Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

THỬ BÀN VỀ VIỆC ĐƯA ÂM NHẠC TRUYỀN THỐNG VÀO HỌC ĐƯỜNG

THỬ BÀN VỀ VIỆC ĐƯA ÂM NHẠC
TRUYỀN THỐNG VÀO HỌC ĐƯỜNG

 

GS Trần Văn Khê trong chuyến "đem âm nhạc vào học đường" tại Huế 2007

Thử nhìn qua những sinh hoạt văn nghệ hôm nay tại đất nước, chúng ta sẽ thấy rằng dầu trong những năm gần đây chúng ta đã có nhiều cố gắng cải thiện nhưng âm nhạc truyền thống vẫn chưa có một vị trí xứng đáng trong xã hội Việt Nam.

Những chương trình văn nghệ truyền thống chưa đủ sức hấp dẫn đông đảo quần chúng so với những chương trình nhạc trẻ hay nhạc nhẹ. Trên các đài phát thanh và truyền hình, số lượng chương trình về ca, nhạc, múa dân tộc tuy có nhiều hơn trước, nội dung khá hấp dẫn, chất lượng cao, nhưng những khoảng thời gian được nhiều khán thính giả xem và nghe vẫn còn ưu tiên dành cho tân nhạc hay nhạc nước ngoài.

Mặc dầu có nhiều cố gắng đáng kể trong lĩnh vực ca nhạc tài tử cải lương trong miền Nam nhưng chúng ta chưa có những cuộc thi lớn, đại qui mô dành cho các giọng ca về thể loại nhạc dân tộc như ca Trù, ca Huế, ca Tài Tử Cải Lương, so với các cuộc thi “Tiếng Hát Truyền Hình” hay “Tiếng Hát Karaoke” thì thua xa về số lượng người dự thi và số tiền thưởng. 

Trên báo chí đã có nhiều tin tức và bài khảo cứu về ca múa nhạc dân tộc hơn trước, nhưng tiếc thay số người quan tâm đến những bài viết loại ấy không được bao nhiêu.
Sinh hoạt văn nghệ trong xã hội Việt Nam ngày nay lâm vào tình trạng này là do hậu quả của hàng trăm năm đất nước chịu cảnh lệ thuộc ngoại bang, tiếp đến là hơn ba mươi năm chiến tranh khiến nền kinh tế bị suy yếu, người dân mang nặng mặc cảm tự ti, đại đa số không có điều kiện để tìm hiểu, trau giồi văn nghệ truyền thống, do đó không hiểu rõ giá trị của văn hoá truyền thống, từ đó dẫn đến tâm lý vọng ngoại.

Ngoài ra, từ lâu nay tiếng hát ru đã tắt trên môi các bà mẹ do quá bận bịu về sinh kế; trẻ em không được dạy hát đồng dao; nông dân cày cấy trên ruộng sâu hay chèo thuyền dọc theo những con sông dài không còn có câu hò điệu lý giúp xua tan nỗi mệt nhọc; dịp hội mùa không còn những buổi đối ca nam nữ; lúc rảnh rỗi hiếm người tìm nghe tiếng hát ca Trù, ca Huế, ca Tài Tử mà đa phần chỉ bật máy thâu thanh thưởng thức bất cứ loại nhạc nào một cách thụ động.

Trong chương trình giảng dạy từ mẫu giáo lên cấp tiểu học, trung học cho đến bậc đại học không có môn giáo dục âm nhạc một cách đầy đủ, nếu không muốn nói là thiếu hẳn. Trong khi đó, qua các phương tiện truyền thông đại chúng, qua dĩa hát, băng từ, video, qua các buổi hoà nhạc, nhạc hội, liên hoan có tánh cách đại chúng, biết bao nhiêu hình thức ca vũ nhạc vừa mới vừa lạ và vô cùng hấp dẫn từ bên ngoài xâm nhập ồ ạt vào trong nước, gây ra tình trạng thanh thiếu niên Việt Nam hiện nay hiểu biết về nhạc mới, nhạc nhẹ, nhạc trẻ, nhạc ngoại quốc nhiều hơn nhạc truyền thống của dân tộc mình.



GS Trần Văn Khê & NGƯT Phạm Thúy Hoan biểu diễn bộ gõ minh họa cho các em học sinh tiểu học tại nhà hát Duyệt Thị Đường - Huế 2007

Sự việc người Việt Nam xa lần ca nhạc truyền thống là một căn bịnh “mãn tính”. Muốn trị dứt căn bịnh ấy ta phải trị “căn” chớ không chỉ trị “chứng”. Và trong tất cả những biện pháp thì hữu hiệu nhứt là đem âm nhạc truyền thống vào học đường. Và như ông bà ta thường nói, “dạy con dạy thuở còn thơ”, việc đem âm nhạc truyền thống vào học đường cũng phải bắt đầu từ cấp mẫu giáo, qua tiểu học, trung học và đến đại học.

Tại sao phải đem âm nhạc truyền thống vào học đường?

- Trường học là nơi tốt nhứt để dạy không chỉ âm nhạc mà cả các hình thức nghệ thuật để phát triển óc sáng tạo cho trẻ em và thanh niên.

- Đối với tuổi mới lớn, trường học là môi trường trung gian giữa gia đình và xã hội. Đây là nơi tạo điều kiện thuận tiện cho các em gặp gỡ bạn bè, tiếp xúc với nhiều người bên ngoài để trao đổi tư tưởng, làm quen với nếp sống tập thể, phát triển trí phán đoán và hấp thụ kiến thức qua thầy và bạn.

- Trường học là nơi các em tiếp thu nhiều môn học khác nhau và có thể bổ sung cho nhau. Và âm nhạc, nghệ thuật phải có được một vị trí quan trọng tương đương với các môn khác như văn chương, toán pháp, khoa học, sử địa, chớ không phải chỉ là một môn phụ và không có trong các môn thi.

Tại các nước tiên tiến, môn giáo dục âm nhạc ngày càng được tổ chức cẩn trọng và đầy đủ, vì kinh nghiệm cho thấy giáo dục âm nhạc nói riêng và giáo dục nghệ thuật nói chung không chỉ thuần túy mang đến cho tuổi mới lớn những kiến thức về âm nhạc hay nghệ thuật mà quan trọng hơn là giúp các em nhận thức sự vật bên ngoài một cách nhạy bén để có thể diễn đạt những tình cảm bên trong một cách rõ ràng và sâu sắc. Từ đó trí phán đoán của các em được mở mang, các em sẽ lanh lợi hơn trong giao tiếp, có được bản lĩnh vững vàng và gắn bó với cộng đồng trong xã hội.

Giáo dục âm nhạc trong trường học sẽ hình thành một nền tảng căn bản vững chắc cho các em. Nếu không thì với nếp sống mới hiện nay, khi hàng ngày trẻ em có điều kiện tiếp xúc không biết bao nhiêu thể loại âm nhạc và nghệ thuật với nhiều hình thức văn hoá xa lạ qua các chương trình giải trí, quảng cáo, qua những cuộc gặp gỡ giao lưu, các em sẽ không đủ trình độ để chọn lọc những gì hay ho và gần gũi với văn hoá dân tộc. Ngược lại các em có thể đi xa lần dẫn đến quên hẳn bản sắc văn hoá dân tộc.

Chúng ta thấy rằng giáo dục âm nhạc rất cần thiết, tuy nhiên không phải dạy âm nhạc nào cũng được.

Các em cần tiếp nhận âm nhạc truyền thống dân tộc trước khi học âm nhạc bên ngoài, giống như trẻ con cần nói được tiếng mẹ đẻ trước khi học ngoại ngữ.

Có hiểu mới thương yêu, có thương yêu mới mong muốn học hỏi và giữ gìn âm nhạc truyền thống.

Biết mình cho rõ rồi mới biết người thì sẽ không bị cái hào nhoáng bên ngoài, cái mới lạ của người làm át mất cái thâm trầm tế nhị bên trong của mình và không bị tự ti mặc cảm hay vọng ngoại.

Đem âm nhạc truyền thống vào học đường bằng cách nào?

Môn giáo dục âm nhạc phải được đưa vào chương trình học tập từ cấp mẫu giáo qua cấp tiểu học đến trung học.

Cấp mẫu giáo và tiểu học:

Trẻ em từ 3 đến 5 tuổi trong các trường mẫu giáo cần được gặp gỡ, làm quen với  âm nhạc truyền thống dân tộc trước khi gặp gỡ âm nhạc nước ngoài để có được một nền tảng tiềm tàng về bản sắc dân tộc, từ đó những kiến thức về âm nhạc nghệ thuật sẽ được bổ sung trong khi các em bắt đầu khôn lớn.

Nếu không được trang bị về âm nhạc truyền thống các em sẽ trở thành những thính giả thụ động, thu nhận bừa bãi những gì đến từ bên ngoài qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Giai đoạn này rất quan trọng vì trẻ em bắt đầu tiếp xúc với bên ngoài và trí óc vừa được mở mang, âm nhạc truyền thống đem đến cho các em một khái niệm về bản sắc dân tộc, một đường hướng phát triển về con người, trí tuệ, tình cảm của các em.

Cấp trung học:

Ở cấp này các em đã có trí phán đoán, có sự chọn lựa riêng trong sự phát triển về bề sâu những khả năng sáng tạo hay thẩm mỹ của mình. Vì vậy bắt đầu dạy cho các em biết sử dụng một hay nhiều nhạc khí, dạy các em biết hát - nghe - đọc - chép âm nhạc, dẫn đến biết thưởng thức âm nhạc. Có thể tập bắt đầu phân tách, đánh giá một nhạc phẩm, biết biểu diễn độc xướng hay hợp xướng, độc tấu hay hoà tấu.

Cần nhớ rằng mục đích của giáo dục âm nhạc không phải đào tạo các em thành nhạc sĩ hay ca sĩ chuyên nghiệp mà để cho các em nắm được truyền thống âm nhạc Việt Nam có những gì và hay ở chỗ nào, cũng như nhận thức rõ tính chất khoa học và nghệ thuật của âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Mục đích của giáo dục âm nhạc cũng không phải nhồi nhét nhiều kiến thức theo kiểu nhồi sọ mà phải tạo cho các em có tinh thần sáng tạo và biết thưởng thức cái đẹp trong âm nhạc truyền thống.

Một vài nguyên tắc và phương pháp có thể áp dụng trong việc dạy âm nhạc dân tộc cho các em cấp tiểu học:


GS Trần Văn Khê đang thực hiện phương pháp giảng dạy âm nhạc dân tộc cho học sinh tiểu học - Huế 2007

Ở cấp mẫu giáo và tiếp theo trong cấp tiểu học, chúng tôi đã thể nghiệm thành công những phương pháp sau đây:

1) Học mà chơi, chơi mà học: Những bài học thường được đưa ra dưới dạng một trò chơi.

2) Buổi học không phải là một cuộc độc thoại hay thầy giảng cho trò nghe mà là một cuộc đối thoại giữa thầy và trò.

3) Học trò không chỉ ngồi nghe một cách thụ động mà phải tham gia tích cực và trực tiếp vào buổi học.

4) Trong những buổi dạy, giáo viên áp dụng phương pháp tuần tự nhi tiến:
từ cụ thể đến trừu tượng
từ giản dị đến phức tạp
từ cái biết đến cái chưa biết
từ gần tới xa
từ độc tấu đến song tấu tam tấu và hoà tấu (từ cá nhân đến tập thể)
từ một nhạc khí đến hai, ba, bốn nhạc khí khác nhau.

5) Vận dụng tất cả phương tiện giúp cho trẻ em nhớ những điều đã học:

Cần nói đi nói lại những điều đã giảng để các em nhớ bằng tai nghe
Cho các em ghi lại lời ca của bài hát hay lời giảng của thầy để nhớ bằng tay viết. Các em phải đọc lớn lên những điều đã ghi để nhớ bằng mắt thấy, miệng đọc và tai nghe.

Dạy những gì trong âm nhạc truyền thống?

Cấp mẫu giáo và tiểu học:

Áp dụng các nguyên tắc và phương pháp nêu ở trên, chúng ta chú trọng vào những yếu tố cụ thể trước những yếu tố trừu tượng:


Các học trò tiểu học đang tập làm quen với bộ gõ dân tộc - Chương trình thử nghiệm "Đưa âm nhạc dân tộc vào học đường" tại Huế 2007

- Giúp cho các em nhận diện được những nhạc khí dùng trong âm nhạc Việt Nam, từ những nhạc khí rất thô sơ, đơn giản như thanh tre, trống ếch, kèn lá, ống thiều, đến những nhạc khí độc đáo sử dụng trong các loại nhạc truyền thống của dân tộc Kinh và dân tộc thiểu số.

Tập cho trẻ em có thể tự tạo ra những nhạc khí dễ thực hiện: quấn lá chuối làm kèn, bịt da ếch trên lon sữa bò làm trống, đổ nước vào chén đá hay chai không để làm thành một nhạc cụ gõ. Lần lần theo một độ cao nhứt định tập cho các em nhận thức độ cao của các nhạc khí, thay đổi độ cao bằng cách thêm bớt nước vào chén vào chai, để các em thi đua ai thực hiện được độ cao đúng nhứt, mau nhứt như âm chuẩn thầy đưa ra.

- Dạy các em sử dụng những nhạc khí về tiết tấu trong bộ gõ, từ cái phách, song lang, thanh la, trống tiểu cổ, chập choã v.v... trước khi đi đến những nhạc khí trong loại đàn có dây khảy hay các kèn sáo.

- Tiết tấu đi đôi với động tác múa. Trẻ em vừa hát vừa múa theo thầy. Khuyến khích các em tự nghĩ ra cách múa để kích thích óc sáng tạo.

- Học đánh trống theo truyền thống Việt Nam là đánh trống miệng trước khi đánh trống thật.

- Tập lần lần cho các em có tinh thần sáng tạo bằng cách tập chuyển từ nhịp trường canh đến nhịp đôi, nhịp tư. (Nhịp ba và các nhịp phức tạp sẽ học sau).

Tập chẻ nhịp và lần lần đi đến nhịp ngoại, nhịp chỏi (tùy theo khả năng tiếp thu của các em mà tuần tự nhi tiến.)

Cho các em làm quen với tiết tấu, tập gõ nhịp, đánh trống trước khi dạy giai điệu, lấy hơi, bắt giọng.

Dạy những bài hát ru, đồng dao, bài vè, câu đố, những bài thơ cho trẻ em (như một số bài thơ của Trần Đăng Khoa chẳng hạn).


Học trò thử tập "gáy tiếng gà" theo bài thơ Tiếng Gà của Trần Đăng Khoa do Thầy Khê hướng dẫn

- Sau tiết tấu đi lần dến các chữ nhạc Hò Xự Xang Xê Cống, phát âm và hát bằng tên chữ nhạc. Chuyển bài đồng dao ra chữ nhạc. Đi lần đến cách chép nhạc theo phong cách truyền thống và sau khi thuần thục sẽ đi đến cách chép nhạc theo phương Tây trên khuôn nhạc 5 dòng.

- Tập cho các em có khiếu thẩm mỹ bằng cách mời các nghệ sĩ đến lớp biểu diễn cho các em nghe về cách đánh phách, cách đánh trống và cách hát dân ca theo chuyên nghiệp với mức độ nghệ thuật rất cao. Và hướng dẫn cho các em cách nghe và thưởng thức âm nhạc.

Trên cấp trung học:

Cũng theo các nguyên tắc nêu trên, từ cụ thể đến trừu tượng.

- Giới thiệu rành mạch các nhạc khí dùng trong nhạc truyền thống Việt Nam của người Kinh và dân tộc thiểu số.

- Giới thiệu các dàn nhạc thường gặp như dàn nhạc trong Hát chèo, Hát bội, Cải lương, trong các loại nhạc thính phòng, đi lần đến nhạc cung đình.

- Giới thiệu các loại nhạc trong truyền thống dân gian, truyền thống bác học và âm nhạc của một số dân tộc ít người miền núi.

- Ở cấp này có thể dạy cho học sinh sử dụng vài nhạc khí thông thường như đàn bầu, đàn nhị, đàn nguyệt, đàn tranh, sáo trúc, trống phách. Và trong những năm cuối cùng của cấp Trung học có thể lập một dàn nhạc loại thính phòng, những nhóm tốp ca, hợp ca.

- Ngoài ra cần được học thêm về kịch nghệ Việt Nam như hát chèo, hát bội, hát cải lương và hát bài chòi. Học lược sử của các bộ môn đó, tiểu sử một số vị đã sáng tác ra những tuồng Thầy như các cụ Đào Tấn, Nguyễn Hiển Dĩnh và các chuyên gia về Hát tuồng sau này như Tống Phước Phổ, Mịch Quang, Vũ Ngọc Liễn v.v..

Trong chương trình văn học, cần có một số trích đoạn của những vở tuồng Thầy để cho học sinh nghe giảng và học thuộc lòng. 

- Trong những năm cuối của cấp trung học, có thể giới thiệu cho các em biết qua đại cương của âm nhạc truyền thống các nước trong Đông Nam Á, Đông Á và âm nhạc phương Tây.

Muốn thực hiện chương trình đem âm nhạc vào học đường, trong tình trạng hiện tại chúng ta đang thiếu những gì và phải làm gì?

Hiện chúng ta chưa có chi cả. Trước mắt chúng ta cần thực hiện những việc sau đây:

- Trước hết chúng ta cần có được một quyết định của Nhà nước trong việc đem âm nhạc vào học đường.

- Một ủy ban thảo luận và qui định chương trình dạy âm nhạc dân tộc cho các cấp, nội dung các giáo trình giáo án, số giờ học trong một tuần, điều kiện thi kiểm tra trong năm và cuối năm.

- Đề nghị các giáo viên chuyên dạy nhạc dân tộc viết những quyển sách giáo khoa về âm nhạc dân tộc cần thiết cho giáo viên và học sinh.

- Cần có một hay nhiều khoá tập huấn cho các giáo viên dạy nhạc dân tộc. Nếu cần có thể lập chương trình đào tạo các giáo viên dạy khoa Giáo dục âm nhạc như các nước tiên tiến. Tuyển các sinh viên yêu âm nhạc, thương trẻ em, thích dạy học để đào tạo thành những giáo viên chuyên dạy nhạc trong các cấp và cho vào biên chế nhà nước.


GS Trần Văn Khê & thầy trò trường tiểu học Trần Hưng Đạo (TP.HCM) trong dự án "Đưa âm nhạc dân tộc vào học đường" do UNESCO tài trợ 2004


GS Trần Văn Khê với một lớp học trường Trần Hưng Đạo trong dự án do UNESCO tài trợ về "Đưa âm nhạc dân tộc vào học đường" 2004 

Bài tham luận nầy chỉ là một vài suy tư về vấn đề đưa âm nhạc vào học đường đồng thời đưa ra một số đề nghị cụ thể căn cứ trên kinh nghiệm bản thân để các bạn thảo luận, chỉ trích những điểm sai, bổ sung những điểm còn thiếu hầu tìm ra con đường đi mau tới đích, phù hợp với tình trạng của đất nước hiện nay.

Rất tiếc do tình trạng sức khoẻ của tôi và nhiều sự kiện khách quan bên ngoài không cho tôi có cơ hội trực tiếp thảo luận với các bạn, nhưng tôi rất mong nhận được ý kiến của các bạn.

Hiện tôi đang cộng tác với Ban Nghệ thuật và Thực hiện Văn hoá trong Khu vực Văn hoá của Unesco do Bà Tereza Wagner điều khiển, chuẩn bị tổ chức tại Thành Phố Hồ Chí Minh một khóa tập huấn ngắn hạn có tánh cách thể nghiệm trong việc đem âm nhạc dân tộc vào cấp tiểu học.

Đồng thời chúng tôi cũng có liên lạc với một số bạn bè có kinh nghiệm trong chương trình “Giáo dục nghệ thuật và tính sáng tạo” trong chương trình giáo dục cấp tiểu học và trung học tại vài nước châu Phi. Tôi sẽ ghi lại đầy đủ kết quả của các công việc đó để chuyển đến các bạn trong nước.

Đôi lời đề nghị

Muốn thực hiện chương trình đem âm nhạc vào học đường cho toàn quốc, phải có nhiều thời gian. Chúng tôi chỉ ước ao sao có được sự chấp thuận trên nguyên tắc của các cấp lãnh đạo và sự đồng tình của một số đông đồng nghiệp để tổ chức càng sớm càng tốt một ủy ban thảo luận chương trình đào tạo cán bộ giảng dạy giáo dục âm nhạc và một trung tâm huấn luyện ngắn hạn (ba tháng) một số giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy, yêu âm nhạc tryền thống, yêu trẻ em để thể nghiệm công việc đưa âm nhạc vào học đường trong ba trường học trong ba miền. Sau một năm sẽ thu thập kết quả để đi lần đến vịệc thực hiện chương trình đưa âm nhạc vào học đường cho toàn quốc.  

Thân mến chào các bạn và chúc hội thảo thành công tốt đẹp.

TRẦN VĂN KHÊ
2003
2 Comments Chronological   Reverse   Threaded
 
Add a Comment
   
trantruongca wrote on Sep 15, '09
Ba rất vui khi biết con tán thành đề nghị của Ba.
Hôn con nhiều
Ba của con
TVK
 
tranquanghai wrote on Sep 14, '09
Một đề nghị rất hữu ích cho giới trẻ Việt Nam . Âm nhạc cần phải được đưa vào trường học. Ở các quốc gia Tây phương , việc giáo dục âm nhạc (music education), và môn sư phạm âm nhạc (pedagoy of music) được áp dụng vào chương trình giáo dục chung . Ngoài việc học nhạc của xứ mình, việc biết thêm nhạc của những quốc gia láng giềng cũng rất cần để có một kiến thức chung . Đây là việc làm dài hạn và phải xúc tiến ngay từ bây giờ.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét