Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

GS-TS Trần Văn Khê nói chuyện về âm nhạc dân tộc truyền thống: Phát triển mà không "ngoại lai"

GS-TS Trần Văn Khê nói chuyện về âm nhạc dân tộc truyền thống: Phát triển mà không "ngoại lai"

Dù đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm” nhưng GS-TS Trần Văn Khê đã bỏ qua tất cả những trở ngại về tuổi tác, sức khỏe để đến với Quảng Nam, nói chuyện âm nhạc dân tộc. Thính giả đã được nghe GS Trần nói về những đặc thù của âm nhạc kịch nghệ truyền thống Việt Nam một cách say sưa, thích thú.
alt
GS-TS Trần Văn Khê đi lại bằng xe lăn nhưng vẫn nhận lời đến với Quảng Nam nói chuyện âm nhạc dân tộc. 

Người “trẻ mãi không già” cùng âm nhạc dân tộc

Nói đến âm nhạc dân tộc thì  GS-TS Trần Văn Khê như người “trẻ mãi không già”, dù ngồi trên xe lăn nhưng GS vẫn không quản ngại khó khăn khi nhận được lời mời của Ban tổ chức lễ hội “Những ngày giao lưu văn hóa Việt - Nhật” tại Hội An. Hơn nửa thế kỷ sống ở Pháp cũng như suốt cả chặng đường đi qua, ông đã thực hiện hoài bão lớn nhất cuộc đời là đưa âm nhạc dân tộc Việt Nam ra khắp năm châu bốn biển, để bạn bè khắp thế giới biết đến nhạc dân tộc Việt Nam. Nhờ sự phổ biến không mệt mỏi của GS Trần Văn Khê mà thế giới đã biết đến âm nhạc Việt Nam nhiều hơn, sâu sắc hơn và yêu thích âm nhạc dân tộc Việt Nam. Về lại quê nhà định cư, ông tiếp tục giới thiệu, truyền bá sâu rộng hơn về âm nhạc, kịch nghệ truyền thống với một mong ước là người Việt Nam thì ai cũng phải biết âm nhạc dân tộc Việt Nam, bảo tồn, kế thừa và phát triển nó nhưng không làm “ngoại lai”, không làm mất đi bản sắc vốn có của âm nhạc dân tộc.

Chín giờ sáng, buổi nói chuyện của GS-TS Trần Văn Khê mới bắt đầu, nhưng trước đó, tại gian Đạo Nhà của không gian văn hóa Việt ở vườn tượng An Hội, thính giả gồm cả người địa phương và du khách thập phương đều đã đến đợi. Điều đáng mừng là trong số thính giả đến nghe cuộc trò chuyện hôm ấy, có rất đông người trẻ tuổi. GS Trần Văn Khê xuất hiện trên một chiếc xe lăn, muốn lên được gian Đạo Nhà phải có người đỡ lên, thế nhưng khi GS cất tiếng nói về âm nhạc dân tộc thì thính giả không còn thấy tuổi già hiện hữu nữa. Tuy 89 tuổi nhưng mọi vấn đề để nói đều “ở trong đầu tôi” như GS đã nói, ông không cần bất cứ một tài liệu nào giống như tất cả những buổi nói chuyện mà GS đã từng tham gia. Quả đúng như vậy, những kiến thức uyên thâm của một con người suốt đời sống vì âm nhạc dân tộc được ông hùng biện một cách tài tình, khiến cho người nghe chưa từng hiểu về âm nhạc dân tộc cũng say mê, nghe để rồi hiểu rằng âm nhạc dân tộc hay biết chừng nào.

GS vẫn còn đủ “sức trẻ” để minh họa bằng chính giọng của mình cùng với nghệ sĩ Hải Phượng đánh đàn. Hát tuồng, tùy theo sắc thái tình cảm mà có cách gào khác nhau: xưng tên thì dùng giọng mé, giọng ốc, ông già dùng giọng hầu, tướng gào giọng ngực, giận gào giọng gan, đau đớn gào giọng ruột… Cách cười trong tuồng cũng khác nhau, cười trung khác cười nịnh, cười dê hạ cấp khi chàng tiểu đồng gặp cô tỳ nữ thì cười như… con dê, cười dê thượng cấp khi tướng gặp tiểu thư thì cười như con gà trống muốn đập mái, như tiếng trống, cười dê mà khi say thì cười như con heo… Với kịch nghệ cũng có “sắc thái” khác nhau như vậy.

Nhạc truyền thống là tài sản quốc gia

Mở màn cho buổi nói chuyện, nghệ sĩ Đỗ Quyên ca bài “Dạ cổ hoài lang”. Nghe xong, GS  Trần Văn Khê đã phân tích từ bài “Dạ cổ hoài lang” ban đầu là nhịp đôi, nhưng theo thời gian, nó đã được phát triển lên nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32 và cho đến nay vẫn giữ nguyên giá trị, vẫn được nhiều người yêu thích. Sự phát triển ấy nhìn vậy nhưng không hề đơn giản, phát triển để bài hát hay hơn, mới hơn nhưng không được vay mượn bừa bãi, không ngoại lai. Ông khẳng định: “Trong quá trình hình thành và phát triển của âm nhạc dân tộc Việt Nam, không ít thể loại có chiều sâu và nghệ thuật, được cha ông chắt lọc những gì tinh túy nhất, gìn giữ qua bao thế hệ, được sáng tạo và lưu truyền, trở thành âm nhạc truyền thống và mãi trường tồn với thời gian. Âm nhạc dân tộc truyền thống chính là tài sản quốc gia, cần được gìn giữ và lưu truyền mãi mãi”. 

alt
GS-TS Trần Văn Khê nói chuyện âm nhạc dân tộc luôn có sự minh họa cụ thể của các nghệ sĩ. 

Buổi nói chuyện với những kiến thức quý giá được GS Trần Văn Khê giới thiệu có minh họa, phân tích cụ thể giúp thính giả có thể hiểu được từng nhạc cụ nhạc khí, từng ngôn ngữ âm nhạc và cả cách biểu diễn như thế nào đối với mỗi loại hình âm nhạc. “Trong âm nhạc truyền thống, nếu các bạn chịu khó nghe kỹ thì sẽ thấy mỗi loại hình có những động tác nhấn nhá, luyến láy hết sức tinh tế, có trên có dưới, có già có non, không lẫn đi đâu được vì điều này chỉ có âm nhạc truyền thống Việt Nam mới có”- GS nói. Hát chèo cũng như hát bội đều được đánh bằng chu kỳ 8 nhịp nhưng khác nhau vì nhịp hát bội là nhịp đa tiết, và cách luyến láy âm, dương, lệ, nhún, rúc, sa lầy… đều khác nhau, tạo nên đặc trưng của mỗi loại hình.

Ông đã giới thiệu các loại nhạc cụ nhạc khí gồm trống đồng, đàn bầu, đàn đáy, phách, đàn tranh. Với trống đồng Việt Nam, ngôi sao giữa mặt trống có nơi chế tác chia làm 12 nhánh, 14 nhánh hay 16 nhánh. Nhưng một điều khá đặc biệt chỉ có trên trống đồng ở Việt Nam mà theo sự nghiên cứu của GS là không hề có ở bất cứ trống đồng nào của các nước trên thế giới là ngôi sao 14 nhánh, vì con số 14 thể hiện sự quý trọng quá trình sinh sôi nảy nở của vạn vật, của con người. Trống đồng không chỉ là một nhạc cụ dùng để biểu diễn mà xưa nay nó được dùng như một vật thiêng để cầu mưa thuận gió hòa và biểu hiện quyền lực. Đàn bầu Việt Nam tuy có một dây nhưng nó có thể vút cao hoặc trầm lặng, nũng nịu như cô gái cũng được mà khó chịu như ông già cũng được. Cũng chỉ có ở Việt Nam, có loại nhạc cụ có thể phê phán, khen chê, giáo dục, khích lệ cả người nghệ nhân và người nghe khi bài hát hay hoặc dở. Đó chính là cái phách trong hát ca trù, người cầm chầu dùng phách gõ những tiếng đặc trưng để tham gia giáo dục, phách đánh nhịp mà như không có nhịp. Với đàn tranh có từ thế kỷ XIII, tuy hình dáng giống đàn tranh Trung Quốc nhưng cách lên dây, cách đàn, cách nhấn có sự khác biệt làm cho thang âm quyến thành ra điệu thức và nói lên được tình cảm của bài hát, của người hát. Tùy theo cách luyến láy khác nhau mà tạo ra tình cảm vui, buồn, giận dữ hay thanh thản, bình yên. Trong cách nói, cách cười, từ ngữ âm đến ngữ khí, ánh mắt, điệu bộ mà nói lên tính cách mỗi con người khác nhau, đó chính là đặc thù của kịch nghệ Việt Nam.

Buổi nói chuyện về âm nhạc dân tộc của GS-TS Trần Văn Khê đã để lại những ấn tượng sâu đậm đối với đông đảo khán thính giả. Và qua buổi nói chuyện của ông, mọi người nhận ra rằng nền âm nhạc dân tộc Việt Nam hết sức độc đáo, cần phải gìn giữ như báu vật của cha ông truyền lại.

Diễm Lệ (theo báo Quảng Nam)
 
Add a Comment
   
trantruongca wrote on Sep 5, '09
Ba rat vui khi biet con da doc nhung bai Ba viet hay nguoi khac viet ve Ba.
Hon con nhieu ! Cam on con
Ba cua con
TVK
 
tranquanghai wrote on Sep 5, '09
Buổi nói chuyện của Ba lúc nào cũng thu hút người nghe từ lúc ở Pháp cho tới lúc về VN .
Thương chúc Ba có nhiều sức khỏe để tiếp tục truyền bá sự hiểu biết về âm nhạc cho giới trẻ.
Hun Ba Ba nhiều
TQH
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét