ ngày nay sáng tác trong lúc sinh hoạt văn hóa Quan họ chớ không phải do một vài anh chị em “viết” ra trên một tờ giấy đầy khuông nhạc.
Những thiếu thốn về máy móc và kỹ thuật ghi âm hay về phương pháp nghiên cứu cơ bản đều có thể khắc phục được dễ dàng trong tương lai.
Từ đây, không những trong truyền thống Quan họ mà trong các truyền thống hay bộ môn khác như Ca Trù, Ca Huế, ca Cải lương, đờn Tài tử, hát Tuồng, hát Bội trong toàn quốc – về hát Chèo công việc nghiên cứu đã tiến triển hơn các bộ môn khác nhiều – nhứt là hát Bội ở Bình Định, hát Cải lương ở trong Nam, nhạc lễ như bát âm ngoài Bắc, ngũ âm trong Nam. Không những nhạc người Kinh mà cả nhạc của đồng bào ít người ở miền Thượng, không những nhạc cổ mà nhạc cách mạng, nhạc mới đã có một truyền thống trên 30 năm tranh đấu dành độc lập và xây dựng xã hội mới, sẽ được lưu tâm đến và trong những công tác đó, kinh nghiệm trong công việc nghiên cứu Quan họ sẽ giúp cho chúng ta hiểu thêm vốn văn hóa dân tộc để thêm vững lòng tin vào sức tiềm tàng của các truyền thống văn nghệ dân tộc của ta, và để có thể giới thiệu một cách đầy đủ nền văn hóa sâu sắc, tế nhị và đa dạng của dân tộc Việt Nam anh dũng.
Vitry Sur Seine 1982
(Hết)


[1] Nguyễn Văn Phú – Lưu Hữu Phước – Tú Ngọc – Nguyễn Viêm : Dân ca Quan họ Bắc Ninh.
[2] Nguyễn Đình Phúc : về các giọng Quan họ. Tập san âm nhạc tháng 10 năm 1956 – Hà Nội, trang 15-17. Cũng trong số đó có vài bài khác về Quan họ của các anh Nguyễn Đình Tấn : Nâng cao và phát triển Quan họ, trang 18-20 ; Tử Phát : Góp ý kiến về Quan họ, trang 20-21.
[3] Nguyễn Đình Tấn – Nguyễn Viêm – Lưu Khâm : Tìm hiểu nguồn gốc sinh hoạt Quan họ Bắc Ninh. Tập san âm nhạc, số 1 (tháng 6 năm 1956), trang 17-21 ; Số 2 (tháng 7 năm 1956), trang 11-15.
[4] Tú Ngọc : Các giọng trong Quan họ. Tập san âm nhạc. Số 3 (tháng 8, tháng 9 năm 1956), trang 19-26.
+ Nguyễn Đình Phúc : Thêm vài ý kiến về các giọng trong Quan họ. Tập san âm nhạc. Số 4 (tháng 10, 11 năm 1956), trang 15-17.
+ Nguyễn Đình Tấn : Nâng cao và phát triển Quan họ. Tập san âm nhạc. Số 4, trang 18-20.
+ Tư Phác : Góp ý kiến về Quan họ. Tập san âm nhạc. Số 4, trang 20-21.
[5] Xem bản các sách và tài liệu tham khảo.
[6] Nguyễn Văn Phú – Lưu Hữu Phước – Tú Ngọc – Nguyễn Viêm : Dân ca Quan họ Bắc Ninh – Nhà sản xuất Văn hóa Mỹ thuật – Viện văn hóa – hà Nội 1962 – 340 trang.
[7] Tô Vũ : Sưu tầm và nghiên cứu âm nhạc Quan họ. Trong tập “Một số vấn đề về dân ca Quan họ” (Tập kỷ yếu đăng các bài phát biểu, báo cáo, tham luận tại Hội nghị Quan họ lần thứ ba và thứ tư) Ty Văn hóa Hà Bắc xuất bản ; 1972, trang 140-152.
[8] Trong bản báo cáo của anh Lê Hồng Dương, Trưởng Ty văn hóa Hà Bắc, tại Hội nghị Quan họ lần thứ năm, vào tháng 6 năm 1973, anh có nói rõ về mục đích của các Hội nghị Quan họ, về phương hướng mới do các Hội nghị Quan họ, về phương hướng mới do các Hội nghị đã đề nghị. Những đoạn về các Hội nghị Quan họ trong bài của tôi đều dựa vào bản báo cáo của anh Lê Hồng Dương.
[9] Tôi xem đoàn diễn chương trình “Quan họ ngày hội”. Chương trình rất hấp dẫn nhờ nhiều bài hát hay, các anh các chị trẻ đẹp, có giọng hát trong, có những luyến láy theo lề lối. Về đệm đàn khá tốt, trừ vài lúc tiếng đàn hơi to át tiếng hát, hoặc cây Tam Thập Lục không diễn tả được những tiếng ngâm nga, luyến láy vì không thể nhấn nhá như Thập Lục hay Bầu. Có lúc mời ăn trầu, có khi lên núi, có lúc xuống thuyền, anh đóng vai ông cụ nói rõ truyền thống hát Quan họ. Nói chung, tôi rất lấy làm phấn khởi và hoan nghinh công việc của Đoàn Quan họ.

Add a Comment
   

trantruongca wrote on Oct 22, '09
Hải con trai cưng của Ba,
Ba rất vui khi biết rằng con cũng có những ưu tư, lo lắng cho tương lai của Quan họ giống như Ba.
Ngày nay "Quan họ đài", "Quan họ đoàn" không còn giữ được chất "trò chơi" và truyền thống ngẫu hứng, mà phần nhiều các bài Quan họ đã và đang được giới thiệu dưới dạng ca khúc có nhiều nhạc khí phụ hoạ, đôi khi có cả đàn Organ Yamaha.
Ba rất ưu tư, nhưng việc "cải biên" không ở trong tầm tay của mình.
Hun con nhiều.
Ba của con TVK

tranquanghai wrote on Oct 18, '09
Bài viết khá lâu nhưng vẫn còn có giá trị về lịch trình tiến hóa của Quan Họ . Cái lo trong tương lai là không biết truyền thống này có được bảo vệ đúng theo mong ước của những người nghiên cứu hay là sẽ chạy theo thị hiếu của khách du lịch và của một số người muốn "cải tiến" , "cải biên" để làm mất đi tinh hoa đặc sắc của truyền thống hát Quan họ ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét