THANH KHÍ TƯƠNG TẦM
(Phần 2)
* Khi viết bài này tôi không ngờ rằng buổi sáng trước khi gặp tôi GS Tô Vũ có gặp bà Quách Thị Hồ và có hỏi bà: “Hôm nay gặp GS Trần Văn Khê bà định hát bài gì cho ông ấy nghe?”. Thì bà Quách Thị Hồ đã trả lời: “Hôm nay tôi được mời tiếp khách, thì tôi đến đây pha trà hay hầu chuyện với khách, chớ hát thì tôi không hát. Ông ấy ở bên Tây về có biết gì Ca Trù đâu mà hát cho ông ấy nghe”.
Đến chiều, GS Tô Vũ gặp lại bà và hỏi: “Lúc sáng bà bảo không hát gì cho ông ấy nghe, tại sao từ sáng đến chiều bà hát hết bài nọ đến bài kia, lại còn tâm tình với ông về cuộc đời của bà?”. Bà trả lời:“Ông ấy từ bên Tây về mà ‘ta hơn cả ta’, trong khi tại nước mình có nhiều ‘ông ta’ mà ‘tây hơn cả tây’.”
GS Tô Vũ mới cho tôi biết việc ấy cách đây vài năm, tôi vô cùng xúc động, vì chỉ sau một giờ trao đổi, cụ Quách Thị Hồ đã nhận ra rằng tôi đã đọc nhiều bài viết về Ca Trù, đã nghe nhiều làn điệu Ca Trù qua các dĩa hát và tôi thật tâm muốn tìm hiểu cổ nhạc truyền thống Việt Nam, nên cụ đã “rút ruột tằm” để đãi “bạn tri âm”. Tôi dám dùng từ “tri âm” vì gần đây, con gái của bà là Nguyễn Tường Lân, đã viết một bức thư cho tôi, ngày 15-06-2007, trong đó có câu:
“Sinh thời mẹ cháu thường nói với mọi người, kể cả phát biểu trước cơ quan truyền thông Đài tiếng nói Việt Nam: Cám ơn Giáo sư Trần Văn Khê, nếu không có ông, quốc tế sẽ không biết Việt Nam có Ca Trù”.
Mẹ cháu nói với chúng cháu:
“Mẹ có quá nhiều thiệt thòi, song đổi lại, cuối đời đã gặp được tri âm. Cổ nhân có câu “Ngàn vàng dễ kiếm, tri âm tri kỷ khó tìm”, nay gặp được tri âm, thế là thoả nguyện, còn sau đây được gì nữa cũng càng hay, còn không mẹ vẫn là mẹ chẳng thay đổi gì”. Thưa Giáo sư! Lòng kính trọng của mẹ cháu đối với Giáo sư cháu không thể diễn tả được, nhưng cháu nghĩ Giáo Sư hiểu như Chung Tử Kỳ hiểu khi nghe đàn Bá Nha”.
Sau năm 1976 là năm chúng tôi ghi âm những bài Ca Trù do bà Quách Thị Hồ và bà Nguyễn Thị Phúc biểu diễn. Hai bà đối với tôi có một tình cảm đặc biệt. Riêng bà Quách Thị Hồ, mỗi năm đi điền dã tại Việt Nam, tôi cố gắng gặp bà ít nhất là một lần. Có những buổi giới thiệu Ca Trù cho Tổng lãnh sự Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh, bà có tới minh hoạ. Tôi cũng thường khi đến thăm bà tại tư gia và cuộc gặp gỡ lần chót đã gây một ấn tượng khó phai trong lòng tôi.
Bà Quách Thị Hồ – Bà Nguyễn Thị Phúc (1952)
(Ảnh do cháu Nguyễn Tường Lân gởi tặng tôi)
Bà Quách Thị Hồ cùng 2 cháu gọi bằng Dì ruột
(Ảnh do cháu Nguyễn Tường Lân gởi tặng)
Năm 2001, tuy bà đã được ngoài 90, nhưng các bạn yêu Ca Trù và học trò của bà muốn tổ chức lễ sinh nhật của bà (90 tuổi) chung với lễ sinh nhật của tôi (80 tuổi) cùng trong một ngày, nên đã sắp đặt một buổi họp để những người thân thuộc của bà đến chung vui, kỷ niệm sự gặp gỡ giữa một chuyên gia nghiên cứu âm nhạc và một nghệ sĩ tài danh của Việt Nam.
Cụ bà lúc đó không còn ngồi được nữa, thường thì nằm cả ngày, gầy còn da bọc xương. Hôm đó, các học trò chải tóc, vấn khăn, cho bà mặc áo lụa và từ lúc 15g00’ đỡ bà ngồi dựa vào tường, có môn sinh ngồi hai bên. Ngõ vào nhà bà rất hẹp, xe tắc-xi không vào được, ban tổ chức đã sắp đặt một chiếc xe xích-lô để đưa tôi tới cửa nhà.
Mọi người họp đông đủ. Khi tôi bước vào, các môn sinh hỏi:“Thưa cụ, cụ có biết ai đây không?”. Bà liếc mắt nhìn về phía cửa, tôi bước vào, chạy lại nắm hai tay bà, tôi hỏi: “Cụ còn nhớ tôi không?”. Thay vì trả lời bằng tiếng nhớ hay không, hoặc nói tên tôi, bà lại cất tiếng ngâm 3 câu thơ của cụ Trúc Hiền đặt tặng tôi, từ năm 1976 bà đã có dịp ngâm:
Vô duyên đâu dễ chăng là
Hữu duyên nên khiến dù xa hoá gần…
Bà xiết chặt tay tôi, nhìn thẳng vào mắt tôi, ngâm câu thứ ba:
Đẹp lòng gặp lại cố nhân!
Và gọi thêm 3 tiếng: Cố nhân ơi! Cố nhân ơi! Cố nhân ơi!
Tôi không cầm được nước mắt, cụ Quách Thị Hồ cũng không ngăn được giọt lệ. Chúng tôi không nói được câu gì, trong sự im lặng đó bao nhiêu kỷ niệm từ mấy chục năm nay như hiện ra trước mắt chúng tôi. Mọi người cũng im lặng, xúc động. Hôm đó rất may là truyền hình Hà Nội, Viện nghiên cứu âm nhạc, cháu Tươi (trợ lý của tôi) đều có quay phim ghi lại giây phút tuyệt vời này. Lần đó, cũng là lần cuối cùng tôi gặp cụ Quách Thị Hồ trước khi cụ vĩnh viễn ra đi.
Đám tang của Bà Quách Thị Hồ 1909 – 2001
(Ảnh của cháu Nguyễn Tường Lân gởi tặng)
Bình Thạnh, ngày 17-09-2008
Trần Văn Khê
trung06kien wrote on Mar 31, '09
Cháu güỉ bác Khê links này http://vinhnq.vnweblogs.com/post/9150/142093
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét