Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

GS-TS Trần Văn Khê đưa âm nhạc truyền thống vào giới trẻ

GS-TS Trần Văn Khê đưa âm nhạc truyền thống vào giới trẻ

Với mong muốn giới trẻ được tiếp cận những loại hình âm nhạc dân tộc độc đáo, GS-TS Trần Văn Khê đã tổ chức nhiều đêm sinh hoạt nghệ thuật tại nhà riêng của mình (đường Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh, TPHCM). Sau gần 3 năm thực hiện, chương trình sinh hoạt nghệ thuật lần thứ 11 với chủ đề “Âm nhạc truyền thống - Phát triển mà không ngoại lai”, vừa diễn ra vào tối 1-8, với hơn 100 bạn trẻ tham dự. Có tham dự những chương trình này, mới thấy hết tâm huyết của ông với âm nhạc dân tộc.
GS-TS Trần Văn Khê giao lưu cùng bạn trẻ đêm 1-8

Để âm nhạc truyền thống không ngoại lai

Việt Nam bước vào thế kỷ 21 với xu thế “toàn cầu hóa”, “hội nhập”, có hay không việc những giá trị văn hóa - âm nhạc truyền thống sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí sẽ biến mất trong nền kinh tế thị trường? Buổi sinh hoạt chủ đề “Âm nhạc truyền thống - Phát triển mà không ngoại lai”, GS-TS Trần Văn Khê đã khẳng định một điều: những nét tinh túy được các thế hệ cha ông ta chắt lọc, gìn giữ từ bao năm qua mãi vẫn trường tồn. Có những loại nhạc có lúc rất được ưa chuộng, nhưng chỉ trong một giai đoạn rồi chìm vào quên lãng, như thời trang, đến rồi đi. 

Ông nói: “Trong hành trình âm nhạc Việt Nam, không ít thể loại âm nhạc có chiều sâu nghệ thuật, chịu thử thách của thời gian, chứng tỏ được giá trị, được chắt lọc và sáng tạo rồi lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nó trở thành âm nhạc truyền thống là vì vậy”.

Từ bài Dạ cổ hoài lang nhịp đôi ban đầu, theo thời gian đã được sáng tạo sang nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32, cho đến nay vẫn nguyên giá trị và được nhiều thế hệ yêu thích… Tuy nhiên, phát triển như thế nào để không phải vay mượn bừa bãi, để không ngoại lai là điều không đơn giản.

“Kho tàng âm nhạc Việt Nam có vô số những điều thú vị. Càng sống gần gũi với âm nhạc dân tộc, tôi càng khám phá ra rất nhiều điều tuyệt vời. Bạn chịu khó nghe kỹ một chút, sẽ nhận ra những động tác luyến láy, nhấn nhá hết sức tinh tế, có già có non, có trên có dưới… Điều này chỉ có ở âm nhạc truyền thống Việt Nam, không lẫn vào đâu được. Tôi nghĩ, các bạn trẻ chưa biết nhiều về âm nhạc truyền thống nên chưa yêu mến nó”, GS-TS Trần Văn Khê bộc bạch. 

Những chương trình sinh hoạt nghệ thuật này của ông không nằm ngoài tâm huyết muốn các bạn trẻ hiểu để yêu mến nhạc dân tộc. Đây không phải là chương trình giải trí phục vụ khán giả bình thường mà mang tính học thuật, với những bài học sinh động được giới thiệu có minh họa, phân tích, đánh giá, đúc kết và cả trao đổi, tranh luận dành cho những ai yêu thích âm nhạc dân tộc và văn hóa cổ truyền Việt Nam.

Có hiểu mới yêu thích
“Tôi nghĩ nhiều bạn trẻ hiện nay chưa hiểu hết về cái hay, cái độc đáo của trống Việt nên mới chạy theo trống điện tử, trống nhạc jazz ngoại lai”, giáo sư tâm tình. Sau khi được nghe giới thiệu về “phát triển Bồng”, biểu diễn “tiết tấu lý ngựa ô”,… nhiều bạn trẻ đã trầm trồ thích thú. 

Ngay sau chương trình, bạn Nguyễn Quốc Thắng, sinh viên Khoa Du lịch Trường ĐH Hùng Vương bày tỏ: “Tôi yêu thích âm nhạc truyền thống Việt Nam nhưng chỉ mới được xem vài chương trình của GS-TS Trần Văn Khê qua truyền hình. Hôm nay, lần đầu tiên được nghe tại nhà riêng của giáo sư một chương trình đặc biệt thế này, tôi thật sự thích thú. Tôi còn phải tìm hiểu nhiều về lĩnh vực này bởi nó rất hữu ích cho công việc của tôi”. 

Bạn Lê Xuân Trúc, vừa tốt nghiệp Khoa Quản trị kinh doanh ĐH Quốc gia TPHCM cho biết, Trúc được gia đình cho học piano, nhưng: “Tôi cảm thấy không hợp, học thì học cho biết thôi chứ không thích là mấy. Một lần tình cờ nghe tiếng đàn tranh, tự dưng tôi mê ngay. Hiện tôi theo học đàn tranh đã được 1 năm rồi, càng học càng thấy thích”.

Tuy tuổi cao, nhưng khi nói tới âm nhạc truyền thống, GS-TS Trần Văn Khê như người “trẻ mãi không già”. Ông nói, ông cảm động vì còn nhiều bạn trẻ yêu thích và tìm hiểu về âm nhạc dân tộc. “Thời gian qua, tôi có được mời giảng dạy tại Đại học Bình Dương. Điều làm tôi bất ngờ và cảm động là có rất đông sinh viên đăng ký tham dự các buổi nói chuyện về âm nhạc truyền thống, các bạn ấy thực sự muốn tìm hiểu về cội nguồn âm nhạc dân tộc”.
Ông tiếp: “Ở Pháp, tôi đã thực hiện được hoài bão và nguyện vọng là đem tiếng nhạc Việt Nam giới thiệu khắp năm châu bốn biển. Việt Nam là quê hương và là nơi tôi thừa hưởng di sản nghệ thuật âm nhạc dân tộc, “sự nghiệp tinh thần” tôi gìn giữ bấy lâu gồm những văn bản, hình ảnh, dĩa hát, băng từ, hiện vật liên quan, cùng những tư liệu… để bạn bè năm châu bốn biển hiểu về văn hóa, nghệ thuật dân tộc Việt. Càng nhiều bạn trẻ hiểu được điều này, tôi càng vui”.

Tái bản hồi ký GS-TS Trần Văn Khê theo hình thức mới
GS-TS Trần Văn Khê vừa ký hợp đồng với Công ty Sách Phương Nam tái bản bộ sách hồi ký nổi tiếng dài 4 tập của ông dưới dạng một cuốn duy nhất, để thuận tiện hơn trong việc đưa sách đến với độc giả.
Theo đại diện của Công ty Sách Phương Nam, bộ hồi ký 4 tập của vị giáo sư âm nhạc nổi tiếng được đơn vị này thực hiện cách đây nhiều năm, đến nay vẫn còn sức hút với độc giả.
Tuy nhiên do sách dày, in thành nhiều cuốn rời nên không thuận tiện cho người đọc, nhất là giới trẻ khi muốn tìm đến tác phẩm này. Giá thành của bộ sách rời cũng khá cao. Lần tái bản này, 4 cuốn sách được gom lại thành một cuốn, thông tin chắt lọc, đầy đủ và mang đậm phong cách kể chuyện hấp dẫn của GS-TS Trần Văn Khê.

Ngoài ra, GS-TS Trần Văn Khê cũng ký hợp đồng cho phép Công ty Sách Phương Nam được khai thác, xuất bản toàn bộ các đầu sách liên quan đến những công trình biên khảo của ông.

MINH AN
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)

2 CommentsChronological   Reverse   Threaded
 
Add a Comment
   
trantruongca wrote on Aug 7, '09, edited on Aug 7, '09
Ba rất vui đọc comment của con.
Ba rất hảnh diện về những chuyện con đang làm trên thế giới nhứt là Hội thảo Nara. Thương chúc con khỏe mạnh và tiếp tục công việc con đang và sẽ làm.
Ba vui lắm.
Thương con nhiều. Hôn con nhiều
Ba của con
TVK
 
tranquanghai wrote on Aug 7, '09
Kính thưa Ba,
Bài này có đăng trên blog của con cách đây vài hôm rồi .
Chúc Ba có thêm nhiều thành công .
Con đang ở Nara (Nhật) dự hội thảo về danh sách văn hóa phi vật thể mà con là special speaker. Được tổ chức tại Nara , thành phố cổ kính và tối thứ bảy có chương trình giới thiệu 3 Unesco masterpieces của năm 2005 là : azerbaijani mugam, Chinese local opera, và Japanese No theater. Sau đó con sẽ đi Tokyo trình diễn đàn môi và hát đồng song thanh với vài nhạc sĩ Nhựt cho khán giả Nhựt vì VN không thích loại nhạc này .
Hun Ba nhiều
Con
Tran Quang Hai

1 nhận xét:

  1. Kính thưa những vị GIÁO SƯ - TIẾN SĨ đáng kính .
    Là người công dân của đất nước Việt Nam , em cũng muốn góp phần gìn giữ nền âm nhạc cổ truyền của dân tộc Việt Nam và cũng đang khao khát ,ao ước sao được UNESCO công nhận ĐCTTCL của VIỆT NAM là DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ .
    Xin kính chúc QÚI GIÁO SƯ thành công và sức khỏe dồi dào.Chúc năm mới an khang ,thịnh vượng.

    Trả lờiXóa