BẢO TỒN & PHÁT HUY VĂN HOÁ CỒNG CHIÊNG TÂY NGUYÊN
Trọng tâm của cuộc hội thảo là tìm những biện pháp cụ thể để bảo tồn có hiệu quả không gian văn hoá Cồng Chiêng Tây Nguyên và nghĩ tới việc phát huy văn hoá đó mà không bị rơi vào lãnh vực ngoại lai. Trong cuộc hội thảo này có hơn năm, sáu chục bài tham luận; 18 bài do khách quốc tế mang đến nhưng thời gian dành cho cuộc hội thảo chỉ có 2 buổi, cộng lại không hơn 7 giờ đồng hồ. Vì thế nên Ban tổ chức chia ra làm 4 chuyên đề, mỗi chuyên đề có một người đọc trước từ 18 đến 20 bài rồi tóm tắt những ý chánh, thuyết trình từ 40 phút đến 1 giờ. Ngoài ra còn để lại 15 – 20 phút cho những người có bài tham luận mà ý chánh của mình chưa được nêu lên rõ rệt. Sau khi nghe một số bài tham luận, đến giờ chót trước khi bế mạc, tôi được Ban tổ chức mời góp ý kiến và sau đây là những điều tôi muốn nhắn nhủ với chánh quyền, nghệ nhân, nghệ sĩ, các nhà chuyên môn, các đoàn thể thanh niên về những gì phải nên làm và những điểm cần phải tránh:
I. Bảo tồn không gian văn hoá Cồng Chiêng:
Để thấy rõ vấn đề này, tôi đặt ra 4 câu hỏi và trả lời ngắn gọn nhưng đầy đủ:
1. Bảo tồn cái gì?
Theo tôi thấy từ 4 năm nay, những người có trách nhiệm thực hiện chương trình bảo tồn và phát huy đã đặt trọng tâm vào việc bảo tồn những dàn cồng, có thâu thập được nhiều kết quả tốt như: Cồng Chiêng không còn bị “chảy máu” như ngày xưa, du khách không thể đến mua Cồng Chiêng quý đem về làm quà lưu niệm, chánh quyền đã không cho phép buôn bán Cồng Chiêng thong thả mà đã cho sưu tầm những Cồng Chiêng tốt, quý, giữ gìn lại và bảo quản rất kỹ. Về người chỉnh Cồng và đánh Cồng, có một số nghệ sĩ trẻ được truyền nghề và ngày nay có một số dàn Cồng mà nghệ sĩ toàn là những thanh niên. Nhưng đó chỉ là bảo tồn “những dàn Cồng” và cách biểu diễn Cồng Chiêng mà thôi.UNESCO đã tôn vinh “Không gian văn hoá Cồng Chiêng” là một kiệt tác Di sản truyền khẩu phi vật thể của nhân loại thì cái chúng ta phải bảo tồn không chỉ riêng những dàn Cồng Chiêng mà còn bao gồm cả không gian văn hóa Cồng Chiêng, trong đó có trang phục của người biểu diễn, các lễ hội dính liền với những cuộc biểu diễn và cả không gian hùng vĩ của núi rừng – là không gian cần thiết không thể tách rời với linh hồn Cồng Chiêng. Vì vậy, trong công việc bảo tồn, chúng ta phải quan tâm tới tất cả những yếu tố đó, không thể coi đó là những mảng phụ thuộc được.
Như y phục của nghệ sĩ, không thể đổi mới bằng cách tạo ra đồng phục biểu diễn cho tất cả những nghệ sĩ đánh Cồng, mà phải giữ nét đặc thù trong trang phục của mỗi dân tộc. Nếu muốn đổi mới thì có thể tạo hoa văn mới, màu sắc mới, nhưng cách dựng nên trang phục phải để cho mỗi dân tộc giữ chính bản sắc của mình. Các lễ hội mặc dầu có bị giản dị hóa theo nếp sống mới nhưng không thể bỏ hẳn, vì Cồng Chiêng mỗi lần đem ra dùng là để giúp thêm phần long trọng ở mỗi sinh hoạt trong đời sống con người Tây Nguyên. Ngoài ra, không gian núi rừng – “vùng đất linh thiêng” – nơi diễn ra những sinh hoạt của đời sống cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên – cũng là một yếu tố quan trọng trong việc bảo tồn “hồn cốt” của Cồng Chiêng. Âm nhạc Cồng Chiêng không thể tách rời “vùng đất linh thiêng” này để đưa lên biểu diễn trên sân khấu hay nhà hát, mà phải được hòa mình cùng gió núi đại ngàn, hòa nhịp cùng tiếng suối reo róc rách, hòa âm cùng cây cỏ chim muông… Có như vậy mới gọi là bảo tồn “không gian văn hóa Cồng Chiêng” một cách đích thực. Sau này tôi thấy không gian núi rừng Tây Nguyên dần thu hẹp lại, tệ nạn đốt phá rừng càng nhiều, cũng có những nơi vì lý do kinh tế mà cảnh quang rừng núi rậm rạp, uy nghi trước kia trở thành những vùng trồng trà, trồng cà phê để làm kế sanh nhai cho cuộc sống người dân. Nếu vì lý do kinh tế có thể để lại một vài nơi trồng trọt, nhưng cần thiết nhứt vẫn phải có những khu núi rừng còn nguyên vẹn để những sinh hoạt của người Tây Nguyên và tiếng Cồng Chiêng vẫn được tiếp tục duy trì theo nếp cũ ngày xưa.
2. Bảo tồn bằng cách nào?
Trước kia, khi sợ một bộ môn âm nhạc bị chìm vào quên lãng hay là người nghệ nhân tuổi già không còn sức biểu diễn, những chuyên gia ghi âm ghi hình để giữ lại nhưng phần nhiều để trong những ngăn tủ của bảo tàng viện, hay là những phòng lưu trữ tư liệu nghe – nhìn, và tư liệu đó sẽ chịu lớp bụi của thời gian. Công việc làm đó rất tốt, nhưng không phải chỉ ngừng lại đó mà cần phải phổ biến rộng rãi.
Riêng tôi, tôi chỉ muốn bảo vệ trong xã hội và trong lòng con người, tức là làm sao cho bộ môn âm nhạc đó còn chức năng trong xã hội, được biểu diễn cùng những lễ hội trong cộng đồng và nhứt là những nghệ nhân truyền lại những bài bản và phong cách biểu diễn cho đời sau mà không giấu nghề; tuổi trẻ phải hết lòng học hỏi, không phải chỉ biết đánh Cồng một cách máy móc mà phải hoà hợp với đời sống như khi đánh bài “Mừng lúa mới”, phải thông cảm với người nông dân, cám ơn công sức của những người ấy đã trồng ra cây lúa, cám ơn thiên nhiên đã cho mưa hoà gió thuận thì bản Cồng đánh mừng mới đầy đủ ý nghĩa. Vì thế, trước kia tôi cho rằng cách bảo vệ đầu tiên là tiêu cực, cách bảo vệ sau gọi là tích cực. Nhưng bây giờ, tôi cho rằng không phải chỉ bảo vệ trong hình thức, trong động tác cụ thể mà phải bảo vệ trong tinh thần. Và trong cuộc bảo tồn nên nghĩ đến việc bảo tồn vừa xác lẫn hồn, những phong cách đánh và tinh thần của diễn viên. Thí dụ như có nhiều diễn viên trẻ đánh Cồng rất đúng nhịp, cả thân hình và bước đi nhuần nhuyễn như những nghệ nhân rành nghề. Nhưng khi đánh bản Cồng “Mừng lúa mới” nếu mà các em lại nghĩ đến những trận đá bóng sắp tới, thì trong cặp mắt các em không thể hiện ra được lòng biết ơn nông dân cực khổ trồng lúa và cám ơn thiên nhiên đã cho mưa thuận gió hoà. Theo tôi, khi bảo tồn và trao nghề, thầy dạy học trò nên nhớ cẩn thận đến việc hướng dẫn thể hiện vừa hình thức vừa cả tâm linh của diễn viên.
3. Ai là người có phận sự phải bảo tồn?
Lẽ tất nhiên, công việc đó mọi người trong xã hội đều có phận sự để quan tâm đến việc giữ gìn và phát triển Cồng Chiêng. Nhưng chánh quyền không phải là người trong cộng đồng, không biết ý nghĩa sâu xa của nghệ thuật Cồng Chiêng thì có phận sự nhắc nhở khi thấy việc bảo tồn và phát huy không giữ được bản sắc dân tộc và rơi vào ngoại lai, cung cấp ngân quỹ để mua những dàn Cồng mới, để cho nghệ nhân có thể sống với nghề khỏi phải làm công việc khác, phải cấp học bổng cho những thanh niên nghèo mà muốn học đánh Cồng để giữ gìn nghệ thuật của tổ tiên để lại. Những chuyên gia có thể cố vấn hoặc cho nghệ nhân biết thêm về nghệ thuật Cồng Chiêng của ta và của người, để cho những nghệ nhân, nghệ sĩ người dân tộc đích thân phải chịu trách nhiệm về việc bảo tồn và phát huy, khỏi đi vào con đường sai lầm. Người có phận sự bảo tồn và phát huy phải là những già làng biết rõ phong tục từ xa xưa, cách biểu diễn đúng lề lối và những nghệ nhân trẻ nặng lòng với cộng đồng, có lòng học hỏi và tiếp tục giữ gìn vốn cổ cha ông để lại. Tốt nhứt là các chuyên gia nên đào tạo cho người thanh niên dân tộc có một cái nhìn rộng rãi để khỏi đề nghị những phương pháp phát huy ngoại lai.
4. Bao giờ phải bảo tồn?
Ngay từ bây giờ và mãi về sau công việc này đều cần phải luôn luôn được tiếp tục.
II. Phát huy nghệ thuật Cồng Chiêng:
Một truyền thống không phải bất di bất dịch mà có thể thay đổi theo niên đại, nếp sống và quan điểm thẩm mỹ của dân tộc trong cộng đồng, nhưng hướng phát huy phải từ bên trong đi ra chớ không phải từ bên ngoài vay mượn bừa bãi những yếu tố của văn hoá nghệ thuật các nước Âu Mỹ. Thí dụ như trong 20 năm vừa qua, có những nghệ sĩ trẻ tuổi vì lòng tự ti mặc cảm và đầy tinh thần vọng ngoại đã đưa ra những phương pháp phát huy rất nguy hiểm như: chỉnh cồng lại theo thang âm bình quân, như vậy sẽ phá tan đặc thù của thang âm điệu thức dân tộc Tây Nguyên và Cồng Chiêng. Nếu chỉnh âm như thế không còn phù hợp với thẩm mỹ của cộng đồng mà chỉ phù hợp với những người có học Tây và có óc vọng ngoại theo Tây. Không thể cho Cồng Chiêng Tây Nguyên cùng biểu diễn với các dàn nhạc nhẹ hay nhạc giao hưởng của phương Tây. Những loại nhạc đó không cùng một cấu trúc âm thanh, không cùng một quan điểm thẩm mỹ với người dân tộc trong các cộng đồng Tây Nguyên, như thế tức là đi ngược lại với quy luật khoa học giống như quy luật ghép cây hay ghép nội tạng. Nếu hai yếu tố không phù hợp thì sẽ có sự đào thải, biến chất hoặc cả hai yếu tố đều bị tiêu diệt.
III. Kết luận:
Trách nhiệm trong công việc bảo tồn và phát huy Cồng Chiêng Tây Nguyên là thuộc về tất cả người Việt trong mọi tầng lớp và mọi dân tộc. Nhưng sự quyết định bảo tồn và phát huy thế nào phải do những già làng, nghệ nhân lão thành, nghệ sĩ trẻ tuổi lành nghề đề xướng và thi hành. Bảo tồn không phải chỉ hình thức mà phải có nội dung, không phải chỉ cái xác mà phải có cái hồn, phát huy phải từ bên trong đi ra chớ không phải vay mượn từ bên ngoài. Và quan trọng nhứt là phải giữ vững đuợc bản sắc văn hoá dân tộc.
Bình Thạnh 29.11.2009
TRẦN VĂN KHÊ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét