Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

Món ăn ngày Tết

Món ăn ngày Tết

Từ xưa đến nay, người Việt thích ăn ngon, ăn nhiều trong ngày tết nên ta có câu “Đói giỗ cha, no ba ngày tết”. Ngày tết ta có “cỗ” tết: Ở miền Bắc ngoài món thịt đông đặc biệt còn có chả lụa (giò lụa), chả quế, chả đầu (giò thủ), canh măng, chân giò, nấm hương, miến gà, nem rán, xôi gấc và không thể thiếu bánh chưng xanh, dưa hành.

 

Ngày nay, dầu muốn giản dị hóa, người Việt vẫn còn nhắc “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ; cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Tục dựng nêu đã mất, muốn làm sạch môi trường và tiết kiệm nên nước ta không còn đốt pháo nhưng nếu không có bánh chưng xanh thì không được. Vì thế bánh chưng, bánh dầy không thể thiếu ở miền Bắc. Miền Nam thì dùng bánh tét. Không phải “thịt mỡ dưa hành” mà “thịt kho nước dừa, dưa giá”. Thịt kho miền Nam rất độc đáo, chẳng biết vì sao có người gọi “thịt kho Tàu”? Người Tàu không bao giờ kho thịt với nước mắm, người Việt không bao giờ kho thịt với xì dầu. Tại sao lại gọi “kho Tàu”? Người Việt còn gọi là “kho rục”. Miền Nam ngày tết luôn có nem bì và củ kiệu.



Nem bì 

 

Củ kiệu

Miền Trung có dưa món và một món đặc biệt gọi là “tré”, ít dùng chả lụa mà là chả bò và giò thủ nhưng đặc biệt phải có thịt chua và tai heo. Ngoài ra còn có các món đặc sản như bánh lá, bánh nộm không thể thiếu. Do khí hậu mà miền Bắc lạnh nên có thịt đông mà các nơi khác không có.
http://sohanews.vcmedia.vn/Article/2012/01/19/f5bf9_duamonhue.jpg

Dưa món miền Trung


Món Tré đặc sắc

 

Chả bò miền Trung

 
Thịt chua tai heo
 
Thịt đông - Món ăn đặc trưng đất Bắc

Ngày tết, không thể thiếu mâm ngũ quả vì người Việt coi số 5 vô cùng quan trọng trong đời sống như ngũ hành, ngũ sắc, ngũ vị (trong ẩm thực), ngũ âm (trong âm nhạc). Nguyên gốc, mâm ngũ quả có các loại trái cây: mận, hạnh, đào, táo và lý (hay điều). Nhưng do điều kiện của các khu vực sinh sống người Việt có sự khác biệt, người dân từng miền không thể lúc nào cũng kiếm được đủ 5 loại trái cây này. 

 

Mâm ngũ quả miền Bắc


 

Mâm ngũ quả miền Nam

Từ đó dẫn đến cách trình bày mâm ngũ quả cũng có sự khác biệt giữa hai miền Bắc và Nam. Miền Trung có lẽ cũng trưng bày mâm ngũ quả giống như miền Nam. 5 thứ trái cây miền Nam thường có: mãng cầu, dừa, sung, đu đủ và xoài vì nói theo giọng Nam thì “cầu vừa đủ xài và sung túc”, còn miền Bắc thường có: chuối, bưởi hoặc quả phật thủ, đào, hồng và quýt (hoặc quất). Về cách trình bày, thường người ta chọn những quả lớn, có trọng lượng để ở giữa sau đó mới đan chen những loại quả chung quanh để tạo thành một mâm ngũ quả hình tháp. Riêng dưa hấu luôn lựa một cặp dưa loại thật to để hai bên bàn thờ. Ngày tết cũng không thể thiếu mứt, kẹo. Người Việt có rất nhiều thứ mứt vì theo văn hóa ẩm thực mỗi thứ mứt có tác dụng trị được một bệnh. Như mứt gừng: ấm tì vị, dễ tiêu, chống đầy bụng, đầy hơi; mứt bí: giải nhiệt; mứt dừa: nhuận trường; mứt sen: an thần, dễ ngủ; mứt quất: tiêu đàm, chữa ho. Thật ra mỗi thứ mứt đều có cái ngon riêng nên người bán thường trưng bày trong một hộp to 12 thứ mứt khác nhau như: mứt me, mứt mãng cầu, mứt mít, mứt thơm và gần đây có thêm mứt khoai lang. Kẹo thường dùng ở miền Nam có “thèo lèo”, kẹo dừa, kẹo đậu phộng, hột điều; miền Trung còn có mứt me và mè xửng…

Ngoài việc ăn còn nghĩ đến việc uống. Đặc biệt là các thứ rượu mạnh như rượu làng Vân (Bắc Ninh), rượu Bầu Đá (Bình Định) và rượu đế (khắp cả nước). Ngày nay, còn có thêm nhiều thứ rượu Tây các loại khác. 

 

Men rượu Làng Vân

 

Rượu Bầu Đá

Người Việt có những món ăn rất đặc biệt và đa dạng trong ngày tết. Và từ đó chúng ta có thể hiểu được vì sao người Việt không nói “mừng lễ tết” mà thường nói “ăn tết". 

TRẦN VĂN KHÊ
(Đăng trên Sài Gòn Giải Phóng tháng 02/2010)

THĂM NHÀ GS TRẦN VĂN KHÊ VÀ ĂN TỐI Ở NHÀ GS NGUYỄN ĐĂNG HƯNG

THĂM NHÀ GS TRẦN VĂN KHÊ VÀ ĂN TỐI Ở NHÀ GS NGUYỄN ĐĂNG HƯNG

Hôm nay, 24 tháng Giêng năm 2010, nhân chuyến công tác tại thành phố Hồ Chí Minh, tôi và Thạc sĩ Chu Tuyết Lan (cựu GĐ Thư viện Viện Hán Nôm) đã vinh dự được ghé thăm nhà riêng GS Trần Văn Khê. 14h15 máy bay hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất, người bạn là GĐ doanh nghiệp Cao Lầu (Q. Thủ Đức) đã cho xe đón và đưa chúng tôi về khách sạn rồi đưa đến nhà GS Trần Văn Khê.


Ngôi nhà của GS Trần Văn Khê ở số 32 Huỳnh Đình Hai, Phường 24, quận Bình Thạnh, Tp Hồ Chí Minh. Đây vốn là một biệt thự cũ, nằm trên khuôn viên 600 mét vuông, do chính quyền Thành phố tặng GS Trần Văn Khê - người đã cả đời cống hiến và quảng bá cho văn hóa và âm nhạc Việt Nam trên khắp thế giới.

GS Trần Văn Khê đã về ở tại đây từ năm 2005. Và ông cho biết, sau này khi ông qua đời, đây sẽ là nhà lưu niệm Trần Văn Khê, và là nơi mà những người yêu âm nhạc có thể đến đọc sách, nghe và xem tư liệu về văn hóa và âm nhạc mà GS đã đưa từ Pháp về sau cả một đời tích góp và sưu tập từ khắp nơi trên thế giới. 


GS Trần Văn Khê và Nguyễn Xuân Diện

 

GS Trần Văn Khê và Thạc sĩ Chu Tuyết Lan

GS Trần Văn Khê nói với người giúp việc đưa chúng tôi đi thăm toàn bộ khu nhà: Thư viện sách báo, thư viện băng đĩa, bếp, phòng ăn và phòng tiếp khách - trưng bày nhạc cụ.


Phòng khách và trưng bày nhạc cụ

 


Phòng lưu trữ băng từ của GS Trần Văn Khê được bảo quản trong
 chế độ lạnh đặc biệt


Thư viện sách báo


Một giá sách nhỏ trong phòng riêng của GS Trần Văn Khê
 
Đúng như đã hò hẹn từ cả tuần nay, sau đó chúng tôi cùng đi taxi Mai Linh đến nhà GS Nguyễn Đăng Hưng để dùng bữa cơm tối, đàm đạo về văn chương và âm nhạc và tất nhiên sẽ cùng nhau đàn hát. Lúc ấy là 5h chiều.

GS Nguyễn Đăng Hưng là một nhà khoa học lớn, hiện công tác tại Vương Quốc Bỉ, được biết đến như một người đã dành toàn bộ tài năng và tâm huyết để cống hiến cho sự nghiệp đào tạo cán bộ khoa học cho đất nước. Tôi đã được nghe danh ông đã lâu, đã đọc các bài viết và trả lời PV của ông trên các báo chí, và cũng đã thưởng thức các tác phẩm âm nhạc của ông; nhưng đến hôm nay mới vinh dự được gặp ông tại thành phố mang tên Bác. 



GS. Nguyễn Đăng Hưng đón khách. Cận cảnh: Nhà biên khảo Thái Doãn Hiểu và Nguyễn Xuân Diện

 

GS. Nguyễn Đăng Hưng và Thạc sĩ Chu Tuyết Lan

 

GS Nguyễn Đăng Hưng, GS Trần Văn Khê và Nguyễn Xuân Diện

 

GS. Nguyễn Đăng Hưng ôm đàn và hát các bài hát bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Ông chơi đàn với phong cách của một nghệ sỹ thực thụ khiến tất cả mọi người đều hết sức ngạc nhiên.


Bữa cơm chiều trong nhà GS Nguyễn Đăng Hưng


GS Trần Văn Khê (89 tuổi) và GS Nguyễn Đăng Hưng (70 tuổi). Một người âm nhạc. Một người khoa học kỹ thuật. Một người nhẹ nhàng lịch lãm. Một người sôi nổi nồng nhiệt. Hai GS rất trân trọng và ngưỡng mộ sự nghiệp và nhân cách của nhau.



Từ phải sang: Bà Hoàng Liên và phu quân nhà biên khảo Thái Doãn Hiểu, GS Khê và Thạc sĩ Chu Tuyết Lan
.
Sau khi GS Nguyễn Đăng Hưng hát các bài hát do GS sáng tác, là đến phần trình bày ca trù của Nguyễn Xuân Diện. GS. Trần Văn Khê nói về Ca trù và về "Chữ nhạc" của âm nhạc Việt Nam, về sự khác nhau giữa âm nhạc Việt Nam và Trung Quốc với minh họa sâu sắc và độc đáo. Nhà biên khảo Thái Doãn Hiểu đọc bài thơ ông sáng tác bên mộ cụ Nguyễn Du. Sau cùng, đã hơn 10h đêm, Nguyễn Xuân Diện ngâm bài thơ Tạm biệt để cảm ơn thịnh tình của chủ nhà và từ biệt GS Nguyễn Đăng Hưng.
.
Ngay trong buổi chiều đầu tiên đến Saigon, đã được đến thăm nhà hai GS danh tiếng của thế giới, đối với tôi là một vinh hạnh lớn lao. Và ngay trong lần đầu gặp mặt, GS Hưng đã mời cơm chiều và thưởng thức các tác phẩm âm nhạc của ông ngay trong căn nhà của ông với tình thân như đã quen nhau từ lâu, với tôi lại càng là một điều vô cùng may mắn và vinh hạnh.
.
Xe taxi Mai Linh lại đưa GS Trần Văn Khê về đến nhà lúc 11h. Cả lúc đi và về, GS Trần Văn Khê đều dành phần thanh toán tiền taxi bằng thẻ. Hãng taxi Mai Linh vì lòng trân trọng và ngưỡng mộ một nhà văn hóa lớn của đất nước đã tặng một chiếc thẻ để được phục vụ miễn phí GS Trần Văn Khê đi lại trong thành phố bất kỳ giờ giấc nào.

TP Hồ Chí Minh đêm 24.1.2010.
Nguyễn Xuân Diện

XẨM CHỢ VÀ XẨM CA TRÙ

XẨM CHỢ VÀ XẨM CA TRÙ
Có rất nhiều bạn hỏi tôi “Ca Trù, Hát Xẩm và Hát Văn có giống nhau không ?”. Đó là 3 loại thanh nhạc khác hẳn nhau từ nội dung đến hình thức. Trong hai kỳ trước tôi đã cùng các bạn tìm hiểu “Ca Trù là gì ?”. Hôm nay, mời các bạn đi nghe Hát Xẩm với tôi nhé !
Hát Xẩm
Năm 1941, lúc tôi học Y tại Hà Nội, tôi thường đến chơi với bạn Lưu Hữu Phước. Một hôm, Phước nói : “Chiều nay tôi có gọi mấy người Hát Xẩm đến nhà hát cho chúng mình nghe”. Đó là lần đầu tiên tôi được nghe Hát Xẩm. Trong ba người đi đến, có hai người mù và một người còn thấy đường dẫn dắt hai người kia. Một người hát, một người đàn Nhị, một người gõ nhịp. Những người đó được gọi là “chị Xẩm” hay “bác Xẩm”. Chị Xẩm hát rất nhiều bài, tôi không còn nhớ chị ca bài nào, chỉ còn nhớ mang máng mấy câu :
Sông kia nước chảy đôi dòng
Đèn khêu đôi ngọn anh trông ngọn nào”
và ấn tượng nhất đối với chúng tôi là những điệu ngâm Sa mạc và Bồng mạc, sau mấy tuần lễ thấm nhuần với hơi Hát Xẩm, một buổi chiều Lưu Hữu Phước giới thiệu cho tôi biết bài “Ai nhớ ai” mà anh vừa sáng tác :
“ …………………………
Dài đêm dài ai nhớ ai
Tưởng nhớ tới bóng hồng mê hồn
Tưởng nhớ ai thường hát véo von
Ai hỡi thấu chăng nỗi lòng ?”
mà hơi hướng của bản này hoàn toàn theo điệu Sa mạc. Năm 1944, khi chúng tôi từ Trường đại học Hà Nội “xếp bút nghiên về Nam”, tôi có đến chơi với Nhạc sĩ Lê Thương và nghe anh hát một bài anh sáng tác cho trẻ em :
“Có con dế mèn
…………………
Hát Xẩm không tiền
Nên nghèo xác xơ”
                                       
Tôi hỏi anh Lê Thương : “Hát Xẩm là gì hở anh ?”, thì Lê Thương say sưa kể cho tôi nghe về cuộc đời của những người Hát Xẩm, những người khiếm thị, nay đây mai đó, làm nghề Hát rong, lấy tiếng hát nuôi thân, những người đó không phải là hành khất, ăn mày ăn xin ở đầu đường xó chợ, họ là những người “nghệ sĩ dân gian” mà sân khấu chỉ là sân nhà ga, bến đò, góc chợ, hay là sàn nhà của những khách mời đến biểu diễn tại gia, rồi Nhạc sĩ Lê Thương dạy tôi hát một bài mà tôi còn nhớ đến nay, anh nói với tôi đây là một bài Xẩm Huê Tình, mà cũng gọi là Xẩm Cô Đầu :
“Cá thời vàng, cá thời vàng
Nước trong xanh lơ lửng con cá vàng
Cây ngô (là) ngô cành bích,
Con chim phượng hoàng nó đậu cao … nó đậu cao
Tiếc cho em phận gái má (thì) đào
Tiếc cho em (là) em phận gái, má (thì) đào
Tham đồng (là) đồng bạc trắng,
nên gá vào (là vào) cho chú đen (là) Tây đen
Duyên tơ hồng ai khéo duyên (là) se duyên
Bức tranh (là) tranh Tố nữ, đứng bên ông tượng (là) đồng
Chị em ơi ! ba bảy đường chồng”
rồi thì tôi bị lôi cuốn vào phong trào thanh niên tiền phong và đi vào vùng kháng chiến ở chợ Thiên Hộ, bị bệnh trĩ rất nặng, chịu giải phẫu tại nhà thương Grall, rồi sang Pháp vừa để lánh mặt, vừa để trị bệnh, từ đó tôi quên hẳn những điệu Hát Xẩm, đến năm 1953, khi trong nhà dưỡng Lao ở Airer-Sur-l’Adour, tôi bắt đầu tìm hiểu các loại nhạc dân gian của Việt Nam, tôi có đọc được bài của nhà nghiên cứu Pháp Ernest Le Bris viết về Hát Xẩm Huế với tựa là “Musique Annamite” : lesmusiciens aveugles de Hue. Lơ Tứ Đại Cảnh (tức là Âm nhạc Việt Nam : những Nhạc sĩ khiếm thị tại Huế. Bài Tứ Đại Cảnh) Nhạc sĩ thuật lại một buổi gặp gỡ với các người nghệ sĩ mù được gọi là những người “Xẩm Xoan” đi hát rong trên các đường phố Huế và giới thiệu bài “Tứ Đại Cảnh”. Ông rất thích loại hát này, đã gây một ấn tượng khá sâu sắc vào lòng của ông. Bài đó đã được đăng trong tạp chí của những người bạn Cố đô Huế (Bulletin des Amis du Vieux Hue) số tháng 7 tới tháng 12 dương lịch năm 1927, trang 137-148.
Tôi liên tưởng đến những người hát rong trong Miền Nam, đi từ làng này qua làng kia để nói thơ Lục Vân Tiên, nói thơ Sáu Trọng, thơ Cậu Hai Miên, Bạch Viên Tôn Các, Thoại Khanh Châu Tuấn, những người nghệ sĩ khuyết thị đó phụ hoạ lời ngâm thơ của mình bằng cây đờn Độc Huyền thô sơ.
Và khi ấy, tôi đã xếp loại Hát Xẩm Miền Bắc, Xẩm Xoan Miền Trung và Nói Thơ Miền Nam trong một nhóm nghệ sĩ khuyết thị hát rong. Mà tôi cũng chưa biết được giá trị của Hát Xẩm Miền Bắc như thế nào. Đến năm 1987 tôi được mời về dự Hội thảo Khoa học về chương trình SKPVAT (Sưu tầm, Khai thác, Phát huy vốn Âm nhạc truyền thống) được tổ chức tại Hà Nội trong 3 ngày liền, các đại biểu được nghe những đoàn đến từ nhiều nơi của đất nước Việt Nam. Năm đó, lần đầu tiên tôi được nghe tận tai, thấy tận mắt nghệ nhân Hà Thị Cầu giới thiệu lối Hát Xẩm và cụ tự hoạ lời ca của nình bằng cây Đờn Nhị với những ngón đàn độc đáo, đầy nghệ thuật, tôi vô cùng ngạc nhiên và xúc động. Cuộc gặp gỡ với cụ tuy ngắn ngủi (2 tiếng đồng hồ) đã cho tôi thấy một nghệ thuật có chiều sâu, bài bản rất phong phú, nội dung không phải chỉ là tình hiếu thảo, tình mẫu tử, tình phu thê, kể cả tình đôi lứa, mà còn bao gồm những đề tài mới như bài Hát Xẩm về Tàu điện ở Hà Nội. Tôi hỏi cụ có ai đang học để tiếp nối nghệ thuật của cụ không ? thì cụ trả lời với nụ cười chua chát : “thời buổi này ai mà học Hát Xẩm ông à ! thanh niên chỉ thích hát những bài tân nhạc và tự đệm bằng ghi-ta.”
                                Nghệ nhân Hà Thị Cầu
                                  Nghệ nhân Hà Thị Cầu
Sau đó, tại Viện Âm nhạc Hà Nội tôi gặp cháu Tuyết Hoa ngỏ ý muốn học Hát Xẩm với bà cụ Hà Thị Cầu, hôm đó có cả Nhạc sĩ Thao Giang cùng đi với cháu. Cháu đã đờn cho tôi nghe một điệu Hát Xẩm bằng Đờn Nhị, tôi rất tin tưởng rằng cháu có thể tiếp thu nghệ thuật Hát Xẩm được, nên tôi đã ghi tên cháu vào danh sách những người nghệ sĩ trẻ Việt Nam để xin học bổng của Giáo sư Odon Vallet, do Giáo sư Trần Thanh Vân và Kim Ngọc phân phối. Trong 2 năm liền Tuyết Hoa đã đến học với cụ Hà Thị Cầu và tại Viện Âm nhạc Hà Nội Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan đã cho xe đón cụ Hà Thị Cầu từ tỉnh lên Hà Nội và hôm đó cụ đã biểu diễn một số bài Hát Xẩm. Cụ vừa đàn vừa hát, có bài cụ hát cháu Tuyết Hoa đàn phụ hoạ. Bà cụ cười và nói : “Con bé này nó đàn giống tôi lắm, tôi rất vui vì sau này tôi không còn đàn được nữa, tiếng đàn của cháu Tuyết Hoa cũng có mang chút hơi hướng tiếng đàn của tôi”.
                                    Nhạc sĩ Thao Giang
                                     Mai Tuyết Hoa
Trong mấy năm sau, Thao Giang - Tuyết Hoa, với sự cộng tác của các nghệ sĩ Thanh Hoài, Xuân Hinh và Thanh Ngân đã lập ra một gánh Hát Xẩm, hàng tháng hát trên đường phố Hà Nội, đã ghi âm thành dĩa CD làm cho tôi tin rằng một nghệ thuật dân gian mà được tuổi trẻ quan tâm, thích thú, tìm hiểu, học hỏi, luyện tập để đem ra biểu diễn cho quần chúng nghe, trong đó có một số thanh niên, thì nghệ thuật đó đang tìm được một hơi thở mới. Riêng tôi, rất tiếc vì tôi chưa thấy được một băng ghi âm, ghi hình nào của cụ Hà Thị Cầu để lưu lại cho đời sau, một hình ảnh của một nghệ nhân Hát Xẩm có thể nói là độc nhất vô nhị của truyền thống Việt Nam.
Khi tôi viết xong bài này, thì trên blog của sĩ phu Bắc Hà (Bùi Trọng Hiền) có đăng một bài rất đầy đủ, thi vị về nghệ thuật Hát Xẩm mà nhà nghiên cứu Dân tộc Âm nhạc học đã để tựa “ngày xửa ngày xưa”, trong đó tác giả đã ghi lại một truyền thuyết nhắc lại dưới đời nhà Trần có hai ông hoàng Trần Quốc Toán và Trần Quốc Đỉnh được vua cha sai đi tìm ngọc quí trong rừng, ai tìm được sẽ nối ngôi vua và hoàng tử Đỉnh đã tìm được, nhưng bị hoàng tử Toán ám hại và đoạt ngọc. Hoàng tử Đỉnh bị mù loà, từ chốn rừng sâu đã tự tạo ra một cung đnf tiếng hát mà theo nhà khảo cứu là bước đầu của nghệ thuật Hát Xẩm.
Tôi không ghi lại nhiều chi tiết rất thú vị bài của Bùi Trọng Hiền nhưng mời các bạn vào blog của nhà nghiên cứu đó thì sẽ biết thêm nhiều chi tiết rất thú vị trong Hát Xẩm.
Sau hai bài về nghệ thuật Ca Trù là một nghệ thuật rất cao trong nền Âm nhạc Việt Nam thuộc loại nhạc thính phòng, có tính chất bác học và nghệ thuật, hôm nay các bạn vừa tiếp cận với Hát Xẩm, là một nghệ thuật dân gian thuộc loại hát rong và lần tới chúng ta sẽ tìm hiểu Hát Chầu Văn, là một loại nhạc dính liền với tín ngưỡng Việt Nam, một sinh hoạt văn hoá, trong đó thơ, nhạc đi liền với các điệu múa và những trang phục lộng lẫy, đặc biệt của các bà đồng.
Bình Thạnh, ngày 05-09-2007
GSTS Trần Văn Khê

TẢN MẠN VỀ MẮM VIỆT NAM

TẢN MẠN VỀ MẮM VIỆT NAM
Trong các đặc sản của người Việt Nam, chúng ta không thể nào quên được “mắm”. Người Trung Quốc biết kho cá, chưng cá, chiên cá, nướng cá và làm khô cá, nhưng không biết làm mắm như người Việt Nam.
Trong Đông Nam Á, các dân tộc đều có làm mắm, nhưng có lẽ chưa có dân tộc nào làm nhiều loại mắm như Việt Nam, đặc biệt là miền Nam Việt Nam.
Làm mắm
Cách làm mắm tưởng đâu rất đơn giản, chỉ bỏ muối và một số gia vị vào một hũ đựng các loại cá sống là làm ra được mắm, nhưng trong thực tế có nhiều địa phương ở miền Nam nổi tiếng nhờ những cách làm mắm đặc biệt như:
- Châu Đốc có rất nhiều loại mắm cá (cá lóc, cá linh, cá sặc, cá trèn, cá chốt, cá kèo, kể cả cá lòng tong).
- Gò Công đặc biệt có mắm tôm chà, mắm nha và mắm còng. Có câu ca dao còn nhắc lại “…Mắm còng xứ rẫy Gò Công…”.

Mắm tôm chà



Mắm còng đặc sản Gò Công
- Ở Cà Mau có mắm ba khía
- Ở Nam Định có mắm cáy
- Ở Quảng Ngãi thì có mắm nhum.
Mắm nhum
- Ở Bình Định có mắm cá thu chà, mắm thính cá chàm và mắm sò.
- Ở Huế rất đặc biệt nhờ mắm ruốc, mắm nêm, còn có mắm thính cá nục.



Mắm ruốc
- Ở miền Bắc đặc biệt có mắm tôm.

Mắm tôm (thường hay dùng trong món bún đậu của người Bắc)
Mà người Việt Nam chúng ta vừa thấy kể trên, không chỉ lấy cá làm mắm mà còn dùng một số thủy sản tôm, tép, cua, còng…
Không chỉ có một loại mắm cá sống, mà còn làm các loại mắm khác như mắm nêm, mắm ruốc, mắm ruột, mắm hệt…
Mỗi vùng có những “bí quyết” trong nghề làm mắm, nhưng không ai muốn truyền lại cho người khác.
Những cách ăn con mắm
Từ con mắm, còn chế biến ra rất nhiều cách ăn con mắm.
- Mắm số xé ra từng miếng ăn sống với các loại rau. Cách đây 2 năm, khi tôi đến Vĩnh Long để nói chuyện về Âm nhạc tại một trường Đại học, đầu bếp của nhà khách tỉnh ủy Vĩnh Long đãi tôi một món mắm rất đặc biệt là khoai lang cặp với mắm sống và cuốn trong lá cách. Thật lạ và tuyệt vời!
- Mắm chưng với tôm, thịt, trứng và tùy vùng có nhiều gia vị khác, vị lúc nào cũng “ngòn ngọt” rất ngon!
- Mắm kho có lẽ là được phổ biến nhiều nhứt tại miền Nam Việt Nam, dưới cái tên rất quen thuộc là “mắm và rau”, thường ăn với cơm hoặc với bún. Mắm kho trong một tay cầm lớn trong đó chẳng những có mắm lóc, mắm cá sặc mà còn có tôm, thịt heo, cà tím, nêm nếm cho vừa ăn. Những thứ rau thường dùng là bông súng, bắp chuối hột, thân chuối non, giá và một số rau thơm. Chỉ húp một ngụm mắm kho, chúng ta có thể thưởng thức vị ngọt của tép, của thịt luộc, vị the của sả, mùi thơm của mắm, vị cay của ớt, thêm vào cái mềm mềm của bún hay cơm, cái giòn giòn của bông súng và giá, các bạn có thấy bao nhiêu hương vị tập trung vào một miếng mắm hay không?
- Ngoài ra, còn có những cách chiên con mắm mà người ta gọi là “mắm chiên kẹp thịt luộc”, con mắm thường là mắm cá lóc, còn thịt luộc là thịt ba rọi, luộc và thái mỏng.
Nhưng mắm kho là một món ăn dân dã rất phổ biến trong nông thôn. Người thành thị thì vì ở chung cư, nếu kho một nồi mắm, hơi mắm bay khắp chung cư thì có người không chịu được, mùi mắm sẽ làm phiền người ta. Tôi còn nhớ lại một kỷ niệm, năm 1949, khi tôi mới sang Pháp, có một anh bạn sang Paris trước tôi 4 năm, biết tôi mới rời Việt Nam được 6 tháng, nên anh đề nghị đãi tôi ăn một bữa mắm kho. Nhưng nhà anh ở tại chung cư số 3 Đại lộ Saint Michel, ngoài một số sinh viên người Việt có gần mấy chục người Pháp cùng ở đó. Mặc dầu anh đã cho quạt máy quay mạnh và cho máy hút hơi trong nhà thổi ra ngoài, nhưng hơi mắm kho vẫn lan tỏa ra khe cửa và chẳng mấy lúc cả chung cư đã phảng phất mùi mắm, tôi vì thích ăn mắm cho nên nói với anh bạn đó khi tôi đi từ dưới đất lên lầu 4 là nơi anh ở, tôi nghe mùi “thơm” của mắm, nhưng những người Pháp thì họ thấy khó chịu và nghi rằng trong chung cư có người nào chết mà chưa liệm nên đi báo với cảnh sát. Chiều hôm đó, cảnh sát đến và xét từng nhà, đến nhà của anh bạn tôi thì mùi mắm lại nồng nực lên, cảnh sát tịch thâu mấy con mắm còn dư, gói kỹ để trong tủ lạnh, và nhìn trong giỏ rác của anh thấy xác mắm đã nấu ra còn lại chất gì đen đen rất lạ mắt với họ, nên tất cả đều được họ gói lại kỹ càng để đem về xét nghiệm. Nếu mà những xác mắm đó có thể gây tai hại đến tính mạng con bọ, thì anh bạn tôi sẽ bị vào tù. Nhưng sau 6 hôm xét nghiệm, người ta cho con bọ ăn thử xác mắm thì những con bọ lại “sởn sơ” hơn trước, rốt cuộc mắm không những được dùng trong tư gia, mà có thể được bán ra trong các hiệu ăn, người ta lại tìm ra trong mắm có một chất dinh dưỡng rất quí là “Enzyme”, hơn cả chất đạm rất nhiều.

Bún mắm - Món ăn đặc sắc miền Nam
Lần lần, cách ăn đơn sơ đó được những người bếp Việt Nam biến thành ra những món mắm mà các nhà hàng hiện nay không ngại để vào thực đơn, có thể đãi khách sang trọng trong và ngoài nước. Đó là: bún mắm và lẩu mắm.
Những nhà bếp chuyên nghiệp chưa nhất trí về xuất xứ của bún mắm, có người cho bún mắm là đặc sản của Trà Vinh, Châu Đốc hay Cần Thơ. Theo thiển ý của tôi, bún mắm không thể là đặc sản của Cần Thơ mà rất có thể từ Châu Đốc hay Trà Vinh, vì 2 nơi này có rất nhiều người Việt gốc Khơ me chung sống và cách ăn “si num bù chóc” (tức là ăn bún nước lèo nấu với mắm bù hóc của người Khơ me) gợi cho người Việt Nam, thay vì dùng mắm bù hóc thì dùng cá linh và cá sặc. Nước lèo phải trong hơn nước mắm kho, tức là khi nấu mắm với vài thứ rau có thể dùng nước thường hay sau này kiểu cách hơn dùng cả nước dừa xiêm, nhưng khi mắm tan xác thì phải lược qua một miếng vải thưa, bỏ xác và chỉ lấy nước trong của mắm. Sau đó, trong một chén bún chỉ đổ vào nước lèo vừa được chế ra thêm vào một ít rau tùy khẩu vị của người ăn, tùy cách trình bày của nhà bếp. Cách ăn đó người Việt đã từng ăn các loại bún như bún ốc, bún riêu, bún thang, bún cá…, bún mắm chỉ là dùng mắm thay các hải sản kia.

Lẩu mắm với rất nhiều nguyên liệu từ thịt và rau
Trong mấy năm gần đây, món ăn cuối cùng của những bữa tiệc thường là một món lẩu. Lẩu là một cái lò để ngay trên bàn ăn, dùng lửa gas hay cồn để làm cho cái lẩu được luôn luôn nóng và nước trong lẩu có thể từ nóng đến sôi, tùy theo món ăn. Theo ý của tôi thì cách ăn đó, đặc biệt là của người Trung Quốc, mà người Quảng Đông thường gọi là “tả pín lù” (các bạn sành tiếng Hoa có nói với tôi rằng 3 chữ đó nói theo tiếng Hán Việt là “đả biên lư”, chữ “đả” có nghĩa là đánh nhưng cũng có thể là đánh trống, đánh đàn hay là làm công việc gì một cách hăng hái. Ở đây chữ “đả” có nghĩa là ăn, “biên lư” là bên lò lửa), người Việt Nam thấy cách ăn đó thuận tiện mà ngon, nên chế ra rất nhiều món lẩu: lẩu cá, lẩu tôm, lẩu hải sản…
Trong lẩu có nước lèo nấu bằng xương heo hầm, có củ hành, hành lá, sả, ớt và một số rau để làm cho nước lèo ngọt, rồi khi ăn còn bỏ thêm thịt bò sống thái mỏng, tôm, tép, mực, cá… và nhiều thứ rau khác (cải xanh, rau nhút, rau muống, rau đắng…); rất nhiều nhà hàng làm quảng cáo: khi ăn lẩu mắm nhà hàng sẽ cung cấp 20 thứ rau khác nhau, mà căn bản là bông súng, bắp chuối cào, thân chuối non xắt mỏng, giá, húng cây, húng lủi… có nơi còn để lên trên bàn 40 thứ rau khác nhau! Theo ý tôi, đi ăn lẩu mắm cốt là ăn mắm ngon chứ không phải để ăn được nhiều thứ rau. Mỗi người thích ăn thịt tái hay chín sẽ tự làm lấy, nhưng tôm, tép, mực phải cho thật chín.
Lẩu mắm tức là thay vì để hải sản làm món chính thì nước lèo phải do mắm nấu ra, thường hay dùng mắm cá linh, cá sặc, cá lóc, cá kèo. Để lò chính giữa bàn, mỗi người ăn tự do cho thêm thịt, mực… và rau theo ý thích, đó là 2 yếu tố hấp dẫn du khách nước ngoài, nên các nhà hàng cao cấp gần đây đã để lẩu mắm vào thực đơn.

Kết luận
Tóm lại, mắm là món ăn đặc thù của dân tộc Việt Nam, đặc biệt của miền Nam Việt Nam. Nhưng khi giới thiệu cho khách nước ngoài, chưa chắc họ đã thích lẩu mắm hơn chả giò và gỏi cuốn. Nếu làm cho mất mùi mắm để làm vừa lòng du khách, thì đối với người Việt Nam, món ăn đó sẽ không còn được gọi là mắm nữa. Các chủ nhà hàng lớn, các đầu bếp giỏi có thể suy nghĩ và giải quyết bài toán khó đó!!!
Bình Thạnh, ngày 10-10-2007
Trần Văn Khê

NGHE ĐÀN CA TÀI TỬ CẢM TÁC

NGHE ĐÀN CA TÀI TỬ CẢM TÁC



Kính tặng Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo

Mưỡu
Nghe danh thì đã từ lâu,
Đến nay mới thực lần đầu “hữu duyên”.
Đúng là tài xứng danh truyền,
Với Trần quân ấy bạn hiền quí thay !
 
Hát Nói
Nhạc sư Vĩnh Bảo,
Một người thầy, bậc kỳ lão đàn Tranh.
Giáo sư Khê giới thiệu những chân tình,
Tài năng ấy lừng danh nhiều sáng tạo.
 
闌玉聯芳同送抱
隆情厚誼一長春
Lan ngọc liên phương đồng tống bão[1],
Long tình hậu nghị[2] nhất trường xuân.
Nhớ buổi nào bên Mỹ kết tình thân,
Rồi ở Pháp bao lần cùng trình diễn.
Nay tuổi tác với rất nhiều kinh nghiệm,
Ước mong gì truyền đến các môn sinh.
Lòng riêng tỏ chút chân tình.
19-01-2010
Nguyễn Quảng Tuân


[1] Lan ngọc liên phương : cây lan và cây ngọc cùng tỏa hương thơm, ý nói hai người bạn quí là Giáo sư Trần Văn Khê và Nhạc sư Vĩnh Bảo đều là những người có danh thơm, tiếng tốt.

Tống bão : do câu suy khâm tống bão (khâm : bụng dạ của người ta – bão : cái chí định ở trong lòng) ý nói đến tình bạn chân thành, bày tỏ cho nhau biết tất cả những cảm nghĩ ở trong lòng của mình.

[2] Long tình hậu nghị : tình cảm tốt đẹp giữa bạn bè thân mật. Cả câu ý nói tình bạn bè giữa Giáo sư Trần Văn Khê và Nhạc sư Vĩnh Bảo luôn tốt đẹp.

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo: Gởi với đường tơ muôn mảnh lòng

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo: Gởi với đường tơ muôn mảnh lòng

 

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo - Ảnh tư liệu: Trần Văn Khê

Chương trình giới thiệu “Nhạc sư Vĩnh Bảo – người thầy lớn trong âm nhạc truyền thống Việt Nam” tại nhà Giáo sư Trần Văn Khê vào tối 19-1, diễn ra thật xúc động, hấp dẫn. Cuộc nói chuyện của ông đã thu hút sự quan tâm của đông đảo giới nghệ sĩ, nhạc công, khán giả lớn tuổi và cả các sinh viên, học sinh - những bạn trẻ yêu thích nhạc dân tộc.

Năm nay, nhạc sư Vĩnh Bảo (ảnh) đã bước vào tuổi 93. Dáng ông gầy, gương mặt hiền từ, nụ cười đôn hậu, lối nói chuyện dí dỏm, dễ thương, thể hiện sự lạc quan yêu đời, yêu người, đặc biệt là tình yêu lớn mà ông dành tặng cho âm nhạc truyền thống, nhất là nhạc tài tử cải lương. 


Nhạc sư Vĩnh Bảo tâm sự: “Mỗi khi đờn (đàn), tôi luôn muốn tiếng đờn nói thay tôi những nghĩ suy, trăn trở, những buồn – vui của tâm hồn. Tôi thường đờn trong trạng thái tĩnh lặng, thời khắc ấy đưa tôi đến gần với thiền, cho tôi sự thư giãn thảnh thơi, tâm hồn được bay bổng với nhạc, với điệu, với những bài bản truyền thống dân tộc”. 

Hễ nói chuyện nghề, về cách làm đàn, cách đánh đàn và khi biểu diễn để giải thích các hơi, điệu, cách sắp chữ, sắp câu, những thủ pháp đặc thù của nhạc tài tử (rung, nhấn, mổ)… ánh mắt ông lại long lanh, tinh thần ông lại phấn chấn. Khi ông lướt tay trên dây đàn, những bài Dạ cổ hoài lang, Tiếng xưa, rồi bài bản tài tử Nam Xuân, Văn Thiên Tường, Tứ đại oán… nghe sao da diết, đầy cảm xúc. Nhưng cũng với những ngón đàn ấy, ông nhấn, ông tô điểm cho nốt đàn để biến thiên các tiết tấu đang buồn thành vui, lúc đang vui bỗng chợt buồn… khiến khán giả ngẩn ngơ thán phục. 

Thời gian gần đây nhạc sư Vĩnh Bảo ít tiếp cận, biểu diễn phục vụ công chúng, nhưng đó không phải là ông ngừng làm việc. Ông vẫn luôn nặng tình với âm nhạc, nhất là nhạc tài tử Nam bộ. Trước đây, ông từng đến các nước Pháp, Mỹ… để giảng dạy và biểu diễn. Khoảng 5 năm trở lại đây, ông thực hiện rất hiệu quả việc dạy đàn qua internet cho học sinh người nước ngoài. Với ông, việc truyền dạy nghề là niềm vui, là hạnh phúc. Ông luôn muốn truyền dạy cho học trò những gì mình có và mong mỏi các học trò sẽ giỏi hơn, có nhiều sáng tạo hơn ông, để có thể góp sức gìn giữ và bảo tồn âm nhạc truyền thống dân tộc. 

Có lẽ tâm tư người thầy, người nhạc sĩ, người nghệ sĩ tài hoa luôn vướng bận chuyện truyền nghề, gìn giữ và bảo tồn những giá trị nghệ thuật âm nhạc dân tộc quý báu, thế nên ông đã gửi gắm nhiều suy tư, trăn trở vào bài thơ ông sáng tác cho riêng mình, chất chứa nhiều xúc cảm. 

“Nhả chút tơ tằm lên phím nhạc
Gởi vào cung bậc ít tâm tư
Nắn dây, giọng oán từng hơi thở
Gởi với đường tơ muôn mảnh lòng”.

Giáo sư Trần Văn Khê – người bạn tri kỷ của nhạc sư Vĩnh Bảo, chia sẻ: “Dù nhạc sư Vĩnh Bảo đã 93 tuổi, nhưng ngón đờn của anh vẫn y như thời trẻ, bay bướm, giản dị nhưng sâu sắc như đưa khán giả vào cõi mộng. Anh còn là người khiêm tốn, thích dạy học, nói và viết cả tiếng Anh, tiếng Pháp, còn tài đóng đàn của anh thật tuyệt vời. Tôi rất hạnh phúc khi có được người bạn tri kỷ, tài hoa như anh!”

Năm 2006, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo được vinh danh tại Hội thảo Dân tộc nhạc học thế giới tổ chức tại Mỹ. Hội thảo có đến 800 giám khảo thực hiện việc tuyển chọn và vinh danh 5 người thuộc dạng “quốc gia chi bảo”, có những đóng góp to lớn trong việc giữ gìn nghệ thuật cổ truyền dân tộc các nước. Bên cạnh Việt Nam là các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Năm 2008, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo vinh dự được Bộ Văn hóa Pháp trao tặng Huy chương Văn học nghệ thuật.

THÚY BÌNH
(Sài Gòn Giải Phóng)
1 Comment
Add a Comment
   
huudieu wrote on Jan 21, '10
Chúc nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo và giáo sư Trần Văn Khê sống trên trăm tuổi để truyền bá môn ( Âm nhạc dân tộc ) rộng rãi hơn nữa giúp cho nhiều người dân lao động cũng được thưởng thức và hiểu biết môn này ! 
 

NGÂM KIỀU TRONG HAI ĐẠI SỨ QUÁN VIỆT NAM VÀ PHÁP TẠI BẮC KINH

NGÂM KIỀU
TRONG HAI ĐẠI SỨ QUÁN
VIỆT NAM VÀ PHÁP TẠI BẮC KINH
Ban tổ chức Hội nghị quốc tế âm nhạc tại Bắc Kinh, đối với tôi rất chu đáo. Sau khi ghi tên tôi vào sổ khách sạn, giới thiệu cho tôi bà Liu, thông dịch viên, ông Yao người lo giấy tờ đi lại, sắp đặt chương trình sinh hoạt của tôi tại Bắc Kinh, ngày nào viếng thắng cảnh, xưởng đóng nhạc khí, hay gặp gỡ các Giáo sư Âm nhạc, mua vé máy bay hay xe lửa đi Tây An, Thiên Tân, lấy vé xem các chương trình văn nghệ, giới thiệu anh tài xế chiếc xe Toyota đen, túc trực từ 07g30’ sáng đến 23g30’ khuya, Ban tổ chức trao cho tôi một tờ giấy trên đó có những số điện thoại cần thiết cho tôi, số điện thoại của Ban tổ chức, những người trực tiếp giúp tôi trong việc đi lại và điện thoại của đại sứ quán Việt Nam và Pháp !
Các anh trong Đại sứ quán Việt Nam rất vui khi biết tôi sang Bắc Kinh dự Hội nghị âm nhạc, vì theo lời các anh, từ lâu rồi, trong Nước không có người sang công tác bên này. Nay gặp tôi đã về Nước làm việc vào cuối năm 1986, vừa có thể nói chuyện âm nhạc cho các anh nghe, vừa cho biết qua tin tức về đời sống bên nhà.
Hai anh Hồ Sĩ Tuệ, Nguyễn Đình Bảng, đến khách sạn Hoa Đô đón tôi đi thăm các anh chị em trong Đại sứ quán Việt Nam.
Một biệt thự đồ sộ, phía sau là một miếng vườn rất to có trồng nhiều cây ăn trái và một dãy nhà để cho tất cả anh chị em ở chung với nhau trong Đại sứ quán.
Ông Đại sứ về nước chưa trở qua. Anh Vũ Thuận, đại diện ra cửa đón tôi, dẫn đi một vòng xem qua khu vườn, rồi mời tôi vào phòng khách, uống tách cà phê Việt Nam, mùi thơm ngát không có cà phê nước nào sánh được, chờ đợi buổi cơm cũng rất đặc biệt. Anh bếp chánh đánh tiết canh theo Việt Nam với máu vịt  Bắc Kinh ! Xong rồi, các anh chị họp lại để nghe tôi nói chuyện về nhạc Việt Nam, tất cả trên 30 anh chị nhớ nước, nhớ nhà quây lại xem cho khuây khoả. Tôi nói chuyện có rất nhiều minh hoạ : Hò cấy Miền Nam, Hò mái nhì Miền Trung, Hát Quan họ Miền Bắc. Các anh yêu cầu được nghe ngâm Kiều. Tuy không đàn phụ hoạ, những câu Kiều quen thuộc vẫn gợi lại cho người Việt xa xứ hình ảnh Nước Việt thân yêu. Các anh chị rất thích và hẹn một hôm khác ăn buổi tiệc chia tay. Lại một lần nữa, tôi đem tiếng nhạc lời ca của quê hương đất nước đến những người Việt xa nhà.
***
Ông Christian Timmonier, tuỳ viên văn hoá Pháp, đến khách sạn Hoa Đô, mời tôi đến Trung tâm văn hoá Pháp, trước để nghe cậu Cheng, môn đệ của tôi, giới thiệu bằng tiếng Pháp, cây đàn Tỳ Bà và biểu diễn một số bài cổ điển, độc tấu Tỳ Bà cho nhân viên Đại sứ quán Pháp và một số quan khách ngoại quốc và Trung Quốc đến nghe. Sau đó, mời tôi đến dự tiệc chiêu đãi các đại biểu Pháp đến dự Hội nghị âm nhạc Châu Á tại Bắc Kinh. Tuy tôi là người Việt lại do Unesco gởi sang Bắc Kinh, nhưng tôi cũng được mời.
Trung tâm Văn hóa Pháp là một biệt thự rộng rãi, trong một hoa viên xinh xắn. Vừa bước vào, tôi đã hết nghe nói tiếng Trung Quốc mà chỉ nghe nói tiếng Pháp. Một bà Pháp mang kính trắng, vừa thấy tôi vào, đi mau đến nghiêng đầu, lại chào tôi bằng tiếng Việt :
“Kính chào Giáo sư ! Tôi đã gặp Giáo sư một lần rồi, nhưng từ lâu, chưa có dịp gặp lại. Cũng từ lâu rồi, tôi không có dịp nói tiếng Việt Nam, đã quên rất nhiều, nhưng hôm nay, vì muốn tỏ lòng kính trọng Giáo sư, tôi xin chào Giáo sư bằng tiếng Việt Nam”
Trong một cơ quan thuộc Đại sứ quán Pháp, trên lãnh thổ Trung Quốc, lại được người Pháp chào bằng tiếng Việt, bạn thấy có lạ không ? Tôi trả lời :
“Thưa bà, bà nói tiếng Việt rất đúng, phát âm rất rõ. Tôi rất xúc động khi thấy bà, vì quí trọng con người và tiếng nói của Việt Nam, đã chào tôi bằng tiếng Việt Nam, trong khi tôi là khách, nhập gia tùy tục, nơi đây, tôi phải nói tiếng Pháp mới phải. Thưa bà, bà học tiếng Việt tại Pháp hay tại Việt Nam ?”
“Phần lớn tại Việt Nam. Vợ chồng tôi trước kia đã trong nhiều năm, làm việc cho Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội. Chúng tôi học tiếng Việt trong thời kỳ ấy”.
Anh Tùy viên văn hóa cho tôi biết bà vừa nói chuyện với tôi là bà Girard. Bà chuyên về khảo cổ. Ông Girard hiện là Cố vấn Đại sứ quán Pháp tại Bắc Kinh.
Buổi hòa nhạc xong, ông Tùy viên văn hóa mời một số bạn đến dự tiệc chiêu đãi đại biểu Pháp dự Hội nghị Bắc Kinh.
Sau buổi ăn tối, có phần văn nghệ, anh Alain Desjacques, cũng là một môn đệ của tôi, hiện đang soạn Luận án Tiến sĩ về nhạc Mông Cổ, hôm nay giới thiệu một nhạc sĩ Nội Mông đến đàn Mã đầu cầm và hát trường ca. Ai cũng trầm trồ và hỏi tại sao đầu cây đàn này lại chạm hình đầu ngựa. Anh nhạc sĩ có lẽ muốn trả lời cho qua nên nói : “Con ngựa có liên quan mật thiết đến đời sống hằng ngày của dân tộc Mông Cổ, là người bạn của chúng tôi trên đường xa, và trong những cuộc đua thi tài ! Anh Alain Desjacques nói có nhiều truyền thuyết về nguồn gốc cây đàn này, nhưng kể lại sợ mất thì giờ.
Tôi lại nghĩ khác. Nếu biết qua một trong những truyền thuyết có lẽ nhạc sẽ thú vị hơn, nên tôi tình nguyện tóm tắt một truyền thuyết về cây Mã đầu cầm của Mông Cổ (Truyền thuyết này, tôi đã thuật rõ ràng trong một bài đăng trong Bách khoa cách đây vài chục năm dưới bút tự Trần Nguyễn Anh Ca, Trần là họ của tôi, Nguyễn là họ của một người bạn rất thân, anh Nguyễn Hữu Ngư, Anh là chữ N, đứng đầu chữ Ngư, Ca là chữ K đứng đầu tên tôi). Mọi người đều tán thành. Tôi bắt đầu kể chuyện :
Thửa xa xưa, mỗi buổi chiều, 28 vì sao trên trời cưỡi ngựa xuống hạ giới ngao du. Chỉ phải trở về thượng giới trước lúc vừng ô ló dạng, 28 vì sao khi đến hạ giới, biến thành 28 tướng, kim giáp kim bào. Tướng cầm đầu các vì sao, có con thiên lý mã, một nháy mắt chạy xa ngàn dặm, nên chàng xuống trần sớm hơn các vì sao khác. Và khi mọi người chuẩn bị về trời chàng còn có thể nấn ná lại phàm trần đến hừng đông. Nhờ đó, chàng mới có thì giờ gặp một người thôn nữ để trao đá đổi vàng.
Một hôm thiếu nữ hỏi chàng : “Chàng từ đâu đến đây mà cứ hoàng hôn chàng xuất hiện và hừng đông chàng vội vã trở về ?”
- “Ta từ trên trời xuống đây. Và sáng ta phải trở về trời.”
Nàng bán tín bán nghi, nên hôm sau, nàng thắng sẵn một con tuấn mã. Khi chàng lên yên, nàng cũng giục ngựa đuổi theo. Nhưng ngựa của nàng, dầu là tuấn mã, chạy sao bằng thiên lý mã của người yêu. Trong nháy mắt, chàng đã đi xa ngàn dặm.
Đêm sau, thừa lúc chàng đang say giấc nồng, nàng lén ra tìm xem thiên lý mã có khác chi ngựa thường mà chạy quá mau. “Thảo nào mi chạy mau ?”. Nàng vừa thấy sau mỗi chân ngựa có cặp cánh nhỏ. Muốn giữ người yêu lại với nàng, nàng không nghĩ xa, lấy dao cắt 4 cặp cánh nhỏ. Trở vào lều, nàng tin rằng người yêu của mình không thể về trời và sẽ ở mãi với nàng.
Sáng hôm sau, chàng thức dậy như thường lệ, và “trước lúc ven trời thoa son thắm”, chàng lên ngựa về trời. Nhưng ngựa đâu còn cánh thần ! Thiên lý mã đã mất phép vượt ngàn dặm trong nháy mắt. Thấy ngựa quí của mình hết sức cố gắng mà không gian không thâu ngắn như thường ngày, chàng nói với Thiên lý mã : “Cố chạy mau hơn nữa, thần mã ơi ! Bình minh sắp tới ! Mặt trời sắp mọc, mà đường về còn xa ! Cố gắng chạy mau hơn nữa !”. Làm sao chạy mau hơn nữa ? Thiên mã gần kiệt sức rồi.
Một tia nắng sớm xuyên qua mây, chói xuống trần gian. Người và ngựa rơi trên một bãi sa mạc. Thiên mã trút hơi thở cuối cùng. Chàng ôm đầu Thiên mã. Thôi rồi ! Đường về thượng giới đã bị cắt đứt. Người thiếu nữ xinh đẹp, nhưng đã gây ra thảm họa, giờ này, nàng ở nơi nao ? “Thiên mã ôi ! Vì ta mà ngươi phải bỏ mạng. Và trên trần thế ta sẽ làm gì ?” Chàng ôm đầu ngựa quí mà khóc. Khi nước mắt chàng rơi trên đầu thiên mã, ngựa biến thành đàn, đầu ngựa thành đầu đàn, đuôi ngựa thành dây đàn. Lấy đuôi làm cung đàn, chàng ôm đàn kéo ra những âm thanh não nùng giúp chàng khóc than cho số phận. Chàng đi từ vùng này đến vùng nọ, để đàn than thở thay cho mình và khi chàng cất tiếng ca, cũng không thể diễn tả niềm vui đã chết trong lòng chàng. Vì vậy, đàn Mã đầu cầm mà người Mông Cổ gọi là “marinkhui” thường dùng để phụ họa cho những trường ca buồn thảm !
Mọi người đều thích thú : “Giáo sư đưa chúng tôi vào thế giới huyền thoại”
Tiếng đàn Mã đầu cầm cất lên. Bản trường ca Mông Cổ làm mọi người nhớ lại tích xưa. Ai cũng bàng hoàng khi lời ca chấm dứt.
Bà Girard đến hỏi tôi : “Thưa Giáo sư, chẳng biết tôi có làm phiền Giáo sư khi tôi yêu cầu Giáo sư ngâm Kiều không ?”
- “Thưa không. Thưa bà còn nhớ truyện Kiều?”
- “Khi vợ chồng tôi công tác ở Việt Nam, mỗi ngày, chúng tôi học vài câu Kiều. Chúng tôi chép những câu muốn học trên một tờ giấy, treo trong nhà, ra vào đều đọc đi đọc lại cho nhớ. Nay tôi quên khá nhiều, nhưng còn nhớ độ trăm câu”.
- “Thưa bà thích nghe đoạn nào cho tôi biết. Nếu tôi thuộc đoạn ấy, tôi sẽ ngâm cho bà nghe”.
- “Nếu có thể, xin Giáo sư ngâm cho tôi nghe đoạn Kiều ở lầu Ngưng Bích, đoạn Buồn trông cửa bể chiều hôm
- “Vâng”.
Hôm ấy, tôi ngâm thơ không có đàn phụ họa. Nhưng có lẽ tôi xúc động nên từ Sa mạc, tôi chuyển qua Bồng mạc, chính tôi nghe mà cũng thấy trong dạ bồi hồi.
“Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu !
Mắt bà Girard long lanh ngấn lệ. Mà giọng ngâm của tôi cũng rung rung vì xúc động.
Trong góc, một thiếu phụ, người Châu Á, chồng cũng là nhân viên Đại sứ quán Pháp, có nét mặt buồn buồn. Cô đến chào tôi. Tôi không dám nghĩ là người Việt, vì ở tại Bắc Kinh làm gì có người Việt ngoài sứ quán ? Thế mà lại người Việt mới lạ. Lại người Việt nói tiếng Việt với giọng Miền Nam ! :
- “Bác ngâm Kiều làm cháu nhớ nhà quá. Bác ở Paris Bác có biết Đại sứ Hà Văn Lâu không ?”
- “Biết nhiều lắm. Tôi có gặp Đại sứ Hà Văn Lâu nhiều lần”.
- “Cháu gọi Đại sứ bằng cậu. Tên cháu là Bích Hồng”.
Ai ngờ ! Đến xứ lạ, gặp người đồng hương và trên lãnh thổ của Trung Quốc, nhạc Việt đã làm xúc động người ngâm thơ và người nghe trong Đại sứ quán Pháp, và người Việt có chồng Pháp xa quê lâu rồi, mà vẫn còn xúc động khi nghe ngâm lại những câu thơ trong truyện Kiều.

Trần Văn Khê